Phó giáo sư Lê Duy Thành cho biết, trong gần 40 năm công tác tại khoa Sinh vật[1], trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã giảng dạy và hướng dẫn cho biết bao thế hệ sinh viên, nhưng ông chỉ chọn duy nhất cuốn luận án của học trò Trần Duy Quý từ thư viện của bộ môn Di truyền học và đem về cất giữ tại nhà. Đó là cuốn luận án có bìa màu xanh, kích thước 18cm x 26cm, dày 130 trang, đóng thủ công từ các tập giấy kẻ ngang. Ngay trên trang bìa lót, nhìn những hàng chữ mực đen viết nắn nót, chắc hẳn nhiều người tưởng là chữ in, nhưng cũng như những cuốn luận án khác cùng thời, đây là luận án viết tay. Gần nửa thế kỷ qua, cuốn luận án đã ố vàng, quăn và rách quanh mép, các tờ giấy bị rời ra do bong ghim, để lộ vết gỉ sắt. Trước khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học vào ngày 19-6-2017, PGS Lê Duy Thành cẩn thận dùng băng dính chắp nối lại để tạm cố định hình hài cuốn luận án, và ông bảo: Quý mà biết luận án của mình vẫn còn thì sẽ rất phấn khởi[2].
Cuốn luận án tốt nghiệp Đại học của GS.TSKH Trần Duy Quý
Thực vậy, khi GS Trần Duy Quý biết cuốn luận án của mình được thầy hướng dẫn lưu giữ thì ông bất ngờ và cảm động. Ông nhớ lại những kỷ niệm về thời sinh viên đầy nhiệt huyết của mình, bắt đầu từ năm 1966, sau khi ông tốt nghiệp trường cấp III Bến Tre ở Vĩnh Phúc[3].
Năm ấy, vì không đủ cân nặng theo quy định nên Trần Duy Quý không vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học. Cậu buồn bã báo tin với thầy Bùi Đức Tỉnh – giáo viên dạy vật lý ở trường cấp III Bến Tre. Biết học trò có năng lực và hiếu học, thầy Tỉnh nhờ người quen giúp đỡ, sửa cho Trần Duy Quý từ 38kg lên 41kg để đạt điều kiện về sức khỏe. Với kết quả học tập xuất sắc, Trần Duy Quý có thể được cử đi du học, nhưng vì thành phần gia đình là địa chủ kháng chiến nên cậu chỉ được chính quyền xã cho đi học đại học trong nước. Trần Duy Quý nộp hồ sơ vào ba trường: Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa và Đại học Y khoa.
Sau thời gian dài chờ đợi, không tin bị trượt cả ba nguyện vọng, Trần Duy Quý đến Ủy ban hành chính xã Tiền Phong[4] để hỏi thông tin và được biết mình trúng tuyển vào khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp. Theo giấy báo, mồng 1-9-1966 các sinh viên trúng tuyển phải nhập học tại nơi sơ tán của khoa Toán ở xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên (khi đó là tỉnh Bắc Thái). Hôm ấy đã là ngày 27-8, Trần Duy Quý lo đến phát khóc vì sợ không kịp xong thủ tục hồ sơ để đi nhập học. Thương con trai, bà mẹ vừa động viên con vừa gấp rút chuẩn bị giấy tờ theo quy định và xin xác nhận của xã. May mắn, cuối cùng mọi chuyện đều suôn sẻ.
