Cuộc hành trình không bến bờ trong khoa học

                 Từ làng quê Lê Xá đến mái trường Đại học Bách khoa

             Sinh năm 1931 tại làng Lê Xá (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội), tuổi thơ của Đặng Vũ Khúc gắn liền với vùng quê ven đô, với món chuột luộc vốn là một đặc sản của chợ Bún quê ông. Làng quê nghèo, ngoài làm ruộng thì người dân trong làng sống dựa vào việc đi bắt lươn, bắt chuột đồng bán cho các hàng ăn ở chợ Bún. Và không biết tự bao giờ, món chuột đồng luộc rắc lá chanh trở thành đặc sản  của vùng quê này. Nhưng nó cũng chỉ để dành bán cho khách, chứ người dân nghèo Lê Xá mấy khi được thưởng thức đặc sản quê mình?

Lớn lên trong một gia đình trí thức đông con, ông được thừa hưởng nhiều phẩm chất của các thế hệ đi trước. Ông nội là Phó bảng Đặng Tích Trù, từng làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), sau đó làm Đốc học Kinh Bắc. Bố ông là Đặng Tiệm Đạt, tốt nghiệp Thành chung ra làm trợ tá cho quan huyện, và cũng là một trí thức có đầu óc hài hước với những bài thơ trào phúng đăng trên báo Nhật Tân dưới bút danh Ấm Đất. Là con trai thứ ba trong gia đình, ông từng được chứng kiến lòng dũng cảm và tinh thần cách mạng của hai người anh. Cuối năm 1946, ông tận mắt thấy người anh cả Đặng Đồng Khuê, học viên khóa đầu tiên của Trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn, lau nước mắt từ biệt vợ và đứa con trai mới 3 tháng tuổi (tức là GS.TSKH Đặng Hùng Võ sau này) để ra chiến trường và đã hy sinh trong trận đánh đầu tiên vào nhà Xéc (Câu lạc bộ sĩ quan Pháp) ở Bắc Giang vào tháng 1-1947. Người anh thứ hai là Đặng Tùng Linh, cũng theo chân anh cả học Trường Võ bị Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 4 và lấy bí danh là Võ Khuê đi vào mặt trận phía Nam từ năm 1949. Từ những người anh, Đặng Vũ Khúc đã sớm nhận thức được về tinh thần yêu nước, về cách mạng, nhưng số phận lại đưa đẩy ông đến một hướng đi khác.

Tên khai sinh của ông là Đặng Thụ Phát, là học sinh của trường Trung học Bảo hộ (Lycée de Protectorat), nhưng do điều kiện chiến tranh nên việc học của ông bị dang dở. Trong thời gian quê ông trở thành vùng tề, ông đã tập hợp các thiếu nhi trong làng sinh hoạt theo phong trào cách mạng. Năm 1948, ông được Huyện đoàn Thanh niên cứu quốc Gia Lâm cho lên Khu đoàn Thanh niên Việt Bắc dự một lớp huấn luyện cán bộ phụ trách Thiếu nhi. Nhưng kết thúc lớp học, ông đã được giữ lại làm văn thư ở cơ quan Khu đoàn, rồi sau một thời gian được cơ quan cho đi học. Năm 1952, khi đang học ở trường Trung cấp Giao thông, lớp ông được điều đi phục vụ các nhu cầu cấp thiết của công cuộc kháng chiến, và ông cùng một số bạn được điều đi khảo sát và cải tạo đường từ Vạn Yên lên Xồm Lồm để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông vẫn đang cùng một nhóm bạn khảo sát đường từ Sầm Nưa đi Bản Ban ở bên nước bạn Lào.

Năm 1956, lớp học cũ của ông – những người đã tham gia kháng chiến, được triệu tập về trường Trung cấp Giao thông để bổ túc văn hóa và cho thi vào đại học. Năm 1957, ông đăng ký thi vào ngành Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vì ngành Giao thông năm đó chỉ lấy 25 sinh viên. Và ông đã trở thành sinh viên khóa II lớp Địa chất của nhà trường. Như ông chia sẻ: “Trước đây, làm công tác giao thông thường được đi lang thang khảo sát các con đường, nên thấy rất thú vị vì được đi nhiều ngõ ngách trên đất nước ta. Khi về Bách khoa, xin thi vào ngành Địa chất cũng nghĩ là sẽ được đi đây đi đó, dò tìm các mỏ tài nguyên cho đất nước. Và càng ngày tôi càng thấy thích thú hơn, say mê hơn”. Cuộc đời đã đưa đẩy ông như vậy.

