Bước ngoặt ấy bắt đầu từ năm 1959. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Hưng Yên, với thành tích học tập tốt, ông được Nhà nước cử sang trường Đại học Đồng Tế (Trung Quốc) học chuyên ngành Cầu – Đường. Dù không được học theo chuyên ngành mà mình yêu thích nhưng ông vẫn vui vẻ chấp hành và sự nghiệp của ông từ đây gắn liền với ngành Cầu – Đường.
GS.TS Vũ Đình Phụng trong buổi làm việc với cán bộ Trung tâm
Cuối năm 1966, Vũ Đình Phụng tốt nghiệp chuyên ngành Cầu – Đường tại trường Đại học Đồng Tế trở về nước và được phân công công tác tại Bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Cảm giác hồi hộp xen lẫn lo âu khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng, rồi ký ức về lần đưa nhóm sinh viên khóa 8, trường Đại học Bách khoa đi thực tập tại Thanh Hóa cho đến nay ông vẫn chưa quên. Trong 3 tháng thực tập, với vai trò là Phó đoàn, ông và sinh viên có nhiệm vụ giúp đỡ bộ đội mở rộng tuyến đường 1B qua huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để tạo thuận lợi cho các đơn vị bộ đội đưa tên lửa vào chiến trường. Một thời gian khổ, ác liệt ùa về làm ông nhớ lại thời hào hùng và đầy sôi nổi, vượt lên cái đói, cái rét, ngay cả cái chết luôn rình rập nhưng với ý chí và tinh thần của tuổi trẻ, ông cùng đồng nghiệp và học trò đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gần 50 năm trong nghề giảng dạy và với vai trò thiết kế, tư vấn giám sát, GS.TS Vũ Đình Phụng để lại nhiều công trình đã đi vào thực tiễn như: Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng và sửa chữa đường sân bay; Quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông vận tải tỉnh Thái Bình; Các giải pháp kỹ thuật kết hợp giữa đê biển và đường giao thông, chống lại sự biến đổi của khí hậu…
Năm nay, đã ở tuổi 74 nhưng GS.TS Vũ Đình Phụng vẫn hết lòng vì sự nghiệp giảng dạy và rất tâm huyết với những công trình nghiên cứu khoa học khi ông tiếp tục tham gia giảng dạy, phụ trách Trưởng Bộ môn Công trình giao thông, Đại học Thủy lợi Hà Nội.
Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.