Cuốn học bạ thời sinh viên dược khoa

PGS Lê Văn Truyền học Đại học Dược khoa Hà Nội khoá 1960-1964. Mãi hơn 20 năm sau ông mới có trong tay cuốn học bạ của mình trong mấy năm học ấy. Ông kể rằng: Qua một người bạn cùng khóa là DS Nguyễn Huy Cẩn, Trưởng phòng Giáo vụ trường Đại học Dược Hà Nội, tôi biết có việc sẽ thanh lý một số tài liệu cũ của Phòng Giáo vụ, nên đã liên hệ xin lại quyển học bạ để làm kỷ niệm[1]. Đó là cuốn học bạ có bìa màu cam, kích thước 21cm x 27cm, với 19 trang giấy được phân chia thành các phần theo mẫu in sẵn. Ông rất quý kỷ vật này, bởi nó dẫn ông trở về những năm tháng tuổi trẻ, học hành… để lại bao kỉ niệm đẹp đẽ.

Ngày nhỏ sinh sống Huế, mỗi lần mẹ ốm, Lê Văn Truyền thường ra hiệu thuốc mua thuốc cho mẹ. Hình ảnh dược sĩ và mấy cô phụ tá mặc áo choàng trắng, cùng các chai lọ sạch sẽ, bóng loáng, mùi thuốc men… đã gây ấn tượng đặc biệt cho cậu học trò. Nhưng vì thích học kiến trúc, nên khi tốt nghiệp trường cấp III Lam Sơn năm 1960, Lê Văn Truyền đăng ký thi vào Đại học Bách khoa. Khi làm hồ sơ để nộp theo qui định, anh đến Ty Y tế Thanh Hóa xin cấp giấy chứng nhận sức khỏe, nhưng kết quả khám cho hay chỉ số Pignet là 45, như vậy không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để vào trường Bách khoa. Vì thế, anh đăng ký thi vào khoa Dược của trường Đại học Y dược khoa[2]. Cuối tháng 6 năm ấy, Lê Văn Truyền cùng các bạn học đi tàu hỏa từ ga Hàm Rồng ra Hà Nội dự thi. Sau khi thi xong 3 môn toán – lý – hóa tại giảng đường II của trường Đại học Y dược khoa, anh trở về nhà ở thị xã Thanh Hóa chờ kết quả.

Đến cuối tháng 8, nhận được giấy báo trúng tuyển của trường gửi qua đường bưu điện, Lê Văn Truyền vui mừng khôn tả: Tôi rất vui vì không phụ công ơn cha mẹ và các thầy cô nuôi dạy. Mặt khác, là anh cả trong gia đình, tôi phải làm gương cho hai em là Lê Thị Thanh Mai đang học lớp 8 và Lê Văn Kiều học lớp 4[3]. Ra Hà Nội nhập học, anh trở thành sinh viên lớp dược khoa khóa 14.

PGS Lê Văn Truyền nhớ mãi, trong số 66 sinh viên của lớp, các bạn người Hà Nội và số cán bộ đi học đều ăn mặc tươm tất, có xe đạp; còn những sinh viên “tỉnh lẻ” như Lê Văn Truyền thường mặc áo nâu, quần ống sớ, đi dép cao su. Đi dép cao su thì hay bị tuột quai, nên ai cũng có sẵn một vật dụng gọi là “cái xâu dép” đút ở túi quần phía sau. Ông kể lại một chuyện trong hồi kí của mình: Hàng ngày chúng tôi đi bộ từ ký túc xá ở bãi Phúc Xá đến trường, mất khoảng một giờ. Có hôm, vừa đến giảng đường II Viện Giải phẫu, dép tuột quai đúng lúc vào lớp. Tôi còn chưa kịp xâu lại quai dép thì bị BS Đỗ Trần Thận dạy môn vi trùng học gọi lên bảng trả bài. Tôi đành đi chân đất lên bục. Thầy nhìn tôi từ đầu đến chân và hỏi: “Dép đâu rồi mà đi chân đất lên trả bài?”. Cả lớp cười ồ và tôi chỉ muốn chui xuống một cái lỗ nẻ![4].

Nhìn lại khái quát về quá trình học tập của mình, PGS Lê Văn Truyền nhận xét: Năm thứ nhất lực học của tôi chỉ ở mức trung bình, do thay đổi môi trường học tập và phương pháp học tập. Từ năm thứ hai, càng học càng khá hơn. Năm thứ ba và thứ tư thì học giỏi[5]. Cuốn học bạ cho thấy kết quả học các môn trong năm thứ nhất như sau: Hai môn toán cao cấp và sinh lý thường đều được điểm 5, hai môn thực vật và chính trị cùng được điểm 7, chỉ có môn hóa vô cơ đạt điểm 8.

