Cuộc “MARATHON” đặc biệt

Đó là một quá trình lao động khoa học nghiêm túc, như một cuộc chạy “marathon” đặc biệt, đầy gian nan và thử thách mà GS Phạm Thị Trân Châu không bao giờ quên trong cuộc đời. Bà tốt nghiệp khóa I ngành Sinh học vào năm 1959 và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ước mơ khám phá về thế giới vạn vật xung quanh bấy lâu đã trở thành hiện thực với giảng viên trẻ Phạm Thị Trân Châu. Là người cầu toàn nên trong nghiên cứu khoa học, ngoài giảng bài cho sinh viên, bà dành hết thời gian miệt mài trong phòng thí nghiệm và đọc sách. Những vấn đề không hiểu hay khó khăn trong nghiên cứu, bà đến gặp đồng nghiệp, các bậc tiền bối  để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và công tác nghiên cứu – mảng công việc còn mới mẻ với bà.

Sáu năm sau, vào năm 1965 giảng viên trẻ Phạm Thị Trân Châu được cử đi làm thực tập khoa học về enzim và hóa sinh học ở trường Đại học Tổng hợp Bắc Kinh (Trung Quốc) trong thời gian một năm. May mắn, khi đó bà đã được GS Trương Long Tường, Phó Hiệu trưởng nhà trường – một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hoá sinh học từ Anh về hướng dẫn. GS Trương Long Tường giao cho bà làm đề tài: Tìm phương pháp tinh sạch Trypsin và Chymotrypsin (là 2 enzim có rất nhiều tính chất giống nhau) có trong tụy của người và những động vật (từ tụy tạng của cừu). Làm thế nào để tinh sạch (tức là tách riêng từng chất) của 2 enzim này quả thực rất khó. Thông qua việc làm đề tài nghiên cứu, GS Trương Long Tường đã dạy cô học trò Trân Châu nhiều phương pháp khác nhau để tinh sạch enzim và phương pháp kiểm tra độ tinh sạch của hai enzim này.

Năm 1966, kết thúc thời gian thực tập tại Trung Quốc, GS Trương Long Tường có lời khuyên cô học trò Trân Châu: Ở đây, tôi hướng dẫn bà làm phương pháp khó và bà đã làm được. Khi về Việt Nam, bà nên chuyển sang nghiên cứu về proteinaza ở dứa vì đất nước của bà khá nhiều dứa. Còn làm tinh sạch từ tủy của cừu thì vô cùng đắt đỏ.

 Bằng Tiến sĩ khoa học của trường Đại học Tổng hợp Wroclaw
cấp cho bà Phạm Thị Trân Châu, 1987

Năm 1970, giảng viên Phạm Thị Trân Châu được cử sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Łódź. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ năm 1974, PTS Phạm Thị Trân Châu trở về nước tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại bộ môn Hoá sinh, khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhờ những kiến thức cơ bản trong quá trình vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, đặc biệt là những tháng ngày nghiên cứu ở trường Đại học Tổng hợp Bắc Kinh (Trung Quốc), dưới sự hướng dẫn của GS Trương Long Tường đã giúp Phạm Thị Trân Châu có được kĩ năng cơ bản trong nghiên cứu, đồng thời dẫn bà đến với điểm khởi đầu của con đường khoa học mà bà sẽ theo đuổi sau này là nghiên cứu proteinaza. Ấp ủ đề tài nghiên cứu về proteinaza ở dứa (Bromelain) theo lời khuyên của GS Trương Long Tường và đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tế kể từ khi về nước năm 1967. Do vậy, khi được nhà trường cử đi thực hiện luận án tiến sĩ tại Viện Sinh hoá, trường Đại học Tổng hợp Wroclaw, Ba Lan vào cuối năm 1982, trong hành trang của mình, PTS Phạm Thị Trân Châu không quên mang theo chế phẩm thô Bromelain[1] với hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề tài này.

