Cuốn nhật ký thời khảo sát thủy lợi ở chiến trường


Đó là cuốn nhật ký có bìa màu tím, dày 154 trang với kích thước 17cm x 21cm, được viết bằng mực xanh và đen. Trải qua gần nửa thế kỷ, cuốn sổ đã đượm màu thời gian, nhưng nét mực vẫn sáng rõ. Với PGS Phạm Ngọc Hải, đây là cuốn sổ đặc biệt, bởi ông được một gia đình Việt kiều ở Campuchia tặng năm 1973.

Kể câu chuyện này, PGS Phạm Ngọc Hải như sống lại thời sôi nổi của thế hệ mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là tinh thần hăng hái coi việc mặc áo lính bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của thanh niên. Năm 1972, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam càng trở nên cấp bách. Sinh viên các trường đại học nhập ngũ rất đông. Ở trường Thủy lợi cũng có nhiều người lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Giảng viên Phạm Ngọc Hải tuy đã có em trai vào chiến trường miền Nam, nhưng vẫn đăng ký đi bộ đội.

Tháng 9-1972, anh lính trẻ Phạm Ngọc Hải được biên chế vào tiểu đội 2, trung đội 1, thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 496, đoàn 568. Tất cả tân binh được đưa lên huấn luyện tại vùng đồi núi Mai Sưu của huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện quân sự và rèn luyện thể lực, ngày 3-1-1973 cả đơn vị lên đường vào chiến trường Đông Nam Bộ, thường gọi là B2. Ngày ấy, hành trình vào B2 mất tới hơn 7 tháng, phải vượt núi băng rừng trên tuyến đường Trường Sơn chạy qua cả hai nước bạn Lào, Campuchia. Đơn vị hành quân cấp tốc, mùng 1 Tết cũng không nghỉ, nhưng rồi lại phải dừng chân một thời gian dài tại khu vực biên giới. Do chiến sự ác liệt, chưa thể từ Campuchia di chuyển sang Tây Ninh của Việt Nam, nên đơn vị phải chờ đợi tại huyện Memot, tỉnh Kampong Cham, cách biên giới khoảng 50 cây số.

Cuốn nhật ký của PGS.TS Phạm Ngọc Hải

Trong thời gian đóng quân trên đất bạn, đơn vị vừa làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, vừa tiếp tục huấn luyện các khoa mục chiến đấu. Ngày nghỉ, Phạm Ngọc Hải thường đi dạo chơi ở thị trấn Memot, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Ngay lần đầu anh đã gặp má Tư Chi, một người từ miền Nam sang đây bán cà phê để mưu sinh. Má Tư Chi không chỉ mời anh thưởng thức một vài món ăn của người Campuchia, mà còn dẫn anh đi thăm một số gia đình Việt kiều ở thị trấn Memot. Má cũng đưa anh đến chụp ảnh ở hiệu ảnh Đoàn kết của người Việt Nam, mà sau này anh mới biết chủ hiệu ảnh là một nhà tình báo của quân giải phóng miền Nam. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy để lại cho Phạm Ngọc Hải ấn tượng sâu sắc, đặc biệt làm cho anh hiểu rằng cộng đồng người Việt Nam ở Memot luôn hướng về quê hương, đất nước, họ thật sự thương yêu, quý mến bộ đội Việt Nam.

Sau 4 tháng đóng quân trên đất Campuchia, ngày 25-8-1973 đơn vị Phạm Ngọc Hải vượt biên giới sang chiến khu Tây Ninh. Trong khi có khá nhiều cán bộ, sinh viên các trường đại học nhập ngũ cùng đợt với Phạm Ngọc Hải được phân công đi làm việc tại các đơn vị kỹ thuật, thì anh vẫn phải ở lại đơn vị cũ làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, hỗ trợ công tác hậu cần và sang Campuchia đón các đơn vị mới tới. Trong một lần quay lại Campuchia, anh đến thăm má Tư Chi và một số gia đình Việt kiều khác, anh được vợ chồng chủ hiệu ảnh Đoàn kết tặng cuốn sổ với lời đề tặng: Tặng em Hải quyển sách làm kỷ niệm những ngày sống trên đất Căm-pút. Mimot ngày 18.11.1973. Sau đó, anh dùng cuốn sổ này để viết nhật ký cho đến khi xuất ngũ và trở về trường Đại học Thủy lợi ở Hà Nội.

Tham gia quân ngũ, Phạm Ngọc Hải mong muốn được về một đơn vị chiến đấu nào đó, hoặc làm công việc gắn với chuyên môn về thủy lợi như nhiều cán bộ, sinh viên trường anh đang làm ở chiến trường, nhưng anh không được toại nguyện. Đầu tháng 4-1974, anh mới được điều về Đoàn 600, thuộc Quân khu 7. Đây là đơn vị mới thành lập ở Lộc Ninh (Bình Phước), làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, nên rất cần những cán bộ kỹ thuật như Phạm Ngọc Hải. Tại đây, Chủ nhiệm phòng Chính trị gặp mặt các kỹ sư trong đơn vị để tìm hiểu về chuyên môn của từng người trước khi phân công công tác cho họ. Không lâu sau đó, Phạm Ngọc Hải được biên chế vào tiểu đoàn 2, một tiểu đoàn sản xuất, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương.

Khi những nương sắn đã xanh mướt, cánh đồng lúa bắt đầu trổ đòng cũng là lúc kỹ sư thủy lợi Phạm Ngọc Hải và một số kỹ sư nông nghiệp trong đơn vị được giao nhiệm vụ mới: quy hoạch nguồn nước cho khu vực phía bắc Bù Đốp (Bình Phước). Đây là công việc thú vị, đúng chuyên môn của anh, nhưng anh khá bình thản: Thế là họ bắt đầu động chạm đến mình, cũng hay hay, song mình vẫn cảm thấy bình thường không háo hức như trước nữa – thời mới bắt đầu công tác. Chiều nay thứ bảy mình được nghỉ để làm công tác chuẩn bị (tr.115, 28-9-1974). Thời gian công tác tại trường Đại học Thủy lợi đã cho anh kinh nghiệm để biết rằng công việc khảo sát, quy hoạch sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cuối tháng 9-1974, Phạm Ngọc Hải cùng các kỹ sư nông nghiệp lên đường thực hiện chuyến khảo sát đầu tiên về đất đai và nguồn nước của khu bắc và tây bắc Bù Đốp. Nhóm kỹ sư xuất phát từ sáng sớm, khoảng 2 giờ chiều thì đến một đơn vị tăng gia của phòng Thông tin, nghỉ lại ở đây một đêm, hôm sau đi tiếp về phía tây bắc Bù Đốp và tạm trú ở một căn cứ cũ của Bộ tư lệnh Thông tin. Cả nhóm đi thực địa mấy ngày liền ở khu vực ven sông Măng – biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Anh nhận thấy đất vùng này khá màu mỡ, có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng nằm sâu trong rừng và thường ngập lụt vào mùa mưa; về phía tây nam, những bàu và trảng[1] rộng hàng trăm hecta cũng hứa hẹn sẽ trở thành một vùng sản xuất rộng lớn.

Ngày 5-10-1974, các kỹ sư hoàn thành nhiệm vụ khảo sát sơ bộ khu bắc và tây bắc Bù Đốp. Sau khi trở lại đơn vị, Phạm Ngọc Hải tham gia đoàn khảo sát của Bộ tư lệnh Quân khu đi tìm đất cho Binh đoàn 2 sản xuất ở ven biên giới Việt Nam – Campuchia. Đoàn tiến hành khảo sát khu rừng già xen lẫn đầm lầy nằm ở phía tây bắc thị trấn Lộc Ninh, tìm nơi có thể tập trung được 2000 người để tổ chức trồng lúa, hoa màu và cây công nghiệp. Tại những cánh rừng ngập nước, cùng với Đại tá Tư Đức – Tham mưu trưởng Đoàn 600, các kỹ sư phải đo mực nước, khảo sát thảm phụ thực vật, đánh giá khả năng khai hoang và trồng trọt. Công việc không hề đơn giản, như kỹ sư Phạm Ngọc Hải ghi trong nhật ký: Mấy ngày liền mình phải bơi lội trong sình đầy cỏ và lau sậy, hầu hết phải cắt đường mới, có khi mình phải đi trên những lớp cỏ, lau sậy mọc trên đầm. Mình phải tiếp xúc với những con đỉa gớm ghiếc, có những hôm mình đi sâu vào những khu rừng rậm rạp dây rợ chằng chịt và lầy lội, bước đi trên những rễ cây chồng chất lên nhau, nước sâu tới bụng (tr.122, 31-10-1974).

Sau hai chuyến khảo sát kể trên, kỹ sư Phạm Ngọc Hải chủ yếu làm việc trong Ban tham mưu. Bên cạnh việc tiếp tục tham gia khảo sát, thiết kế hệ thống thủy lợi cho Binh đoàn 2, anh hướng dẫn cho những kỹ sư mới bổ sung về đơn vị nắm được kế hoạch xây dựng các công trình cơ bản. Bây giờ, cần cung cấp nước cho các khu vực sản xuất và tìm biện pháp tiêu nước cho vùng đầm lầy ở phía tây bắc đường 14. Nhưng anh phải làm việc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu cả tài liệu cần thiết: Việc tính toán và các biện pháp giải quyết sẽ trở nên đơn giản nếu như khảo sát, điều tra được các số liệu cơ bản. Song ở đây ngoài bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50000 mình chẳng có một số liệu nào khác. Công việc phải tiến hành trong điều kiện mò mẫm, phỏng đoán, vấn đề lập tức trở nên phức tạp, rối không biết giải quyết thế nào (tr.123, 15-11-1974). Đặc biệt, chuyến khảo sát tuyến kênh tiêu nước làm cho một số kỹ sư nao núng, vì khi đi trong những cánh rừng già họ liên tục bị lạc đường và rơi vào “trận địa phục kích của vắt”. Sự gian nan, trắc trở được phản ánh trong nhật ký, chẳng hạn ngày 19-11-1974 anh viết: Do định phương hướng sai lệch, trục chính tách khỏi dòng suối khá xa, lại phải cắt rừng lần mò, tìm thấy bờ suối thì đã trưa phải quay về. Thế là một ngày thất bại nữa, mình chỉ đo được một mặt cắt cách cửa suối không xa (tr.125). Chỉ đến khi tìm được người dẫn đường, anh và các bạn đồng nghiệp mới thúc đẩy được công việc để hoàn thành chuyến khảo sát và xây dựng kế hoạch ngăn một dòng suối ở phía thượng nguồn.

Đầu tháng 12-1974, kỹ sư Phạm Ngọc Hải được điều về Ban Kỹ thuật của Binh đoàn để thiết kế một số công trình thủy lợi cho Đại đội 16 (C16). Tình hình vẫn như trước: Thời giờ, phương tiện đều thiếu một cách nghiêm trọng, mình làm theo cảm tính. Cũng chẳng biết làm thế nào khác được vì không có một chút tài liệu gì (tr.128, 9-12-1974). Công việc thì nhiều, lại yêu cầu hoàn thành gấp, nên anh hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có khi phải làm việc cả dưới mưa: Hôm kia mình phải ngồi suốt từ sáng đến tối để vẽ bản thiết kế cổng gỗ cho C16, công trình sắp hoàn thành thì trời đổ mưa. Mình vẫn tiếp tục đứng dưới trời mưa để hoàn thành nốt bản vẽ, quần áo nửa phía sau hầu như ướt hết, chưa bao giờ làm việc kỹ thuật trong một điều kiện như vậy (tr.128, 14-12-1974). Công việc khiến anh mất nhiều thời gian và công sức, nhất là thiết kế hệ thống mương tưới cho cánh đồng mía đang bước vào mùa khô. Khó khăn không ở chỗ tính toán lưu lượng nước, kích cỡ mương để đảm bảo đủ nước tưới cho cả cánh đồng, mà là tìm ra phương án giữ nước cho con mương trong mùa khô kéo dài từ cuối tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau. Anh nghĩ ra cách sử dụng nilon lấy từ các bao đựng cát ở công sự của quân Mỹ bỏ lại, đem lót xuống mương để hạn chế ngấm nước. Tiếp đó, lại nảy sinh vấn đề thiếu ống dẫn nước vào bể chứa. Anh loay hoay tìm cách khắc phục: Tới hôm nay đã là ngày thứ mười mình xoay sở với cái máy bơm, máy đã đưa tới vị trí và hôm nay đang lắp ống nước vào bể hút, đường ống vẫn thiếu tới 30 mét nữa. Mình đang nghĩ cách giải quyết, thật là buổi đầu đã gặp những khó khăn (tr.135, 15-3-1975). Anh đưa ra phương án đắp mương nổi, nhưng cách này không hiệu quả vì mương thường xuyên bị vỡ, khiến anh lo lắng. Kỹ sư Phạm Ngọc Hải sang Ban Nông nghiệp của Chính phủ Cách mạng lâm thời mượn một số ống nước. Sau nửa tháng miệt mài làm việc, từ thiết kế đến khắc phục những vấn đề phát sinh trong thi công, anh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng mương dẫn nước. Anh phấn khởi viết vào cuốn nhật ký: Hôm nay thì hoàn thành việc bơm nước tưới cho mía, như vậy tạm coi là thành công bước đầu. Tuy kết quả không được mỹ mãn lắm nhưng đây là kết quả của nửa tháng trời mình lăn lộn hết đào kênh mương, chuyển máy rồi đắp mương nổi vì thiếu đường ống. Kênh nổi bị vỡ thật là những phút hiểm nghèo, đến nỗi trong giấc ngủ mình cũng lo đến kênh mương, đến nước vào mương (tr.135, 15-3-1975).

Khi nhiệm vụ thiết kế, xây dựng các công trình thủy lợi cho C16 cơ bản hoàn thành, cũng là lúc chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các kỹ sư trong Ban Kỹ thuật của Đoàn 600 theo đơn vị tiến về Biên Hòa, sau đó về Long Khánh giữa lúc Sài Gòn được giải phóng. Nhật ký của Phạm Ngọc Hải ghi: Dậy lúc 3 giờ sáng lại chuẩn bị hành quân, đài đưa tin quân ta đang tiến công vào Sài Gòn, đêm qua mưa rải rác suốt đêm, nhưng chỉ làm cho đường đi sạch sẽ hơn vì ít bụi, một chuyến đi khá thoải mái… 5 giờ chiều Đài phát thanh giải phóng chính thức báo tin Sài Gòn giải phóng hoàn toàn với chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi (tr.150-151, 30-4-1975). Khi cả đơn vị đang say sưa với niềm vui chiến thắng, anh nghĩ đến tương lai và không khỏi lo lắng: Nghe tin chiến thắng mình có một cảm giác rất lạ, vui mừng lẫn nỗi trống trải. Trống trải vì còn cả sự nghiệp trước mắt rồi chẳng biết sẽ đi đến đâu (tr.151, 30-4-1975). Rồi điều anh băn khoăn đã thành sự thật, nhiều người được xuất ngũ và trở về trường đại học, còn anh vẫn phải ở lại Đoàn 600 tiếp tục tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế. Trong tâm trạng có chút bồn chồn, anh vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đầu tháng 6-1976, anh bộ đội – kỹ sư Phạm Ngọc Hải được xuất ngũ và trở về trường Đại học Thủy lợi.

Trở lại trường Thủy lợi, giảng viên Phạm Ngọc Hải lại say mê với công tác giảng dạy, đào tạo. Dù vẫn tiếp tục tham gia quy hoạch, khảo sát thủy lợi tại nhiều nơi, nhưng trong những chuyến đi ấy ông không viết nhật ký nữa. Cuốn nhật ký tại vùng chiến trường Đông Nam Bộ trở thành cuốn nhật ký cuối cùng của PGS.TS Phạm Ngọc Hải. Cuốn sổ này cùng những cuốn nhật ký trước kia được ông bọc cẩn thận bằng nilon và cất giữ hơn 40 năm, cho đến khi trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 9-11-2018.

Lê Nhật Minh

 

*PGS.TS Phạm Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật và Tài nguyên nước, trường ĐH Thủy lợi.

[1]Tiếng miền Nam, bàu là đầm, còn trảng là khoảng đất rộng giữa rừng hoặc giữa hai khu rừng.