Cuốn sách dịch của Giáo sư Lâm Ngọc Thiềm

Giáo sư Lâm Ngọc Thiềm công tác ở bộ môn Hóa lý thuộc khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1970. Ngay khi nhận công tác, ông được phân dạy môn hóa học lượng tử. Đầu những năm 70, trong nước chưa có giáo trình về môn học này, giảng viên soạn giáo án dựa trên sách của nước ngoài, còn sinh viên học qua bài giảng của thầy giáo. Thuở đó, cuốn sách Quantum Chemistry (Hóa học lượng tử) của ba tác giả người Anh là H.Eyring, J.Walter và G.E.Kimball là sách gối đầu giường cho những người học và nghiên cứu về môn này.

Ông Lâm Ngọc Thiềm muốn dịch cuốn sách Quantum Chemistry sang tiếng Việt nhưng gặp khó khăn vì không thông thạo tiếng Anh. Ông mời hai đồng nghiệp cùng dịch là: Trần Vĩnh Quý ở trường Đại học Nông nghiệp (sau này chuyển về trường Đại học Sư phạm Hà Nộ) và ông Nguyễn Đình Huề, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ông Thiềm mượn cuốn sách Quantum Chemistry ở Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội và đem đến một cửa hàng photocopy ở gần đó để copy một bản. Ngày ấy, quán photocopy ít, giá photocopy cao, vì vậy chúng tôi chỉ có tiền photo cuốn sách này thành một bản, Giáo sư Thiềm cho biết. Bản copy của cuốn sách được tách làm ba phần cho 3 người dịch: Ông Nguyễn Đình Huề dịch phần đầu, ông Lâm Ngọc Thiềm dịch phần giữa, ông Trần Vĩnh Quý dịch phần cuối.

Tháng 5-1972, giảng viên Lâm Ngọc Thiềm đi bộ đội. Vì vậy việc dịch sách của cả ba người đều tạm dừng. Năm 1973, ông Thiềm được phân công tác về khoa Hóa, trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự). Ông liên lạc lại với ông Huề và ông Quý để bàn về việc tiếp tục dịch cuốn sách. Lúc này, ông Huề mắc bệnh vảy nến kèm với sức khỏe yếu nên không tham gia dịch. Ông Thiềm và ông Quý dịch tiếp phần đã dịch từ năm 1972 rồi cùng nhau dịch phần của ông Huề. Phải tranh thủ thời gian rảnh ngoài những lúc lên lớp, ông Thiềm thường làm việc đến 11 giờ đêm.

 Khoảng giữa năm 1973, cuốn sách được dịch xong, nhưng do tiếng Anh của các dịch giả không tốt nên phải mất 2 năm để hiệu đính. Trong thời gian hiệu đính, ông Thiềm thường xuyên đến nhờ thầy Huề giúp đỡ vì thầy Huề là người giỏi chuyên môn và tiếng Anh. Ông còn nhớ, nhà thầy Huề ở số 8 phố Cửa Bắc, gần nhà máy Điện, than bụi từ nhà máy gây ô nhiễm không khí khu vực lân cận, làm cho bệnh vảy nến của thầy Huề trở nên nghiêm trọng hơn.

Năm 1975, sau khi hoàn thành công việc hiệu đính, bản thảo được gửi đến Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật. Năm 1976, cuốn sách dịch Hóa học lượng tử ra mắt độc giả. Đây là cuốn sách về hóa học lượng tử đầu tiên dịch sang tiếng Việt và sử dụng trong các trường đại học có đào tạo chuyên ngành hóa học, trở thành tài liệu quan trọng cho cả giảng viên và sinh viên.

Cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Cơ sở của cơ học lượng tử rút gọn

Chương 2: Áp dụng của cơ học lượng tử vào cấu tạo nguyên tử

Chương 3: Áp dụng của cơ học lượng tử vào cấu tạo phân tử

Nhà xuất bản tặng mỗi dịch giả một cuốn. Ông Thiềm sử dụng cuốn sách này trong khoảng 30 năm (1976 đến 2005) để giảng dạy môn hóa học lượng tử cho sinh viên năm thứ nhất. Do sử dụng thường xuyên nên cuốn sách bị long gáy, ố nhiều… Năm 2005 ông Thiềm nghỉ hưu, theo hợp đồng ký với khoa Hóa, trường Đại học Khoa học tự nhiên thì từ đó ông giảng cho học viên cao học và lớp Cử nhân khoa học tài năng, nên không sử dụng đến cuốn sách này. Ngày 12-4-2021, ông tặng cuốn sách cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.