Cuốn luận án của “người thành công ở phút chót”

Ông Nguyễn Xuân Hòa làm luận án trong những năm 1993-1997, nhưng chuyện ông kể về hành trình đi đến cuốn luận án này thì bắt đầu từ thời sinh viên. Năm 1958, Nguyễn Xuân Hòa thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng như bao bạn trẻ khác ở Việt Nam thời đó, ông ấp ủ một hình ảnh rất đẹp về Liên Xô, quê hương Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, vì thế ông đã không do dự khi chọn học chuyên ngành tiếng Nga với mong muốn tìm hiểu về văn hóa, con người và đất nước Nga. Năm 1960, sinh viên Nguyễn Xuân Hòa tốt nghiệp hệ 2 năm tiếng Nga, rồi được phân về Bộ Nông trường, làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô tại Nông trường Tây Hiếu ở Nghệ An.

Như PGS Nguyễn Xuân Hòa tâm sự, dường như ông có duyên với nghề giáo, nên năm 1962 ông được Bộ Giáo dục thuyên chuyển về dạy tại trường Bổ túc Ngoại ngữ ở Gia Lâm, Hà Nội(nay là trường Đại học Hà Nội). Trường tạo điều kiện cho ông và một số đồng nghiệp nâng cao trình độ tiếng Nga. Năm 1977, ông tốt nghiệp cử nhân tiếng Nga hệ 4 năm tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đến năm 1978, giảng viên Nguyễn Xuân Hòa được Bộ Giáo dục điều sang bộ môn Ngữ văn Nga, khoa Tiếng nước ngoài, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đây, ông không chỉ giảng dạy ngữ văn Nga, mà còn nghiên cứu về ngôn ngữ.

Đầu những năm 1980, ông Nguyễn Xuân Hòa bắt đầu đam mê tìm hiểu thành ngữNga – Việt. Năm 1981, ông có bài“Thử bàn về quan niệm xác định đơn vị thành ngữ trong tiếng Việt”, in trong cuốn Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ của Viện Ngôn ngữ học (Nxb. Khoa học xã hội). Bài viết này có một phần liên hệ với thành ngữ tiếng Nga. Cũng từ đó, ông đau đáu ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu thành ngữ tiếng Nga thông qua lăng kính tiếng Việt.

Năm 1982, ông Nguyễn Xuân Hòa được cử sang Liên Xô thực tập tại Viện Tiếng Nga Quốc gia mang tên A.X. Pushkin. Trong những năm 1984, 1986, 1988, ông được mời làm cộng tác viên khoa học mỗi năm 3 tháng tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov. Tranh thủ điều kiện thuận lợi khi ấy, ông tích cực sưu tầm, ghi chép lại các câu thành ngữ trong tài liệu, từ các bài báo, bài văn tiếng Nga, hay từ những cuộc trò chuyện với các bạn đồng nghiệp.

Trên cương vị Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn Nga tại khoa Tiếng nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Hòa cũng phụ trách việc tiếp đón các chuyên gia Liên Xô sang giảng dạy tiếng Nga và văn học Nga cho sinh viên chuyên ngữ Nga của trường Đại học Tổng hợp. Khi gặp những thành ngữ tiếng Nga mà ông không hiểu hết nghĩa, ông nhờ chuyên gia phân tích, giảng giải, nhất là về cảnh huống sử dụng. Kể về các vị chuyên gia đó, ông nói nhiều đến nữ PGS Ida Ivanovna Andreeva, một người dạy văn học Nga nhưng rất yêu thích văn học Việt Nam. Bà có hai lần sang giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cộng tác chặt chẽ với khoa Tiếng nước ngoài. Bà đã cùng bộ môn Ngữ văn Nga, do ông Hòa làm chủ nhiệm, liên hệ với Hội Nhà văn Việt Nam để năm 1984 tổ chức thành công hội thảo khoa học đầu tiên ở Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh đại thi hào Taras Shevchenko[1]. Cuộc hội thảo diễn ra tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có nhà thơ lão thành Nguyễn Xuân Sanh, dịch giả Thuý Toàn… đến tham dự.

Đặc biệt, bà Andreeva cung cấp cho ông Nguyễn Xuân Hòa nhiều tài liệu văn thơ tiếng Nga, trong đó có tài liệu liên quan đến cuốn Taras Shevchenko mà ông Hòa đang dịch sang tiếng Việt, sau đó được xuất bản ở Moskva (Nxb. Cầu vồng, 1988). Nhờ vậy, ông tích lũy thêm được nhiều vốn từ và thành ngữ Nga, mở mang thêm kiến thức về văn học và nền văn hóa Nga.

Đầu thập niên 90, sau nhiều năm tìm hiểu và tập hợp tư liệu về thành ngữ tiếng Nga, giảng viên Nguyễn Xuân Hòa càng nung nấu ý định làm luận án phó tiến sĩ. Tuy nhiên, lúc đó ông đã gần đến tuổi 60, quá giới hạn độ tuổi làm nghiên cứu sinh theo quy định. Vào thời kỳ ấy, nước ta có chế độ nghiên cứu sinh “đặc cách” dành cho những trường hợp quá tuổi như ông. Theo đó, họ không phải thi đầu vào nghiên cứu sinh, mà chỉ cần trình bày đề cương nghiên cứu, nếu đạt yêu cầu thì được cơ quan đề đạt để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Ban Chủ nhiệm khoa Tiếng nước ngoài ủng hộ nguyện vọng bảo vệ luận án phó tiến sĩ của giảng viên Nguyễn Xuân Hòa và đề xuất lên trường, sau đó, năm 1993 trường đề nghị lên Bộ và được Bộ phê duyệt.

Theo quy định, nghiên cứu sinh thuộc diện “đặc cách” phải thi đạt hai môn “điều kiện” là triết học vàngoại ngữ. Môn triết ông Hòa học cùng các nghiên cứu sinh chính thức, lớp chỉ có vài trường hợp lớn tuổi như ông, giảng viên là những đồng nghiệp của ông ở khoa Triết học, như GS.TS Nguyễn Hữu Vui, TS Nguyễn Hàm Giá, PGS Bùi Thanh Quất… và một số cán bộ thỉnh giảng của trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Kết thúc môn này, học viên phải trải qua 3 bài thi: thi viết 180 phút, thi vấn đáp và viết chuyên đề về một vấn đề tự chọn, ông Hòa viết về mâu thuẫn trong sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Sau 9 tháng học, ông hoàn thành môn triết với điểm bình quân 8,5. Còn môn tiếng Pháp, ông tự học hết sức chuyên cần và vượt qua kỳ thi với điểm trung bình 7,5.

Giảng viên Nguyễn Xuân Hòa là nghiên cứu sinh chuyển đổi từ chuyên ngành Tiếng nước ngoài sang Ngôn ngữ học, nếu theo quy định, ông phải học đủ 360 tiết để đạt trình độ tương đương cử nhân ngôn ngữ học.Tuy vậy, ông thuộc diện “đặc cách" nên được nhận tài liệu đểtự nghiên cứu theo các chuyên đề, rồi sau đó dự thi viết tự luận 180 phút về một vấn đề ngôn ngữ học liên quan đến đề tài sẽ làm luận án. Bài thi này của ông đạt 9 điểm. Ông được trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn điều kiện tối thiểu của nghiên cứu sinh.

Trong mấy năm làm nghiên cứu sinh, giảng viên Nguyễn Xuân Hòa vẫn tham gia công tác quản lí đào tạo ở bộ môn và trực tiếp giảng dạy đủ giờ theo tiêu chuẩn. Ông tự thu xếp thời gian, tranh thủ đọc sách, thường viết luận án vào ngày nghỉ và các buổi tối. Với đề tài “Đối chiếu thành ngữ Nga – Việt trên bình diện giao tiếp”, ông xây dựng bố cục luận án, được góp ý và thông qua tại hội đồng chuyên môn của khoa Ngôn ngữ học.

Hồi đó, gia đình ông ở căn nhà cấp 4 lợp fribro xi măng tại khu tập thể trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Với đồng lương eo hẹp, ông cùng với vợ là bà Đặng Dương Đượm[2] phải gồng mình vượt qua những khó khăn thời bao cấp để nuôi dạy hai con trai ăn học. Khi biết ông có ý định làm luận án, vợ ông lúc đầu hơi phân vân, sợ ông làm việc quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng rồi bàcũng động viên ông thực hiện khát vọng nghiên cứu của mình. Ông quyết tâm hoàn thành luận án, mặc dù đã ở tuổi 59, chuẩn bị nghỉ hưu. Cũng có vài người gièm pha và đánh tiếng: Sắp về hưu đến nơi rồi còn làm luận án phó tiến sĩ để làm gì![3]. Nhưng như ông cho biết, ông xác định làm luận án đơn giản chỉ là để tự nâng cao trình độ, thỏa mãn niềm đam mê khoa học, qua đó tự khẳng định mình, mặt khác ông cũng muốn để lại cho con cháu một tấm gương ham học hỏi.

Năm 1993, trên cơ sở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời. Hai năm sau, khoa Tiếng nước ngoài giải thể, ông Nguyễn Xuân Hòa được điều chuyển về làm giảng viên tại khoa Quốc tế học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định nghiên cứu sinh đặc cách phải có người hướng dẫn khoa học, thay vì cố vấn khoa học như trước. Ông Hoà làm luận án về ngôn ngữ học, nên được khoa Ngôn ngữ học bảo trợ về chuyên môn và cử GS.TS Nguyễn Thiện Giáp[4]làm người hướng dẫn khoa học. Mặc dù GS Nguyễn Thiện Giáp ít hơn ông gần chục tuổi, nhưng ông luôn nể trọng:Thầy Giáp là một giáo sư trẻ tuổi, nhưng có vốn kiến thức uyên thâm, phong cách làm khoa học nghiêm túc, bài bản và rất trách nhiệm trong công việc[5]. Giáo sư Giáp có nhiều ảnh hưởng đến phương pháp nghiên cứu trong luận án của ông, góp ý nhiều điều bổ ích, giúp ông làm nổi bật nội dung chính của đề tài. Hồi tưởng về những kỷ niệm với thầy hướng dẫn, ông Nguyễn Xuân Hòa nhớ nhất lần trao đổi gần 3 tiếng đồng hồ với thầy tại căn nhà cũ của ông ở ngõ 71, phố Nguyễn Quý Đức, và chính hôm đó đã giúp ông mở ra một hướng khả thi để thực hiện có hiệu quả đề tài luận án.

Cuối năm 1995, khoa Ngôn ngữ học tổ chức cho ông Nguyễn Xuân Hòa bảo vệ luận án ở cấp cơ sở. Hội đồng khoa học góp ý để ông bổ sung, chỉnh sửa nội dung luận án, nhằm làm nổi bật hơn sự tương đồng và khác biệt giữa thành ngữ Nga và thành ngữ Việt nhìn từ góc độ đối chiếu ngôn ngữ thông qua lăng kính tiếng Việt. Trong quá trình làm luận án, ông nhận thấy có nhiều thành ngữ tiếng Việt không dịch được sang tiếng Nga, và ngược lại, đó là hiện tượng “ô trống ngôn ngữ”. Ví dụ như, cụm từ đi B trong tiếng Việt là ô trống ngôn ngữ trong tiếng Nga, bởi không tìm được trong tiếng Nga một thành ngữ nào tương đương về nghĩa, mà chỉ có thể giải thích nghĩa thực tại của nó được dùng trong giao tiếp làидти/поехать на фронт в Южный Вьетнам (“đi vào chiến trường ở miền Nam Việt Nam”). Tương tự, thành ngữ tiếng Nga хлебсоль (bánh mì và muối) biểu thị sự hiếu khách, đón tiếp trọng thị, nồng hậu, không có thành ngữ tương đương trong tiếng Việt, nên khi dịch sang tiếng Việt cần phải giải thích nghĩa tương đương thường dùng trong giao tiếp của người Việt.

Cuốn luận án phó tiến sĩ của PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa

Giữa năm 1996, ông Hòa hoàn thiện luận án vàlàm thủ tục xin bảo vệ chính thức. Ông chia sẻ:Khi tôi hoàn thành luận án, nhiều người bất ngờ, vì vẫn thấy tôi tham gia công tác như bình thường[6]. Nhận quyết địnhđược bảo vệ luận án ngày 31-12-1996, đến ngày 23-01-1997, tại Hội trường của trường Đại học Khoa học xã hội vànhăn văn, NCS Nguyễn Xuân Hoà đã bảo vệ thành công luận án, có đông đảo các bạn đồng nghiệp ở khoa Quốc tế học, khoa Tiếng nước ngoài, khoa Ngôn ngữ học, khoa Văn học vàgia đình ông tới dự. Ông Hòa cho biết, mặc dù đã đứng trên bục giảng nhiều năm, nhưng khi trình bày trước Hội đồng chấm luận án[7], ông vẫn hồi hộp, xen lẫn niềm tự hào. Ngày hôm đó ghi lại một mốc son quan trọng trên con đường khoa học của ông, thể hiện ông đã khẳng định được mình trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ. Chủ tịch Hội đồng chấm luận án – GS.TS Lê Quang Thiêm nhận xét: Đây là một luận án công phu, có giá trị lý luận và thực tiễn, có nhiều đóng góp mới mẻ. Luận án đã đáp ứng được đầy đủ, với mức độ cao của một luận án phó tiến sĩ khoa học. Tác giả của luận án chứng tỏ đã được đào tạo, tích lũy kiến thức chắc chắn, có phương pháp nghiên cứu tốt[8]. Tiến sĩ Lý Toàn Thắng khẳng định: Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên trong địa hạt đối chiếu thành ngữ Nga – Việt, lấy tiếng Nga làm xuất phát. Cái mới của luận án theo tôi là ở chỗ: tác giả chú ý đến vai trò của “nghĩa thực tại” của thành ngữ trong hoạt động giao tiếp (trong quan hệ với “nghĩa khởi nguyên”, “nghĩa liên hội”), đặc biệt là căn cứ vào “nghĩa vị tiềm năng”, cố gắng giải mã cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ[9]. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cao Đàm[10] thì cho rằng nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Hòa trong luận án là một tiền đề giúp cho các công trình sau này có thể áp dụng vào nghiên cứu với nhiều ngôn ngữ khác[11].

