Da diết trong tôi những ngày tháng Tám

Những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử,

Tôi gọi thế vì với chúng tôi, ngày khởi nghĩa coi như bắt đầu từ ngày 17-8-1945, cao điểm là ngày 19-8 và còn dai dẳng tới một số ngày sau nữa – khi chúng tôi đóng chiếm trại Bảo an binh.

Trong ngày 17-8-1945, chúng tôi được huy động tham gia phá cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn. Vào đầu giờ chiều, quảng trường đông nghịt người, có không ít lực lượng của Việt minh đã trà trộn vào. Tổ của tôi đứng ở phía góc đối diện nhà hát. Cuộc mít tinh chưa bắt đầu thì đã thấy xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng được thả từ trên gác, phủ xuống một mảng tường lớn phía trước nhà hát. Những lá cờ cũng lác đác xuất hiện giữa đám đông tại quảng trường. Có tiếng nói phát ra từ loa phóng thanh. Tôi không nghe rõ. Nhưng rồi từ phía lễ đài dần giãn ra thành một đoàn biểu tình tiến theo đường Tràng Tiền về phía Bờ Hồ. Chúng tôi nhập vào dòng người đi bên lá cờ. Một lúc sau đã thấy mấy anh bảo an binh cầm súng đi bên lá cờ từ lúc nào. Đoàn người kéo dài như vô tận. Chúng tôi đi vòng qua Bờ Hồ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu ủng hộ Việt minh và cứ thế qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân… Hai bên đường, người người hân hoan chào đón và ngày càng đông người nhập vào đoàn biểu tình. Rõ ràng là đã có khí thế của cuộc nổi dậy toàn dân tưng bừng hào khí. Suốt cả chặng đường không thấy lực lượng chống đối nào lộ diện. Bộ máy cầm quyền bị động, rời rã. Vòng qua Quán Thánh để tới Phủ toàn quyền, sau đó trở lại đường Cột Cờ[1]. thì trời đã sẩm tối, đoàn người tản dần chỉ còn số ít người đi quanh lá cờ. Mấy anh bảo an binh ngơ ngác hỏi chúng tôi: “Này các anh ơi! Thế bây giờ chúng tôi đi đâu?”. Chúng tôi trả lời: “Các anh cứ về trại đi, sau này trong ngày khởi nghĩa, các anh cứ đứng trong hàng ngũ những người ủng hộ Cách mạng là được”. Thực sự lúc đó chúng tôi cũng chẳng biết ngày khởi nghĩa sẽ là ngày nào, chỉ cảm thấy ngày đó đang đến rất gần.

GS.TS Nguyễn Phúc Trí

Trưa hôm sau (ngày 18-8-1945), chúng tôi được huy động từng nhóm đi khắp các phố phường Hà Nội để “mời đồng bào nhiệt liệt tham gia cuộc biểu tình vào ngày mai, 19-8, do Việt Minh tổ chức”. Vào cuối buổi chiều, nhận được lệnh xuống tập trung ở Giáp Nhị, tôi quay về nhà lấy lương khô và bộ quần áo nâu. Tôi và bạn Oanh đi 2 xe đạp trên đường Cửa Nam[2]. Khi đến gần ga Hàng Cỏ thì được Thái Hy đưa cho khẩu súng ngắn. Tôi giắt súng vào thắt lưng phía trước bụng, kéo sơ mi khỏi quần để phủ vạt áo ra ngoài rồi tiếp tục đi. Tới nhà thương Bạch Mai[3] thì bọn Nhật kéo dây thép gai ra ngăn đường. Có lẽ lúc này chúng cảm thấy biến động khi nhìn dòng người liên tục kéo ra ngoại ô phía Nam. Tôi dấn chân định vượt qua quãng hở trên đường thì bất ngờ xe bị tuột xích, vừa sát người một tên Nhật. Nó chặn tôi lại, tay nhấc túi lương khô đặt trên ghi đông. Tôi vừa dắt xe, vừa đè khẩu súng trước bụng rồi nói: “Khoai, khoai”. Tên Nhật lưỡng lự rồi phất tay cho đi qua. Đến lượt Oanh cũng vậy. Chỉ khác là Oanh không có vũ khí trong người nên đi qua rất đàng hoàng. Đạp xe được một quãng, tôi mới kéo vạt áo lên cho Oanh thấy khẩu súng. Hai thằng cười khoan khoái.

Đêm đó chúng tôi tập hợp đầy đủ tại Giáp Nhị. Các đồng chí trong nhóm khác đang bận rộn làm việc gì đó. Chúng tôi chẳng có việc gì làm, đáng lẽ có thể đánh một giấc ngon lành nhưng không tài nào ngủ được chỉ vì ngày mai – ngày của cuộc mít tinh do mặt trận Việt minh tổ chức mà chúng tôi đã mỏi cẳng trong suốt một ngày để đi mời đồng bào tham gia.

