Phó Giáo sư Lê Cung đã trở nên thân quen đối với biết bao thế hệ sinh viên của ông, đúng như những gì mà học trò ông đã viết: “Giáo sư Lê Cung” – như cách gọi thân mật và đầy kính trọng của nhiều người, cả khi Thầy chưa được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Học trò của Thầy, bất kể thế hệ nào, cương vị nào, mỗi khi tôi có dịp gặp gỡ, họ đều kể về Thầy với những kỷ niệm thật ấm áp và đều có chung niềm tự hào: Mình là học trò của GS. Lê Cung. Hạnh phúc thật giản dị mà không phải bất cứ ai làm nghề dạy học cũng dễ dàng có được. ‘Học trò của GS. Lê Cung’ – chỉ chừng ấy thôi đã làm cho chúng tôi, những đứa học trò cũ của Thầy dễ dàng trở nên gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, tâm sự sẻ chia những cảm nhận vui buồn,… dù chỉ mới lần đầu gặp mặt”[1]
1. Sử học là duyên phận
PGS. TS Lê Cung sinh ngày 27 tháng 5 năm 1952 tại làng Lệ Xuyên, tỉnh Quảng Trị. Lệ Xuyên, một làng có truyền thống hiếu học[2] ở Quảng Trị. Năm 1998, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị đã dựng một phóng sự với tiêu đề: “LÀNG ĐẠI HỌC”[3], nội dung đề cập đến truyền thống hiếu học của làng này. Phóng sự đạt Giải hai trong Cuộc thi liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1999, sau đó được Đài Truyền hình Trung ương VTV2 và Đài truyền hình nhiều địa phương trong cả nước phát sóng. Từ truyền thống hiếu học đó, ngay khi ông còn bé, cha mẹ ông từng ấp ủ làm sao con mình được học ‘năm ba chữ’. Điều này giải thích tại sao khi đất nước, quê hương còn nhiều khó khăn sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) thắng lợi, cha mẹ ông đã cho làng mượn ngôi nhà của mình để mời thầy mở lớp[4]. Và cậu bé Lê Cung bắt đầu đánh vần tại đây.
PGS. TS Lê Cung
Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, chăm chỉ trong học tập. Bạn bè ông kể lại: “Ngày chúng tôi cùng học lớp Tư, lớp Ba với nhau, cứ đến môn tập đọc, môn chính tả, hễ bài nào có nội dung khen ngợi sự chăm chỉ, ngoan ngoãn và thông minh trong học tập dành cho một cậu học trò nào đó thì Thầy tôi lấy tên Cung thay vào. Lúc đầu chúng tôi còn “ngờ ngợ”, nhưng dần dần cũng hiểu được ý nghĩa việc làm của Thầy tôi…”[5]. Một người bạn khác của ông cho biết: “Khi nhiều người trong lớp chúng tôi không thuộc bài, làm toán sai… Thầy bắt chúng tôi xếp thành một hàng, rồi bảo Cung (người luôn thuộc bài, làm toán đúng) đánh vào má chúng tôi. Cung chỉ đánh chúng tôi chiếu lệ, Thầy phạt Cung bằng một tát tai mạnh vào má, rồi bảo phải đánh như thế,… Tôi thầm nghĩ có lẽ thời thơ ấu, Thầy yêu cầu phải nghiêm túc kể cả khi phạt bạn mình; và phải chăng điều đó phần nào đã rèn luyện nên một phong cách riêng của Lê Cung về sau?”[6].
Đúng là “Trời phú cho ông tài năng thiên bẩm”, từ tiểu học cho đến trung học rồi lên đại học, kết quả học tập của ông bao giờ cũng xếp vị trí thứ nhất, thứ nhì lớp. Ông đỗ Tú tài ban B (Toán, Lý, Hóa). Năm 1969, Kỳ thi Tú tài I, tại Hội đồng thi Huế, số thí sinh hỏng như rạ, thế mà ông thi đỗ hạng Bình[7]. Tuy vậy, khi đặt chân đến cánh cổng trường đại học, ông lại chọn theo học ban C (Văn, Sử, Địa). Bạn bè, sinh viên, có người thắc mắc về vấn đề này, ông giải thích: “Đó là một cách chọn lựa cho phù hợp với những hoạt động của mình bấy giờ… Nhưng một khi đã chọn thì phải đam mê thực sự, có tận nhân lực mới tri thiên mệnh mà”. Và như thế, ông đã đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong bước đường sự nghiệp của mình khi lựa chọn ban C và đến sau này là một giảng viên của môn Lịch sử, được nhiều thế hệ học trò kính mến, rồi trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, được nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước nhìn nhận là chuẩn mực. Phải chăng với ông: sử học là duyên phận.
Người thầy hết lòng vì đàn em thân yêu
Đọc những trang học trò viết về ông giúp chúng ta hiểu được rằng với các thế hệ học trò, “ông là đặc biệt, là niềm tự hào và hãnh diện của họ”. Đặc biệt ở đây chính là phương pháp truyền thụ kiến thức của ông vượt ra khỏi “lối mòn”, giúp sinh viên lĩnh hội bài giảng một cách sinh động, đa chiều. Bởi lẽ bài giảng của ông bao giờcũng với “sử liệu phong phú, cách lập luận sắc sảo, chặt chẽ đã làm cho các giờ dạy của Thầy đã vượt lên sự khô cứng về mốc thời gian, số liệu, tạo nên sự thăng hoa trong học tập. Qua những tiết giảng, Thầy đã làm chúng em hoàn toàn bị thuyết phục trước kiến thức uyên thâm, phong cách lên lớp rất đặc biệt. Em đã hiểu rằng học Lịch sử thật thú vị chứ không phải khô khan, cứng nhắc như nhiều người (trong đó có cả em) đã từng nghĩ. Thầy đã mang lại cho em một cảm giác thật tự tin bởi sự lựa chọn theo “nghiệp sử” của mình”.
Và “điều khiến tôi thay đổi suy nghĩ là Thầy có một cách dạy khác mọi người, thu hút sự chú ý bằng những tình huống ‘có vấn đề’, tức buộc người học phải động não để giải quyết những vấn đề của bài học đặt ra. Ai đã từng được học với Thầy, chắc chắn sẽ lĩnh hội được tinh thần 4 W của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Từ phương pháp này, chúng tôi liên hệ với tính logic của môn Toán, nó có điểm tương đồng. Do đó nhiều người cứ nghĩ, môn Sử là môn thuộc bài, chẳng có gì khó, chỉ cần bỏ nhiều thời gian là được. Thực tế cho thấy, khi học với Thầy mới thấy quan điểm này hoàn toàn không đúng”[8].
Phó Giáo sư Lê Cung đang giải bài cho lớp cao học
Từ cách nhìn trên đây giúp chúng ta hiểu vì sao học trò của ông “lại trông mong đến giờ Thầy”: Những buổi học, rồi lại những buổi học tiếp theo, tôi như bị cuốn hút vào những tri thức mà Thầy truyền đạt với cách lập luận chặt chẽ, logic. Điều lạ thay là cũng với những tư liệu lịch sử đó, nhưng ở Thầy bài giảng trở nên sinh động bởi cách kiến giải rất riêng của Thầy mang một tầm cao hơn. Và bây giờ, chúng tôi lại trông mong đến giờThầy để được tranh luận và nắm bắt thêm kiến thức mới. Cũng không hiểu từlúc nào tôi đã ‘ngộ’ ở Thầy nhiều điều”[9].
Cái quý hơn nữa là trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, ông luôn hướng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh phải có thái độ nghiêm túc. “Khi được tiếp tục học với Thầy, tôi vẫn không cắt nghĩa nỗi vì sao Thầy có cả một kho tàng kiến thức uyên bác đến vậy? Cũng như 20 năm về trước, tôi lại may mắn được Thầy hướng dẫn Luận văn Thạc sĩ. Thầy đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt tình, đam mê nghiên cứu khoa học, sự nghiêm túc trong học tập”[10]. Quả thật, Thầy là người đòi hỏi học trò của mình phải làm việc thật sự nghiêm túc, chăm chỉ và phải có tư duy khoa học. Thầy uốn nắn từng lỗi sai để sau này tôi đừng lặp lại, từng câu chữ trong luận văn Thầy đều đọc rất kỹ để sửa cho tôi. Giờ đây, ở môi trường làm việc mới – môi trường đòi hỏi hoạt động giảng dạy phải đi kèm với hoạt động nghiên cứu khoa học, tôi càng thấy biết ơn Thầy vì chính sự nghiêm túc, kỹ lưỡng của Thầy giúp tôi trưởng thành hơn sau cái luận văn ngày ấy”[11].
Không chỉ những người được trực tiếp học ông mà cả những người ông chưa hề biết mặt cũng được ông chỉ vẽ tận tường. Chúng ta hãy nghe lời tâm sự của một nghiên cứu sinh sau khi đọc nhận xét của ông về luận án tiến sĩ của mình với tưcách ông là một phản biện độc lập: “Thú thực, khi mở nhận xét của Thầy (tất nhiên bản nhận xét đã được cơ sở đào tạo cắt phần họ tên người nhận xét) với 6 trang đánh máy khổ A4, tôi thật sự lo lắng: Thầy nhận xét dài quá không biết sao đây? Nhưng khi đọc tôi thật sự rất phấn khởi, không phải Thầy khen suốt 6 trang giấy mà những ý kiến của Thầy đã chỉ ra cho tôi những thiếu sót, những chỗ yếu, những chỗ chưa hoàn hảo của luận án. Điều mà tôi hết sức trân trọng, biết ơn Thầy là trong góp ý, Thầy vừa gợi ý cho tôi cách xử lý những thiếu sót, hạn chế, yếu kém đó; vừa thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia với những điều tâm đắc, tâm huyết, tình cảm mà tôi đã gởi gắm trong luận án”[12].
Để làm được như vậy, chính bản thân ông phải là tấm gương sáng đối với học trò: “Thầy là một nhà khoa học không ngại khó, đã nghiên cứu vấn đề gì là phải đến nơi đến chốn, phải tìm ra lối kiến giải mới, có sức thuyết phục. Thầy rất ghét lối làm khoa học chiếu lệ,… Tôi kính Thầy và quý Thầy ở những điểm đó. Cố gắng vận dụng những điều học tập được từ Thầy cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn phong cách của một nhà khoa học vào trong cuộc sống và tác nghiệp. Sự vươn lên của tôi trong mấy chục năm qua luôn có Thầy bên cạnh. Thầy đã là người nâng đôi cánh cho tôi để có những thành công nho nhỏ”[13].
Không chỉ trên bục giảng, mà trong đời sống, ông thương học trò như em, như con của mình. Ở thời bao cấp khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, đồng lương giáo viên còm cõi, gia đình ông sống trong căn nhà tập thể rộng không tới 10m2 nhưng ông vẫn dang rộng đôi tay cưu mang những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có người cùng ăn ở trong gia đình ông. Có lúc vì quá thương học trò, ông chạy vạy tìm kiếm học bổng. Học trò ông nhớ lại: “Trận lụt năm 1999, nhà Thầy bị thiệt hại không ít, nhưng khi nước rút còn ngang ‘mắt cá’, Thầy đã vội điện thoại với bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh để yêu cầu cứu trợ cho đồng bào và sinh viên gặp hoạn nạn. Rồi tiền bạc, áo quần, thực phẩm, chăn màn,… lần lượt được đưa về khoa, trường hỗ trợ cho sinh viên, không chỉ Khoa Lịch sử mà cả một số sinh viên khoa khác; còn tiền một phần chuyển lên trường, lên chùa Đức Sơn, hoặc giúp đỡ những gia đình bị nặng,…
Đó là những gì qua bạn bè, tôi được biết về Thầy, trước lúc được Thầy nhận hướng dẫn thực hiện luận văn thạc sĩ. Tất cả đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cốt cách của một người Thầy đáng kính.