Sáng sớm ngày 1-9-1966, Trần Duy Quý được chú ruột Trần Duy Y đưa ra ga Phổ Yên để kịp chuyến tàu lên Thái Nguyên. Là học sinh say mê môn toán, từng tham gia đội tuyển thi toán quốc gia, giờ trở thành sinh viên khoa Toán, điều đó đáp ứng sở nguyện của Trần Duy Quý. Tuy nhiên, một tuần sau trường quyết định chuyển sinh viên Trần Duy Quý sang lớp thí điểm Sinh học thực nghiệm của khoa Sinh vật, khiến anh hoang mang.Nhận được quyết định chuyển khoa, Trần Duy Quý về nơi sơ tán của khoa Sinh vật ở xã Ký Phú, cùng huyện Đại Từ. Đây là vùng đất đồi hoang hóa, ai cũng có thể khai phá làm nương, xây nhà. Cứ 8-10 tân sinh viên được phân vào ở một ngôi nhà 5-7 gian do sinh viên khóa trước dựng lên. Nếu không muốn ở nhà cũ, các sinh viên có thể tự làm nhà mới. Trần Duy Quý ở chung với các bạn Bạch Đức Cư (ở Bắc Ninh), Đoàn Đức Rụ (Nam Định), Đoàn Duy Mậu (Hà Tây), Nguyễn Sỹ Chất (Nghệ An). Biết Trần Duy Quý có kinh nghiệm làm mộc, dựng nhà, nên cả 5 sinh viên quyết định cùng nhau làm nhà mới. Thế là họ đi lấy vật liệu và dựng một ngôi nhà rộng 36m2 ở xóm Chuối, gần rừng vầu và suối Ký Phú, cách lớp học chỉ hơn 100m.
Khi đã ổn định chỗ ở, sinh viên năm thứ nhất học chính trị và được các thầy định hướng nghề nghiệp. Trần Duy Quý cảm thấy hứng thú khi nghe thầy Nguyễn Lân Dũng[5] giới thiệu sinh động về ngành sinh học, triển vọng công nghệ sinh học thế giới và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam. Anh cũng rất ấn tượng với câu chuyện của thầy Phan Phải[6] kể về con đường phấn đấu của bản thân thầy, từ hoàn cảnh gia đình nghèo khó trong Nam rồi được ra Bắc học tập.
Kết thúc môn chính trị, sinh viên bắt đầu làm quen với các môn học đại cương như toán, lý, hóa, triết học, thể dục… Khi xét học bổng, SV Trần Duy Quý không được xét duyệt vì chính quyền xã Tiền Phong đã nhận xét vào bản lý lịch của anh rằng gia đình có kinh tế khá giả, đề nghị trường không cấp học bổng toàn phần. Do vậy, học kỳ đầu tiên, anh cố gắng học tốt để đạt học bổng bán phần, 10 đồng/tháng, đồng thời phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống mà không cần bố mẹ chu cấp. Đầu năm 1967, trường Tổng hợp có chủ trương trao học bổng toàn phần với mức 16 đồng 5 hào mỗi tháng cho các sinh viên đạt kết quả xuất sắc. Trần Duy Quý nỗ lực vươn lên trong học tập để giành học bổng này, thực ra chỉ có hai môn thể dục và chính trị là anh lo ngại, lý do là: Thời sinh viên, vì ốm yếu nên tôi gặp khó khăn khi học môn thể dục, nhất là các tiết học xà kép, xà đơn, phải luyện tập mãi mới qua được. Xuất thân từ làng quê, khi thi viết môn chính trị, sợ sai sót không được điểm tuyệt đối nên tôi phải rất chú ý[7]. Được nhận học bổng, từ học kỳ II trở đi SV Trần Duy Quý không phải đi làm thêm nữa, anh dành thời gian tham gia hoạt động đoàn, trở thành cán bộ đoàn gương mẫu, sôi nổi, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Ở nơi sơ tán, sách vở và tài liệu đều hạn chế. Trần Duy Quý thường tận dụng những tập hóa đơn bỏ đi của một số xí nghiệp ở huyện Đại Từ để làm giấy viết. Ngoài việc dạy và học, tất cả giáo viên và sinh viên trong khoa Sinh vật cùng nhau tăng gia sản xuất bằng cách trồng rau, sắn, chăn nuôi gà, vịt… Thầy Lân Dũng khởi xướng phong trào “tắt bếp ủ men” và hướng dẫn mọi người ủ thức ăn bằng men thuốc bắc[8] hoặc làm nước giải khát từ bí ngô – được gọi vui là bia sinh tố. Hàng tháng, sinh viên phải lên rừng kiếm củi về đun nấu, mỗi bạn nam phải nộp 40kg, mức khoán cho nữ là 30kg. Mỗi dịp nghỉ hè về thăm gia đình, Trần Duy Quý lên núi lấy giang về cho bố chẻ nan, khi trở lại trường anh mang theo bó nan giang để những lúc rảnh thì đan rổ rá mang ra chợ bán.
Bước vào năm học thứ ba, các sinh viên lựa chọn tổ nghiên cứu sâu. Khoa Sinh vật chia làm hai lớp: Động vật và Thực vật. Lớp Thực vật gồm 3 bộ môn: Thực vật đại cương, Thực vật thực nghiệm và Thổ nhưỡng. Bộ môn Thực vật thực nghiệm có 4 tổ: Vi sinh vật, Sinh lý, Sinh hóa và Di truyền học. Ban đầu, Trần Duy Quý chọn tổ Vi sinh vật, bởi anh thích cách dạy của thầy Lân Dũng – người đầu tiên truyền cảm hứng cho anh yêu khoa Sinh vật. Sau một tuần học, cảm thấy tổ này hợp với nữ sinh hơn nên anh đăng ký chuyển sang tổ Di truyền học. Trước đó, SV Trần Duy Quý đã được thầy Phan Phải gợi ý theo di truyền học để có thể phát triển khả năng tư duy và đầu óc thực nghiệm của anh. Sinh viên Trần Duy Quý không thể quên buổi ôn tập môn di truyền học với sự hướng dẫn của thầy Phan Phải. Vì đã nắm chắc bài nên anh cùng bạn Nguyễn Sỹ Chất tranh thủ ngồi đan để kiếm thêm thu nhập và bị thầy Phan Phải phát hiện. Sau khi hỏi chuyện, thầy thông cảm với sự chịu khó của trò và biết trò ít có điều kiện về thăm gia đình, nên thầy chẳng những không trách phạt mà còn cho Trần Duy Quý 10 đồng làm lộ phí về thăm nhà. Trần Duy Quý rất xúc động, vì lương của thầy hồi ấy chỉ khoảng 50 đồng/tháng, thầy cũng phải chi tiêu dè dặt, tiết kiệm.
Sang học kỳ II của năm thứ ba, Trần Duy Quý bắt đầu làm khóa luận, anh được hai giảng viên môn di truyền và chọn tạo giống là thầy Lê Duy Thành và thầy Trịnh Bá Hữu hướng dẫn. Các thầy gợi ý Trần Duy Quý nghiên cứu về đột biến, đề tài cụ thể là “Theo dõi tác dụng của 3 tác nhân gây đột biến: Etylenimi, Dimetylsulfat và Colchichine đến hai giống lúa xuân”.Nghiên cứu về đột biến trên lúa đòi hỏi một quá trình dài, qua nhiều vụ mới có thể kết luận một cách chắc chắn và chính xác quy luật gây đột biến. Tuy nhiên, khóa luận là bước đầu cho sinh viên làm quen với việc nghiên cứu khoa học, nên Trần Duy Quý chỉ nghiên cứu được trong một vụ lúa. Dưới sự hướng dẫn của các thầy, Trần Duy Quý tiến hành xử lý hạt giống bằng Etylenimi, Dimetylsulfat và Colchichine với các nồng độ khác nhau. Sau đó, anh gieo 700 hạt giống Trung Quốc II và 600 hạt Trân châu lùn trên thửa ruộng của người dân địa phương, ở gần phòng thí nghiệm. Các khâu làm đất, bón phân, tưới nước và giữ nước được đảm bảo nghiêm ngặt. Việc phát hiện các cây biến dị đòi hỏi sự quan sát thường xuyên, xem xét từ hình dạng, kích thước, màu sắc đến khả năng chịu lạnh, chịu sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng của lúa, rồi so sánh với cây đối chứng. Dựa trên kết quả thu được, Trần Duy Quý viết bản khóa luận 41 trang[9].
Khóa luận của SV Trần Duy Quý được các thầy trong bộ môn Di truyền chọn giống đánh giá cao và đồng ý cho phát triển nghiên cứu vào năm thứ 4. Bấy giờ, có hai hệ đào tạo, 3 năm và 4 năm. Trần Duy Quý muốn ra trường sớm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nên anh dự định bảo vệ khóa luận rồi sẽ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các thầy khuyên anh học hệ 4 năm, vì thế anh thay đổi ý định và học thêm năm thứ tư.
