Từ năm 1956 khi đang công tác tại Bệnh viện Trung ương 108, Bác sĩ Vũ Triệu An và Bác sĩ Nguyễn Thế Khánh được biệt phái sang trường Đại học Y Hà Nội xây dựng Khoa Sinh lý bệnh, sau đó ông gắn bó với Khoa Sinh lý bệnh của Trường cho đến khi về hưu (2004). Là người say mê nghiên cứu nên trong thời gian công tác ông có nhiều công trình và sách xuất bản về Miễn dịch học và Sinh lý bệnh. Hết lòng với công việc và mong muốn truyền lại được chút ít kinh nghiệm của mình cho thế hệ đồng nghiệp đi sau, nên mặc dù đã ở tuổi bát tuần nhưng hàng ngày ông vẫn viết sách và tra cứu thông tin. Và cuốn Từ điển Anh-Việt, Việt-Anh về chuyên ngành Miễn dịch học là một trong những công việc đó, được ông biên soạn từ năm 2007.
Ý định làm cuốn Từ điển có sự khác biệt so với những quyển trước đã được ông ấp ủ từ khi còn là Trưởng Bộ môn Miễn dịch học Sinh lý bệnh nhưng do thiếu thốn về nhiều điều kiện vật chất, cùng thời gian hạn hẹp nên ông đành phải tạm gác lại.
GS Vũ Triệu An (bên trái)- người thầy Miễn dịch học và Sinh lý bệnh cùng GS.TS Phạm Minh Hạc
tại Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập tài liệu của cố GS Đặng Văn Chung do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức
Trước đây, ông và các đồng nghiệp đã cùng nhau biên soạn và xuất bản Từ điển Miễn dịch học (1978); Từ điển Miễn dịch học Anh-Việt và Việt-Anh (1989) nhưng với số từ hạn chế hơn và chỉ có phần dịch nghĩa của từ. Đến năm 2007 với sự phát triển của Y học, nhiều thuật ngữ chuyên môn xuất hiện, ý nghĩa phức tạp hơn nên bằng kinh nghiệm cùng các tài liệu tham khảo được như quyển MacMillan Dictionnary of Immunology và một số từ điển làm từ trước, GS Vũ Triệu An đã bắt tay soạn thảo cuốn Từ điển Anh-Việt, Việt-Anh về chuyên ngành Miễn dịch học. Ngoài phần dịch nghĩa các mục từ như các từ điển thông thường, cuốn Từ điển này có phần diễn giải ý nghĩa ngắn gọn bằng tiếng Việt (phần Anh-Việt) và một số Mục từ có hình ảnh minh họa phong phú. Nội dung cuốn Từ điển không chỉ bó hẹp trong phạm vi Miễn dịch học mà bao gồm cả những mục từ, thuật ngữ thuộc các khoa học liên ngành khác như Sinh học, Sinh học tế bào, Sinh học phân tử, Hóa sinh và Gen. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ với GS Vũ Triệu An trong quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, tác giả của cuốn Từ điển cho biết, đó đồng thời lại là thuận lợi. Ông giải thích: "Khó khăn là vì tôi phải tự làm từ đầu đến cuối từ việc tham khảo tài liệu, viết tất cả các mục, dùng từ thích hợp để diễn giải đến khâu đánh máy, sửa chữa bản thảo; nhưng thuận lợi là vì làm một mình nên không phải mất nhiều thời gian thảo luận thống nhất quan điểm của các thành viên như khi làm với một nhóm tác giả".
Nét chữ của GS Vũ Triệu An trên Bản thảo tài liệu" Miễn dịch học- Từ điển dịch nghĩa Anh-Việt, Việt-Anh",
cùng một số văn bản liên quan đến việc biên soạn và xuất bản
Năm 2010 sau khi hoàn chỉnh bản thảo, ông đã gửi tập Bản thảo đến Hội đồng thẩm định thuộc Bộ Y tế để xét duyệt về nội dung. Hội đồng bao gồm: GS Nguyễn Ngọc Lanh, GS Đỗ Trung Phấn, PGS Nguyễn Thị Vinh Hà, PGS Đỗ Hòa Bình, GS Văn Đình Hoa, TS Phạm Đăng Khoa, GS Trương Việt Dũng, Th.S Vũ Thị Ninh, TS Nguyễn Mạnh Pha, Th.S Phí Văn Thâm…Những ý kiến thẩm định rất chi tiết từ tên sách, tên tác giả cho đến từng Mục từ của cuốn Từ điển. “Cuốn tự điển rất cần thiết cho nhiều đối tượng. Soạn thảo rất công phu nhiều kiến thức hiện đại. Do vậy cần xuất bản…” – Đó là nhận xét của GS Văn Đình Hoa, Ủy viên phản biện của Hội đồng.
Sau nhiều lần chỉnh sửa bản thảo, đến cuối năm 2010, cuốn "Miễn dịch học- Từ điển giải nghĩa Anh- Việt, Việt- Anh" được Nhà xuất bản Y học xuất bản, phổ biến rộng rãi.
Tập bản thảo cuốn Từ điển dày hơn 600 trang cùng các quyết định, công văn, nhận xét của các thành viên trong Hội đồng thẩm định được GS Vũ Triệu An tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tháng 3 năm 2013. Tập bản thảo được in bằng vi tính với những bút tích chỉnh sửa rõ nét, dễ đọc được sắp xếp cẩn thận theo từng Mục từ hoàn chỉnh.
Nguyễn Thị Phương Thúy