Đó là cuốn album ảnh về phong cảnh vùng Kovrov (Liên Xô) của gia đình ông Achiusin tặng PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu năm 1957. Trong buổi trò chuyện với ông ngày 8-6-2011, những kỉ niệm hơn năm mươi năm trước trong kí ức của người lính già đã 86 tuổi ùa về: ông Achiusin là bạn cùng khoa tại trường Đại học tổng hợp Bauman, quê ở Kovrov, cùng thực tập với PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu vào năm học cuối ở chính quê hương của Achiusin. Gia đình ông Achiusin rất quý mến PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu nên sau khi thực tập xong, họ tặng PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu một album ảnh với lời đề tặng chân tình:
“Lê Văn Chiểu thân mến!
Tặng cậu quyển album này để nhớ về gia đình người Nga ở Kovrov. Năm 1957.”
Album ảnh của gia đình ông Achiusin tặng PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, năm 1957
Năm 1951, Lê Văn Chiểu cùng 20 cán bộ Đảng viên khác được Trung ương Đảng cử đi học tại Liên Xô. Khi đó, ông mới 25 tuổi, là người trẻ nhất trong đoàn và đang làm ở phòng Xạ thuật, Nha nghiên cứu kĩ thuật của Cục Quân giới. Sang Liên Xô, Lê Văn Chiểu được phân công học về vũ khí tại trường Đại học tổng hợp Bauman trong 5 năm rưỡi (từ tháng 9-1951 đến tháng 3-1957).
Khi mới sang, ông ở cùng với hai học viên Nga đang học năm cuối trong căn phòng 14 thước ở tầng 2. Mặc dù lúc đó ông vừa từ Việt Nam sang, mang trong người bệnh sốt rét và suy dinh dưỡng, nhưng hai người bạn cùng phòng tỏ ra rất thân thiết, cùng nấu và ăn xì xụp một xoong với ông. Về sau, câu chuyện này được đưa lên trong bài báo “Người bạn Việt Nam” của trường Đại học Bauman số 10 (tháng 3-1957). Khi đi ăn tập thể, ông chưa biết nói tiếng Nga nên mua thức ăn phải viết ra mẩu giấy nhỏ và đưa cho cô nhà bếp. Sau một thời gian với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, ông nói được tiếng Nga nên nói chuyện được với cô nhà bếp. Cô thốt lên: “Ồ, anh biết nói à, tôi tưởng anh bị câm”.
Trong hai năm đầu, Lê Văn Chiểu được học riêng một thầy, một trò các môn toán, lí, hóa, kĩ thuật chung và chủ nghĩa Mác Lênin. Cô giáo dạy môn Chủ nghĩa Mác-Lênin còn nhận ông làm con nuôi. Theo lời kể của PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, bà rất hiền, biết tiếng Pháp và có nhiều con nuôi là sinh viên người Trung Quốc. Năm thứ ba, ông vào học lớp Vũ khí tự động. Cả lớp chỉ có 12 sinh viên, học về súng tiểu liên, đại bác, máy bay, kĩ thuật cơ sở chuyên ngành, thiết kế và chế tạo vũ khí.
Trong quá trình học ở trường Đại học tổng hợp Bauman, ông có ba lần đi thực tập cùng các bạn trong lớp:
· Năm thứ tư thực tập ở trường bắn thí nghiệm của quân đội, xem bắn thử các kiểu súng mới ra như B40, DKZ82…
· Năm thứ năm đi thực tập về công nghệ chế tạo tại Kovrov (cách trường Đại học tổng hợp Bauman 300-400km).
· Năm cuối thực tập tốt nghiệp ba tháng, cũng tại Kovrov. Ở đây, các ông được quan sát về quá trình sản xuất súng trọng liên 14,5 ly.
Trong lần thực tập ở Kovrov, Lê Văn Chiểu quen ông Achiusin và nhiều lần đến thăm gia đình ông. Cô con gái nhỏ của Achiusin yêu quý và thường chơi nghịch tuyết với Lê Văn Chiểu. Các ông và người bạn Hungari (tên là Xêglêdi, học cùng lớp của Lê Văn Chiểu) đi thăm nhiều nơi ở Kovrov và chụp ảnh kỷ niệm với nhau. Tình bạn của họ mỗi ngày một gắn bó.
Lê Văn Chiểu (ngoài cùng bên trái), cha con ông AChiusin và Xêgledi tại Kovrov (Liên Xô), 1955
Khi kết thúc đợt thực tập năm cuối, gia đình ông Achiusin tặng người bạn Việt của gia đình cuốn album này với tất cả những tình cảm yêu mến, mong ông luôn nhớ về một gia đình Nga. PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu đã lưu giữ cuốn album từ năm 1957 đến nay và luôn coi nó như một kỷ vật đáng quý trọng.
Ngày 7-6-2011, PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu quyết định tặng cuốn album này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cùng với những kỷ vật khác của ông về thời đi học ở Liên Xô hơn nửa thế kỷ trước.
Trần Bích Hạnh