Bản thảo sách với hơn 60 trang được bác sĩ Vũ Triệu An soạn thảo bằng máy đánh chữ trên giấy bản mỏng theo thời gian đã cũ, quăn mép, rách. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên, đánh dấu bước trưởng thành trong cuộc đời sinh viên Vũ Triệu An.
Đầu năm 1952, khi là sinh viên tham gia kháng chiến, Vũ Triệu An nhận nhiệm vụ là bác sĩ điều trị tại Phân viện V đóng ở Vô Tranh, Thái Nguyên. Nhân Hội nghị Quân y lần thứ X, các bác sĩ được đón đọc lá thư của Giáo sư Tôn Thất Tùng gửi đến, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức truyền máu thay cho truyền dịch hiện tại đang áp dụng tại các đơn vị chữa bệnh cho thương bệnh binh. Theo ý kiến gợi mở của GS Tùng, cùng với sự động viên của GS Đặng Văn Ngữ nên năm 1952 bác sĩ Vũ Triệu An đã bắt đầu viết về vấn đề truyền máu. Ông nhận thức rằng: "Tổ chức truyền máu là rất cần thiết trong thời chiến, và trong thời bình truyền máu vẫn giữ một vai trò không kém phần quan trọng trong Y học. Truyền máu có thể ví như cái gậy chống của Khoa Phẫu thuật: có truyền máu phẫu thuật mới tiến lên được"[1].
Cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng cả về quy mô và phạm vi, nhu cầu máu cho các cuộc phẫu thuật thương bệnh binh cũng như bệnh nhân địa phương ngày càng tăng. Nhưng vào thời điểm đó, trong Quân y mới chỉ có huyết thanh nhân tạo, huyết tương khô, dung dịch thể huyết là chiến lợi phẩm hoặc mua với một kinh phí rất đắt mà chưa thể tổ chức truyền máu khi cần. Trước nhu cầu cấp bách về truyền máu trong quân y, sinh viên Vũ Triệu An đã tiến hành nghiên cứu.
Với mục đích phổ biến những kiến thức cơ bản về thực hành truyền máu nên ông đã tham khảo những tài liệu tiếng Pháp hiện có trong hoàn cảnh kháng chiến như: Actuàliteschirurgicales (Tin tức phẫu thuật), Clinical diagnosis by laboratory examination (Chẩn đoán lâm sàng bằng cách kiểm tra trong phòng thí nghiệm) … Bên cạnh đó, ông tiến hành các nghiên cứu về bạch cầu, hồng cầu, nhóm máu tại phòng xét nghiệm cơ bản về máu của bệnh viện Vô Tranh, Thái Nguyên.
Trên cơ sở các tư liệu tập hợp được, sinh viên Vũ Triệu An đã soạn thành một bản thảo sách bao gồm những nội dung cơ bản: Lịch sử truyền máu; Lý thuyết các nhóm máu; Thực hành thử nhóm máu; Cách thức tổ chức một trung tâm truyền máu. Bản thảo sách cũng đề cập nhiều vấn đề có thể áp dụng thực tế ở Việt Nam như: kỹ thuật truyền máu, việc rửa chai lọ, dụng cụ, vấn đề vận động người cho máu, vấn đề tổ chức…Một số vấn đề ít gặp, hoặc thiên về lý thuyết cũng được giới thiệu một cách sơ lược như: phụ loại, yếu tố Rh, kháng thể trong nước bọt…
Đặc biệt, việc tổ chức một trung tâm truyền máu cũng đã được bác sĩ Vũ Triệu An đưa ra kế hoạch, nhiệm vụ ở các thời kỳ khác nhau:
+ Thời kỳ đầu: xây dựng các tổ chức truyền máu ở đơn vị chuyên môn như phân viện và đội điều trị. Ở đó sẽ tiến hành thử máu, định loại và lên danh sách nhóm máu của các nhân viên, huấn luyện nhân viên về kỹ thuật truyền máu.
+ Thời kỳ tiếp theo: Sau khi đã đặt một trung tâm truyền máu ở các đơn vị, đội thực hiện nhiệm vụ truyền máu khi có chiến dịch hay không. Việc tổng kết kinh nghiệm trong mỗi lần thực hiện là công việc cần thiết mà bác sĩ Vũ Triệu An cũng đưa ra.
Ngoài ra, ông cũng nêu vấn đề tổ chức nhân sự cũng như cơ sở vật chất trang thiết bị cần thiết cho một đội truyền máu.
Vào thời điểm đó, GS Vũ Triệu An là người đầu tiên viết về vấn đề truyền máu. Sau khi viết xong, ông đã gửi bản thảo lên Cục Quân y nhưng do điều kiện khó khăn là không thể tổ chức một dự án nghiên cứu xác định nhóm máu của một số người trên diện rộng để khẳng định những thông tin mà ông đã soạn thảo nên tài liệu chưa được công bố.
Bản thảo và sách "Thực hành truyền máu"
Năm 1954, bác sĩ Vũ Triệu An về công tác ở Viện Quân y 108. Là bác sỹ nội khoa nhưng ông thường xuống phòng truyền máu làm việc với các đồng nghiệp. Đây là phòng truyền máu do quân đội tiếp quản lại của Pháp, có kháng thể, mẫu máu nên việc thực hiện xác định nhóm máu dễ dàng hơn thời kỳ ông làm việc ở Bệnh viện Vô Tranh. Trong thời gian này, ông vừa công tác và vừa củng cố lại những kiến thức chưa được học trong thời kháng chiến nên việc xuất bản sách tạm thời hoãn lại.
Đến năm 1961 ông có ý định xuất bản sách về vấn đề truyền máu thì được biết GS Hoàng Đình Cầu cũng đã viết về vấn đề này vào thời kháng chiến nên hai ông đã kết hợp và cho xuất bản cuốn sách “Thực hành truyền máu” vào năm 1962.
Bản thảo sách sinh động với hình minh họa, đã góp phần: "Đóng góp một số tài liệu để phổ biến truyền máu trong Y giới Việt Nam; Đề ra ý kiến thực hiện để tiến tới thực hiện thực sự trong Quân y Việt Nam"[2].
Lưu giữ cẩn thận bản thảo sách hơn 60 năm, đến nay GS Vũ Triệu An đã gửi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Nguyễn Thị Phương Thúy
________________________
[1] Trích sách “Thực hành truyền máu” của BS Vũ Triệu An, Hoàng Đình Cầu, 1962.
[2] Như trên.