Cuốn nhật ký kể về một chuyến công tác

Cuốn sổ nhỏ (10,6cm x 15cm) có bìa màu hồng, đã long gáy, rách mép, nhiều trang úa vàng. Cách đây ngót nửa thế kỷ, khi BS Phạm Kim dùng nó để ghi chép trong chuyến đi Vĩnh Linh – Quảng Trị, ông không thể ngờ nó lại trở nên quý giá đến thế. Bởi lẽ, cuốn sổ này đã lưu lại cho ông những điều đáng nhớ, nhờ có nó mà ông hồi tưởng đầy đủ hơn, sống động hơn những kỉ niệm sâu sắc gắn với một thời kì lịch sử hào hùng của đất nước.

Ngày 2-5-1972, ta giải phóng Quảng Trị sau hai tháng chiến đấu quyết liệt. Bộ Y tế cử một đoàn cán bộ vào tăng cường cho đội ngũ y tế tại chỗ để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng mới giải phóng. Ở Viện Tai Mũi Họng, theo phân công của Viện trưởng là GS Trần Hữu Tước, BS Phạm Kim đang phụ trách lớp thí điểm phục hồi chức năng cho trẻ điếc. Nhưng ông vẫn hăng hái xung phong vào tuyến lửa, với mong muốn góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn công tác gồm 7 cán bộ trường Đại học Y và Bệnh viện Bạch Mai, mỗi người thuộc một bộ môn[1], BS Phạm Kim được cử làm trưởng đoàn.

BS Phạm Kim đã từng tham gia công tác cấp cứu phòng không khi tham gia chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nên ông hiểu rằng chuyến công tác này chắc chắn sẽ rất gian nan và dễ gặp bất trắc, nguy hiểm. Trước ngày lên đường, ông đi thăm người thân và đưa gia đình đi sơ tán ở Bình Đà (Hà Tây). Dù có chút lo lắng vì hai con trai còn nhỏ, vợ sẽ vất vả nhiều, nhưng ông cũng tin tưởng vợ con rồi sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt.

Cuốn nhật ký của PGS Phạm Kim

Sáng ngày 19-5-1972, đoàn công tác lên đường, mang theo giấy giới thiệu có đóng dấu “hỏa tốc” của Bộ Y tế và ghi rõ nhiệm vụ: … đồng chí Phạm Kim phụ trách đoàn cán bộ của Bộ Y tế mang thuốc men và dụng cụ đến Vĩnh Linh để cấp cứu và săn sóc đồng bào trong Nam ra[2]. Trong chiếc ba lô đựng tư trang của BS Phạm Kim, có cả dụng cụ khám, phẫu thuật tai mũi họng và một cuốn sổ nhỏ dùng ghi nhật ký. Đặc biệt, ông để chiếc kẹp gắp dị vật vào túi áo để mang theo. Đó là kỷ vật của GS Trần Hữu Tước – người thầy đã dìu dắt ông theo ngành tai mũi họng từ thời 1953-1954 ở chiến khu Việt Bắc. Thầy Tước đưa chiếc kẹp kèm theo mảnh giấy nhỏ có dòng chữ “Tặng Kim, đi may mắn, thắng lợi”. Qua cái ôm thật chặt trước lúc lên đường và lời dặn của thầy: Vào trong đó gian khổ lắm, em phải hết sức giữ gìn nhé![3], BS Phạm Kim biết thầy rất lo lắng cho ông và đoàn công tác.

Chiếc xe com-măng-ca do tài xế Bùi Văn Hưởng điều khiển hối hả chở đoàn đi về phương nam. Đêm đầu tiên, đoàn nghỉ lại ở gần bến phà Ghép (Quảng Xương, Thanh Hóa), một trọng điểm oanh kích của không quân và hải quân Mỹ. Từ Thanh Hóa trở vào phía nam vĩ tuyến 20, con đường bị bom đạn cày xới ghê gớm. Đây là vùng “cán xoong” – theo cách gọi của người Mỹ, dải đất bị họ tập trung đánh phá dữ dội nhất. Đoàn phải ngụy trang xe cẩn thận và di chuyển vào ban đêm để tránh máy bay trinh sát OV-10. Đến Bến Thủy, không khí căng thẳng và khẩn trương ở đây làm sống dậy ký ức của BS Phạm Kim về đoàn quân vượt bến Bình Ca thời kháng chiến chống Pháp mà ông chứng kiến trong một lần đi công tác. Đồng thời, những kỷ niệm tuổi thơ của ông cũng ùa tới, như ông ghi lại trong nhật ký: Đêm qua lại được ngắm cảnh sông núi hùng vĩ và hữu tình của Bến Thủy. Trăng nước mênh mông, dòng sông Lam của những ngày thơ ấu vẫn còn đó, nhớ giọng hát dặm Nghệ Tĩnh, nhớ những đêm trăng đi đò dọc lên chợ tỉnh (tr. 10, 22-5-1972).

Càng vào trong, sự tàn phá của không quân và hải quân Mỹ càng ác liệt, đường càng xấu hơn, do đó xe chạy càng chậm hơn. Nhưng tinh thần của những bác sĩ xung phong vào tuyến lửa không nao núng. Với họ, được khám chữa bệnh cho đồng bào miền Nam ruột thịt là nhiệm vụ cao cả. Ngày 22-5, BS Phạm Kim viết: Đối với bộ môn, Viện và nhà trường, chuyến đi này nói lên quyết tâm của mình sẵn sàng không sợ gian khổ, nguy hiểm, và riêng đối với bản thân, mình coi là nhiệm vụ để tự rèn luyện, mình muốn được sống trong nhịp thở chiến đấu hừng hực của dân tộc, cái nhịp thở thực sự của đất nước đang có chiến tranh, chứ không phải cái không khí an phận ở hậu phương của Hà Nội (tr. 8).

Đoàn phải dừng lại mấy hôm ở phía bắc bến phà Quán Hàu, vì máy bay Mỹ quần thảo liên tục. Vì thế, ngày 26-5 mới đến Vĩnh Linh. Sau chặng đường vào đầy khó khăn và hiểm nguy, BS Phạm Kim ghi vào sổ: Cuộc hành trình dài 600-700 km, trên những con đường lửa đạn, nguy hiểm, hồi hộp, nhưng cũng rất lý thú và bổ ích cho việc bồi dưỡng bản thân, sống lại những ngày chiến đấu năm xưa, hiểu thêm nhiều điều về đất nước và nhân dân ta trong nhịp thở hào hùng của kháng chiến. Cuộc sống, đất nước, con người, mọi điều suy nghĩ và hành động lúc này đều nên cân nhắc sao cho xứng đáng (tr. 16-17).

Sau khi làm việc với Ban Y tế tiền phương, đoàn phối hợp cùng Bệnh viện Vĩnh Linh tổ chức khám chữa bệnh và khám nghĩa vụ quân sự tại các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Hiền, Vĩnh Lâm. Công việc khá bận rộn nên BS Phạm Kim không viết nhật ký đều đặn được: Tới Vĩnh Linh đã 5 ngày và ở Vĩnh Thái 3 ngày, đáng lẽ phải viết ghi lại được nhiều, nhưng công việc bận quá, còn sáng sớm và chiều tối lại muốn tận hưởng những giờ phút tuyệt đẹp trên bờ biển (tr. 20, 31-5-1972). Đoàn làm việc ở mỗi xã 3-4 ngày. Qua tiếp xúc với những người đến khám, ông hiểu hơn về con người cũng như cuộc sống của đồng bào miền Nam. Ông nhận thức được rằng: Con người ở 2 miền, sống dưới 2 chế độ khác nhau nên cũng có nhiều điểm khác biệt. Đất nước một phần tư thế kỷ qua là một trang anh hùng ca. Tuy nhiên dân tộc ta đã phải trả bằng một cái giá quá đắt, bao nhiêu bi kịch đã đè nặng trên vai của mỗi con người (tr. 21-22, 31-5-1972). Ông cũng nhận thấy một thực tế đau thương mà người dân miền Nam phải chịu đựng: Tuy cuộc sống có dễ dàng hơn đôi chút về vật chất do hàng hóa Mỹ vừa đẹp vừa tốt tràn đầy, nhưng lại bị o ép về mặt tinh thần, đau khổ về tâm tư, lạc hậu về văn hóa. Đồng bào phần lớn là ông bà già nuôi cháu côi cút, gia đình nào mà không có tang tóc đau thương (tr. 23-24, 31-5-1972).

Ban đầu, đoàn được bố trí ở tại Bệnh viện Vĩnh Linh, để vừa khám chữa bệnh cho dân, vừa bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ y tế của địa phương. Nhưng sau trận bom ngày 5-6-1972, tất cả được lệnh chuyển ra ở nhờ nhà dân. Trận oanh tạc đó san phẳng nhiều căn nhà của bệnh viện. Sức ép của bom làm sập căn hầm BS Phạm Kim đang trú ẩn, khiến ông bị thương vào ngực và sườn phải. Chỗ bị thương không chảy máu, nhưng sưng to và bầm tím. Do buồng chụp X-quang của bệnh viện bị bom Mỹ phá hỏng, nên ông chỉ có thể tự chẩn đoán bị gãy hoặc rạn xương sườn. Ông nén đau để cùng các đồng nghiệp đi đến các thôn, xã khám bệnh cho đồng bào. Ông rất tiếc vì không dùng được dụng cụ phẫu thuật tai mũi họng  đem từ Hà Nội vào, chỉ vì thiếu người gây mê. Nhưng cái kẹp của GS Trần Hữu Tước tặng trước ngày lên đường thì phát huy hết tác dụng. Ông dùng nó gắp dị vật trong tai, mũi, họng những người đến khám, nhiều nhất là lấy ráy tai – tiếng địa phương gọi là “cái đeéng”.

Trung tuần tháng 6-1972, tình hình chiến sự căng thẳng hơn, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn lực lượng đánh chiếm lại Quảng Trị. Để đáp ứng yêu cầu bổ sung lực lượng cho mặt trận, Ban Y tế tiền phương đề nghị đoàn cán bộ của Bộ Y tế tập trung khám nghĩa vụ quân sự. BS Phạm Kim ấn tượng đậm nét về những thanh niên mới 16-17 tuổi tha thiết xin đi bộ đội: Xóm thôn với mái nhà thân thương bên bờ biển dạt dào sóng vỗ của Vĩnh Quang, Vĩnh Thái không giữ được chân họ ở lại. Nói dối tuổi, giấu bệnh để được đi bộ đội một cách ngây ngô đã làm mình vừa buồn cười vừa cảm thấy dễ thương. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng, mình thầm nhủ: Các em  thanh niên, các em đã chọn đúng con đường đấy! (tr. 48-49, 21-6-1972).

Ngày 25-6, sau đợt khám nghĩa vụ quân sự ở khu đội Vĩnh Linh, đoàn nhận được chỉ thị đặc biệt từ Ban Y tế tiền phương: vượt giới tuyến để khám bệnh cho đồng bào ở nam vĩ tuyến 17. BS Phạm Kim ghi vào nhật ký: Không phải trở ra Hà Nội, mà ngược lại là vượt tuyến vào sâu hơn. Một chuyến đi B nhỏ nhưng vẫn thực sự là đi B, có thể vào Gio Linh hay Triệu Phong (tr. 57, 25-6-1972). Có giao liên dẫn đường, đoàn vượt sông Bến Hải rồi hành quân đến địa điểm khám bệnh ở huyện Gio Linh. Ông không ngại đi bộ, cũng chẳng sợ bom đạn, nhưng ông gặp rắc rối bởi chấn thương do sập hầm từ hôm Bệnh viện Vĩnh Linh bị ném bom: Cái chấn thương tai ác này làm cho mình mất hứng thú và lâm vào thế khó xử. Trưởng đoàn mà lúc này ở lại thì không thể chấp nhận được, khi anh em trong đoàn thọc sâu vào vùng chiến sự ác liệt, cần chỉ đạo chặt chẽ hơn. Mà đi bộ thì quá gay cho mình, hàng ngày đi đau nhói ở cạnh sườn, thậm chí nhiều lúc cảm thấy khó thở. Lúc này là lúc cần suy nghĩ chín chắn và quyết định tỉnh táo, phải hết sức xứng đáng (tr. 60-61, 25-6-1972). Ông quyết tâm vượt tuyến cùng đoàn. BS Trần Di Ái đã đổi cho ông chiếc ba lô nhẹ hơn. Trước khi vượt tuyến, cả đoàn nhanh chóng đến địa điểm tập trung (gọi là “ban B”) ở xã Vĩnh Hiền.