Tháng 11-1982, PTS Phạm Thị Trân Châu đặt chân đến Ba Lan. Đây là lần thứ hai bà đến đất nước thanh bình này. Sau gần 3 tháng chờ đợi hoàn tất các thủ tục, giấy tờ, bà được phân về Viện Sinh hóa, trường Đại học Tổng hợp Wroclaw (Ba Lan) để thực hiện luận án tiến sĩ. Ngay ngày hôm sau bà bắt đầu làm việc. Khi trình bày Đề cương luận án tiến sĩ về proteinaza ở dứa, bà đã nhận được sự quan tâm, thích thú từ các giáo sư người Ba Lan. Ở thời điểm đó, đây là một hướng nghiên cứu mới đặc biệt, bởi được thực hiện trên cây dứa – nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm và rất phổ biến ở Việt Nam. GS.TSKH Tadeusz Wilusz (Chủ nhiệm bộ môn Enzim học) và GS.TSKH Antoni Polanowski (Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật sinh học) nhận sẽ giúp đỡ bà hoàn thành luận án trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng nghiên cứu do có nhiều khó khăn về hoá chất, các giáo sư cố vấn khoa học đã khuyên bà nên chuyển hướng nghiên cứu về protein ức chế proteinaza ở hạt các cây họ bầu, bí với tên đề tài “Trypsin inhibitor of white bush (cucurbita pepo var. patissonina fruits and seeds)”. Đề tài nghiên cứu này sẽ có nhiều thuận lợi hơn, vì đây là các chất mà các giáo sư của Viện mới phát hiện được vào năm 1980. Rất nhanh sau đó, phát hiện mới này trở thành một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của Viện Sinh hoá, được nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới chú ý và sẽ có đủ cơ sở vật chất để tiến hành thực nghiệm.

Ba năm để hoàn thành luận án tiến sĩ quả thật rất vất vả. Nhiều đêm liền, bà thao thức không ngủ, suy nghĩ: làm thế nào để có thể hoàn thành bản luận án tiến sĩ về thực nghiệm đúng thời gian quy định? Hơn nữa, trước đó bà đã mất thời gian 3 tháng để nghiên cứu về proteinaza ở dứa nhưng phải tạm dừng vì thiếu hoá chất. Song bà tự nhủ phải tìm giải pháp tiến lên, phải quyết tâm bảo vệ được luận án đúng thời hạn quy định để không phụ sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp.

Việc thay đổi đề tài làm cho PTS Phạm Thị Trân Châu phải sống trong những ngày khá căng thẳng, đầy lo lắng, buộc bà phải tự học, tự tìm hiểu rất nhiều. Bà quyết định tăng số giờ làm thí nghiệm hàng ngày lên 16-20 giờ/ ngày để sau 2 năm có thể thu thập đủ số liệu thực nghiệm. Thời gian còn lại dành để viết luận án và hoàn tất các thủ tục để bảo vệ. Do vậy, hàng ngày bà đều bám riết lấy phòng thí nghiệm từ sáng đến tận đêm khuya. Rời phòng thí nghiệm thường rất khuya, bà không dám đi tàu điện một mình vì sợ những tên say rượu quấy rối, bà nghỉ luôn tại phòng thí nghiệm. Trở về phòng kí túc xá vào lúc 4-5h sáng, bà tranh thủ tắm giặt, thay quần áo khi mọi người còn chưa thức dậy. Để tiết kiệm thời gian, mỗi buổi sáng bà đều mua bánh mỳ để ăn luôn trong phòng thí nghiệm. Có khi đang làm thí nghiệm buồn ngủ quá, bà lại tự hát linh tinh cho qua cơn buồn ngủ, để không làm ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, rồi sẽ mất công làm lại vừa tốn nguyên liệu vừa mất thời gian chờ đợi gieo, chờ hạt bí nảy mầm.

Trong quá trình thực hiện đề tài, PTS Phạm Thị Trân Châu đã tự tay thái, xay và ép dịch của 300 kg bí quả; phải tỉ mỉ gieo 40.000 hạt bí bằng cách cắm từng hạt xuống cát. Khi hạt nảy mầm được 2 lá thì thu hoạch từng cây một và cắt thành từng đoạn để đưa vào làm thí nghiệm. Những công đoạn này cần phải thao tác thật nhanh để không làm biến đổi dịch chất của mầm hạt bí khi làm thí nghiệm, như vậy kết quả mới chính xác.

Chính sự tỉ mỉ, phức tạp trong nghiên cứu, yêu cầu ngặt nghèo về các trang thiết bị, hoá chất thí nghiệm là những điều khó khăn nhất khi thực hiện đề tài. Tuy nhiên, PTS Phạm Thị Trân Châu đã nhận được sự tin tưởng, giúp đỡ về tài liệu, trang thiết bị phòng thí nghiệm từ các giáo sư và một số bạn bè, đồng nghiệp trong Viện Sinh hoá. Mỗi khi chuẩn bị làm thí nghiệm lớn, bạn bè và đồng nghiệp đều giúp đỡ bà các công việc lao động nặng nhọc: khuân vác, thái, xay và ép dịch của hàng trăm kg quả bí. Với bà, sự giúp đỡ ấy thật sự vô cùng quý giá, không những làm tăng tiến độ công việc mà còn bảo đảm chất lượng thí nghiệm.

