Bước vào địa chất là bước vào cuộc hành trình gian lao vất vả nhưng luôn tràn ngập niềm vui và sự mới lạ. Hơn nửa thế kỷ nghiên cứu địa chất của Giáo sư Phan Trường Thị là sự kết nối của những năm tháng trèo đèo lội suối, ăn ngủ giữa núi rừng. Những chuyến đi thực địa đầy gian khổ và thiếu thốn, chân trần lội suối giữa mùa đông buốt giá. Những đêm nằm đốt lửa canh thú dữ cho học trò ngủ, rồi những lúc gặp cả đoàn voi ngay trên đường thực địa khiến cả đoàn phải bỏ chạy… Những gian khổ trên đường thực địa hẳn chỉ có nhà địa chất mới hiểu. Nhưng mà sung sướng thì cũng chẳng có gì so sánh được: nhấm nháp một vài chén rượu với thịt thú rừng, mừng rỡ nhảy chồm lên vì phát hiện ra một loại đá mới hay cả đoàn hò reo sung sướng khi phát hiện ra những mỏ vàng cho đất nước.
Đây là cuốn nhật ký của ông Phan Trường Thị, khi đó đang công tác tại bộ môn Địa chất, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng đội 4 thực hiện hành trình sơ khảo về biến chất thuộc tờ bản đồ E – 48 – 19, tại vùng Quỳ Châu, Nghệ An từ ngày 13-5-1964 đến 2-6-1964. Ông Phan Trường Thị là trưởng nhóm nghiên cứu về Thạch học. Trong các chuyến đi, ông đưa các sinh viên đi thực địa cùng để truyền đạt các phương pháp nghiên cứu thực địa và lấy mẫu nghiên cứu. Những chuyến đi thực địa ở Nghệ An để lại nhiều kỷ niệm, Giáo sư Phan Trường Thị kể lại: “Trong một chuyến đi vào Nghệ An cùng với sinh viên khóa 7 về huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Trong đoàn có một anh sinh viên tên Quang hay nói và luôn tỏ ra mình không sợ gì cả. Một hôm trên đường đi dọc bờ suối cả đoàn phát hiện những dấu chân voi rất to. Tối đó dựng trại để ngủ, anh sinh viên này sợ quá nên xin vào nằm ở giữa đoàn nhưng vẫn không ngủ được. Ông là thầy giáo nên phải nằm ngoài cùng để trông bếp lửa đề phòng thú dữ và bảo vệ sinh viên. Từ hôm đó, mọi người hay cười trêu anh kia. Do phải lội suối trong mùa đông giá rét nên một sinh viên khác là Vũ Đình Chỉnh, vốn là người thành phố nên không quen nước, chân bị sưng lên không đi được giày nên đau quá, có khi phải lết bằng hai tay… Một lần khác, cả đoàn đang đi tìm lấy mẫu thì nghe một tiếng gầm rất lớn ngay trước mặt. Một đoàn voi đang đi ngay gần chúng tôi. Thế là mọi người bỏ hết trang thiết bị để chạy. Hôm sau mới quay lại để lấy đồ đạc thì phát hiện có một con voi to đang bị thương sắp chết. Cả nhóm làm thịt và gọi dân vào chia cho họ. Có những ngày đi trong rừng không gặp nhà dân mà hết lương thực thì cả đoàn nhịn đói. Có hôm, đói quá nên khi đến bản có người dân thì đoàn cử một anh đi mua một con chó về làm thịt rồi kho mặn lên ăn cả tuần. Ăn đến khi mọi người đều thấy sợ món thịt chó kho này. Thầy trò chúng tôi vẫn đùa với nhau là chúng ta “lên voi xuống chó”, tức là lên rừng ăn thịt voi và xuống bản thì ăn thịt chó”.
Kết quả của những chuyến đi nghiên cứu ở Nghệ An từ 1964 đến 1970 là hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở đây.