Đầu năm 1970, khoa Sinh vật chuyển về xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, sinh viên khóa 1966-1970 làm luận án tốt nghiệp. Đề tài của Trần Duy Quý là “Nghiên cứu tác dụng của Ethylenimin, Dimethylsunfate và Colchicine đến quá trình phát sinh đột biến ở lúa xuân”, vẫn do thầy Lê Duy Thành hướng dẫn.
Thời sinh viên, noi gương các thầy cô trong khoa, Trần Duy Quý tự học ngoại ngữ và có thể đọc được tài liệu tiếng Nga, tiếng Anh. Điều này không phải sinh viên nào cũng làm được. Sau khi tham khảo tài liệu, anh lập dàn ý nghiên cứu và gửi cho thầy. Thầy Duy Thành là người cẩn thận nên sửa rất kỹ, từ phần mở đầu cho đến phần tổng quan tài liệu. Nhờ khung nghiên cứu chi tiết của thầy sửa cho, SV Trần Duy Quý triển khai thực hiện luận án khá thuận lợi. Nay GS Trần Duy Quý cho biết, các nghiên cứu sau này của ông cũng cơ bản dựa theo khung nghiên cứu ấy.
Từ kinh nghiệm khi làm khóa luận, SV Trần Duy Quý gieo lúa để phục vụ cho việc làm luận án tốt nghiệp. Với luận án, sinh viên được nghiên cứu hai vụ lúa liên tiếp, số lượng hạt giống lần này vẫn gồm 600 hạt Trân châu lùn, nhưng lúa xuân Trung Quốc II tăng lên 800 hạt. Trong vụ đầu, các bước nghiên cứu được tiến hành tương tự như khi làm khóa luận; sau khi thu hoạch, hạt của từng mẫu nghiên cứu được phơi khô và dán nhãn. Đến khi gieo vụ lúa thứ hai, hạt giống được chọn lọc và phải chú ý tỷ lệ nảy mầm. Sau đó, quá trình phát triển của lúa cũng tiếp tục được theo dõi tỉ mỉ và so sánh với cây đối chứng.
Trước khi kết thúc quá trình theo dõi và thu thập số liệu từ vụ lúa thứ hai, SV Trần Duy Quý bắt đầu viết luận án cho kịp tiến độ. Nhớ lại thời gian ấy, GS Trần Duy Quý cảm thấy may mắn vì được những người bạn giúp đỡ, sẻ chia trong lúc khó khăn: Biết tôi chưa có giấy để viết luận án, một số bạn trong lớp có điều kiện về kinh tế như Lê Thanh Nhung (ở Bình Định), Võ Cẩm Hồng (Bến Tre), Nguyễn Thị Đỏ (Hà Nội) đã tặng những tập giấy kẻ ngang[10]. Cuốn luận án được anh đóng từ những thếp giấy đó. Vùng quê nghèo Xuân Canh thời kỳ ấy chưa có điện, nên các buổi tối anh phải cặm cụi viết dưới ánh đèn dầu hỏa. Luận án của anh được thầy hướng dẫn đánh giá cao, như PGS Lê Duy Thành kể lại: Biết học trò có tính tự lập cao và trung thực, tôi tin tưởng để Quý viết lách tự lập, sửa rất ít[11].
