Đại từ điển Việt – Nga sắp ra mắt bạn đọc

             Chúng tôi có dịp gặp PGS Tuyết Minh vào ngày 9-8-2013, khi bà đang bộn bề công việc để kịp xuất bản một cuốn Đại từ điển. Bà rất vui mừng kể cho chúng tôi nghe về “đứa con tinh thần” sắp khai sinh. Đây là thành quả của bà trong vai trò biên tập viên chính, đồng thời cũng là thành viên chính của Hội đồng biên soạn sau gần 30 năm lao động cật lực. Bà chia sẻ: “Việc biên soạn từ điển đòi hỏi phải có trình độ, kỹ năng, kiến thức và đặc biệt phải thật cẩn thận. Có những đêm đang ngủ chợt nhớ ra một từ nào đó còn ngồi dậy xem trong từ điển đã có chưa”.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh trò chuyện với nghiên cứu viên Trung tâm trong buổi làm việc.

Công việc của người biên soạn từ điển là làm sao để người tra cứu có thể hiểu được một cách dễ dàng nhất, vì vậy phải trải qua rất nhiều công đoạn. Có những từ, Nhóm biên soạn phải ngồi lại với nhau trao đổi rất lâu mới có thể tìm ra được một từ hợp nghĩa nhất.

Bà chia sẻ: “Việc biên soạn từ điển như là công việc làm sau sân khấu, cho nên không ai nghĩ đến sự nổi tiếng, lại càng chẳng phải vì vật chất. Quan trọng là mình có thể làm được điều gì đó giúp ích cho mọi người”.

Cuốn Đại từ điển Việt – Nga do bà cùng đồng nghiệp biên soạn đã được xuất bản ở Nga và được phía Nga giới thiệu tại Phòng đọc Thế giới Nga, thuộc Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 10-5-2013. Đại từ điển Việt – Nga sẽ được xuất bản tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ gắn bó với công việc biên soạn Đại từ điển Việt – Nga gần 30 năm, PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh còn dự định sau khi cuốn Đại từ điển Việt – Nga ra mắt độc giả, bà cùng các đồng nghiệp sẽ tiếp tục cho ra đời cuốn Từ điển Thành ngữ Việt – Nga.                                                                            

PGS.TS Nguyễn Tuyết Minh sinh năm 1938 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1953: Bà theo gia đình tập kết ra Bắc và được đi học tập tại trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm, Trung Quốc.

Năm 1954 – 1961: Được cử sang học tập tại Liên Xô,chuyên ngành Ngôn ngữ học.

Năm 1961: Trở về nước, bà công tác tại Khoa Nga văn trường Đại học Sư Phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Năm 1965 -1970: Được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Bà là nữ TS đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành Ngôn ngữ Nga.

Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tham gia giảng dạy tại Khoa Quốc tế, trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

  Đặng Văn Tuấn  

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam