Trong nhiều lần trò chuyện với GS Nguyễn Đình Chú, lần nào chúng tôi cũng nghe ông nói tới GS Trần Đức Thảo, một triết gia danh tiếng, một trong số ít thầy giáo đã tạo được cho ông sự “ám ảnh suốt đời” – theo cách diễn đạt của ông. Và lần nào ông cũng mang cuốn vở này ra ngắm nghía rồi đắm chìm vào hồi tưởng. Thời gian không thể xóa nhòa những con chữ ngay ngắn trong cuốn vở, và đặc biệt, càng không thể làm phai mờ ký ức vui buồn của ông đối với thầy Trần Đức Thảo.
Cuốn vở dày 120 trang, khổ 18cm x 22cm, đã mất bìa, được khâu thêm chỉ đen ở gáy để cố định những trang giấy ô ly mỏng. Chữ viết nhỏ li ti, vừa khó đọc, vừa không dễ hiểu. Theo GS Nguyễn Đình Chú giải thích, viết chữ nhỏ là để tiết kiệm giấy, còn khó hiểu thì nhiều sinh viên như ông hồi ấy cũng không hiểu hết được bài giảng của thầy Trần Đức Thảo. Nhưng những ghi chép tỉ mỉ bài giảng của thầy Thảo trong cuốn vở này được chỉnh sửa và đưa cho thầy duyệt trước khi đem đánh máy lại và in ronéo để phát cho cả lớp cùng học và ôn tập. Về sau, cuốn vở này mãi gắn liền với nhiều tâm sự của ông về thời kỳ Nhân văn giai phẩm, liên quan đến thầy Trần Đức Thảo.
Cuốn vở của sinh viên Nguyễn Đình Chú
Cùng lớp sinh viên khoa Văn khóa 1954-1957, với GS Nguyễn Đình Chú ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có nhiều người sau này nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, như: Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Trần Văn Bính, Nguyễn Khắc Phi, Tuân Nguyễn… Ông cho rằng, đó là nhờ được học những thầy giáo thật sự giỏi. Dạy về văn học Việt Nam là GS Trương Tửu. Thầy Nguyễn Lương Ngọc dạy phần văn học dân gian. GS Đặng Thai Mai dạy văn học Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học phương Tây. Hai giáo sư Nguyễn Khánh Toàn và Hoàng Xuân Nhị dạy văn học Nga. Ông Phan Ngọc và cụ Phan Khôi dạy ngôn ngữ học. Phan Ngọc và Nguyễn Lương Ngọc dạy lý luận văn học. Thầy Nguyễn Lân dạy giáo dục học. Giáo sư Cao Xuân Huy dạy logic học và một số tiết giáo dục học. Giáo sư Trần Văn Giàu dạy triết học mác xít. Giáo sư Trần Đức Thảo dạy lịch sử triết học phương Tây. Ông Hà Huy Giáp và ông Đặng Xuân Thiều dạy chính trị học. Đối với sinh viên Nguyễn Đình Chú, GS Đặng Thai Mai và GS Trần Đức Thảo để lại sự “ám ảnh” lớn nhất. Theo quan niệm của ông, vai trò người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà quan trọng là để lại cho học trò sự “ám ảnh” về một điều gì đó để cả đời họ sẽ đi theo.
Nguyễn Đình Chú ám ảnh GS Đặng Thai Mai bởi tình thương đối với học trò và bởi sự thông thái của cụ. Ông kể lại: Cụ Mai lên lớp nói hết chuyện này đến chuyện khác. Cụ uyên bác quá, biết nhiều nên nói mà học trò không thu nhận được hết. Có lần mình nói với cụ rằng anh em bảo thầy dạy không sư phạm. Cụ bảo vì dốt quá!… Cụ Mai viết ít, nhưng đố ai viết được như cụ. Chỉ cần xem chú thích của cụ là biết trình độ hiểu biết đến đâu. Cụ chỉ viết một đoạn nhưng đố ai viết được như thế. Đặng Thai Mai là người như thế, biết rộng, viết ít, nhưng viết kiểu ấy thì mình chịu, không viết được[1].
Còn về GS Trần Đức Thảo, từ khi Nguyễn Đình Chú còn là học sinh cấp III ở trường Huỳnh Thúc Kháng đã nghe thầy Nguyễn Đức Nam nói đến con người thông thái nổi tiếng này. Khi vào học khoa Văn trường Đại học Sư phạm, ông nghe nói Bí thư Đảng ủy là GS Trần Văn Giàu đã mời được GS Trần Đức Thảo từ Ban Văn sử địa Trung ương về trường, và thậm chí thầy Giàu còn nhường cả chỗ ở của mình cho GS Thảo. Sinh viên năm thứ nhất được thầy Giàu dạy triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng là một thần tượng của sinh viên, nhưng có lần thầy bảo: Các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện Paris[2].
Đến năm thứ hai, và cả năm thứ ba, lớp của Nguyễn Đình Chú được học môn triết do GS Trần Đức Thảo giảng. Thầy Thảo khi lên lớp hầu như chỉ mặc bộ quần áo ka-ki Trung Quốc màu xanh thẫm, đặc biệt nhất làtrong tay thầy không có nửa trang giáo án, chỉ đút tay túi quần mà nói. Thầy nói lúng búng vô cùng, ngược hoàn toàn với tài hùng biện của một số giáo sư khác, đặc biệt là GS Trần Văn Giàu. Nhưng không hiểu sao thầy vẫn tạo ra một thứ ma lực làm say mê toàn thể chúng tôi, mặc dù chúng tôi không dễ gì hiểu hết ý thầy. Lạ ở chỗ, mặc dù không hiểu gì nhưng chúng tôi không ai nói là không hiểu, vì giấu dốt. Mà đâu chỉ học trò văn Đại học Sư phạm, còn có không ít sinh viên Đại học Y dược[3] và giáo viên cấp III của Hà Nội đến nghe nhờ giờ triết học của GS Trần Đức Thảo; kể cả GS Cao Xuân Huy cũng lắm lần tới nghe. Đúng là có một không khí sùng bái môn triết của GS Trần Đức Thảo[4].
Vì thầy Trần Đức Thảo dạy không giáo án, giáo trình, nên học trò đề nghị thầy cho lập ban cán sự bộ môn gồm: Cao Huy Đỉnh[5], Phạm Hoàng Gia[6], Nguyễn Đình Chú để ghi chép bài giảng, sau đó nhờ thầy duyệt trước khi đưa cho giáo vụ in ronéo làm tài liệu cho sinh viên học. Nguyễn Đình Chú là trưởng ban cán sự, do đó được dư luận cho là học trò yêu của GS Trần Đức Thảo. Thầy Thảo giảng hai vấn đề lớn do chính thầy biên soạn: 1- Biện chứng pháp thần kinh; 2- Lịch sử tư tưởng triết học phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến các triết gia cổ điển Đức. Công trìnhBiện chứng pháp thần kinh là sự tổng kết triết học về quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái vật chất vô sinh đến hữu sinh, tiếp đến là quá trình vận động, phát triển của thần kinh từ trạng thái thô sơ đến trạng thái cuối cùng và cao cấp hơn, tức là bộ não của con người. Đó là quá trình trải qua các loài từ giun đến lớp bò sát, lớp chim, động vật có vú, loài khỉ, vượn người rồi đến người. Công trình này về sau đã được dịch ra tiếng Pháp và in trên tờ La Pensée ở Pháp năm 1965, và là một phần trong cuốn sách L’origine du languague et de I’esprit (Nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức) của GS Trần Đức Thảo, được xuất bản năm 1973 ở Pháp. Chỉ thế hệ sinh viên khối khoa học xã hội của trường Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1954-1957 mới may mắn được học hai chuyên đề kể trên của GS Trần Đức Thảo.
Quyển vở của Nguyễn Đình Chú ghi chép từ mồng 2-11-1956 đến 13-5-1957, ghi lại những nội dung thầy Thảo giảng về lịch sử tư tưởng và vấn đề tôn giáo. Để ghi kịp lời thầy, ông sử dụng rất nhiều chữ viết tắt.
Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Đình Chú cùng hai bạn Phạm Hoàng Gia, Lê Văn Trinh được giữ lại trường và làm trợ lý cho GS Trần Đức Thảo về môn lịch sử tư tưởng triết học. Ông nhận ra rằng GS Thảo là một người siêu việt, nhưng cũng có cái gì đó không bình thường. Ông Hà Huy Giáp, khi ấy là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, từng nói trước lớp của Nguyễn Đình Chú khi giảng môn chính trị: Người Việt Nam ta thông minh tuyệt vời, có người như anh Trần Đức Thảo đã học cho Tây “thua” liểng xiểng![7].
Giáo sư Nguyễn Đình Chú chia sẻ: Riêng thầy Trần Đức Thảo, cái mà thầy cho tôi lớn nhất là biết được thế nào là một năng lực tư duy trừu tượng khoa học cao siêu để tôi phấn đấu[8]. Thời kỳ làm trợ lý cho thầy, ông Chú chuyển về sống cùng nhà với thầy ở số 16Đ, ngõ 2, Hàng Chuối, Hà Nội. Thầy có hai phòng, ở tầng 2 và tầng 3, trò ở tầng 1, thỉnh thoảng thầy lại gọi trò lên và yêu cầu học tiếng Nga. Mới học được hơn một tháng thầy đã bắt dịch cuốn Lịch sử thế giới của Liên Xô ra tiếng Việt, vừa dịch vừa tra từ điển. Mỗi ngày ông chỉ dịch được một đoạn, sau 6 tháng cũng dịch được vài chục trang.
Thầy Trần Đức Thảo yêu quý người trợ lý trẻ của mình. Giáo sư Nguyễn Đình Chú còn kể: Có thời gian cụ Thảo bắt mình lên ngủ trưa cùng cụ. Cụ không cho mình gọi bằng thầy mà bắt gọi bằng anh. Nói chuyện linh tinh, trong đó có chuyện chuyên môn, chính trị[9]. Thầy thường gọi trò lên tầng 3 và bắt ngồi vào bàn làm việc của thầy mà đọc sách, còn thầy nằm đọc trên giường. Khoảng cuối năm 1957, khi nhận thấy giữa lãnh đạo nhà trường với thầy mình có vấn đề gì đó, ông đến hỏi cán bộ tổ chức của trường thì được trả lời:Giáo sư Thảo là trí thức lớn của đất nước, chỉ có cá tính thôi, chẳng có điều gì, anh yên tâm mà làm việc với GS Thảo![10].
Nhưng rồi sau đó xảy ra vụ Nhân văn giai phẩm và GS Trần Đức Thảo cũng bị “đấu tố”. Trong bối cảnh chính trị khi ấy, Nguyễn Đình Chú buộc phải tham gia chống Nhân văn giai phẩm. Vì thế, ông dằn vặt, day dứt vô cùng, tự nhận thấy đó là tội lỗi mà ông không thể chối cãi được, đến nỗi như ông thú nhận: Hàng ngày tôi vẫn gặp thầy ở cầu thang mà cúi mặt xuống không dám chào. Không dám chào vì sợ liên lụy, và xấu hổ vì đã phản thầy[11].
Sau vụ án Nhân văn giai phẩm, GS Trần Đức Thảo bị cách chức Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp kiêm Chủ nhiệm khoa Lịch sử của hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, đồng thời không được giảng dạy nữa. Ông Nguyễn Đình Chú cũng biết thêm, có thời gian thầy mình được đưa lên nông trường trên Ba Vì, sau đó lại trở về ngõ 2, Hàng Chuối, rồi từ năm 1960 trở đi thầy ở nhà B6 trong khu tập thể Kim Liên. Thầy được bố trí làm chuyên viên ở Nhà xuất bản Sự thật. Hàng ngày người ta vẫn thấy thầy đi chiếc xe đạp nhỏ, hồi ấy thường gọi là “xe thiếu nhi Liên Xô”, đằng sau có chằng chiếc túi làm bằng bao tải, tới thư viện đọc sách, và thỉnh thoảng lại thấy thầy đứng ăn bánh mì cạnh chiếc xe đạp trên đường Lý Thường Kiệt…
Sau khi GS Trần Đức Thảo bị đấu tố vì bị cho là “lãnh tụ tinh thần” của phong trào Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Đình Chú chuyển về khoa Văn làm trợ lý cho ông Hoài Thanh[12]. Nhưng chỉ được mấy tháng, ông Hoài Thanh bảo rằng cụ Đặng Thai Mai đòi tôi trả anh về cho cụ[13]. Nguyễn Đình Chú ngại về đó, vì trước kia khi được thầy Thảo và thầy Mai cùng chọn làm trợ lý thì ông lại lưỡng lự, rồi quyết định làm trợ lý cho GS Trần Đức Thảo theo sự phân công của trường. Nhưng rồi một hôm, ông Hoài Thanh dứt khoát: Anh về đi, trong ngày hôm nay anh phải đến với cụ Đặng Thai Mai, tôi không nhận anh![14]. Hôm sau đến gặp GS Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Chú được thầy động viên làm việc với thầy. Năm 1959, Viện Văn học thành lập, GS Đặng Thai Mai rủ trò Nguyễn Đình Chú cùng về Viện, nhưng ông quyết ở lại trường Sư phạm theo nghề dạy học.
Sau này, có lần gặp ông Hà Huy Chử, một người rất thân cận với GS Trần Đức Thảo, ông Nguyễn Đình Chú được ông Chử cho hay:Giáo sư Trần Đức Thảo không phàn nàn nhiều về anh, chỉ giận anh là sau đó anh gặp thầy mà không chào. Thầy vẫn nhắc tới việc anh là người có công ghi tốt nhất, ghi nhiều nhất giáo trình của thầy[15].
Những năm gần đây, GS Nguyễn Đình Chú đứng ra vận động, quyên góp và tổ chức để xây lại mộ cho thầy Trần Đức Thảo ở khu A nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Ông coi đó là hành động để ông trả nghĩa đối với thầy Thảo. Tháng 10-2017, tại buổi lễ khánh thành “nhà mới” cho thầy Thảo, ông mặc bộ áo the, khăn xếp, nghẹn ngào ôn lại những kỷ niệm với thầy.
Mấy chục năm qua, GS Nguyễn Đình Chú không nguôi trăn trở và “ám ảnh” về thầy Trần Đức Thảo. Cuốn vở ghi chép những bài thầy Thảo giảng triết học đã trở thành một kỷ vật thiêng liêng đối với ông, và ngày 3-8-2017 ông tặng kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Nguyễn Thanh Hóa – Hoàng Thị Kim Phượng
______________________
* GS Nguyễn Đình Chú, chuyên ngành Văn học, nguyên cán bộ giảng dạy trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[1] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 12-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Thời kỳ đó, trường ĐH Sư phạm và trường ĐH Y dược cùng ở một chỗ ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội.
[4] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.
[5] Ông Cao Huy Đỉnh sau là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Trưởng ban Nghiên cứu Đông Nam Á, tiền thân của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
[6] Ông Phạm Hoàng Gia sau là Phó giáo sư, giảng viên khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[7] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.
[8] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.
[9] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 12-7-2017, đã dẫn.
[10] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.
[11] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.
[12] Khi ấy, ông Hoài Thanh là Vụ trưởng Vụ nghệ thuật, đồng thời cũng giảng dạy tại khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp.
[13] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 12-7-2017, đã dẫn.
[14] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 12-7-2017, đã dẫn.
[15] Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Đình Chú, 4-7-2017, đã dẫn.