Cuốn luận án phó tiến sĩ năm 1973

Cuốn luận án dày 158 trang giấy khổ A4, được GS.TS Nguyễn Viết Tùng lưu giữ đã hơn nửa thế kỷ, nay đã ố màu và sờn bìa. Ông rất quý kỷ vật, bởi nó gắn liền với quãng thời gian tuổi trẻ hăng hái và nhiệt huyết đáng nhớ mãi, nó khiến ông hồi tưởng lại những bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng trên con đường nghiên cứu khoa học. Cuốn luận án đưa ông trở về với vô vàn ký ức và ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện học tập và nghiên cứu tại Rumani từ năm 1969 đến 1973.

Sinh ra và lớn lên tại thị xã Vinh, nhưng ngay từ nhỏ Nguyễn Viết Tùng đã phải theo gia đình đi tản cư lên vùng núi Anh Sơn trong cùng tỉnh Nghệ An. Như bao bạn bè cùng trang lứa, cũng lớn lên trong hoàn cảnh nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, cũng đầu trần, chân đất và mải chơi đá bóng những trưa hè nắng nực…, nhưng Nguyễn Viết Tùng sớm được bố mẹ định hướng cho con đường học hành. GS Nguyễn Viết Tùng khẳng định: Chính sự kiên quyết của bố mẹ từ buổi đầu ấy đã giúp tôi có được thành công như hôm nay[1].

Năm 1964, Nguyễn Viết Tùng tốt nghiệp Học viện Nông lâm[2] và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Trồng trọt[3]. Ngay từ khi mới ra trường, ông đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc giảng dạy, đồng thời tích cực tham gia công tác đoàn thể của Học viện. Khi không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ông xung phong vào đội tự vệ của Học viện, hăng hái tham gia công tác chuẩn bị sơ tán, rồi cuối năm 1966 xung phong đưa sinh viên vào Nghệ An để giúp đỡ nhân dân địa phương sản xuất. Trở về Hà Nội năm 1968, ông được Học viện cho đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Trong thời kỳ đó, hiếm có một cán bộ trẻ phấn đấu chưa được 5 năm mà đã được cử đi nước ngoài như vậy.

Qua các bài học và tham khảo tài liệu, giảng viên Nguyễn Viết Tùng sớm xác định được hướng chuyên môn cho mình. Ông có nguyện vọng sang Liên Xô và học ở trường ĐH Tổng hợp Leningrad, bởi ông mong muốn được làm học trò của GS Daniel Lepxki – người chủ biên nhiều công trình về sinh lý học mà ông đã đọc.

Nhưng mọi chuyện không được như ông mong muốn. GS Nguyễn Viết Tùng kể lại: Lúc đó Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công theo kiểu cơ học, không tính đến nguyện vọng của người đi học. Tôi được Bộ cử đi nghiên cứu sinh tại Rumani. Mặc dù có thất vọng nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng chỉ cần mình cố gắng thì ở môi trường nào cũng sẽ phát triển được[4].

Chuyến hành trình 11 ngày đêm sang Rumani

Năm 1969, trước khi sang Rumani, Nguyễn Viết Tùng phải tham dự một khóa học chính trị khoảng 2 tuần tại trường ĐH Kinh tế tài chính (nay là ĐH Kinh tế quốc dân). GS Nguyễn Viết Tùng còn nhớ, ông lên đường chỉ ít lâu sau tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn du học sinh có khoảng 50 người[5].

Để tránh máy bay Mỹ oanh tạc, các đoàn tàu thời kỳ ấy đều phải chạy vào buổi tối và không được bật đèn. Ra tiễn Nguyễn Viết Tùng lên tàu ở ga Hàng cỏ, cả bố, mẹ và vợ đều nhắc nhở giữ gìn sức khỏe và cố gắng học tập, ông còn được đưa cho một chiếc bánh mì kẹp thịt để ăn đêm, vì nghe đâu chưa biết khi nào tàu mới tới điểm dừng là Bằng Tường ở bên kia biên giới.

Ngồi trên đoàn tàu rời Hà Nội vào khoảng 10 giờ đêm và lầm lũi đi lên phía bắc, Nguyễn Viết Tùng vừa hồi hộp vì lần đầu ra nước ngoài, vừa lưu luyến với gia đình và quê hương, cũng có cả nỗi buồn không tên nữa. Đôi lần tàu phải tạm dừng để nhường đường cho những đơn vị bộ đội hành quân về phía nam. Ông vỗ vai người bạn ngồi bên và bảo: Chúng ta đi đến đất sống, tới chỗ vinh quang, trong khi hàng vạn người phải hành quân bộ với ba lô và mồ hôi nhễ nhại đi vào phương nam, vào chỗ không hy vọng sẽ trở về[6]. Lúc ấy, Nguyễn Viết Tùng có sự cắn rứt trong lương tâm, cảm thấy như mình là kẻ đang trốn chạy khỏi chỗ nguy hiểm. Khi đã trong trạng thái ngồi ngủ chập chờn, ông vẫn nghĩ về những người bộ đội, như một sự ám ảnh và day dứt.

Tảng sáng hôm sau, tàu đến ga Đồng Đăng, mọi người xuống để đợi tàu liên vận của Trung Quốc sang đón. Càng chờ đợi, càng mất hút, tất cả đều sốt ruột. Bụng đói cồn cào, hàng quán không có. Chiếc bánh mì cầm theo thì ông đã ăn từ đêm qua. Khoảng 11 giờ trưa, có một bà già gánh bưởi ra bán ở sân ga, mọi người đổ xô đến mua. Bưởi chua, nhưng ai cũng cố ăn, rồi sau đó bụng cồn cào hơn.

Khoảng 2 giờ chiều, tàu nước bạn sang tới ga Đồng Đăng. Lúc lên tàu ở đây, đoàn du học sinh mới được phát hộ chiếu. Bữa ăn đầu tiên trên tàu vào lúc 3 giờ chiều tại Bằng Tường (Trung Quốc), có cơm trắng với thịt và cá khô, mọi người ăn rất ngon lành.

Đoàn tàu chạy từ Bằng Tường đến Nam Ninh, Sùng Tả, Quế Lâm…, khi đến Bắc Kinh thì dừng lại cho cả đoàn nghỉ qua đêm tại khách sạn Bắc Vĩ; sau đó tiếp tục cuộc hành trình lên hướng bắc, qua Mãn Châu Lý, đến biên giới rồi sang Liên Xô. Ngồi tàu lâu sinh buồn chán, Nguyễn Viết Tùng lấy hai quyển Mao Trạch Đông ngữ lục (một bản tiếng Trung, một bản đã dịch ra tiếng Việt) để học Trung văn, học bằng cách lật giở bản tiếng Trung ra tự dịch, sau đó đối chiếu với bản tiếng Việt.

Trên tàu của Liên Xô, thức ăn là bánh mỳ với súp nấu bắp cải muối chua, không quen với người Việt Nam. Vì thế, mọi người muốn đề nghị được ăn cơm. Có một người trong đoàn cho biết mình thông thạo tiếng Nga và nhận nhiệm vụ truyền đạt nguyện vọng này tới nhân viên phụ trách bếp ăn trên tàu. Hôm sau, tuy không có súp nữa, nhưng thay vào đó là món cháo gạo nấu lẫn sữa, chứ không phải là cơm. Nguyên do là anh bạn kia đã nói tiếng Nga không chuẩn xác, làm cho nhà tàu hiểu nhầm như vậy.

Tàu chạy trên đất Liên Xô, các toa trở nên nhộn nhịp hơn, mọi người hát hò rất vui vẻ. Vượt qua vùng Zabaikal, chuyến tàu tiếp tục đưa đoàn du học sinh Việt Nam đi xuyên qua Siberi, rồi cuối cùng đến thủ đô Moskva. Tại đây, Nguyễn Viết Tùng và khoảng 10 người khác được tách đoàn, chuyển tàu để tiếp tục đi xuyên qua Ukraina và kết thúc chuyến hành trình 11 ngày đêm ấy tại thủ đô Bucharest của Rumani.

Bốn năm làm nghiên cứu sinh

Sau khi đến Bucharest, trong hai tuần chờ đợi Bộ Giáo dục Rumani phân bổ các nghiên cứu sinh về cơ sở đào tạo, Nguyễn Viết Tùng tranh thủ giao tiếp, học ngoại ngữ và bắt nhịp với cuộc sống mới.