 

Từ Đoàn Địa chất 20 đến Viện Địa chất Liên bang Xô viết

Lúc bấy giờ, môn Địa chất ở nước ta đang bước đầu được xây dựng ở trường Đại học Bách khoa, do GS Nguyễn Văn Chiển lãnh đạo cùng với một số thầy học ở nước ngoài về. Các thầy giáo, ngoài những người được đào tạo ở trong nuớc như các thầy Nguyễn Văn Chiển, Trương Cam Bảo, Tống Duy Thanh, … thì còn có một số được đào tạo từ Trung Quốc về như các thầy Võ Năng Lạc, Tô Linh, … Và sinh viên thì cũng từ nhiều nguồn về học: học sinh, cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc, …. Có một số học trò nhiều tuổi hơn thầy giáo. Nhưng khoảng cách tuổi tác không ảnh hưởng gì đến việc dạy, học và chia sẻ tri thức giữa thầy và trò.

Cùng với việc xây dựng ngành Địa chất ở Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1957, Nhà nước quyết định thành lập Cục Địa chất từ Sở Địa chất của Bộ Công thương. Đến năm 1960 thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Đây cũng là thời điểm Việt Nam nhận được sự hợp tác, giúp đỡ từ phía Liên Xô và một số nước Đông Âu trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất. Tổng cục Địa chất thành lập Đoàn 20 để thực hiện chương trình thành lập tờ Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000, làm cơ sở cho điều tra địa chất và tìm kiếm, thăm dò khoáng sản. Theo yêu cầu của Tổng cục Địa chất, Liên Xô đã cử 5 chuyên gia sang Việt Nam giúp đỡ việc thực hiện chương trình này, do TSKH Đôpgicốp – một nhà địa chất có uy tín của Viện Địa chất Liên bang Xô Viết làm Trưởng đoàn.

Năm 1961, khi ra trường, do thành tích học tập tốt nên Đặng Vũ Khúc được giữ ở lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, ông lại thích đi nghiên cứu thực tế nên có nguyện vọng được về công tác tại Đoàn Địa chất 20. Ông trình bày nguyện vọng của mình và nhà trường đã chấp nhận phân công ông làm việc tại Đoàn 20.

Được cử về Đoàn 20 công tác, Đặng Vũ Khúc tham gia vào Đội địa chất đi khảo sát thực địa và lập bản đồ địa chất miền Tây Bắc Bộ do chính TSKH Đôpgicốp làm cố vấn và nhà địa chất Bùi Phú Mỹ làm kỹ thuật trưởng. Như ông kể lại: “Đi thực địa là một công việc vất vả. Nhưng tôi sức khỏe tốt, nên lại rất thích đi. Được đi nhiều, biết những vùng đất mới của Tổ quốc, tiếp xúc với các nền văn hóa mới, tri thức mới, … Ngày đi, tối ngủ lại các bản ven đường. Đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông ở Tây Bắc rất quý người. Họ coi chúng tôi như con cái trong nhà, nấu cơm cho chúng tôi ăn và mang rượu ra cùng uống với nhau”.

Đi thực địa cũng tràn đầy những khó khăn và thử thách, đó cũng là những kỷ niệm khó phai trong cuộc đời khoa học của ông: “Dòng sông Đà rất đẹp và cũng thơ mộng như nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả. Nhưng việc đi khảo sát thực địa dọc sông Đà giữa mùa đông lạnh giá lại là một thử thách không hề nhỏ. Chúng tôi phải chuẩn bị các thuyền cao su hoặc thuê thuyền gỗ của người dân và nhờ họ lái thuyền giúp đi khảo sát dọc bờ sông. Nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát xem vùng mình đi qua gồm những loại đá gì, nếu là đá trầm tích thì có hóa thạch không và lấy các loại mẫu để về phân tích. Chính các kết quả khảo sát đó là tài liệu để lập nên tờ bản đồ địa chất ”.

Mùa hè năm 1962, Đặng Vũ Khúc cùng 4 đồng nghiệp khác là Dương Xuân Hảo, Nguyễn Văn Liêm, Nguyễn Bá Nguyên và Trần Đình Nhân được cử sang Leningrad để học tập về chuyên ngành Cổ sinh vật dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Ông được phân công học tập về hóa thạch Chân rìu do TS Kiparisôva L., một chuyên gia về Chân rìu của Viện Địa chất Liên bang hướng dẫn. Đây là quãng thời gian ông học hỏi được nhiều về nghiên cứu hóa thạch để sau này trở thành một chuyên gia về cổ sinh địa tầng: “Sang Liên Xô vào mùa hè, thường trùng với kỳ nghỉ của các nhà khoa học ở Viện. Sau khi xem xét sưu tập mẫu mà tôi mang sang, bà L. Kiparisôva đưa cho tôi một chồng sách về hóa thạch Chân rìu, bảo tôi xem các hóa thạch trong sách, so sánh với hóa thạch của mình, từ đó đặt tên cho các hóa thạch mà mình mang sang. Nếu thấy loại nào không có trong sách, thì để sang một bên, sau này bà sẽ kiểm tra lại xem có phải đó là một loài mới không. Sau kỳ nghỉ về, bà sẽ kiểm tra kết quả xác định mẫu”.

 

Say sưa nói về những mẫu hóa thạch địa chất mà cả đời nghiên cứu (2012) 

 

Lần đầu tiên thực hiện công việc nghiên cứu cổ sinh vật, ông gặp vô vàn khó khăn: “Trước đó, tôi có tiếp xúc với chuyên gia Liên Xô, nhưng trình độ tiếng Nga hạn chế. Sang đây cố gắng học hỏi nhiều, nhưng cũng gặp khó khăn trong giao tiếp và đọc tài liệu. Tôi cố gắng quan sát tỷ mỷ các hình ảnh trong sách và so sánh với các hóa thạch mà mình mang sang như bà giáo hướng dẫn, rồi sau đó đặt tên cho chúng. Sau kỳ nghỉ, bà đi làm thì tôi cũng đã phân loại xong các hóa thạch mang sang. Bà xem kết quả xác định, cứ thấy bà gật gật có vẻ hài lòng, ngay cả các mẫu “để sang một bên” cũng được gật gật ”. Ông đã bước vào nghề nghiên cứu cổ sinh như vậy.

Mùa hè năm 1963 là đợt sang Liên Xô nghiên cứu cuối cùng của Chương trình xây dựng bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Lần này, nhóm của ông ở lại 10 tháng để hoàn thành việc nghiên cứu bộ sưu tập hóa thạch mà nhóm mang sang Viện Địa chất Liên bang. Đây cũng là thời gian mà TSKH Kiparisôva L. giúp ông nghiên cứu sâu hơn về những hóa thạch ông đã phân loại và hoàn thành một bài báo công bố một giống mới được đăng trên Tạp chí cổ sinh Liên Xô: “Bà giáo nói với tôi bộ sưu tập hóa thạch này rất quý giá vì do chính các nhà địa chất Việt Nam phát hiện và nghiên cứu. Nó sẽ trở thành một trong những bộ sưu tập đầu tiên của ngành Địa chất Việt Nam. Và bà khuyến khích tôi tổng hợp các kết quả nghiên cứu để có thể xuất bản thành một công trình”.

Kết quả của ba năm đi khảo sát thực địa ở Việt Nam và nghiên cứu ở Liên Xô, dưới sự giúp đỡ của TSKH L. Kiparisova, Đặng Vũ Khúc đã phân loại và định tuổi cho gần 70 loài và phụ loài hóa thạch Chân rìu tìm thấy ở Việt Nam. Trong số các mẫu này, đã phát hiện được 15 loài và phụ loài mới và đặt tên cho chúng, trong đó có loài được đặt tên là “vietnamica” để khẳng định các loài hóa thạch thuộc Việt Nam. Theo luật quốc tế, tên những loài mới này có đuôi là Vukhuc, vì ông là người phát hiện ra nó. Trên cơ sở các nghiên cứu trong 3 năm tại phòng nghiên cứu ở Lêningrat, năm 1963, Đặng Vũ Khúc công bố công trình đầu tiên của cuộc đời khoa học mình trên Tập san Địa chất với tiêu đề “Hóa thạch chỉ đạo địa tầng Trias hạ Việt Nam”. Và năm 1965, sau 3 năm ra trường Đặng Vũ Khúc chủ trì việc biên soạn và xuất bản cuốn “Hóa thạch chỉ đạo địa tầng Trias miền Bắc Việt Nam” (do Tổng cục Địa chất xuất bản, 1965). Đây là công trình cổ sinh vật đầu tiên của ngành Địa chất Việt Nam, đánh dấu những kết quả nghiên cứu của một ngành khoa học mới được xây dựng ở nước ta gần 10 năm sau ngày hòa bình ở miền Bắc. Do thành tích này, năm 1967 ông được bầu là Chiến sĩ Thi đua của ngành Địa chất và được cử đi dự Hội nghị Thi đua toàn quốc. Cũng trong dịp này ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

 

  Vươn ra tầm cao quốc tế

Theo đuổi ngành Địa chất là vi vu với rừng với núi. Có lẽ vì vậy mà những nhà địa chất có tâm hồn cũng lãng mạn như những nhà thơ. Điều này có lẽ còn đúng hơn với GS.TSKH Đặng Vũ Khúc bởi cái bề ngoài rất nghệ sĩ của ông: một bộ râu quai nón dày và bóng đẹp, luôn chuyển động mỗi khi ông cười nói. Cuộc đời ông gắn liền với ngành Địa chất, cũng là gắn liền với những tháng ngày đi khắp mọi miền Tổ quốc để nghiên cứu địa tầng và tìm mẫu hóa thạch về nghiên cứu. Từ ngày còn là anh cán bộ giao thông, ông đã cùng đồng nghiệp đi khảo sát các con đường ở Tây Bắc để phục vụ kháng chiến. Đến khi là sinh viên thì cũng vác túi theo các thầy đi thực địa ở Đông Bắc. Khi đất nước thống nhất, ông lại đi khắp miền Trung, rồi Tây Nguyên và miền Nam. Dấu chân ông in hằn nơi những núi đá cổ để đục tìm những động vật hóa thạch. Trong phòng nghiên cứu, với chiếc kính lúp và trang thiết bị cần thiết, ông lại căm cụi “tìm hiểu và trò chuyện với những con vật lấy ra từ lòng đá”, để tìm ra tuổi của hóa thạch, tuổi các tầng đá của đất nước. Những mẫu hóa thạch của ông ngày càng nhiều thêm, tỷ lệ thuận với những công trình ông công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Ngoài 80 tuổi, GS.TSKH Đặng Vũ Khúc đã là tác giả của gần 90 công trình nghiên cứu địa chất công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, ông là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên và đồng tác giả của 30 đầu sách xuất bản. Ông còn tham gia chủ trì và tham luận tại hàng chục hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Nhưng những con số đó chưa khẳng định được những đóng góp khoa học của GS Đặng Vũ Khúc. Đối với giới địa chất quốc tế, Đặng Vũ Khúc là một nhà địa chất đặc biệt của nước Việt Nam. Bên cạnh những kiến giải mang tính khoa học đối với cổ sinh địa tầng Việt Nam, ông còn tìm tòi và phát hiện ra nhiều giống mới, loài mới phục vụ cho nghiên cứu địa chất. Tính đến nay, GS Đặng Vũ Khúc đã phát hiện và công bố 8 giống mới và 86 loài mới trong nghiên cứu cổ sinh vật. Phát hiện ra một loài mới và được công bố là chuyện không đơn giản. Phải đối chiếu so sánh và tra các sách về các giống loài đó, khi đã xác định là chưa có ai mô tả, chưa sách nào nhắc đến loài này thì mới được công bố, được thừa nhận là loài mới. Phát hiện giống mới còn khó khăn hơn, vì phải phát hiện và mô tả được cấu trúc đặc biệt của nó, phải tìm ra, chứng minh được điểm khác biệt so với các giống đã được mô tả. Giới địa chất quốc tế đánh giá cao những đóng góp của GS Đặng Vũ Khúc vì những phát hiện của ông trong nghiên cứu cổ sinh và địa tầng Việt Nam. Tên của ông cũng được đặt cho các giống mới mà ông phát hiện được như Vietnamicardium Vukhuc, Songdaella Vukhuc, Mesoneilo Vukhuc... và các loài mới, như Claraia vietnamica Vukhuc, Langsonella minima Vukhuc, …