Với chúng tôi, viết về Thầy, ngôn từ không cho phép bộc bệch được hết. Thế hệ học trò chúng tôi có lúc đã cùng nhau tâm sự, điều gì đã tạo nên chỗ đứng của Thầy trong môi trường giáo dục và trong lãnh vực nghiên cứu? Phải chăng đó là truyền thống của quê hương, nề nếp gia phong, tinh thần tự lực, tự cường mãnh liệt ở Thầy. Điều quan trọng nhất là bản chất hướng thiện ở Thầy. Với Thầy, dẫu một việc làm nhỏ đi nữa cũng phải “chính tâm”[14].
Một nhà khoa học trung thực và thẳng thắn.
Đúng như quan niệm của ông: “Theo nghề nào thì phải hết lòng vì nghề đó”, ông đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đó của cuộc đời mình. Không phải ai cũng có thể gắn bó và đủ kiên trì để theo đuổi chuyên ngành Lịch sử này, nhưng ông lại khác, ông tạo cho mình niềm đam mê và tình yêu với môn Lịch sử bằng cách gắn nó với hiện thực cuộc sống và từng giai đoạn lịch sử của nước nhà. Đó cũng là cách ông thể hiện tình yêu và niềm tự hào dân tộc của bản thân. Gần 25 năm gắn bó giảng dạy Lịch sử thế giới cận đại, nhưng khi làm Nghiên cứu sinh, ông lại lựa chọn chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại với đề tài luận án: “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”. Với luận án này (ngay cả khi đang là bản thảo), ông được Đại học Harvard (Hoa Kỳ) chọn tham gia Chương trình Visiting Scholar (1995 – 1996).
Đây là luận án, cũng là đề tài mà ông tâm đắc và dành nhiều tâm huyết nhất, được Hội đồng chấm luận án và giới chuyên môn đánh giá cao. Chúng ta hãy đọc mấy dòng tâm sự của PGS. TS. Đào Thái Tôn khi luận án vừa mới “ra lò”, đang chờ bảo vệ: “Phải nói ngay rằng tôi đã đọc một cách đầy hứng thú, đọc liền một mạch toàn bộ bản tóm tắt rồi toàn văn bản luận án và nói không quá rằng sự hứng thú của tôi đối với luận án này,… không chỉ ở chỗ văn phong sáng sủa, khúc triết của tác giả luận án mà chính là do tư duy chặt chẽ, sự bố cục dẫn dắt của luận án,… Tôi nghĩ rằng luận án này là sự cần thiết đối với mọi giới trong xã hội và mong muốn được tác giả cho in thành sách, để được phổ biến càng sớm càng tốt”[15].
Rồi khi Luận án được xuất bản thành sách lần đầu năm 1999, nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước đã có những lời bình phẩm và không tiếc lời ca ngợi. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu viết: “Cuốn ‘Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963’ của nhà giáo Lê Cung đã cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin vềmột thời kỳ đầy biến động. Đây là một đề tài lịch sử rất đáng được nghiên cứu cho dù phải mất nhiều công sức sưu tầm và xử lý tư liệu”. Chỉ với nỗ lực của ông trong công tác sưu tầm tư liệu cho đề tài này cũng đủ để rất nhiều người khâm phục. Nhà báo, nhà văn Hàm Châu, Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ Văn hóa Việt Nam) viết: “Tôi nghĩ, tác giả đã bỏ ra biết bao công sức, âm thầm, bền bỉ kiếm tìm không ngừng nghỉ một khối lượng tư liệu có thể nói là đồ sộ; không chỉ trên sách, báo, đài phát thanh trong và ngoài nước, mà còn cả trong mớ tài liệu mật bộn bề và hỗn độn của chính quyền Ngô Đình Diệm gồm các đạo dụ, công điện, khẩu lệnh, huấn lệnh ‘tối mật’; cũng như hồ sơ lưu trữ của phong trào Phật giáo yêu nước tại chùa Từ Đàm (Huế), chùa Xá Lợi (Sài Gòn) gồm những tuyên ngôn, thông bạch, tâm thư, bạch thư, kháng thư,…”[16].
“Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963” đã vượt ra khỏi khuôn sáo, thể hiện sự khách quan, trung thực, thẳng thắn. Đó là điều đòi hỏi một sử gia cần có và phải có, và ông đã làm được điều đó. GS. TS. ladimir Kolotov (Trưởng khoa Đông phương học, Trường Đại học Quốc gia St. Petersburg Liên bang Nga) khẳng định: “Việc nghiên cứu khách quan là hết sức quan trọng, vì nếu nhưchúng ta không có thái độchân thành và đúng đắn, chắc chắn những thế hệ đi sau không rút được kinh nghiệm từ quá khứ. Đó là trách nhiệm của người viết sử. Cách đánh giá sự kiện lịch sử khách quan trên cơ sởcác tài liệu lưu trữ là bước đầu tiên cho phép nhìn thẳng vào vấn đề. Chính vì thế, công trình nghiên cứu thẳng thắn và trung thực của GS. TS. Lê Cung mang tên là ‘Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam1963’ theo ý kiến của tôi cần phải được quan tâm đặc biệt”[17].
Ngay cả những chứng nhân và là người trong cuộc cũng phải thán phục trước “nghệ thuật” chép Sử của ông. Học giả Huệ Minh viết: “Trong cuộc sống, hạnh phúc đến với chúng ta từ nhiều nguồn mạch khác nhau, trong đó đặc biệt có hạnh phúc đến từ‘sắc hương’ của Sử, nhất là lịch sử dân tộc. Đối với chúng tôi, chuyên khảo ‘Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963’ là một loại sắc hương như thế…”[18]; Hoàng Văn Giàu, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử Huế, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn khoa, Viện Đại Huế trước năm 1975, khẳng định: “Là người trong cuộc, công trình sáng giá của anh Cung đã gợi lại cho tôi thật nhiều kỷniệm. Xin cám ơn anh Cung,… Từ sau năm 1975 ở Việt Nam, đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống đầu tiên về phong trào đó. Đó là một điểm son. Nêu ra được vấn đề như thế là một tinh tấn, dũng mãnh trí thức đáng khen ngợi của người viết rồi,…”[19]; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963 – 1964), người tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ngày 30-4-1975, bộc bạch nỗi vui mừng của mình khi đọc tác phẩm của ông: “May mà có học giả Lê Cung,… Tuy tuổi đời của anh thuộc thế hệ đi sau, chưa được tham gia hoặc là nhân chứng của ‘Sự kiện Phật giáo 63’, nhưng rõ ràng với tư thế một người viết sử, một nhà nghiên cứu nghiêm túc và nhất là cả tấm lòng nhiệt tình, anh đã thành công nêu bật được sự kiện này”[20]…
Có nhiều những lời bình phẩm của các nhà nghiên cứu, các học giả về phong cách nghiên cứu và hiệu quả các công trình của ông. GS. TS. Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên khẳng định: “Bằng một nỗ lực lớn qua nhiều năm nghiên cứu và tổng hợp nhiều nguồn tư liệu, công trình chuyên luận sử học của PGS. TS. Lê Cung đã góp phần làm sáng tỏ những ẩn số đang gây nhiều tranh cãi giữa các nhà chính trị- xã hội, những người nghiên cứu có quan điểm, tư tưởng khác nhau, thậm chí đối địch nhau về một sự kiện đấu tranh chính trị sôi động của giới Phật giáo miền Nam năm 1963”.
Điều này giải thích tại sao, sách “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”của ông được xuất bản đến lần thứ tư, song vẫn có độc giả mong muốn sách được tái bản thêm nữa. Có lẽ vì vậy mà ông cho ra mắt độc giả sách: “50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963-2013)”. Viết lời giới thiệu sách này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát khẳng định: “Đối với những ai quan tâm đến lịch sửhiện đại của đất nước, đặc biệt là lịch sử phong trào đô thị miền Nam (1954 – 1975) thì tên tuổi của PGS. TS. Lê Cung không có gì xa lạ,… Tin chắc rằng tác phẩm ‘50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963-2013)’ của PGS. TS. Lê Cung sẽ tạo được nguồn hứng khởi cho bất cứ ai đam mê khoa học, có ước muốn năm bắt chân lý”[21].
Cùng suy nghĩ ấy, PGS. TS. Nguyễn Công Lý trong báo cáo tổng thuật tại Hội thảo khoa học: “50 năm nhìn lại phong trào đấu tranh Phật giáo (1963 – 2013)” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Khu Du lịch Phương Nam, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngày 11-6-2013, cho chúng ta một cái nhìn về tầm vóc của ông trong nghiên cứu khoa học: “PGS. TS. Lê Cung, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, nhất là phong trào Phật giáo năm 1963, đã đến với hội thảo với bài ‘Năm mươi năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam (1963-2013)’… Bài viết khẳng định phong trào Phật giáo 1963 là yếu tố trực tiếp đưa đến sự cáo chung của chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm,… đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam”[22].
Ngoài công trình: “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”, (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2002, 2005 & 2008), ông còn có những tác phẩm giá trị trong việc khôi phục sự thực lịch sử như “Phật giáo Việt Nam với cộng đồng dân tộc” (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996), “50 năm Trường Đại học Sư phạm Huế (1957 – 2007)” (Chủ biên, Nxb. Thuận Hoá, 2007), “Trần Nhân Tông – Cuộc đời và sự nghiệp” (Chủ biên, Nxb. Thuận Hoá, 2008 & 2010); “Đại học Huế – 55 năm xây dựng và phát triển (1957 – 2012)” (Chủ biên, Nxb. Đại học Huế, 2012), “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam 1964 – 1968” (Nxb. Thuận Hoá, 2014), “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” (Chủ biên, Nxb. Tổng hợp Thành phố HồChí Minh, 2015), “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 – 1975” (Viết chung, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2015), … cùng với một số giáo trình Lịch sử thế giới cận đại, Lịch sử Việt Nam hiện đại được các Nhà xuất bản Giáo dục, Giáo dục Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm (Hà Nội) xuất bản. Đó là chưa kể hàng trăm bài nghiên cứu có giá trị của ông được đăng trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Quân sự, Nghiên cứu tôn giáo, Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu châu Á và Ấn Độ, Thông báo khoa học của các trường Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tạp chí Sông Hương, Hồn Việt, Kiến thức Ngày nay, Giao Điểm (Hoa Kỳ), Chuyển Luân (Úc),… Và rất nhiều bài nghiên cứu của ông được tuyển chọn, đăng trên các sách ở trong cũng như nước ngoài, như “1963 – 2003, Bốn mươi năm nhìn lại”(Giao Điểm, Hoa Kỳ, 2003), “Sáng ngời Hồ Chí Minh – Những bài viết tâm đắc” (Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005), “Về cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” (Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008), “1963 – 2013, Năm mươi năm nhìn lại”(Tuyển tập của 99 tác giả, 3 tập, Nxb. Thiện Tri thức, 2012), “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” (Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2013),… Thực tế, “thương hiệu sử học Lê Cung” đã được khẳng định.
Vậy là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu ngày tháng trăn trở, “những đứa con tinh thần”ra đời đúng như những gì mà ông đam mê và ấp ủ. Và càng vui mừng biết bao khi “những đứa con tinh thần” ấy lại được giới chuyên môn đánh giá cao, được đồng nghiệp, học trò của ông đón đọc một cách nhiệt thành.
Rõ ràng, những nhận xét dành cho ông, những thành quả mà ông có được nhưngày hôm nay không hề đơn giản, càng không phải là chuyện “một sớm, một chiều”có thể xong. Đó là tất cảtâm huyết gần như suốt hơn nửa cuộc đời mà ông luôn nâng niu, trân trọng. Xin được mượn mấy vần thơ mà học trò viết về ông để thay cho lời đánh giá về một nhà khoa học “trung thực, thẳng thắn”như ông:
Có những bông hoa không bao giờ khoe sắc
Nhưng toả ngát hương thơm
Có những người rất ư bình dị
Nhưng chất chứa một nghị lực phi thường
Và tình người… bao la[23].
