Đây là cuốn sổ tu dưỡng được Bùi Anh Định viết từ năm 1957-1962, Bùi Anh Định ghi chép vào cuốn sổ tu dưỡng này những tâm sự, suy nghĩ về con đường học tập, phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, không phải ngày nào ông cũng viết mà có khi cách vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng ông mới viết một lần. Đó là lúc ông cảm thấy trong lòng nhiều tâm trạng nhất, muốn ghi lại để rồi tự dặn lòng mình phải quyết tâm.
Năm 1956, Bùi Anh Định thi đỗ vào khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vốn là con trai của một gia đình làm nghề kinh doanh vàng bạc, đồng hồ, Bùi Anh Định được chiều chuộng từ nhỏ. Hầu như ông không phải làm việc mà gia đình hết sức tạo điều kiện cho ông ăn học. Sau ngày giải phóng Thủ đô, nhà nước ta thực hiện chính sách cải tạo kinh tế. Do vậy gia đình Bùi Anh Định phải hiến cổ phần của nhà máy gạch, nhà máy giấy và không được tiếp tục công việc kinh doanh. Khi mới bước chân vào trường Đại học, Bùi Anh Định vẫn chưa có ý thức về sự nghiệp, công danh và lý tưởng phấn đấu. Ông tự nhận xét mình là người “chậm tiến bộ” trong khi mọi thanh niên khác đang tiến bộ không ngừng. Nhưng từ năm học thứ hai, ông dần nhận thức được sứ mệnh của mình là hoàn thiện phẩm chất, trang bị tri thức để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước nhà. Để tạo sự quyết tâm, ông đã mua 1 cuốn sổ tay và đặt tên là “Sổ tu dưỡng” nhằm mục đích “Viết ra tất cả những sai lầm, khuyết điểm của tôi, và tôi sẽ cương quyết sửa chữa cho kỳ được mọi khuyết điểm, sai lầm, những tính nết xấu đó. Nhất định tôi phải trở thành một thanh niên tốt, mạnh dạn, vui vẻ, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ”.
Với quyết tâm “làm kỳ được cuộc cải cách” cho bản thân, mỗi tối trước khi đi ngủ, Bùi Anh Định thường viết lại những gì đã làm được và chưa làm được vào cuốn sổ tu dưỡng, kèm theo đó là những câu khẩu hiệu, chẳng hạn: “Rèn luyện cứng rắn, ngoan cường và mạnh dạn” , “Vui vẻ, linh hoạt, hoạt bát. Bồi dưỡng tư tưởng và tri thức” , “Vui tươi lên! Tích cực lên! Tranh thủ mà học hành, bồi dưỡng. Chủ động mà giúp đỡ mọi người. Không ngại trước bất cứ nhiệm vụ nào, nhưng không lo lắng quá mức. Bình tĩnh mà công tác. Yêu tất cả mọi người nhưng nghiêm chỉnh và giúp đỡ thân mật” , “Hãy sống vui vẻ lên, tự hào lên. Tuổi thanh niên của ta hãy sôi nổi lên. Chỉ có nhanh nhẹn và linh hoạt mới dễ làm cho con người tỉnh táo. Hãy thi tài đấu trí với đời xem sao… Hãy tìm những khó khăn và thắng những khó khăn. Dễ dàng thì ai cũng làm được” …
Ngày 7-10-1962, Bùi Anh Định được phân công về trường Đại học Giao thông vận tải làm công tác giảng dạy môn Địa chất học, sau đó dạy môn Kết cấu công trình. Đó cũng là ngày ông viết hết những trang cuối cùng của cuốn sổ tu dưỡng, trong đó có đoạn: “Muốn nâng cao trình độ tư tưởng phải có giáo dục, nhưng vấn đề là phải biết làm sao cho mọi người tiếp thu giáo dục đó một cách thoải mái dễ dàng, để họ dễ thấy cái hướng đi lên của cuộc sống…”.
Sổ tu dưỡng của Giáo sư Bùi Anh Định, thời kỳ 1957-1962 được viết bằng bút mực đen, xanh, đỏ, chì trong tổng số 219 trang. Cuốn sổ được ghi đầy đủ thông tin về ngày, tháng, năm như hình thức viết nhật ký. Sổ có kích thước 12,6 – 17,3 (cm), bị mất 1 bìa ngoài, long lề, giấy cũ, ố, mực nhòe. GS.TSKH Bùi Anh Định lưu giữ cuốn sổ tại nhà riêng.
Ngày 28-2-2013, ông trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam.