Cuốn sách hấp dẫn của một nhà khoa học nữ

Ngạc nhiên, khâm phục và ước ao được sống cuộc đời của một nhà khoa học nữ như Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Kim Thoa. Đó là cảm giác của tôi khi đọc xong gần 400 trang của cuốn sách “Bắt đầu từ nước Nga”. Những trang ký ức của một nhà khoa học nữ được lột tả vô cùng sinh động, đầy gian nan, vất vả, nhưng cũng nhiều kỷ niệm xúc động, nên thơ… Con đường khoa học của bà được khởi đầu từ nước Nga, sau đó trải qua nhiều vùng trời khoa học khác nhau: Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Điển, Hy Lạp, Đức, Pháp, Mỹ…

Cuốn sách khiến người đọc phải thốt lên: “Ước gì được đi nhiều, trải nghiệm nhiều như vậy”. Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thoa đã từng đi đo đạc, khảo sát ở 61 tỉnh thành trong nước, tham gia nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới. Bà đã từng nghiên cứu nhiều hiện tượng đặc biệt của thiên nhiên, trong đó đặc biệt nhất là được ngắm cực quang (một hiện tượng phát quang trên bầu trời, chỉ có ở Bắc cực), được tham dự nhiều cuộc hội thảo lớn, gặp gỡ nhiều nhà khoa học tầm cỡ và cả các nhà chính trị nổi tiếng trên thế giới.

Dưới ngòi bút duyên dáng và đôi khi hài hước của bà, thế giới của một người làm công tác nghiên cứu khoa học hiện lên không còn vẻ khô khan nữa. Thế giới ấy bỗng trở nên thi vị, bởi tình yêu của một người hết lòng say mê với công việc và quyết tâm thực hiện điều mà mình mơ ước. Một trong những ví dụ cụ thể là bà đã nỗ lực hết sức mình để giành quyền đăng cai Liên hội nghị khoa học quốc tế “Địa từ- Cao không và Địa chấn- Cấu trúc bên trong Trái Đất” diễn ra tại Hà Nội năm 2001. Cuốn sách cũng nêu lên những suy nghĩ của một nhà khoa học- nữ đại biểu Quốc hội đầy trách nhiệm trước những vấn đề đặt ra đối với đất nước.

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thoa sinh năm 1944 tại Nam Định. Cuốn sách cho người đọc thấy được sự nỗ lực của một nhà khoa học nữ, bắt đầu từ khi là một lưu học sinh được sang nước Nga học tập, cho đến khi trở thành Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia), là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khóa 10 và 11, là nữ Giáo sư Địa Vật lý trẻ nhất Việt Nam (năm 1991, khi mới 47 tuổi). GS Nguyễn Thị Kim Thoa có tới 70 công trình nghiên cứu được công bố ở trong và ngoài nước, trong đó có nhiều công trình có ý nghĩa phục vụ thực tiễn công cuộc xây dựng ở nước ta hiện nay.

Con đường đi đến mỗi thành công đều hết sức gian nan. Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thoa phải vượt qua nhiều khó khăn để trở thành một phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp. Trong từng công việc cụ thể, bà đều có sự chuẩn bị rất chu đáo như: tìm hiểu các tài liệu, các kiến thức liên quan, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất. Bà cũng là người kiên trì học ngoại ngữ, học các kỹ năng giao tiếp và nghệ thuật nấu ăn. Những kinh nghiệm bà nêu ra trong cuốn sách là bài học quí giá cho những người muốn thành công trong công việc.

Và thật may mắn, bà có một gia đình hạnh phúc, ở đó mọi người luôn luôn hiểu và tôn trọng nhau. Gấp cuốn sách lại, điều mà tôi nhớ nhất chính là câu nói của bà: “Đối với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là buổi sáng hăm hở đến nơi làm việc, còn buổi chiều thì hối hả về với gia đình. Tôi luôn bằng lòng với những gì cuộc đời đem đến cho mình và tận hưởng nó”.

Mai Hồng

Nguồn: VOV1, ngày 14-4-2014