Hè năm 1970, khoa Sinh vật trở về trường Đại học Tổng hợp ở Hà Nội (phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm). Buổi bảo vệ luận án của sinh viên khóa 1966-1970 được tổ chức tại giảng đường tầng 2 của trường. Luận án của Trần Duy Quý đã chứng minh được các chất ethylenimin, dimethylsunfate và colchicine có ảnh hưởng rõ đến tỷ lệ nảy mầm, độ sống sót, tốc độ tăng trưởng và phát dục của lúa xuân ở cả hai thế hệ. Như vậy, nếu điều chỉnh nồng độ của 3 loại hóa chất này, có thể tạo ra các giống lúa cho năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như thời tiết tốt hơn. Các thầy trong hội đồng chấm luận án cũng khen ngợi tính cẩn thận của SV Trần Duy Quý. Luận án của anh được đánh giá xuất sắc, bởi có sự nghiên cứu công phu, bài bản, thu được kết quả có giá trị, đặt nền tảng cho việc chọn tạo giống lúa đột biến để cải tạo giống lúa xuân. Phó giáo sư Lê Duy Thành cho biết: Trước năm 1970, người ta coi hướng nghiên cứu này như trò chơi đánh bạc, may thì được. Quý đã kiên trì, may mắn và đạt nhiều thành công khi đi theo hướng này. Quý đã tài tình đưa kiến thức di truyền học vào khoa học Việt
Sau này, khi đã có những thành công trong sự nghiệp, trở thành Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương, GS Trần Duy Quý vẫn không quên công ơn của các thầy. Bởi lẽ ấy, GS.TS Nguyễn Lân Dũng luôn dành những lời khen khi nói về ông: Quý học giỏi, xởi lởi với bè bạn, có năng lực và là người ham tiến bộ, khiêm tốn trong học tập. Một thanh niên nông thôn vươn lên làm khoa học, làm lãnh đạo Viện Di truyền nông nghiệp, đào tạo được nhiều cán bộ trẻ tiếp tục sự nghiệp của mình. Sau này, nhiều học trò cũ trở thành đồng nghiệp sẵn sàng xưng hô “ông – tôi” với thầy giáo của mình, nhưng Quý không như vậy. Dù tôi dạy Quý không nhiều nhưng Quý luôn luôn giữ đạo thầy trò[13]. Giáo sư Trần Duy Quý luôn quan niệm như lời dạy của người xưa: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ông biết ơn các thầy cô ở khoa Sinh vật đã định hướng ban đầu cho ông nghiên cứu về đột biến thực nghiệm trên lúa trồng và chọn tạo giống lúa, để rồi ông đi theo hướng nghiên cứu này từ đó đến nay.
Giáo sư Trần Duy Quý vẫn nhớ, khi ông còn nhỏ, vì không muốn các con vất vả nên bố mẹ luôn động viên: Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li, các con cố gắng mà học cho thoát khỏi đồng ruộng![14]. Nhưng như một cơ duyên, cuộc đời ông lại gắn bó với ruộng đồng, ông say mê nghiên cứu về cây lúa. Tuy sinh trưởng từ gia đình làm nông nghiệp, không ngại “chân lấm tay bùn”, nhưng nếu không lăn lộn và kiên trì thì ông cũng khó theo được lâu dài hướng nghiên cứu này. Ông vô cùng tự hào khi có thể giúp đỡ người nông dân có được những giống lúa chất lượng tốt và năng suất cao. Ở tuổi “xế chiều”, người ta thường chọn cuộc sống an nhàn, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, thậm chí còn hăng say hơn. Không quản nắng mưa, ông lội ruộng cùng bà con nông dân để tận mục sở thị những giống lúa do mình nghiên cứu. Đúng như nhận xét của PGS.TS Lê Duy Thành: GS.TSKH Trần Duy Quý là một con người tài năng, nhà khoa học của nông dân[15].
Lưu Thị Thúy – Nguyễn Thị Điệp
___________________
* PGS.TS Lê Duy Thành, chuyên ngành Sinh học, nguyên cán bộ giảng dạy khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
** GS.TSKH Trần Duy Quý, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
[1] Sau là khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[2] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Duy Thành, 19-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Nay là trường THPT Bến Tre, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
[4] Nay là xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
[5] Thầy Lân Dũng bấy giờ làTrưởng bộ môn Vi sinh vật, về sau trở thành giáo sư – tiến sĩ sinh học.
[6] Thầy Phan Phải lúc đó là Trưởng bộ môn Di truyền học, kiêm Bí thư chi bộ khoa Sinh vật, về sau trở thành tiến sĩ khoa học.
[7] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Trần Duy Quý, 23-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Một loại men làm từ bột gạo và một số vị thuốc bắc, nặn thành từng bánh nhỏ.
[9] Ngày 19-5-2017, GS.TSKH Trần Duy Quý đã tặng cuốn khóa luận này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TSKH Trần Duy Quý, 7-9-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Duy Thành, 19-6-2017, đã dẫn.
[12] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Duy Thành, 19-6-2017, đã dẫn.
[13] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Lân Dũng, 7-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[14] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Trần Duy Quý, 20-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
15] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Lê Duy Thành, 19-6-2017, đã dẫn.