Hội đồng đánh giá cao luận án của NCS Nguyễn Xuân Hòa và cho 9,7 điểm. Tại phòng bảo vệ luận án, GS Vũ Dương Ninh – Chủ nhiệm khoa Quốc tế học phát biểu rằng:Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa về công tác khoa Quốc tế học mới được hai năm, nhưng hôm nay đã trao cho khoa quả ngọt[12], vì ở thời điểm đó, khoa này mới có hai giảng viên có học vị Phó tiến sĩ.

Nhiều người khuyên ông Nguyễn XuânHòa xuất bản nội dung chính của luận án thành cuốn sách chuyên khảo, nhưng ông muốn tiếp tục nghiên cứu thêm về đề tài này. Trong số những công trình ông đã công bố sau khi bảo vệ luận án, có bài “Đi tìm các chuyển dịch thành ngữ tiếng Việt ra tiếng Nga” được in trong cuốn Những vấn đ ngôn ngữ học của khoa Ngôn ngữ học (Nxb. Đại học Quốc gia HàNội, 2006). Bài viết đó ông đúc rút vàphát triển ý tưởng khoa học của luận án, đi sâu hơn về cách chuyển dịch thành ngữ từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác trong mối liên hệ với tri thức nền và ngôn ngữ nguồn của người bản ngữ.

Sau khi ông Nguyễn Xuân Hòa bảo vệ luận án phó tiến sĩ, trong giới ngôn ngữ học có nhiều người gọi ông là "người thành công ở phút chót”. Ngày 7-10-2016, ông đã trao tặng cuốn luận án của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, với mong muốn nó sẽ được bảo quản trong điều kiện tốt và phát huy được giá trị đối với hậu thế. Cuốn luận áncó bìa màu xanh, gáy bọc vải, gồm 150 trang, kích thước 20,5cm x 29,5cm. Đến nay, các dòng chữ trên bìa đã mờ, ghim sắt đã gỉ, giấy đã ố vàng. Đây không chỉ là kết quả của một công trình nghiên cứu, một tinh thần nỗ lực cao vì mục tiêu khoa học, mà còn là sự minh chứng cho tình yêu của tác giả đối với nước Nga, tiếng Nga và văn học Nga.

 

Lưu Thị Thúy – Tạ Thị Anh

________________________

*PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn Nga, khoa Tiếng nước ngoài, trường ĐH tổng hợp Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

1] Taras Shevchenko (1814-1861) là đại thi hào người Ukraina.

[2] Bà Đặng Dương Đượm khi đó làcán bộ giảng dạy tiếng Nga của khoa Tiếng nước ngoài, từ năm 1993 là giảng viên tiếng Anh, dạy cho khoa Toán, trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội.

[3]TL ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, 12-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhàkhoa học Việt Nam.

[4] GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội vànhân văn, ĐH QGHN.

[5] TL ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, 12-6-2017, đã dẫn.

[6] TL ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, 12-6-2017, đã dẫn.

[7] Hội đồng gồm có: GS.TS Lê Quang Thiêm– Chủ tịch; ba phản biện là PGS.TS Nguyễn Ngọc Hùng, PGS.TS Nguyễn Hữu Chinh và PGS.TS Bùi Hiền; ngoài ra có PGS.TS Nguyễn Hào, PTS Đỗ Việt Hùng và PGS.TS Trần Khuyến.

[8] Bản nhận xét của GS.TS Lê Quang Thiêm về luận án phó tiến sĩ của NCS Nguyễn Xuân Hòa, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Bản nhận xét của GS.TS Lý Toàn Thắng về luận án phó tiến sĩ của NCS Nguyễn Xuân Hòa, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10] GS.TS.NGƯT Nguyễn Cao Đàm, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội vànhân văn, ĐH QGHN.

[11] TL ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, 12-6-2017, đã dẫn.

[12] TL ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, 12-6-2017, đã dẫn.