Công việc cứ dồn dập, bận rộn không ngừng vì vậy trong suốt thời gian làm luận án hầu như bà không biết đến ngày chủ nhật, ngày lễ hay ngày nghỉ hè, thậm chí rất ít thời gian dành cho chăm sóc bản thân. Ba năm học tập ở Ba Lan, bà không hề biết đến rạp chiếu phim, hàng quán hay địa điểm du lịch. Có nhiều lúc mệt tưởng đã quá sức chịu đựng, bà lại tự động viên: Thì giờ dành cho bản thân thì còn dài, còn những năm tháng này là dịp hiếm hoi mà Đảng và Nhà nước và mọi người đã dành cho mình để tập trung cho khoa học. Vì vậy cần phải tận dụng triệt để những điều kiện thuận lợi để đọc, học, tìm hiểu kinh nghiệm của các bạn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa họcNhờ sự say mê nghiên cứu, kiên trì thực nghiệm và quyết tâm cao, bản luận án “Trypsin inhibitor of white bush (cucurbita pepo var. patissonina fruits a nd seeds” (Các chất kìm hãm trypsin của hạt và quả bầu, bí) được viết bằng tiếng Anh đã được bà hoàn thành vào ngày 29-6-1985 và gửi nộp lên Nhà xuất bản Đại học Tổng hợp Wroclaw (Ba Lan).

Ngày 12-12-1985, PTS Phạm Thị Trân Châu đã rất tự tin trình bày trước Hội đồng bản luận án tiến sĩ mà bà đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành, sớm hơn 1 tháng so với thời hạn. Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án được các thầy trong Hội đồng đánh giá cao. Khi Uỷ viên Hội đồng hỏi: Làm thế nào để có thể hoàn thành được một khối lượng công việc lớn như vậy trong thời gian 3 năm? Các giáo sư cố vấn của bà đã trả lời: “Bà Châu tuy có 3 năm để thực hiện đề tài luận án nhưng thực tế thời gian làm việc phải bằng 6 năm”! Dùng cách nói như vậy, chứng tỏ các giáo sư cố vấn đã đánh giá cao quyết tâm trong lao động khoa học cũng như kiến thức và khả năng nghiên cứu của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu khi đó.

Ở tuổi 83, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học, cho cộng đồng

Từ những kinh nghiệm nghiên cứu cơ bản về PPI kể từ khi làm luận án tiến sĩ ở Ba Lan, lần đầu tiên bà đã phát hiện được kiểu cấu trúc mới của các PPI họ bí, đặc biệt là hạt của quả gấc. Kết quả này có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Ngoài ra, bà còn phát hiện hạt gấc có tác dụng kìm hãm mạnh sự sinh trưởng và phát triển của một số loại sâu hại rau, từ đó bà tạo ra chế phẩm thuốc trừ sâu hoá sinh Momosertatin (Mos), chế phẩm MM… Bà đã trở thành nhà khoa học có uy tín về ngành Hoá – Sinh của Việt nam, đặc biệt là về enzim, về proteinaza và các chất ức chế proteinaza (PPI) và được nhiều nhà khoa học trên thế giới biết đến. Với những thành công trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, ba năm sau kể từ khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 1988 bà đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia – Giải thưởng khoa học cao quý nhất dành cho các nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nay đã ở tuổi 83 GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội. Là Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, bà không ngừng đóng góp vì sự lớn mạnh của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam, vì nền khoa học nước nhà.Sau khi trở về nước, TS (sau này là TSKH) Phạm Thị Trân Châu tiếp tục triển khai hướng nghiên cứu proteinaza và các chất ức chế proteinaza (PPI) tại phòng Thí nghiệm Công nghệ enzim protein của trường Đại học Tổng hợp và sau này là Trung tâm Công nghệ sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và các chương trình công nghệ sinh học. Đồng thời, hướng nghiên cứu này được GS Phạm Thị Trân Châu phát triển, xây dựng các đề tài, hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên cho đến khi bà nghỉ hưu.

Hà Thị Tường

 


* GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu sinh năm 1938 quê Quảng Nam, là nhà khoa học thuộc lĩnh vực Sinh học, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nữ trí thứ Việt Nam.
[1] Mẫu vật về Bromelain dạng bột khô.