Cuốn học bạ của PGS Nguyễn Hoành Khung

PGS Nguyễn Hoành Khung (sinh 1938, quê Thái Bình), nhà khoa học chuyên ngành Văn học. Hơn 40 năm gắn bó với khoa Văn học, trường ĐH Sư phạm HN, ông từng là Tổ phó tổ Văn học Việt Nam hiện đại; nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, trong đó đi sâu về một số tác giả như: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam… Ông tham gia Hội đồng chuyên môn bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục từ năm 1996 đến năm 2009, có nhiều đóng góp trong việc soạn sách giáo khoa, tham gia tiểu ban soạn chương trình cải cách giáo dục, ra đề thi…

Cuối năm 1950, Nguyễn Hoành Khung vào Thanh Hóa ở cùng bố (cụ Nguyễn Danh Hoàn). Rồi cậu được người anh đồng hương là Nguyễn Xuân Sinh giúp xin cho vào học lớp 5 (cấp 2, hệ 9 năm) của trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền, đóng tại làng Ngò, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm 1951, trường tách thành hai chi, một ở làng Ngò, một ở Mao Xá. Nguyễn Hoành Khung về chi Mao Xá (nay là làng Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) học cho đến hết lớp 6.

Nguyễn Hoành Khung lên lớp 7, trường chuyển sang làng Thái Dương. Theo gợi ý của ông Đặng Xuân Thiều, gia đình cậu chuyển ra làm nhà ở ven đê sông Nông Giang – đây là con sông nhân tạo, thẳng tắp, còn gọi là sông Nhà Lê. Ông Thiều qua con đê này làm nhà ở từ trước đó nên đã rủ cụ Hoàn ra dựng nhà ở gần. Gần đó có nhà ông Nguyễn Mạnh Tường. Ngôi nhà của gia đình cụ Hoàn làm bằng tranh tre rất đơn giản, nằm ngay ven đường đê Nông Giang, có nhiều người qua lại. Từ đó, Hoành Khung đi bộ 3km để đến trường.

Học vào buổi tối trong nhà dân, nên phải xách đèn đi học. Thỉnh thoảng, nhà trường tổ chức cho học sinh học chính trị. Một lần, sau khi tan học, Nguyễn Hoành Khung cùng cậu bạn thân đi về đến cánh đồng (trước khi lên bờ đê Nông Giang) thì gió thổi tắt đèn. Trời tối đen như mực, cả hai cố gắng tìm đường đi và chẳng mấy chốc bị mất phương hướng, lóp ngóp bò lên bò xuống các bờ ruộng, toát mồ hôi, thở hổn hển mà không biết mình đang đứng ở đâu, nhà mình ở hướng nào. Quay lại cũng không được, đi tiếp thì không biết theo hướng nào. Loay hoay hàng tiếng đồng hồ, rồi có tiếng ô tô (bấy giờ rất hiếm), đoán là xe đi trên đê Nông Giang nên cả hai đi về hướng ấy, cuối cùng cũng đi lên được bờ đê. Trước khi chia tay ai về nhà nấy, hai người ôm nhau nói “chúng mình nhớ mãi đêm nay!”. Người bạn ấy ở làng Đu, phía trên nhà Nguyễn Hoành Khung và cũng gần đê Nông Giang.

Một đêm khác, trên đường về sau khi tan học, qua đình làng Thái Dương cậu thấy rất đông người đang tụ tập nên đã cùng người bạn ở làng này chen vào xem. Cậu trèo lên đứng trên bàn cao thì thấy bên trong có mấy ông đang điều khiển cuộc truy phản động, đối tượng là một ông già ngồi gục đầu trên ghế băng. Người chỉ huy quát to “đánh đi”, ông già bị đè nằm ra ghế băng rồi ông kia hô “đánh”. Hoành Khung thấy vậy bèn giơ tay nói to “không được đánh người già” với tất cả sự phẫn nộ của mình mà không nghĩ ngợi gì. Người chỉ huy kia ngoảnh lại hỏi “đứa nào chống lại?” và hò dân quân ra tìm. Lập tức có 2 anh dân quân đứng bên dưới giật tay Hoành Khung kéo xuống, một người giữ và một người đi tìm dây để trói. Người bạn đi cùng tới xin cho Hoành Khung. Chờ một lúc không thấy mang dây đến, anh dân quân tha cho cậu đi về.

Học kỳ 1 năm lớp 7, Khung bị hai trận ốm rất nặng, may mắn mà sống sót. Lần đầu là do cậu đi học đêm về gặp mưa, không có áo mưa nên bị ướt và nhiễm lạnh. Về nhà cậu bị sốt cao li bì. Mẹ cuống quá không biết làm thế nào, đi hỏi anh giúp việc ở nhà cụ Đặng Xuân Thiều thì anh ta nói phải uống thuốc đa-di-năng (thuốc kháng sinh do lính Pháp mang sang Đông Dương, chữa được nhiều loại bệnh) mới khỏi. Khung được mẹ cho uống 3 viên đa-di-năng/ngày nhưng không khỏi. Bố đi làm về thấy con sốt cũng không biết làm thế nào. Ngẫu nhiên có BS Nguyễn Bát Can – Giám đốc Sở y tế liên khu III đi qua nhà, cụ Hoàn bèn mời vào để khám cho Khung. Sau khi hỏi chuyện, bác sĩ Can nói chắc là viêm họng và cho Khung cặp nhiệt độ rồi bắt mạch. Sau đó bác sĩ nói sốt 41,2 độ, viêm phổi nặng, rồi cho thuốc uống. Không biết đó là thuốc gì, ngày uống 6 viên, dần dần thì khỏi.

Ngay sau đó thì Nguyễn Hoành Khung bị viêm ruột, chưa bao giờ cậu bị đau bụng như thế. Nhưng cậu cũng khỏi bệnh dù không thuốc men gì.

Dù vậy, thành tích học tập năm ấy của cậu vẫn rất xuất sắc. Theo thông tin trong cuốn học chỉ, năm lớp 7 Nguyễn Hoành Khung học các môn: luận, giảng văn, sử, địa, chính trị, toán, lý- hóa, vạn vật. Điểm trung bình học kỳ 1 là 7,06, học kỳ II là 7,54, điểm trung bình cả năm là 7,30, xếp thứ nhất trong tổng số 56 học sinh.

Riêng môn toán, năm lớp 7 Khung học thầy Nguyễn Quý Phức. Thầy có tính hơi tàng tàng, không có vợ, đôi khi đang dạy thầy dừng lại chỉnh học trò mấy phút mới dạy tiếp. Giọng thầy sang sảng, nhưng thầy lại rất hiền, dạy giỏi, tận tụy, chấm bài nghiêm túc. Do Nguyễn Hoành Khung nghịch ngợm nên hay bị thầy chỉnh, dù vậy thầy không hề ghét mà ngược lại còn cưng cậu. Thầy thường phê học bạ của học trò chỉ một chữ: giỏi, khá, được, kém. Hết lớp 7, trong học chỉ của Nguyễn Hoành Khung, ở phần nhận xét về môn toán và lý hóa, thầy Phức ghi “Học giỏi – chăm – Hạnh kiểm tốt”. Ông cán bộ văn phòng trường giải thích cho mọi người rằng trò nào được thầy Phức ghi chữ “giỏi” thì xứng đáng được cử đi học Liên Xô – bấy giờ với Nguyễn Hoành Khung thì Liên Xô nghe rất xa vời…

Kết quả học các môn khoa học xã hội như luận, giảng văn, sử cũng được nhận xét chung là: "Rất giỏi, nhiều triển vọng, nhưng cần phải chú trọng kết hợp học tập với công tác vì ít tham gia công tác. Cần phát triển thanh niên tính nhiều". Môn địa thì được phê "Khá lắm". Môn chính trị: “Giỏi, cần đề phòng tư tưởng tự kiêu".

Khi học hết lớp 7, nhà trường xét điểm chứ không tổ chức thi. Nhà trường quy định, điểm trung bình từ 6,5 trở lên được lên thẳng lớp 8, một số bạn điểm thấp thì phải thi lại. Nguyễn Hoành Khung được lên thẳng lớp 8. Sau này, khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Hoành Khung được nhà trường trả lại toàn bộ giấy tờ, hồ sơ cá nhân, trong đó có cuốn học chỉ lớp 7. Cậu đã lưu giữ tất cả những giấy giờ cá nhân ấy làm kỷ niệm.