Cuốn nhật ký đặc biệt

Đó là cuốn vở giấy kẻ ô li có bìa màu xanh, khổ 17cm x 21cm, ông Trần Ninh dùng ghi nhật ký, toàn viết bằng bút bi mực xanh. Chuyến đi Tây Nguyên năm 1974 kéo dài 2 tháng rưỡi, từ mồng 1-3 đến 15-5, nhưng ông chỉ viết nhật ký từ mồng 1-3 đến 12-4, hết 17 trang giấy. Trải qua gần nửa thế kỷ, nay giấy đã ố vàng, quăn góc và nét chữ đã mờ.

Hồi ấy, ở miền Nam, các vùng giải phóng và địa bàn do chế độ Sài Gòn quản lí xen cài nhau, tình hình rất phức tạp, chiến sự vẫn xảy ra. Tuy vậy, Chủ nhiệm khoa Sinh học ở trường Đại học Tổng hợp là ông Võ Quý[1] có ý định thực hiện một chuyến khảo sát động thực vật ở Tây Nguyên. Sau khi xin ý kiến của Thiếu tướng Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, ông Võ Quý tổ chức đoàn công tác gồm 14 cán bộ thuộc 4 cơ quan: khoa Sinh học và khoa Địa lý (Đại học Tổng hợp), Viện Khảo cổ học, Vườn thú Trung ương. Được tham gia chuyến đi đặc biệt này, ông Trần Ninh rất phấn khởi, đặc biệt bởi đây sẽ là cơ hội để ông sưu tầm nhiều mẫu rêu mới phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. Kể từ khi được trường Tổng hợp giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở bộ môn Thực vật của khoa Sinh học, ông quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu các loài rêu. Mỗi chuyến đưa sinh viên đi thực tế ở các địa phương, ông đều chú ý thu thập các mẫu rêu. Về chuyến đi Tây Nguyên đầu tiên này, ông biết chắc rằng phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ông tự xác định sẽ đi với tinh thần như người lính trên chiến trường.

Đoàn công tác được Tổng cục Hậu cần cấp cho ống nhòm, bi-đông, chăn màn, quần áo bộ đội, đồng thời tạo điều kiện để đoàn được sử dụng ô tô. Phải mang theo nhu yếu phẩm như gạo, ruốc thịt, đồ hộp, thuốc chống sốt rét, phù nề…, có cả thuốc lá, và cả dụng cụ nấu ăn. Ông Trần Ninh còn nhớ, tiêu chuẩn gạo, thực phẩm và thuốc men được phát theo kiểu phân cấp như trong quân đội. Theo đó, trưởng đoàn Võ Quý hưởng chế độ “tiểu táo”, mức cao hơn; còn các thành viên khác là chế độ “trung táo”, mức thấp hơn.

Chuyến đi nhằm khảo sát sự đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên. Cho nên, cùng trong khoa Sinh học, mỗi người tham gia đoàn công tác đều theo chuyên môn sâu của mình: ông Võ Quý chuyên về chim, Hoàng Đức Đạt nghiên cứu cá, Võ Văn Chi – cây thuốc, Lê Đình Thái – côn trùng, Lê Vũ Khôi – thú, Phạm Văn Miên – động vật không xương sống, Trần Ninh – rêu, còn Nguyễn Hữu Sậm làm tiêu bản.

Trước khi lên đường, ông Trần Ninh mua sẵn một số cuốn vở ô li trong cửa hàng bách hóa ở Hà Nội để mang theo. Mỗi khi đi thực địa, các nhà thực vật học cần ghi lý lịch mẫu cây (thời gian, địa điểm, địa thế, điều kiện sinh thái, dạng cây, chiều cao, phân cành, dạng lá, kiểu cụm hoa, loại quả, công dụng…). Nhưng lần này ông Trần Ninh nảy ra ý tưởng ghi nhật ký, nên ông dành một cuốn vở cho việc đó. Trong hành trình hơn 2 tháng, thường trước khi đi ngủ ông lấy cuốn vở ra và ghi lại những gì ông thấy ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất.

