Bỏ lại ước mơ làm thủy thủ
Được mệnh danh là “bàn tay vàng ngoại khoa” Việt Nam và chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, nhưng ít ai biết rằng, thời trẻ Giáo sư-Tiến sĩ (GS.TS), Thày thuốc Nhân dân Trịnh Hồng Sơn từng ước mơ làm… thủy thủ. GS Trịnh Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hà Nội nhưng lớn lên tại Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống làm nghề Y. Theo lời khuyên học ngành Y của người cha là bác sĩ anh quyết định thi vào Đại học Y Hà Nội, trở thành một trong số ít bác sĩ nội trú khóa 12 của Đại học danh tiếng bậc nhất Việt Nam.
Con đường cống hiến miệt mài không ngừng nghỉ cho y học của GS Trịnh Hồng Sơn trong hơn 30 năm qua đều gắn liền với những bước phát triển đáng kể về phẫu thuật ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Biết được bí mật về ước mơ thuở thiếu thời của GS Trịnh Hồng Sơn là trở thành thủy thủ, tôi đã nói đùa với ông rằng đó lại là một may mắn cho nền Y học Việt Nam và hàng nghìn bệnh nhân, bởi nếu ước mơ đó của ông trở thành hiện thực, sẽ không có nhiều người bệnh được cứu và chắc hẳn, số bác sĩ mổ giỏi ở tuyến tỉnh có thể không khá như vậy.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn.
Khi được hỏi “GS suy nghĩ gì về những hạn chế trong công tác đào tạo bác sĩ của ta hiện nay?” GS Sơn chia sẻ: Ở nước ngoài, muốn trở thành một phẫu thuật viên thì sau 6 năm học đại học như ở Việt Nam còn cần phải học tiếp 3 năm theo một chương trình. Ở nước ta, người ta coi hệ nội trú là hệ tài ba bởi các thầy “cây đa, cây đề” đều trưởng thành từ nội trú. Ở nước ngoài, tất cả các phẫu thuật viên đều là bác sĩ nội trú và bác sĩ nội trú có ở tất cả các tỉnh, chứ không phải chỉ bệnh viện lớn tuyến T.Ư, trong khi đó, hiện nay ở nước ta, nhiều người là phẫu thuật viên nhưng không phải nội trú bởi các bạn ấy ra trường xong thì đi làm, sau 2-3 năm mới lại đi học. Tại sao không cho người ta học một lèo luôn? Như thế vừa bài bản, vừa chuyên nghiệp. Điều tôi sợ nhất trong việc chuyển giao kỹ thuật là cầm tay chỉ việc chưa đến nơi. Cầm tay chỉ việc phải trọn gói, nghĩa là phải qua cả lý thuyết và thực hành, chứ chỉ thạo kỹ thuật thôi chưa đủ”.
Được biết, GS Trịnh Hồng Sơn đang tự đứng ra tổ chức một lớp với mô hình đào tạo nội trú như vậy. Ông tình nguyện dạy miễn phí cho 6 bác sĩ mới ra trường đang công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, các học trò được học theo giáo trình chuẩn của Đại học Y Hà Nội, phải trải qua các kỳ sát hạch, làm luận văn theo chuẩn và phản biện sẽ là những chuyên gia đầu ngành được GS Trịnh Hồng Sơn mời, song chỉ có điều, các học viên theo học nhưng không có bằng cấp.
Khó tính khi tuyển lựa học trò
Trước khi gặp GS Trịnh Hồng Sơn, tôi đã được các học trò của ông cảnh báo “Thầy anh thẳng thắn và khó tính lắm đấy!”. Thế nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy GS khá thoải mái, có lúc tưởng ông coi tôi như học trò, giải thích cặn kẽ nhiều tình huống hay phân tích các kỹ thuật ông và các học trò Bắc Ninh đang tiến hành trong ca mổ. Chính điều đó đã cho tôi thấy sự tận tụy của một người thầy lớn trong ngành Y.
Luôn tâm niệm “nhìn từ các học trò để thấy mình” nên việc chọn lựa học trò để hướng dẫn, chỉ bảo của GS Trịnh Hồng Sơn rất khắt khe. Học trò đến xin theo học thì rất nhiều, nhưng số được ông nhận dạy không nhiều bởi ông đòi hỏi những tố chất riêng biệt. “Muốn trở thành một bác sĩ giỏi về chuyên môn và y đức trước hết phải là người quân tử. Thứ hai, phải hiểu biết, phải chịu học: Học bệnh lý, học bệnh học, biết chẩn đoán chính xác trước mổ, sử dụng các phương tiện chẩn đoán nào, dùng phương pháp nào thuận lợi nhất, tiết kiệm nhất cho người bệnh mà vẫn có hiệu quả. Mổ xong thì có thể có những biến chứng gì để theo dõi, săn sóc bệnh nhân? Tôi luôn yêu cầu bác sĩ phải khai thác đầy đủ thông tin về bệnh nhân trước khi có chỉ định mổ. Chỉ một tờ giấy nhỏ thôi nhưng hết sức quan trọng, vì nó cho thấy sự quan tâm cần thiết của bác sĩ với bệnh nhân”-GS Trịnh Hồng Sơn thổ lộ. Theo ông, kỹ năng ứng xử với bệnh nhân cũng là điều phải học nghiêm túc. Trước một ca phẫu thuật, bác sĩ phải giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu rõ về tình trạng bệnh, những biến chứng có thể gặp. Điều này thường ít được quan tâm đúng mức nên dẫn đến hậu quả là những vụ lùm xùm không đáng có khi không may xảy ra biến chứng.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn dí dỏm “Khi không thích một phẫu thuật viên nào đó, người ta thường nói “cái tay cao hơn cái đầu” để ám chỉ một người chỉ biết mổ. Nhưng mổ giỏi thì cần sự tỉnh táo của cái đầu. Có nghĩa là anh phải biết tiên lượng, biết chẩn đoán cả những biến chứng có thể xảy ra. Nói ngoa thì nếu chỉ cần mổ, quá đơn giản, tôi có thể đào tạo cậu xe ôm, xích lô cổng viện 2 tháng thì cắt dạ dày ngon lành. Ý tôi muốn nói, kỹ thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình điều trị. Quan điểm của tôi là như vậy. Tôi luôn muốn rằng, sau mổ nếu có những biến chứng thì các bác sĩ nhanh chóng thông báo để còn rút kinh nghiệm. Ví dụ như nếu có tử vong phải kiểm thảo khắt khe xem nguyên nhân do đâu. Dù là làm được hay chưa làm được cũng cần có sự tổng kết, rút kinh nghiệm”.
Khắt khe trong chuyên môn nên GS.TS Trịnh Hồng Sơn đặt ra 9 tiêu chuẩn chống bục cho các học trò của mình. Đó là Tiêu chuẩn THS (viết tắt của: Tiêu chuẩn Trịnh Hồng Sơn) như: Khâu phải kín, mạch máu nuôi dưỡng phải tốt, bệnh nhân không được rối loạn nước và điện giải, hồng cầu bạch cầu tốt, không để mất máu, nếu mất máu thì phải truyền trước, độ bão hòa oxy phải 100%… Đây chính là những kinh nghiệm quý báu mà ông đúc kết được, không sách vở nào đề cập đến.
Ghép tạng – Tâm huyết một đời
GS Trịnh Hồng Sơn chưa bao giờ tự nhận mình là “bàn tay vàng ngoại khoa”, nhưng có thể tự hào là chuyên gia đầu ngành về phát triển ghép tạng bởi ông bắt đầu theo đuổi từ những năm 1997, khi có cơ hội đi học về ghép gan, ghép tạng ở Pháp.
GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định “Ghép tạng là tinh thần của tập thể. Để thực hiện một ca cần rất nhiều ekip: Chuẩn bị người cho, người nhận, nhân lực kỹ thuật, theo dõi và săn sóc sau ghép. Đối với kíp lấy tạng, làm sao tạng được bảo quản cho tốt trong khi đó kíp khác đảm nhiệm cắt tạng của người nhận, sau đó nối mật, nối mạch máu…”. Ông thường vào nhóm kiểm tra cuối cùng: Đóng bụng-“Đóng bụng là kỳ cuối cùng, thường dành cho các bác sĩ trẻ, bác sĩ phụ, nhưng ngược lại, mình nhận làm bởi vì khâu cuối cùng kiểm tra xem tạng còn chức năng không”. GS Sơn trăn trở ý nghĩa của ghép tạng cứu người chưa được nhiều người nhìn nhận một cách cởi mở nên việc phát triển chuyên ngành này còn khiêm tốn. Đó là lý do vì sao đi đâu, gặp ai, GS cũng thường hỏi “Anh (chị) có thể đăng ký hiến tạng không?”. Ông nói, nếu có dịp về Bắc Ninh nói chuyện về kiến thức y học, kiểu gì ông cũng sẽ có một phần về hiến tạng.
Giáo sư Trịnh Hồng Sơn trong phòng mổ hỗ trợ ca khó của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
GS.TS Đỗ Đức Vân-người thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách của ông từng nhận xét: “GS.TS Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có những đóng góp rất đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố GS Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam”.
Chỉ có thể về hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngoài giờ hành chính nên tất cả các ca mổ cần sự can thiệp của Giáo sư Trịnh Hồng Sơn thường diễn ra buổi tối, ban đêm hay ngày Thứ Bảy, Chủ nhật, tất nhiên vẫn có ngoại lệ, ấy là các trường hợp cấp cứu nặng. Giáo sư chia sẻ “Có một nguyên tắc bất di bất dịch với tôi là bao giờ bệnh nhân nặng tôi cũng ưu tiên trước và tính mạng người bệnh phải được đặt lên hàng đầu”.
Ông hài hước “Tôi năng về Bắc Ninh bởi bố mẹ tôi sống ở đây, công việc quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc bố mẹ nên tôi luôn muốn được về nhà, có khi chỉ để ăn một bữa cơm gia đình”. Với GS.TS Trịnh Hồng Sơn-một con người được nuôi dưỡng và trưởng thành từ cái nôi là gia đình bác sĩ, ắt hẳn đã “ngấm” được những phẩm chất tốt đẹp và đáng trân trọng nhất của những “mẹ hiền”.
Việt Hoa