Sang năm thứ hai, kết quả khá hơn hẳn: Ngoài ba môn điểm 6 (vi trùng, vệ sinh, chính trị) và hai môn điểm 7 (vật lý, pha chế), còn lại đều đạt điểm 8 (hóa phân tích định tính, phân tích định lượng, hóa lý, ký sinh trùng, Nga văn),  và điểm 9, điểm 10 (hữu cơ, nhận thức).

Đến năm thứ ba, kết quả học tập của sinh viên Lê Văn Truyền được ghi vào học bạ như sau: Nga văn 10 điểm, bào chế – 9, sinh hóa – 8, dược liệu – 8, hóa dược – 7, chính trị – 7, dược liệu – 6.

Cuốn học bạ của PGS.TS Lê Văn Truyền

Năm thứ tư, có tới 4 môn được điểm 9 (y cơ sở, bảo quản, dược lý, hóa dược), môn bào chế được điểm 8, nhưng môn dược liệu lại bị “điểm 9 lộn ngược”. Thầy Đỗ Tất Lợi hỏi thi môn này, sinh viên Lê Văn Truyền bốc được câu hỏi về cây cam thảo bắc. Do anh không biết ở vườn thực vật của trường có trồng cây cam thảo bắc do chính thầy Đỗ Tất Lợi mang từ Siberi về, và cũng không biết mỗi năm miền Bắc lúc đó nhập bao nhiêu tấn cam thảo, nên anh ngậm ngùi nhận điểm 6.

Ngoài học lý thuyết và thực tập tại trường, ngay từ học kỳ II năm thứ nhất, sinh viên dược khoa đi thực hành mỗi tuần 3 giờ tại các hiệu thuốc và khoa dược của các bệnh viện ở Hà Nội. PGS Lê Văn Truyền nhớ rõ, ông thực tập tại hiệu thuốc Hàng Khay (nay là Công ty dược Hapharco Hà Nội): Chúng tôi được giao những việc đơn giản như rửa chai lọ, gói thuốc bột, đóng thuốc nước vào chai, dán nhãn, cấp phát thuốc… Khi gói thuốc bột, các gói thuốc phải đều nhau, phải “vuông thành, sắc cạnh”. Có khi, bị các dược sĩ kiểm tra bằng cách cọ góc gói thuốc lên mu bàn tay xem có sắc cạnh hay không. Ở bệnh viện, sinh viên được tham gia rửa chai đựng dịch truyền, đốt lò than để cất nước, phụ giúp pha chế, đóng thuốc vào lọ, gói thuốc… Những buổi thực hành ở hiệu thuốc và khoa dược bệnh viện giúp sinh viên làm quen với nghề nghiệp, rèn luyện tác phong tỉ mỉ, thận trọng, chính xác và trách nhiệm nghề nghiệp[6]. Học bạ cũng cho biết, năm thứ ba đi thực tập bệnh viện 20 ngày, sản xuất tại xưởng trường 10 ngày.

Đặc biệt, năm thứ tư sinh viên dược khóa 14 được đi thực tập nhiều nơi với những nội dung khác nhau: Thực tập canh tác và thu hoạch dược liệu ở Nông trường Xuân Mai 20 ngày; ở xưởng trường 20 ngày; thực tập ở tuyến tỉnh, huyện, về quốc doanh dược phẩm, bệnh viện và công tác khám chữa bệnh 9 tuần; thực tập tại các hiệu thuốc và bệnh viện ở Hà Nội 6 tuần. PGS Lê Văn Truyền cho biết, việc thực tập sản xuất tại xưởng trường đã trang bị những kiến thức vô cùng cần thiết, để sau khi ra trường ông cũng như một số dược sĩ khác cùng khoá nhanh chóng tham gia sản xuất thuốc ở các xí nghiệp trung ương và địa phương, tham gia sản xuất dịch truyền phục vụ cấp cứu phòng không trong thời chiến tranh, đặc biệt trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Đi thực tập ở Nông trường Xuân Mai, có những trải nghiệm thú vị được ông kể lại: Sinh viên chúng tôi làm việc như một nông trường viên thực thụ. Biết đánh xe trâu bò kéo chở phân lên đồi, chăm sóc cây: bón phân, tưới nước, làm cỏ, cắt tỉa cành… Chúng tôi còn được kỹ sư nông trường giảng dạy các kiến thức về nông nghiệp như thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng trọt…, để phục vụ cho môn học dược liệu (trồng dược liệu). Ngày chủ nhật, sinh viên leo lên núi đá ở vùng Lương Sơn thu hoạch củ bình vôi (Stephania glabra), đem về trường để chiết xuất rotundin dùng làm thuốc an thần[7].

Công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng được nhà trường chú trọng tổ chức. Ngay từ năm thứ hai, sinh viên Lê Văn Truyền đã tham gia nghiên cứu khoa học, cụ thể là chiết xuất nicotine từ vụn thuốc lá, theo hướng dẫn của thầy Mai Long ở bộ môn Hóa lý. Đến nay ông vẫn nhớ như in: Thầy cho tôi mượn chiếc xe đạp Liên Xô, mang giấy giới thiệu đến Nhà máy thuốc lá Thăng Long ở Thượng Đình để xin được một bao tải thuốc lá vụn. Những hôm không có lịch học và ngày chủ nhật, tôi lên phòng thí nghiệm Hóa lý tiến hành chiết xuất nicotine từ thuốc lá vụn bằng phương pháp cất cuốn hơi nước và tinh chế bằng phương pháp trao đổi ion. Từ nicotine làm phản ứng hóa học để biến thành acid nicotinic. Sau đó amid hóa để thành amid nicotinic (vitamin PP). Suốt ngày ngửi hơi thuốc lá và nicotine, tôi say ngất ngưởng[8]. Sau khi hoàn thành, kết quả nghiên cứu được báo cáo tại hội nghị khoa học lần thứ II của trường Đại học Y dược tổ chức trong hai ngày 26 và 27-3-1963. Ngoài đề tài này, thầy Mai Long còn hướng dẫn sinh viên Lê Văn Truyền điều chế muối reineckate, tạo phức với vitamin B1 để định lượng vitamin B1 bằng phép đo quang.

Cuốn học bạ cũng gợi cho PGS Lê Văn Truyền nhớ đến các thầy cô. Theo ông, những giờ học hoá dược với GS Trương Công Quyền luôn cực kỳ hấp dẫn. Thậm chí có sinh viên đang bị ốm đau nhưng nếu còn ngóc đầu dậy được để nhờ bạn chở xe đạp đến trường thì cũng cố đi học, sau tiết của thầy Quyền lại về nằm khoèo ở ký túc xá Thọ Lão. Còn thầy Vũ Văn Chuyên dạy môn thực vật, được mệnh danh là “cuốn từ điển sống” về thực vật Việt Nam. Chính thầy Chuyên là người định danh tên Latin cho các loại cây cỏ ở miền Bắc nước ta. Khi có ai đó đưa cho thầy một mẫu cây lạ, thầy vò nát và đưa lên mũi ngửi, mắt lim dim, rồi đưa ra kết luận. Khi đi rừng cùng với sinh viên để điều tra dược liệu, thầy trang bị như một huynh trưởng hướng đạo sinh, đeo quanh mình đầy đủ các vật dụng, từ cuộn dây dù, con dao găm, chiếc đèn pin, đến bông băng, thuốc cứu thương… Thầy Đinh Đức Tiến nổi tiếng là người biết nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Rumani. Thầy có trí nhớ đáng kinh ngạc, đặc biệt về cấu trúc hoá học các hợp chất thiên nhiên và danh pháp dược liệu bằng tiếng Latin. Còn thầy Lê Quang Toàn suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm với đống dụng cụ nuôi cấy vi sinh vật để tạo ra các kháng sinh…

Tổng kết quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên Lê Văn Truyền, ngày 13-8-1964, Hiệu trưởng Vũ Công Thuyết nhận xét ở trang 17 trong học bạ như sau: Có nhiệt tình tham gia công tác của tập thể. Có ý thức trách nhiệm trong công tác và học tập. Ý thức và khả năng lao động rất tốt. Học tập chăm chỉ, cố gắng, động cơ đúng đắn. Ý thức tổ chức và kỷ luật tốt. Có nhiều khả năng về thể dục, thể thao, điền kinh, trang trí (loại tích cực của chi bộ). Trình độ chuyên môn giỏi. Kiến thức cơ bản chắc và nhận thức nhanh. Sức khỏe tốt.

Do đạt thành tích học tập tốt, Lê Văn Truyền là một trong 10 sinh viên dược khoa khóa 14 được làm luận văn tốt nghiệp. Với sự hướng dẫn của thầy Mai Long và thầy Nguyễn Duy Cương, anh làm luận văn về đề tài “Một số phương pháp định lượng Vitamin B1 và Vitamin C trong viên Polyvitamin bằng phương pháp sắc kế”. Đề tài được thực hiện tại bộ môn Hoá lý và phòng Kiểm nghiệm của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương II. Khi đó, Xí nghiệp này định lượng vitamin B1 và vitamin C trong viên Polyvitamin bằng phương pháp hóa học, nên độ chính xác không cao. Sinh viên Lê Văn Truyền thực hiện phương pháp đo quang bằng máy quang sắc kế CF4 của Liên Xô, nhờ vậy độ chính xác cao hơn.   

Ngày 1-12-1964, sinh viên Lê Văn Truyền bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đúng ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ 24 của anh. Tham gia chấm luận văn có DS Huỳnh Quang Đại, DS Đặng Hồng Vân, DS Trần Văn Luân và DS Nguyễn Hữu Bảy. Đã gần sáu chục năm trôi qua, ông vẫn nhớ luận văn của mình được điểm 9, và vẫn không quên lời nhận xét hôm ấy của DS Trần Văn Luân là Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương II: Đề tài và kết quả rất tốt, có thể áp dụng và giúp ích được nhiều cho Xí nghiệp[9].

Cùng với luận văn đạt điểm cao như vậy, sinh viên Lê Văn Truyền thi vấn đáp môn chính trị được điểm 8. Nếu môn này cũng được tối thiểu điểm 9 thì anh đã được công nhận tốt nghiệp loại giỏi. Vì chỉ được điểm 8 nên anh thuộc diện tốt nghiệp loại khá.

Sinh viên Lê Văn Truyền (hàng sau cùng, thứ nhất từ trái)

trong buổi lễ tốt nghiệp, 9-12-1964

Ngày 9-12-1964, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch ban hành quyết định số 1028/BYT-QĐ công nhận tốt nghiệp dược sĩ cao cấp cho 66 sinh viên khóa 14, gồm 26 nữ và 40 nam. Cùng ngày, Hiệu trưởng Vũ Công Thuyết ra quyết định tặng thưởng cho 5 sinh viên đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp, trong đó Lê Văn Truyền được giải nhì (không có giải nhất). Ngay hôm ấy, trong lễ tốt nghiệp được tổ chức tại đại giảng đường của trường, thầy Hiệu trưởng trao phần thưởng và trao bằng tốt nghiệp. Sinh viên Lê Văn Truyền được nhận phần thưởng là một quyển sách chuyên đề về các Alkaloid dày gần nghìn trang bằng tiếng Nga, bìa bọc vải simili, có chữ ký của thầy Hiệu trưởng. Giá cuốn sách là 8,5 đồng. Hồi đó, học bổng mỗi tháng được 22 đồng, nhưng nộp cho nhà ăn đã hết 18 đồng. Cho nên, khi học môn dược liệu, sinh viên dù có tới hiệu sách Ngoại văn ở phố Tràng Tiền cũng không dễ gì mua được cuốn sách này, đành chỉ đứng nhìn nó bày trong tủ kính.  

Trải qua thời gian, cuốn học bạ đã phai màu, ghim kim loại đã hoen gỉ, nhưng với PGS Lê Văn Truyền thì đây là một kỷ vật quý, là vật chứng về chặng đường học tập 4 năm để ông lấy bằng Dược sĩ cao cấp, rồi sau đó gắn bó với ngành dược trong suốt chặng đường công tác. Thỉnh thoảng, ông lại mở cuốn học bạ ra xem và nhớ về một thời sinh viên sôi nổi, nhớ thầy cô, bạn bè cùng bao chuyện ở trường, ở lớp.

Hoàng Thị Liêm

____________________________

* PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên ngành Dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.

[1] Thông tin do PGS.TS Lê Văn Truyền cung cấp cho tác giả qua email, 7-2021.

[2] Năm 1961 tách thành hai trường: Đại học Dược khoa và Đại học Y khoa.

[3] Thông tin do PGS.TS Lê Văn Truyền cung cấp cho tác giả qua email, 7-2021.

[4] Lê Văn Truyền, Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo, Nxb. Thuận Hóa, 2021, tr. 120.

[5]  Thông tin do PGS.TS Lê Văn Truyền cung cấp cho tác giả qua email, 7-2021.

[6] Lê Văn Truyền, Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo, đã dẫn, tr. 121.

[7] Thông tin do PGS.TS Lê Văn Truyền cung cấp cho tác giả qua email, 7-2021.

[8] Lê Văn Truyền, Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo, đã dẫn, tr. 122.

[9] Lê Văn Truyền, Để nhớ để thương – Hồi ức của một thầy giáo, đã dẫn, tr. 125.