Bìa cuốn nhật ký thực địa ở Tây Nguyên của nhà nghiên cứu Trần Ninh, năm 1974

Ngày xuất phát, đoàn công tác lên chiếc ô tô Hải Âu, loại xe khách của Liên Xô, đi vào đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì nghỉ lại một ngàybinh trạm của Bộ tư lệnh Binh đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Sau khi nhận lương thực, thực phẩm và thuốc men tại đây, đoàn được bố trí đi tiếp bằng 2 chiếc xe Gas. Đường rất xấu, quá nhiều ổ gà, ổ voi, mọi người ngồi trên các bao gạo ở thùng xe, xóc ghê gớm. Sau 3 ngày nữa, đoàn đến Bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet của Lào. Trời tối, chủ yếu đi trong rừng, nên nghe lái xe thông báo thì mọi người biết thế. Tại đây, đoàn nghỉ ở một binh trạm và được tiếp thêm lương thực trước khi tiếp tục hành trình. Trên đường đi, có những chỗ phải dừng lại để tránh máy bay do thám, nhân đó mọi người được nghỉ một lúc. Ông Trần Ninh kể rằng, ông không biết hút thuốc, nhưng trong số hàng nhận ở các binh trạm lại có thuốc lá (không phải của Việt Nam), và ông đem mời những anh em bộ đội cùng đi với đoàn.

Từ Bản Đông đi tiếp vào phía nam, phải đi ban đêm, mỗi hôm có lẽ chỉ được vài ba chục cây số. Ngày 11-3-1974, khoảng 3 giờ sáng, đoàn rời đất Lào và sang lãnh thổ Tây Nguyên. Để đảm bảo an toàn, mọi người đi bộ chừng 2 cây số đến chỗ nghỉ chân ở bên một con suối. Những ngày này, không phải là những lần dừng nghỉ đều gặp binh trạm, nên nhiều bữa phải tự nấu ăn. Ngoài món ruốc, thịt hộp, thỉnh thoảng có bữa được ăn cá tươi bắt được dưới suối. Củi khô kiếm ở rừng, bếp thì kê 3 hòn đá làm kiềng. Ông Trần Ninh viết trong nhật ký: Mấy hôm rồi bữa ăn toàn đồ hộp, rồi ruốc, mà thấy khâm phục các chiến sĩ vẫn vững tay súng đánh được Mỹ Ngụy. Bởi lẽ giữa chốn rừng thiêng nước đã bị nhiễm chất độc này thì muốn kiếm loài cây xanh nào ăn cũng khó (tr. 4, 13-3-1974). Trong khi nghỉ ở bên bờ suối, ông và mấy người tản ra xung quanh tìm ít lá sắn về để nấu canh, vì đã nhiều ngày không được ăn rau xanh. Ông kể lại rằng, gần chỗ nghỉ có những bãi sắn rộng mênh mông, chỉ cần bổ vài nhát xẻng là được cả khóm củ sắn to. Có thể đó là sắn của các chiến sĩ dừng nghỉ ở các binh trạm trồng, nhưng chưa kịp thu hoạch họ đã phải chuyển đi nơi khác. Ông còn vặt được vài chùm quả sung ở ven suối để bữa ăn có thêm “chất xanh”. Sau bữa ăn, ai nấy đều tìm chỗ mắc võng và căng màn chống muỗi để nằm.

Nét chữ của nhà nghiên cứu Trần Ninh trên những trang nhật ký 

Sau 4 ngày di chuyển trên đất Tây Nguyên bằng xe Gas và đi bộ, đoàn mới đến được trụ sở của Bộ tư lệnh Mặt trận B3 ở phía tây tỉnh Kon Tum. Lúc đó khoảng 9 giờ sáng, có tiếng bom tọa độ nổ từng tràng ở xa, sau khi chiếc máy bay do thám VO-10 bay qua. Đoàn công tác gặp Tư lệnh trưởng – Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, và sau đó ông Trần Ninh mô tả trong nhật ký: Thiếu tướng có khuôn mặt gầy, đen, với đôi lông mày rậm. Bao nhiêu năm lăn lộn trên các chiến khu 5, chiến trường Tây Nguyên làm cho khuôn mặt tư lệnh già đi nhiều, mái tóc đã bạc. Khuôn mặt gầy nhưng đôi mắt vẫn đen sáng, nhưng nghị lực có lẽ đè bẹp được sắt thép (tr. 8, 15-3-1974). Tư lệnh trưởng hỏi han sức khỏe và những dự kiến trong chuyến khảo sát của đoàn, cung cấp cho đoàn một số thông tin về tình hình khu vực Tây Nguyên. Cuộc gặp ấy để lại ấn tượng tốt cho ông Trần Ninh, như ông viết vào nhật ký: Khó mà có một sự săn sóc hơn thế nữa mà đồng chí tư lệnh trưởng dành cho đoàn (tr. 8, 15-3-1974).