NCS Nguyễn Viết Tùng được phân bổ về bộ môn Côn trùng, trường ĐH Nông nghiệp Nicolae Ceauşescu – cơ sở đào tạo hàng đầu về nông nghiệp tại Rumani lúc bấy giờ. Cùng đợt với Nguyễn Viết Tùng, hai người Việt Nam nữa cũng được làm nghiên cứu sinh ở trường này là Nguyễn Đạo Thân (trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nghiên cứu sinh về lĩnh vực chăn nuôi) và Nguyễn Mộng (Bộ Nông nghiệp, nghiên cứu sinh về lĩnh vực giống cây trồng).

Cuốn luận án phó tiến sĩ của GS Nguyễn Viết Tùng

Tại ký túc xá, trong khi nhiều bạn Việt Nam xin ở với nhau để tiện sinh hoạt, Nguyễn Viết Tùng chủ động đề nghị ở với sinh viên nước bạn để tranh thủ giao tiếp, học thêm ngoại ngữ. Ban đầu, ông ở cùng phòng với 4 sinh viên Rumani. Sau khi nhận đề tài và thầy hướng dẫn, ông được chuyển sang phòng 2 người, ở với một sinh viên Rumani học năm cuối.

Với mức học bổng mỗi tháng 1.100 leu[7], về sau tăng lên là 1.300 leu, ông sử dụng để mua quần áo, chi tiêu cho việc ăn uống, thuê dịch tài liệu, mua băng đĩa để nghe nhạc và học tiếng Anh; số tiền còn lại ông dành dụm để mua vải, len và thuốc bổ Zero obitan gửi về nhà.

Tại trường ĐH Nông nghiệp Nicolae Ceauşescu, NCS Nguyễn Viết Tùng được tham gia lớp học tiếng Rumani trong 8 tháng đầu. Mặc cho một số bạn có tư tưởng “xả hơi”, ông lao vào học tiếng với mong muốn nhanh chóng làm việc được với thầy hướng dẫn. Sau mỗi giờ lên lớp, ông tranh thủ thời gian giao tiếp với người Rumani, dù ở nhà ăn hay ký túc xá… Cuối tuần, ông thường đi chơi công viên, ngồi trò chuyện với những người già để nâng cao trình độ tiếng Rumani, hoặc đi tham quan bảo tàng để tìm hiểu văn hóa, phong tục của đất nước này. Tuy ông biết rằng một giải pháp giúp nhanh cải thiện trình độ ngoại ngữ là trò chuyện với các thanh nữ người Rumani, nhưng theo quy định thời ấy của Việt Nam, các nghiên cứu sinh nam giới không được tiếp xúc với nữ giới ngoại quốc, tránh việc yêu đương làm ảnh hưởng đến học tập.

GS Nguyễn Viết Tùng cho biết, trong thời gian học ngoại ngữ, ông bị đau ruột thừa, phải mổ và nằm viện trong một tháng. Nhưng chính thời gian đó đã giúp ông tiến bộ hẳn về tiếng. Hàng ngày, ông thoải mái trò chuyện với các bệnh nhân và các nữ y tá, vì ông biết chắc khi đang điều trị trong bệnh viện thì không ai có thể cấm mình tiếp xúc với nữ giới. Sau khi xuất viện và trở lại lớp học, trình độ tiếng Rumani của ông nâng cao hẳn lên, khiến cô giáo ngạc nhiên và hỏi: Sao anh giỏi thế, chẳng lẽ trong bệnh viện có ai giỏi hơn tôi à? Lúc đó ông đã trả lời: Không, cô là tuyệt vời rồi, nhưng trong bệnh viện, em tranh thủ học lại bài giảng của cô và nhờ sự giúp đỡ của những bệnh nhân khác[8].