Sáng sớm ngày 19-8-1945, chúng tôi kéo nhau lên Bờ Hồ. Ai cũng mang theo vũ khí. Riêng tôi có 1 khẩu súng ngắn. Quảng trường Nhà hát lớn hôm đó phủ kín cờ đỏ sao vàng. Theo phân công của Ủy ban khởi nghĩa, Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu chúng tôi có nhiệm vụ đánh chiếm trại Bảo an binh. Chúng tôi đi qua phố Tràng Tiền, tiến về trại Bảo an binh, xông thẳng vào cổng trại còn đang khóa mấy vòng xích sắt. Thương lượng một hồi không xong, chúng tôi có lệnh phá khóa xông vào. Nhóm tôi chiếm kho vũ khí ở bên phải, sát cửa ra vào. Trong kho đại bộ phận là súng trường (Mousqueton và Indochinois), có một số khẩu FM, Thompson và Sten trông khá lạ mắt. Quân Nhật đang bao vây đường phố quanh trại. Trên vỉa hè đối diện là quần chúng Cách mạng đang vung cờ và hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Cuộc thương lượng giữa ta và địch vẫn đang diễn ra. Chúng tôi chẳng rõ tiến triển ra sao nhưng rồi có lệnh phát súng. Một số anh em lúc ấy mới có dịp cầm đến súng. Họ tập mở khóa nòng, lên đạn lách cách. Anh Mạc bị bạn chĩa súng vào  đùi rồi lỡ tay bóp cò. May mắn thay, chiếc lưỡi lê đeo bên hông đã làm lệch đường đạn cho nên không bị vỡ xương, chỉ đi qua phần mềm, đạn thò ra bên đùi nửa trong nửa ngoài. Chiều tối, chúng tôi được các chị bên Phụ nữ cứu quốc tiếp tế bánh mì. Vòng vây quân Nhật cũng rút đi. Tuy nhiên không khí trong trại vẫn hết sức căng thẳng. Một số bảo an binh còn ở trong trại tỏ thái độ chống đối. Đêm đó chúng tôi phải bố trí một số điểm trong trại đề phòng chuyện bất trắc.

Những ngày sau đó, chúng tôi được cử đi bảo vệ tòa Đốc lý và ngăn chặn lực lượng Công an xung phong. Họ đều là các thanh niên cao lớn cưỡi ngựa tây, đầu đội mũ rộng vành, chân đi ghệt, hùng dũng biểu tình quanh Bờ Hồ đòi được trang bị súng ống. Mặc dù vậy, khi bị chặn lại thì các anh chàng “cao bồi” ấy sẵn sàng xuống ngựa, giơ cao tay đầu hàng và theo lệnh kéo nhau vào trại cùng với lũ ngựa. Sau đó, số anh em này được dẫn đi chỗ khác, chỉ còn bọn ngựa thả rông trong trại khiến chúng tôi có mấy đêm mất ngủ vì những tiếng hí và những cú chúng đá nhau.

Sau những ngày Cách mạng tháng Tám, Đoàn thanh niên tuyên truyền xung được bổ sung lực lượng để hình thành tổ chức quân sự đầu tiên của thủ đô. Chúng tôi được biên chế thành tiểu đội, trung đội, phân đi các điểm cần bảo vệ trong thành phố. Trung đội tôi đóng ở sân bay thủy phi cơ, cạnh trường Bưởi. Một thời gian sau, chúng tôi chuyển ra đóng ở Đông Phù, Thanh Trì, rồi lên Xuân Mai, Miếu Môn, Ba Thá. Cuối năm 1945, chúng tôi được sung vào đội quân Tây Bắc tiến, đóng quân ở Mường Bú, Tạ Bú. Tôi là người cuối cùng trong trung đội ngã ốm vì sốt rét ác tính. Lúc đó vào khoảng tháng 3-1946. Từ Hát Lót, tôi được đưa về Hà Nội chữa bệnh. Khi qua khỏi, tôi trở về hoạt động đoàn thể tại Hà Nội, chấm dứt những ngày sôi nổi ban đầu của thời kỳ Cách mạng tháng Tám và mở ra những trang mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi – những ngày của cuộc kháng chiến chống Pháp sau đó.

Nhớ về những ngày sôi nổi của tuổi thanh niên học sinh đầy hoài bão và tuyệt đối vô tư, đầy quả cảm nhưng cũng không ít những điều ấu trĩ thiếu thời, đầu tiên là tôi nhớ tới những người đã có ảnh hưởng tốt tới tôi, những người đã đùm bọc che chở cho tôi hoạt động, bắt đầu từ những bạn bè thời ấu thơ cho đến người thân trong gia đình. Buổi ban đầu tràn đầy ấn tượng ấy, quá nửa thế kỷ đã qua mà sao vẫn còn da diết trong tôi.

 

 Trích hồi ký “Nhớ về ngày ấy” của GS Nguyễn Phúc Trí (Hoàng Đạt), 1998

 


[1] Bây giờ là đường Điện Biên Phủ (Ban Biên tập).

[2] Bây giờ là đường Lê Duẩn (Ban Biên tập).

[3] Bây giờ là Bệnh viện Bạch Mai(Ban Biên tập).