Tập thể luôn đánh giá cao những đóng góp của Đặng Vũ Khúc. Ông được kết nạp Đảng ở cơ quan Khu đoàn Thanh niên Liên khu Việt Bắc năm ông 18 tuổi. Và năm vừa rồi, ông đã được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Phải nhắc đến một khía cạnh khác của con người Đặng Vũ Khúc. Trong tập thể, ông luôn nổi bật là một cây văn nghệ. Ông chơi đàn măng-đô-lin hay băng-giô trong các đội nhạc của trường hay lớp, hoặc tham gia dàn đồng ca của trường hay tốp ca của lớp và thường hát bè trầm. Trong những năm 50, ông đã sáng tác 3 bài hát được anh em hát. Và khi đã luống tuổi, bớt công việc, ông đã dịch tiểu thuyết, và được xuất bản 2 cuốn.

 

Vẫn chưa ngừng nghỉ

Thường thì người ta sẽ cho phép mình nghỉ ngơi khi đã thành công hay thành danh. Nhưng với GS Đặng Vũ Khúc thì có phải vậy không, dù ông đã thành công, thành danh và đã trên mức “cổ lai hy”? Cả cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho khoa học, ông tự biết quy luật nghiệt ngã của thời gian. Vậy nhưng niềm đam mê và khát khao cống hiến vẫn chưa thôi cháy bỏng trong lòng ông. Cho đến những ngày này, cùng với GS.TS Trần Văn Trị, GS Đặng Vũ Khúc vẫn nhiệt tình tham gia biên tập Tạp chí Địa chất để đảm bảo uy tín và chất lượng khoa học cho tờ Tạp chí chuyên ngành này, và cũng để khẳng định tính chất khoa học của nó trước xu thế thương mại hóa, thị trường hóa các tạp chí khoa học. Cách đây 3 năm, hai GS đã tập hợp được 35 đồng nghiệp, những người đầu ngành trong Địa chất học, để biên soạn cuốn “Địa chất và tài nguyên Việt Nam”  và đã được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xuất bản. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh (Geology and Earth resources of Viet Nam), xuất bản năm 2011. Cuốn “Địa chất và tài nguyên Việt Nam” đã được nhận Giải vàng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam. Còn trong những ngày này, hai GS đang chủ trì việc biên soạn cuốn Thuyết minh cho tờ Bản đồ Địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:2.000.000 để đóng góp cho tờ Bản đồ Địa chất châu Á theo yêu cầu của Ủy ban Bản đồ Địa chất Thế giới.

“Còn bao nhiêu thời gian và sức khỏe mình phải cố gắng để làm việc và đóng góp”

(GS.TSKH Đặng Vũ Khúc tại Tạp chí Địa chất, tháng 3-2012)

Nhận mức trợ cấp ít ỏi theo kết quả công việc thực tế, nhưng hàng tuần, vào các ngày chẵn, ông vẫn đi xe máy từ nhà ở Long Biên sang Tòa soạn ở phố Phạm Ngũ Lão để làm việc. Vẫn đều đặn sửa chữa, biên tập các bài của các đồng nghiệp trẻ và tham gia các hội thảo khoa học. Với uy tín của ông, nhiều cơ quan, cá nhân vẫn mang những mẫu hóa thạch đến nhờ ông xem xét, xác định niên đại và nhờ ông dịch sang tiếng Anh hay tiếng Pháp các báo cáo gửi ra nước ngoài. Ông vẫn luôn say mê và nhiệt tình như lúc tuổi đôi mươi. Ông nói: “Thời gian không còn nhiều thì mình càng không thể ngồi nghỉ ngơi. Còn bao nhiêu thời gian và sức khỏe, mình vẫn cố gắng để làm việc và đóng góp. Với lại, giờ mà ngồi chơi, không làm gì thì cũng không chịu được. Tuổi già rồi, mọi thứ đều đi xuống, chỉ có niềm đam mê công việc là vẫn không hề giảm đi, mà vẫn còn thích làm việc như thời thanh niên”.

 

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam