Còn trẻ tuổi nhưng Kiều Mai Sơn đã để nhiều tâm huyết nghiên cứu lớp trí thức thời kỳ những năm 40 thế kỷ XX, đặc biệt là nhóm trí thức theo Bác Hồ về nước năm 1946 như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân… Một số bài báo của anh được giới nghiên cứu đánh giá cao. Trên tinh thần bạn bè, đồng nghiệp, anh Kiều Mai Sơn đã trao đổi cởi mở với các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm những kinh nghiệm, suy nghĩ cũng như trăn trở của bản thân đối với công việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhân vật, nhất là các nhà khoa học.
"Thường xuyên lui tới các cửa hàng sách cũ cũng là một cách sưu tầm có hiệu quả",
Kiều Mai Sơn đã chia sẻ như vậy trong buổi giao lưu
Theo Kiều Mai Sơn, khó khăn chung mà các cán bộ nghiên cứu trẻ thường gặp phải là làm sao tiếp cận được nguồn tư liệu để lấy thông tin, đặc biệt là những nhà khoa học đã mất. Vì vậy, thông qua người thân nhà khoa học là một cách làm hay, tuy nhiên cần phải kiên trì bởi không phải thân nhân nhà khoa học nào cũng sẵn lòng tin tưởng và trao cho mình những tư liệu quý. Đối tượng tiếp cận tiếp theo là những người cùng thời của các nhân vật mình đang nghiên cứu có thể cũng không còn nữa, nên chúng ta cần tìm hiểu thông tin qua học trò, lớp người sau, bạn bè,… hoặc có thể thông qua sự giúp đỡ của những người có uy tín với họ.
Ngoài ra, Kiều Mai Sơn cũng gợi ý một số cách tìm tài liệu khá độc đáo mà hiệu quả như việc nên có thói quen sưu tầm sách cũ và thường xuyên lui tới ở các cửa hàng sách cũ. Chẳng hạn vừa qua anh đã tìm mua được một tài liệu quý, ít người biết đến của GS Đào Duy Anh viết về chế độ Lang Đạo ở người Mường, được viết tay in trên giấy giang, xuất bản năm 1950. Thói quen đó chỉ hình thành trên cơ sở bản thân có niềm đam mê thực sự.
Một vấn đề nữa cần đặt ra là các thông tin chúng ta thu thập được không nên chỉ từ một phía. Cần có các khâu thẩm định lại thông tin bằng cách kiểm tra chéo, hỏi thêm nhiều người khác, tìm hiểu thông tin qua sách báo, dựa vào bối cảnh lịch sử gắn với thời điểm đó, hỏi các chuyên gia,… Tất cả thông tin đều phải được đánh giá đầy đủ, có hệ thống. Quan trọng nhất là ý thức của người làm nghiên cứu, luôn biết nghi vấn, đặt câu hỏi, chỉ có như vậy những thông tin đưa ra mới mang tính xác thực, có giá trị.
Buổi giao lưu đã mang lại nhiều điều bổ ích đối với cán bộ Trung tâm cả trong công tác nghiên cứu sưu tầm cũng như việc thực hiện các bài viết nghiên cứu. “Nên tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề này bởi đây là điều rất quan trọng, cần phát huy thêm những buổi giao lưu như vậy nhằm trau dồi, phát triển các kỹ năng trong công việc”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phát biểu kết thúc buổi giao lưu.
Trình Sỹ Anh Dũng