Bắt đầu từ ngày 17-3-1974, đoàn tiến hành công việc khảo sát ở khu vực có trụ sở của Bộ tư lệnh B3. Nơi đây chưa bị bom đạn tàn phá, nên còn nhiều rừng già. Một số bộ đội được cử đi cùng để giúp các nhà khoa học. Ông Trần Ninh và ông Võ Văn Chi cùng khảo sát thực vật nên trưởng đoàn bố trí cho đi với nhau. Hai ông tới những chỗ ven suối và có nhiều cây cối để thu thập các mẫu vật về cây thuốc và rêu. Mỗi người có những dụng cụ thu mẫu thích hợp với công việc của mình. Thu mẫu rêu đơn giản hơn, ông Ninh chỉ mang theo dao và một số túi nhỏ bằng giấy vỏ bao xi măng. Khi phát hiện rêu bám trên mặt đất hay bám vào thân cây, nếu cần lấy thì ông dùng dao để cạo. Các thông tin cần thiết được ghi vào sổ lý lịch thu mẫu, đồng thời cũng viết cả vào mặt ngoài của túi đựng để sau tránh nhầm lẫn. Với việc thu mẫu cây thuốc, ông Võ Văn Chi còn phải phơi, buộc để bảo quản. Tuy nhiên, đang mùa khô nên khâu xử lý mẫu vật khá thuận lợi.

Sau hai ngày khảo sát ở đây, ngày 19-3 các cán bộ khoa Sinh nghiên cứu về cá, thú và thực vật di chuyển đến Sa Thầy, có một đồng chí bộ đội dẫn đường. Nhật ký của ông Trần Ninh viết: Hành trình chuyến đi xuyên qua mấy khu rừng khộp bằng phẳng được 2km thì nhận thấy xung quanh những hố bom rải rác hai bên đường. Con đường này anh em bộ đội dã dùng tre, nứa, le đan thành những tấm phên rộng khoảng 1,2m lát lên trên đường mòn (tr. 10, 19-3-1974). Đi hơn một giờ mới tới bờ sông Pô Kô. Ở đây tre nứa xanh tốt, nhưng nhìn rừng cây gỗ có thể dễ dàng nhận ra hậu quả của chất độc hóa học do máy bay Mỹ rải. Rõ nhất là những cây họ dầu to cao đứng trơ trọi, xơ xác… Tháng 3 ở Tây Nguyên là mùa khô, nên dòng sông chỉ rộng vài ba chục mét, nước nông, nhiều chỗ có thể lội qua. Anh bộ đội đi cùng kể rằng những năm trước sông này rất nhiều cá, chỉ cần nổ một quả mìn là vớt cá thoải mái. Ông Trần Ninh cũng đã nhiều lần thấy người ta bắt cá bằng cách đó trong những ngày đi từ Bản Đông vào Tây Nguyên. Đến đây, ông men theo bờ sông để thu thập mẫu rêu, nhưng rêu không có nhiều, chúng bám trên đá và trên thân cây ở những chỗ ẩm thấp. Gần trưa, mọi người thả lưới, chỉ bắt được một ít cá nhỏ để cải thiện bữa ăn. Ăn xong, tất cả lại kiếm chỗ nghỉ trưa ngay bên cạnh bờ sông Pô Kô.

Ngày 21-3, đoàn khảo sát chuẩn bị để di chuyển đến địa điểm khác. Nhật ký của ông Trần Ninh cho biết: Sau khi ăn cơm chiều, 5 giờ chúng tôi hành quân, phải đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ mới có xe đón. Vì có xe con chở đồ đạc, dụng cụ nên anh em chúng tôi đỡ mệt nhiều. Lần này, chúng tôi ngồi trên chiếc xe Zin 3 cầu, nên anh em chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn, dù đường xấu. Khoảng 12 giờ đêm đến nơi nghỉ. Mắc võng bên vệ đường là mọi người ngủ ngay. Đêm tĩnh mịch, thỉnh thoảng nghe tiếng côn trùng kêu xen lẫn với tiếng ngáy khe khẽ của vài anh em trong đoàn (tr. 12, 22-3-1974). Rồi sau 3 ngày làm việc, đoàn được đưa về nghỉ ở một binh trạm nằm trong rừng khộp và le. Khu vực này có dân sinh sống, đặc biệt có nhiều suối và nước trong vắt. Sau đó, đến khảo sát ở khu vực suối Đôi cách binh trạm khoảng 35 phút đi bộ. Ông Ninh nhận thấy rêu ở đây nghèo về cả thành phần và số lượng, cũng chỉ gặp vài cá thể của loài địa tiền (Ricardia) và muồng trâu (Cassia alatus) mà ở miền Bắc tương đối hiếm.

Sau những ngày làm việc liên tục, đến ngày 27-3 đoàn nghỉ ở binh trạm, do chưa tìm được khu vực an toàn để khảo sát. Xung quanh binh trạm chủ yếu là rừng khộp, cây đã thưa lại rụng lá trong mùa khô, thực vật dưới tán khộp chỉ có vài loài đáng chú ý, nhưng đã được thu mẫu trước đó vài ngày ở nơi khác. Vì thế, cả đoàn nghỉ ngơi, kiểm tra lại các mẫu và xem lại các ghi chép. Tối hôm ấy, mọi người được xem phim, mà như ông Trần Ninh nhận xét: Đây là buổi xem phim có một không hai của chúng tôi trên chiến trường Tây Nguyên (tr. 13, 27-3-1974). Thời gian quá xa, giờ đây ông không còn nhớ tên phim, nhưng chắc chắn đó là phim nhựa, từng cuộn, do Việt Nam sản xuất. Bộ phim đã cũ, nhưng đối với các chiến sĩ ở đây thì quý vô cùng. Bởi lẽ, một năm chỉ có hai lần đội chiếu bóng lưu động về phục vụ anh em bộ đội trong binh trạm.

Rời binh trạm kể trên, đoàn chuyển đến hai huyện Đức Cơ, Chư Prông, đều thuộc tỉnh Gia Lai. Tại khu vực ven sông Sê San, ông Trần Ninh cũng chủ yếu thấy một số loài rêu đá và muồng trâu, như đã gặp ở Kon Tum. Tính đến lúc đó, ông thu được tổng cộng 150 mẫu rêu. Theo ông, như vậy là rất ít, mà lý do thì cũng dễ hiểu: Rừng ở Tây Nguyên khô khan, bằng phẳng quá, đi trong rừng mà tưởng đi trên đường làng thì ít mẫu rêu cũng đúng thôi. Trời nóng đến tận gần đêm, tôi thèm cơn mưa rào cho mát mẻ. Cuối cùng những trận mưa đã kéo đến báo hiệu mùa mưa ở khu vực này (tr. 14, 1-4-1974). Mưa kéo dài một vài hôm, nên không đi khảo sát được. Lúc rảnh, ông Trần Ninh lấy sách ra học những từ Latin và học tiếng Pháp để phục vụ cho nghiên cứu. Và ông nhớ Hà Nội da diết: Một tháng xa Hà Nội mà tưởng chừng như mấy năm rồi, sao mà xa vời vợi. Hôm nay là chủ nhật, đường phố Hà Nội chắc đông vui lắm, ta thèm cảm giác được hòa mình trong đó. Nơi không phải ta sinh ra nhưng biết bao kỷ niệm, nơi mà ta hằng mong nhớ và nghĩ đến con người luôn đến với ta trong giấc mơ (tr. 14, 1-4-1974). Ông xốn xang nghĩ về người vợ thân yêu, về những kỷ niệm đẹp đẽ ở Hà Nội. Nhưng rồi ông nhanh chóng trở về thực tại, động viên mình cố gắng khắc phục hoàn cảnh, chịu đựng cảm giác cô đơn giữa chốn rừng rú để làm tốt công việc nghiên cứu khoa học.

Vẫn trong thời gian ở Gia Lai, khi ở binh trạm đóng tại bản Mook Đen, xã Ia Dom, đoàn công tác được xem phim vào giữa trưa. Ông Trần Ninh thấy lạ: Hội trường được che kín bởi những tấm nilon, tấm bạt, một cảm giác kỳ lạ đến với tôi. Bởi lẽ xưa nay đã xem phim vào ban ngày nhưng ở giữa lòng thủ đô Hà Nội, ở rạp Tháng Tám hay rạp Công Nhân (tr. 14, 2-4-1974).

Mặc dù thời tiết thất thường, nhưng mọi người vẫn tranh thủ khảo sát, thu mẫu tại khu vực được cho phép ở quanh binh trạm. Ông Ninh khảo sát cả trong vườn rau của binh trạm, tiện thể ông lấy hạt rau dền Cao Miên để mang về Bắc gieo thử. Trong đoàn có người bắn được con chồn, con mang, làm cho bữa ăn rôm rả hơn. Sáng ngày 11-4, đoàn được mời tham dự cuộc họp của dân làng Mook Đen. Bà con bày biện đồ ăn, thức uống theo tập tục người Giarai, cả chủ lẫn khách cùng ngồi quây quần bên ché rượu cần và chuyện trò vui vẻ. Lần đầu tiên ông Trần Ninh tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt này: Những người đàn ông to béo, khỏe mạnh, cởi trần đóng khố, trông người nào cũng lừng lững. Họ uống rượu cần đến tận đêm. Chúng tôi uống vài ngụm để khỏi làm phật ý họ. Có mấy cô giáo trong bản cũng tham dự, trông họ bẽn lẽn làm duyên (tr. 17, 11-4-1974). 

Từ trước, đoàn cán bộ khoa học đã dự định lên đường vào buổi chiều ngày 11 để bắt đầu cuộc hành trình ra Bắc. Nhưng vì nhận lời mời tham dự cuộc họp của làng và bận làm thịt hai con nai mới bắn được trong đêm, nên sang ngày 12-4 đoàn mới xuất hành. Kết thúc chuyến khảo sát này ở Tây Nguyên, ông Trần Ninh thu thập được 193 mẫu rêu.

Ông Trần Ninh cho biết, đường trở về vẫn phải di chuyển chậm chạp, vất vả và có cả nguy hiểm như lúc vào; đã vậy, đoàn còn dừng lại ở một số nơi để nghỉ ngơi hoặc tranh thủ khảo sát. Vì thế, giữa tháng 5-1974 mới về đến Hà Nội. Sau đó, các cán bộ phụ trách từng chủ đề đều làm báo cáo nộp cho trưởng đoàn Võ Quý. PTS Võ Quý thay mặt đoàn báo cáo kết quả chuyến đi khảo sát với Thiếu tướng Đinh Đức Thiện.

Ba năm sau, tại Hungary năm 1977, ông Trần Ninh bảo vệ luận án phó tiến sĩ với đề tài về rêu ở Việt Nam. Đến năm 1980, các mẫu rêu ông thu thập ở Tây Nguyên năm 1974 đã được ông công bố trong một bài đăng tạp chí thực vật học Hungary. Đặc biệt, bài báo đó cho biết, trong số 5 loài rêu mới phát hiện ở Việt Nam, có 2 loài thu thập được tại Tây Nguyên (Arthrocomus shimperii Ochrobryum kurziaum). Sau này, những kết quả thu được qua chuyến đi khảo sát kể trên cũng được ông công bố trong cuốn Danh lục thực vật Việt Nam do GS.TS Lê Trọng Cúc chủ biên (Nxb. Nông nghiệp, 2006).

Kể lại về chuyến đi đặc biệt ấy từ năm 1974, PGS Trần Ninh thổ lộ: Tôi có được may mắn đi cùng chuyến khảo sát với GS Võ Quý. Đoàn đã lặn lội qua không biết bao nhiêu tuyến đường để điều tra và ghi chép khảo sát động thực vật nói chung. Thời gian quá lâu nên nhiều con đường, địa điểm hay những câu chuyện tôi không thể nhớ rõ ràng. Có chăng nhìn vào cuốn nhật ký để hồi tưởng lại những ký ức[2].

PGS Trần Ninh cất giữ cuốn nhật ký duy nhất này của ông trong tủ sách tại tư gia. Ngày 7-5-2019, ông tặng nó cùng nhiều tài liệu khác liên quan đến cuộc đời hoạt động khoa học của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ông hy vọng, những ai đọc được cuốn nhật ký sẽ hiểu phần nào về công việc cùng những những trải nghiệm của người nghiên cứu sinh học, cũng như hiểu về tâm trạng, tình cảm rất đỗi bình thường của họ trên những chặng đường đi điền dã.

Lưu Thị Thúy

 


*PGS.TS Trần Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Thực vật, khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Sau này ông Võ Quý là Giáo sư – Tiến sĩ, ông là nhà sinh học có uy tín lớn ở Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Trần Ninh, 27-7-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.