Sau thời gian học ngoại ngữ, các nghiên cứu sinh bắt đầu gặp thầy hướng dẫn để trình bày ý tưởng đề tài và xin định hướng nghiên cứu. GS Nguyễn Viết Tùng cho biết: Đối với các nghiên cứu sinh ra nước ngoài, rào cản ngôn ngữ là rất lớn. Nhiều người chỉ vì ngoại ngữ kém mà khi trình bày ý tưởng đã không đủ sức thuyết phục thầy hướng dẫn. Một số khác lại lựa chọn nghiên cứu theo kiểu thụ động, tức là thôi thì thầy bảo em học gì thì em học, bảo em làm đề tài nào thì em theo đề tài ấy. Điều đó vô tình đánh mất đi sự đam mê với nghiên cứu[9].

Thầy hướng dẫn của NCS Nguyễn Viết Tùng là GS.TS Constantin Manolache, Viện sĩ thông tấn, Chủ nhiệm bộ môn Côn trùng của trường ĐH Nông nghiệp Nicolae Ceauşescu. Buổi đầu gặp gỡ đã để lại cho ông ấn tượng tốt về thầy: một người có vóc dáng to lớn, rất hiền lành và chăm chú nghe ông nói chuyện. GS Manolache dặn: Anh về chuẩn bị rồi tuần sau đến gặp tôi và trình bày để tôi xem anh thích học cái gì và tại sao anh lại thích học cái đó[10].

Trở về ký túc xá, NCS Nguyễn Viết Tùng tập trung suy nghĩ và vận dụng những hiểu biết của mình để tìm hướng nghiên cứu về sinh thái học, đi sâu tìm hiểu mối quan hệ của côn trùng với các yếu tố ngoại cảnh, xác định quy luật sinh trưởng và phát triển của côn trùng, từ đó tác động và thay đổi nó.Trong buổi gặp lại GS Manolache một tuần sau, ông tự tin trình bày: Thưa thầy, bên em là đất nước nhiệt đới, sâu bọ phát sinh quanh năm, rất khó xác định khi nào chúng xuất hiện để dự báo. Muốn dự tính, dự báo chính xác, phải nghiên cứu về sinh thái học của nó. Đặc biệt, đối với sinh vật bậc thấp, khi ngoại cảnh khó khăn, chúng lựa chọn chiến lược "ngủ đông", tức là rơi vào trạng thái ngừng phát dục. Theo em được biết, hiện tượng này được nghiên cứu chủ yếu ở các nước ôn đới. Vì vậy, em muốn trở thành nhà khoa học nhiệt đới đi vào nghiên cứu hiện tượng ngừng phát dục của côn trùng[11]. Nghe học trò trình bày xong, GS Manolache cười và vỗ vai bảo: Chàng trai trẻ rất khá, như vậy là anh đã hiểu đúng vấn đề. Tôi mong anh thực hiện được ước mơ này[12]. Theo GS Nguyễn Viết Tùng, đây là một điều may mắn, bởi không phải nghiên cứu sinh nào cũng có định hướng rõ ràng ngay từ khi bắt đầu.

Đề tài luận án của NCS Nguyễn Viết Tùng là "Nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố khí hậu và yếu tố thức ăn đến hiện tượng diapause[13] của sâu đục thân ngô". Ông muốn thông qua nghiên cứu này để hiểu rõ những yếu tố ngoại cảnh gây ra sự ngừng phát dục của sâu ngô trong mùa đông, từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể để ngăn chặn sự phát triển của sâu.

GS Manolache hướng dẫn Nguyễn Viết Tùng tìm kiếm các tư liệu phục vụ cho luận án. Trong những buổi làm việc riêng với học trò người Việt Nam này, GS Manolache thường động viên: Đất nước có chiến tranh, các anh em khác phải chiến đấu, anh được sang đây thì phải cố gắng học, học cho anh, học cho những người đang cầm súng. Với tôi, quan trọng không ở việc các anh xách trên tay cái gì, mà là các anh có gì trong đầu[14].

Nhiều khi, GS Manolache kiên nhẫn lắng nghe, tạo điều kiện cho học trò bày tỏ hiểu biết và suy nghĩ rồi ông ta mới đưa ra ý kiến. GS Nguyễn Viết Tùng kể lại kỷ niệm thú vị: Một lần, khi đang thực hiện đề tài luận án, ông phát hiện thấy khi chuyển từ trạng thái hoạt động sang ngủ đông, cơ thể côn trùng có sự thay đổi về hormon. Lúc đó, ông nảy ra suy nghĩ rằng, nếu kiểm soát được hormon trong cơ thể côn trùng thì có thể kiểm soát được hoạt động sống của chúng, làm đảo lộn được cơ chế phát dục theo ý muốn. Sự đảo lộn đó có thể dẫn đến sự rối loạn về sinh lý và khiến côn trùng bị chết. Từ ý tưởng đó, ông tiến hành một số thực nghiệm nhỏ và phát hiện ra rằng có thể làm cho một con sâu từ trạng thái hoạt động chuyển sang trạng thái ngừng phát dục, và ngược lại, bất luận trong điều kiện nào. Đang ở tuổi 30, ông đã tự cho đó là một phát kiến “động trời”. Cả đêm hôm ấy ông không ngủ, trong đầu sắp sẵn ý tưởng để chuẩn bị trình bày với thầy hướng dẫn. Ngay sáng hôm sau, ông vội vàng đến bộ môn và tìm gặp thầy. GS Manolache ngồi trước bàn làm việc, nói nhanh: Bảng và phấn đấy, anh trình bày đi, ngắn gọn thôi nhé! Nguyễn Viết Tùng nhanh nhẩu: Vâng, em chỉ xin thầy 30 phút thôi ạ, và GS Manolache nói ngay: 30 phút là hơi nhiều, thôi được rồi, anh cứ trình bày đi![15]. Nguyễn Viết Tùng bắt đầu trình bày từ cơ sở lý luận, quá trình thực nghiệm rồi đưa ra quan điểm. Sau khi kiên nhẫn nghe xong, GS Manolache vỗ vai học trò: Chàng trai khá lắm, nhưng rất tiếc là lịch sử không ủng hộ vì điều này đã được công bố rộng rãi trong giới khoa học từ nhiều năm trước[16]. Qua lần ấy, ông càng thêm khâm phục GS Manolache bởi sự kiên nhẫn và luôn biết cách khích lệ học trò. Đó cũng là một trong những bài học được ông khắc cốt ghi tâm và sau này áp dụng trong công việc giảng dạy của mình.

Hàng ngày, NCS Nguyễn Viết Tùng thường làm việc tại labo từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa ăn uống và nghỉ ngơi tại nhà ăn tập thể. Sau 5 giờ chiều, ông trở về ký túc xá, tham gia hoạt động thể thao, tắm rửa, ăn uống rồi trở lại labo làm việc tiếp. Theo yêu cầu của thầy hướng dẫn, ông cũng phải lên thư viện tìm kiếm tài liệu để chuẩn bị viết luận án.

Qua điều tra và nhất là qua thực tế tại nông trường Rosetti ở vùng Dobrogea, ông được biết, thường sâu ngô bước vào thời kỳ ngủ đông từ tháng 10 hàng năm, chúng kết kén trong thân cây ngô; đến cuối tháng 2 năm sau thì sâu đục kén và bay ra hoạt động. Ông đề xuất biện pháp nhổ và đốt hết các thân cây ngô trước tháng 2 để ngăn chặn quá trình phát triển của sâu. Đây là biện pháp khả thi, hạn chế được nguồn sâu trong tự nhiên mà lại không phải phun thuốc trừ sâu. Nhưng bấy giờ, để tránh gây ô nhiễm môi trường, người dân Rumani không có thói quen đốt cây như vậy.

GS Nguyễn Viết Tùng kể lại: Tôi nhận thấy rằng nếu thân cây ngô khô quá thì cũng sẽ khiến sâu ngô không thể thoát kén hóa ngài được. Vì thế tôi đã nghĩ ra cách chất đống cây ngô và phủ bạt lên để tránh tuyết[17]. Cách làm này vừa không trái với tập quán của người dân địa phương, vừa tiêu diệt được sâu ngô.