Đêm nằm ở ban B, BS Phạm Kim thao thức mãi, không phải vì tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ của bom hay pháo tăng tốc, mà chính cảm giác của người lính ở chiến trường lúc sắp xuất trận mới là nguyên nhân khiến ông khó đi vào giấc ngủ. Chiều 26-6, đoàn được lệnh xuất phát, vượt sông Bến Hải để vào vùng tranh chấp Quảng Trị. Giao liên dẫn đoàn theo đường số 1 tiến về phía cầu Hiền Lương. Khi con sông Bến Hải đã ở trước mắt thì bất ngờ một trận pháo kích của địch đánh trúng đội hình, như muốn dằn mặt đoàn công tác sắp đi xuyên qua vĩ tuyến 17. BS Phạm Kim ghi lại tình huống thật nguy hiểm này trong nhật ký: Hoàng hôn buông xuống trong tiếng gầm rú của pháo địch bắn từ biển vào và tiếng rít của máy bay phản lực. Một tiếng đạn rít như xé không trung và một quả pháo nổ chỉ cách chỗ mình và anh Ái khoảng 30 mét, đất và khói dựng lên. Hai anh em vội nhảy bổ xuống một cái hầm tròn đào bên vệ đường. Rồi liên tiếp những quả pháo khác nổ rải rác quanh đó không xa (tr. 75, 27-6-1972). Sau đợt pháo kích, đoàn tiếp tục tiến về phía bờ sông rồi lên một con thuyền nhỏ. Lúc thuyền cập bờ nam sông Bến Hải, trăng đã lên cao, nhìn được khá rõ quang cảnh vùng phi quân sự trơ trụi và hoang tàn bởi bom đạn. Đi khá lâu, tới gần đèo Ba Dốc mới thấy có dấu hiệu của xóm làng, của sự sống, từ xa vọng lại tiếng người lao xao. BS Phạm Kim phỏng đoán: Có lẽ một số đồng bào đã trở về với xóm thôn sau những năm tháng bị tập trung, và cũng có thể từ ngày mở chiến dịch có một số đồng bào ở bờ bắc trở về. Cả cái vành đai trắng này nhất định cuộc sống sẽ trở lại vui tươi hơn, nhưng giờ đây hãy còn nhiều gian khổ, khó khăn lắm (tr. 80, 27-6-1972). Giao liên dẫn đoàn đi suốt đêm ấy, vượt qua căn cứ Dốc Miếu, đến gần Gio Lễ lại gặp một trận pháo kích nữa, nhưng cả đoàn vẫn an toàn.