“Nghị lực phi thường” ấy ẩn chứa sâu bên trong một con người vị tha, ngay thẳng và sống tình nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu thế hệ học trò sau những ngày tháng xa cách lại hướng về ông với một tấm lòng chân thành, sâu nặng đến vậy, họ không chỉ coi ông là người Thầy mà họ còn coi ông là người Cha. Dường như ông sinh ra là để làm nhà giáo, nhà khoa học với đúng nghĩa của nó. Và với bao năm gắn bó và tâm huyết với nghề, ông đã cống hiến cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam những công trình Sử học ý nghĩa, là cầu nối “chính danh” đưa chúng ta đến với lịch sử dân tộc và cũng qua đó giúp chúng ta tự hào hơn về đất nước Việt Nam “bốn nghìn năm văn hiến”.
ThS. Phạm Văn Thắng
Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch, Đại học Quảng Nam
Nguồn: Tạp chí Đại học Huế, trang 49-54, số 98 (Số Xuân Bính Thân), tháng 1 + 2 – 2016.
[1] ThS. Phạm Văn Thắng, Trưởng khoa Văn hóa và Du lịch, Đại học Quảng Nam
[2] Làng Lệ Xuyên hàng năm số học sinh thi đỗ vào đại học rất nhiều, chiếm tỉ lệ cao so với nhiều làng trong tỉnh Quảng Trị. Chính lẽ đó mà phóng sự có tiêu đề: “LÀNG ĐẠI HỌC”.
[3] Phóng sự do ông Nguyễn Lộc, Trưởng phòng Chuyên đề, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị thực hiện.
[4] Xem Lê Cung (Chủ biên), “Trần Nhân Tông – Cuộc đời và sự nghiệp”, Nxb. Thuận Hóa, Huế 2008, tr. 8.
[5] Nguyễn Sửu, Nhớ về thời thơ ấu (Bản viết tay).
[6] Thế Quang, Những kỷ niệm về bằng hữu thời ấu thơ (Bản viết tay).
[7] Các kỳ thi Tú tài ở miền Nam, học sinh thi đỗ được xếp loại như sau: Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ. Năm 1969, Trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị không có học sinh nào đỗ Tối ưu và Ưu. Ban B chỉ có 2 học sinh đỗ, xếp hạng Bình, trong đó có cậu học sinh Lê Cung.
[8] ThS. Thái Thị Lợi, Trường THPT Chuyên Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
[9] ThS. Nguyễn Thị Hiệp Ngọc, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, TP. Tuy Hòa.
[10] ThS. Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình.
[11] ThS. Trần Thị Hằng, giảng viên, Học viện Chính trị- Hành chính Khu vực III, Đà Nẵng.
[12] TS. Nguyễn Bách Khoa (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long), Cuộc hành trình đi tìm thầy tôi (bản đánh máy).
[13] PGS. TS. Trần Thuận, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQG Tp. HồChí Minh.
[14] ThS. Phan Văn Quang, Trường THPT Trần Phú, TP. Đà Nẵng.
[15] Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ tư), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr. 15 – 16.
[16] Hàm Châu, Người làm sống lại những sự kiện bi thương lẫm liệt một thời (Cảm nghĩ nhân đọc cuốn sách Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 của PGS. TS. Lê Cung).
[17] Vladimir Kolotov, Nhận định về một công trình nghiên cứu khoa học (Bản đánh máy, ngày 9-1-2009).
[18] Báo Văn hóa & Đời sống, số 163, từ ngày 21-11 đến 28-11-2004, tr. 16.
[19] Hoàng Văn Giàu, Thư gửi anh Lê Cung ngày 21-4-2001.
[20] Nguyễn Hữu Thái, Giải mã phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Đại học Huế, số 89, tháng 11-2013, tr. 71.
[21] Lê Mạnh Thát, Lời giới thiệu sách “50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963 – 2013)”, tr. 3, tr. 5.
[22] Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HồChí Minh, Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, NXB. Phương Đông, 2013, tr. 611.
[23] Lê Quang Cần, Người Thầy bình dị và nhiệt huyết (Bản đánh máy)