Bản luận án của NCS Nguyễn Viết Tùng được GS Manolache góp ý, sửa chữa nhiều lần. Bấy giờ, trường ĐH Nông nghiệp Nicolae Ceauşescu có chính sách giúp đỡ việc đánh máy cho các nghiên cứu sinh nước ngoài. Vì thế, sau khi hoàn thành bản thảo luận án, ông chuyển cho bộ phận thư ký của trường để đánh máy. Công việc đánh máy mất khá nhiều thời gian, vì bộ phận thư ký không hiểu biết về chuyên môn, nên ông phải đến tận nơi và trực tiếp đọc một cách rành mạch, chính xác các thuật ngữ chuyên ngành để họ đánh máy giúp, sau đó soát lại một cách cẩn thận. GS Nguyễn Viết Tùng chia sẻ: Bấy giờ, mặc dù nhà trường có hỗ trợ đánh máy, nhưng mình cũng chuẩn bị được một ít đồ mỹ nghệ ở Việt Nam gửi sang để làm quà cho những người thư ký này, như những cái mành tre, quạt nan, lược ngà… Mặc dù chỉ là những vật dụng đơn giản nhưng họ rất thích thú[18].

Sau khi đánh máy xong, luận án được in thành 8 bản: 5 bản giao cho các thành viên hội đồng phản biên, 1 bản nộp cho Bộ Giáo dục Rumani, 1 bản ông sử dụng trong buổi bảo vệ luận án, còn 1 bản để mang về Việt Nam nộp vào Thư viện Quốc gia. Ngoài hai phần phụ lục và tài liệu tham khảo, nội dung bản luận án phó tiến sĩ của GS Nguyễn Viết Tùng gồm 5 chương:

– Chương I: Giới thiệu

– Chương II: Hệ thống phân bố địa lý và lịch sử nghiên cứu hình thái của sâu O.nubilalis ở Rumani

– Chương III: Phương pháp và tài liệu nghiên cứu

– Chương IV: Kết quả quan sát thực tế về sinh học của hiện tượng diapause trên sâu O.nubilalis

– Chương V: Kết luận và kiến nghị.

Tháng 12-1973, NCS Nguyễn Viết Tùng bảo vệ luận án trước hội đồng phản biện cấp nhà nước gồm 5 thành viên (kể cả GS Manolache). Luận án được hội đồng đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn và cho điểm xuất sắc. Sau ngày lễ Noel (25-12-1973), ông hoàn tất các thủ tục và lên đường trở về nước. Tàu về đến Hà Nội vào những ngày đầu năm 1974.

Từ khi trở về công tác tại trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội[19], ông Nguyễn Viết Tùng tiếp tục đi sâu nghiên cứu về sinh thái học côn trùng theo định hướng của GS Manolache. Ông là tác giả của nhiều bài in trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, chủ biên nhiều cuốn sách về côn trùng, trong đó cuốn giáo trình Côn trùng học đại cương (NXB ĐH Nông nghiệp I, 2006) đã trở thành tài liệu giảng dạy và học tập phổ biến của sinh viên các khối chuyên ngành nông nghiệp.

Trao tặng cuốn luận án cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Viết Tùng tâm sự: Đối với tôi, luận án phó tiến sĩ và những bài học kinh nghiệm của GS Manolache đã trở thành nền tảng nghiên cứu đầu tiên giúp tôi tiệm cận với sinh thái học côn trùng. Tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam[20].

 

Phạm Ngọc Hải

________________________

* GS.TS Nguyễn Viết Tùng là NKH chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

[1] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 28-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Đây là tên gọi trước kia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thời kỳ 1958-1964.

[3] Nay là khoa Trồng trọt, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

[4] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Trong đoàn, có một số là con cán bộ cao cấp, như Việt Nga – con của đồng chí Trường Chinh; một số người đi du học chuyến này về sau thành đạt với học hàm học vị cao, như: GS.TSKH Đái Duy Ban – Chủ tịch Hội Hóa sinh Y học Việt Nam, GS.TS Hoàng Thủy Long – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương…

[6] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Đơn vị tiền tệ của Rumani.

[8] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[10] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[12] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[13] Hiện tượng diapause còn được gọi là ngừng phát dục, như là một sự thích nghi đặc biệt để tồn tại trong điều kiện sống không thuận lợi.

[14] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[15] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[16] Hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 4-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[17] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[18] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.

[19] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1967-2014.

[20] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Viết Tùng ngày 15-9-2015, tài liệu đã dẫn.