Cầu Hiền Lương trong nhật ký của PGS Phạm Kim

Tuy đến xã Gio Lễ ngày 27-6, nhưng đoàn chưa thể tổ chức khám chữa bệnh ngay, vì như trong nhật ký cho biết: … công việc phải bàn và chuẩn bị thêm mới triển khai được (tr. 85, 28-6-1972). Cuộc sống nơi đây rất khó khăn, bởi bom đạn đã biến những cánh đồng trù phú thành đất hoang chằng chịt hố bom, người dân thiếu đói, phần lớn thiếu máu, da xanh xao… Vì thế, bữa ăn của đoàn cũng hết sức thanh đạm, chỉ có chút mắm pha với nước đun lên rồi chan, hoặc chuối xanh cho thêm chút mỡ rồi nấu lên (tr. 85, 28-6-1972). Lo lắng cho sức khỏe của các bác sĩ mới vào, bộ phận cấp dưỡng tìm bắt cá trê ở những hố bom có nước đọng lâu ngày để cải thiện bữa ăn cho đoàn. Công việc khám bệnh bắt đầu tại thôn Tân Lạc. Dù được thông báo rộng rãi nhưng không có nhiều người đến khám, mới giữa buổi sáng đã khám xong ở đây. Sau hai ngày làm việc ở Tân Lạc, đoàn chuyển đến Hải Chữ – một thôn nhỏ với hơn 300 nhân khẩu. Người đến khám bệnh cũng không nhiều, nên BS Phạm Kim có nhiều thời gian tìm hiểu về cuộc sống và con người ở vùng quê này. Những người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ, lạnh lùng, nhưng ẩn sau đó là tấm lòng đôn hậu, nhiệt tình với cách mạng. Các o dân quân, du kích dù chỉ ăn cơm chan nước mắm tôm nấu loãng, nhưng vẫn gùi 30-40 kg hàng trên lưng, kiên trì bám thôn xóm để chiến đấu, chống càn, diệt máy bay Mỹ…

Đầu tháng 7-1972, tình hình chiến sự tại Quảng Trị càng trở nên khốc liệt. Từ Gio Linh, đoàn được lệnh rút ra Vĩnh Linh. Lại vượt sông Bến Hải, nhưng lần này không qua sông ở gần cầu Hiền Lương, mà đi dọc theo bờ nam một đoạn khá xa rồi mới lên thuyền. Nhờ vậy, BS Phạm Kim có nhiều thời gian quan sát con sông: Đôi bờ khoảng cách không xa mà dòng nước trong xanh. Bờ sông rải rác nhiều nơi có cát, có những con cua nhỏ mai nhiều màu sắc sặc sỡ, thấy động giơ đôi càng đỏ lùi dần rồi lủi vội xuống hang… Dòng sông ngó hiền hòa mà khi giao liên chèo thuyền ra giữa sông thấy nước chảy khá xiết. Có lẽ từ đây ra cửa Tùng không còn xa, vì nếm thử nước đã có vị mặn. Dọc bờ sông rải rác có nhiều bom bi mẹ, mảnh pháo, vỏ đạn, mũ sắt…, dấu vết của sự khốc liệt và tàn phá mới đây. Rải rác dưới những lùm tre nhỏ là những căn hầm đào rất khéo, ngụy trang kỹ đến mức đến gần không chú ý nhìn thì cũng không biết (tr. 115-117, 8-7-1972).

Thuyền cập bờ cũng là lúc đoàn chia tay cô giao liên. Cả 7 bác sĩ đứng trên bờ sông vẫy tay chào tạm biệt, mãi khi thuyền ra giữa dòng họ mới lên đường về ban B. Với BS Phạm Kim, ông không chỉ thoáng buồn lúc ấy, mà hình ảnh cô giao liên khoác ngang vai khẩu AK trên chiếc thuyền chòng chành giữa dòng sông đã in đậm vào tâm trí ông theo suốt hành trình ra Bắc. Hình ảnh đó còn tạo cảm hứng để ông sáng tác bài thơ có tiêu đề “Bài thơ tặng cô giao liên” với đoạn mở đầu như sau:

Bên bờ sông chia tay

Anh trở ra bờ Bắc

Em quay lại bờ Nam

Thoáng buồn trong ánh mắt…

Ngày 8-7, đoàn bác sĩ có mặt tại ban B ở xã Vĩnh Hiền, kết thúc đợt công tác vào vùng giải phóng Quảng Trị. Sau đó, đoàn trở về Bệnh viện Vĩnh Linh, tiếp tục hỗ trợ khám chữa bệnh ở đây. Lúc này, với sự tham gia của bác sĩ trẻ tên Y mới về công tác ở bệnh viện, có đủ ê-kíp, nên BS Kim thực hiện được một số ca phẫu thuật amidan.

Sau khi tổng kết đợt công tác tại Bệnh viện Vĩnh Linh, ngày 18-7-1972 đoàn lên đường ra Bắc. Trước giờ xuất phát, chiếc xe bị trục trặc phải sửa chữa, các thành viên trong đoàn dựa vào đó để phán đoán hành trình trở về sẽ khó khăn, trắc trở. BS Phạm Kim ghi trong sổ: Thế là ngày mùng 8 âm lịch dự kiến đã đến. Tối nay lên đường ra Hà Nội. Hôm qua nói đùa với các bạn đợt công tác đã xong 70%, nhưng nhiều bạn chỉ cho rằng mới xong được 50% thôi. Đường ra chuyến này sẽ rất gay go, ác liệt, vì nghe nói máy bay B52 của địch đánh rất ác liệt trên tuyến Quảng Bình (tr. 148, 18-7-1972). Đúng như đoán biết trước, do tắc nghẽn lâu ở khu vực bến phà Quán Hàu, do những lần xe bị hỏng trên đường 22 hoặc ở Kỳ Lạc (Hà Tĩnh)…, nên phải mất tới 16 ngày đoàn mới về đến Hà Nội. Sau đó ít hôm, ông viết tiếp: Thế là kết thúc hành trình vào ngày 2-8-1972. Về đến Hà Nội một buổi trưa đẹp trời, sau một đêm và nửa ngày đi suốt qua Hàm Rồng, Lèn, Gián Khuất, tới Phủ Lý vòng đường chợ Lương, Đồng Văn ra đường 1 và thẳng về Hà Nội. Kết thúc một hành trình dài gần 2 ngàn cây số đầy gian khổ và nguy hiểm, nhưng cũng rất thú vị và đầy ý nghĩa (tr. 170-171, 8-8-1972).

Trở về Hà Nội trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân và sự đón chào của cơ quan, đồng nghiệp, BS Phạm Kim vui mừng và xúc động. Ngày 24-8-1972, ông thay mặt đoàn báo cáo về chuyến công tác ở giảng đường lớn của trường Đại học Y, số 13 – Lê Thánh Tông. Phó hiệu trưởng Nguyễn Trinh Cơ đánh giá cao đoàn công tác mới từ tuyến lửa trở về và gọi 7 cán bộ này là “thất hiền” (7 người hiền). Cũng tại hội trường hôm ấy, phóng viên Huy Đan của báo Lao động đã phỏng vấn và mượn cuốn nhật ký của BS Phạm Kim để trích đưa vào bài đăng trên số báo ngày 2-9-1972.

Kết thúc chuyến công tác hơn 70 ngày vào vùng giới tuyến, vùng mới giải phóng ở Quảng Trị, BS Phạm Kim trở lại chuyên tâm nghiên cứu vấn để phục hồi chức năng cho người khiếm thính. Thời gian trôi đi, câu chuyện chuyến “đi B” 76 ngày năm 1972 vẫn được lưu giữ trong cuốn nhật ký và trong ký ức của ông. Cuốn nhật ký này sẽ còn tiếp tục kể mãi về chuyến công tác của 7 bác sĩ tình nguyện dấn thân vào một nơi đặc biệt và trong một thời điểm đặc biệt như thế.

Lê Nhật Minh


PGS Phạm Kim, chuyên ngành Y học, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương (1974-1983).

[1] Cụ thể: BS Phạm Kim (bộ môn Tai mũi họng), BS Võ Phụng (bộ môn Nội), BS Lê Tử Vân (bộ môn Da liễu), BS Nguyễn Công Khanh (bộ môn Nhi), BS Đoàn Trọng Hậu (bộ môn Mắt), BS Bùi Xương (bộ môn Phụ sản), BS Trần Di Ái (bộ môn Tâm thần).

[2] Giấy giới thiệu số 1400, ngày 19-5-1972 của Bộ Y tế, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 27-9-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.