Họ quen biết nhau tại Viện Quân y 108. Chuyện là, cuối năm 1970, ông Nguyễn Lân Dũng khi đó đang công tác tại trường Đại học Tổng hợp cùng các đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu tìm loại vi sinh vật có khả năng chống lại vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Đây là một loại vi khuẩn rất dễ nhiễm vào các vết thương chiến tranh và vì chúng kháng lại với tất cả các loại thuốc kháng sinh mà chúng ta có thời ấy, cho nên nếu bị nhiễm trùng máu bởi vi khuẩn này thì tỷ lệ tử vong rất cao. Để thực hiện nghiên cứu trên, nhóm ông Dũng được Khoa Vi sinh vật, Viện Quân y 108, do BS Nguyễn Đình Quang làm chủ nhiệm, tạo điều kiện giúp đỡ để nhóm tiến hành nuôi cấy vi sinh vật tại Khoa. Nhờ có sự mai mối của bác sĩ Quang mà ông gặp được cô bác sĩ trẻ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đang công tác ở khoa Truyền nhiễm, Viện Quân y 108. Bà Hiếu vẫn còn nhớ ấn tượng về ông Lân Dũng trong lần đầu gặp gỡ: Anh là con người tốt. Về hình dáng bên ngoài thì bé tí chỉ có 45kg, da đen sạm nhưng cười rất duyên[1].
Kể từ khi quen biết nhau, bên cạnh việc làm nghiên cứu tại khoa Vi sinh vật, ông Nguyễn Lân Dũng cũng tích cực giúp khoa Truyền nhiễm, nơi BS Nữ Hiếu làm việc, một số công việc: trình bày bảng ghi lịch làm việc của nhân viên trong khoa, về thông tin bệnh nhân…; vẽ trang trí Tờ bích báo nhân những ngày kỷ niệm của Viện. Rồi những buổi ông Dũng được Viện Quân y 108 mời đến nói chuyện, chia sẻ về chủ đề nghiên cứu khoa học đã kết nối hai người gần nhau và hiểu nhau hơn. Với BS Hiếu, nội dung những bài nói chuyện của ông rất thú vị và bà có thêm động lực nghiên cứu khoa học (năm 1968 bà đã công bố công trình nghiên cứu Nhận xét về đặc điểm lâm sàng của 90 trường hợp viêm gan mãn tính tại Hội nghị nghiên cứu khoa học Viện Quân y 108). Bà cảm nhận được sự đồng cảm, đồng điệu giữa hai người bởi cùng thích nghiên cứu, say sưa với công việc.
Quen nhau được một thời gian, hai trái tim như đã cùng chung nhịp đập. Ông Lân Dũng viết trong cuốn nhật ký của mình: Trong cuộc sống mỗi đứa đã gặp biết bao nhiêu nam và nữ thanh niên nhưng cuộc sống đã dành cho hai trái tim biết mơ ước và rất chân thành này một hạnh phúc đáng tự hào mà cơ hội để tiếp nhận rất tình cờ và rất tự nhiên. Chỗ gặp gỡ của mối tình này là lòng say sưa phục vụ quân đội, là ước muốn chân thành muốn mang hết khả năng nhỏ bé góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước[2]. Ngày 30 Tết năm 1970, ông Dũng mua một cành đào rất to, lần đầu tiên đến nhà người yêu ở số 2 phố Trần Hưng Đạo, cũng là ra mắt gia đình.
Đầu năm 1971, giảng viên trẻ Nguyễn Lân Dũng cùng một nhóm bác sỹ của Viện Quân y 108 được Cục Quân y phân công vào Bệnh viện dã chiến 112 (Quảng Bình) để điều trị cho các thương bệnh binh bị mủ xanh. Công tác trong ngành quân y, BS Hiếu coi nhiệm vụ người yêu đi chiến trường là hết sức bình thường, luôn tin ông sẽ bình yên quay trở về. Bà động viên người yêu phải biết giữ gìn sức khỏe và cố gắng cứu chữa thật nhiều thương binh.
Khi tình yêu đã chín muồi, ông bà quyết định tiến tới hôn nhân. Bà kể: Trước khi cưới, tôi đến chơi nhà thím Bùi Thị Hiền – vợ GS Nguyễn Văn Hưởng (em trai bố tôi – GS Nguyễn Văn Huyên) để hỏi về ngày cưới đã định vào thứ 7, chủ nhật. Thím Hiền bảo: Sao lại cưới vào ngày rằm? Thế là đám cưới của chúng tôi theo lịch dương đổi sang ngày 28-9-1971. Việc chuẩn bị cho đám cưới cũng gấp rút được thực hiện. Chú rể có sẵn bộ comple màu tím than. Cô dâu có mảnh vải áo dài do bố mua ở Bắc Kinh tặng trước đó để khi nào cưới sẽ đi may. Còn về thiếp cưới, nội dung do anh Dũng chuẩn bị. Trên thiếp có chữ cái H&D lồng vào nhau và địa điểm tổ chức tại nhà ăn của Viện Quân y 108. Nhưng bố tôi đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi lại công tác trong quân đội mà tình hình Hà Nội đang trong trận lụt lịch sử, đời sống người dân khó khăn nên đám cưới không tổ chức tại nhà ăn nữa. Do đó, chúng tôi không gửi thiếp mời mà chỉ gửi giấy báo hỷ”[3]..
Vào 8h sáng ngày 20-9-1971, đôi uyên ương Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Kim Nữ Hiếu đi đăng ký kết hôn tại Ủy ban hành chính Khu Hai Bà Trưng, sau đó ra hiệu ảnh ở Bờ Hồ chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Thấy quân hàm trung úy trên cổ áo BS Nữ Hiếu, ông thợ ảnh rất thú vị, ông ta bảo cho xin phóng bức ảnh chụp một mình BS Nữ Hiếu để làm ảnh mẫu! Chú rể tương lai Lân Dũng thì cảm thấy hết sức sung sướng và tự hào về người bạn đời của mình, một bác sĩ trẻ đầy triển vọng của quân đội ta. Rồi ông nói với lòng mình:Dũng và Hiếu đều tin mãnh liệt vào tình yêu của hai đứa, vào đạo đức tư cách của mỗi đứa, vào quyết tâm và khả năng vươn lên trong cuộc sống. Hai đứa hứa với nhau sẽ luôn luôn chăm sóc đến nhau, nhất là sự chăm sóc về trí tuệ và đạo đức. Hai đứa sẽ giúp nhau học tập để vươn lên những đỉnh cao tươi sáng của khoa học, giúp nhau rèn luyện tu dưỡng để trở thành những người cộng sản chân chính và giúp nhau vun xới tình yêu để hạnh phúc mãi mãi tươi thắm trong suốt cuộc đời. Hai đứa hứa với nhau sẽ suốt đời không bao giờ giận dữ, to tiếng với nhau. Điều quan trọng là phải biết phục thiện, biết nhân nhượng nhau và hết lòng thương yêu nhau.[4].
Giấy khai kết hôn của Nguyễn Kim Nữ Hiếu-Nguyễn Lân Dũng, ngày 20-9-1971
Tối cùng ngày 20-9, sau sự kiện đôi trẻ Dũng–Hiếu đã chính thức nên vợ nên chồng, hai bên gia đình có một buổi liên hoan ấm áp, vui vẻ tại nhà trai ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội). Tuy nhà hơi chật nhưng kê dọn khéo nên rất đẹp mắt. Truyền thống yêu thương, gia giáo của hai gia đình sẽ là mẫu mực để đôi bạn trẻ gìn giữ, tiếp nối, góp phần làm cho tình cảm thông gia càng thêm gắn bó.
Tại nhà gái ở số 2 Trần Hưng Đạo, sáng ngày 28-9, đám cưới của hai ông bà được tổ chức trong nội bộ gia tộc, tại nhà gái ở số 2 Trần Hưng Đạo. Chú rể Nguyễn Lân Dũng đang tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt tại Gia Lâm cũng kịp về chuẩn bị cho đám cưới và đón cô dâu. Phía nhà trai có bố mẹ chú rể và các anh chị em, còn gia đình nhà gái có mời thêm họ hàng thân thiết. Hôm đó tất cả người lớn, con trẻ có khoảng 100 người. Buổi lễ trọng đại của đôi trẻ được GS Nguyễn Lân Dũng ghi lại trong nhật ký: Sáng 28-9, ăn cơm liên hoan thân mật trong nhà. Kê bàn dài giữa buồng chị Hạnh (Nguyễn Kim Nữ Hạnh – chị gái PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu-TG), các giường được xếp lại thành ghế, trải khăn lên trên nom rất đẹp… Tối 28-9, buổi liên hoan chính thức gia đình và trong họ phía Cậu Mẹ. Hôm nay hai buồng (buồng khách và buồng chị Hạnh) trang hoàng thật đẹp mà vẫn lịch sự giản dị. Giữa hai buồng căng các bóng thủy tinh màu, đèn ngũ sắc và các tua giấy bóng kính. Bàn ăn trải khăn trắng và đầy hoa lay ơn hồng, trắng ở trên mặt lò sưởi, trên bàn nhỏ và giá sách. Buồng cô dâu trang trí cũng rất đẹp. Khăn trải bàn trắng, khăn hoa trải giường, gối trắng, 3 ri đô màu, hoa lay ơn trắng, hoa mặt trời đỏ, chậu lan, cành thông và các bóng đèn thủy tinh…[5] Mẹ cô dâu – bà Vi Kim Ngọc chu đáo tự tay chuẩn bị tiệc đứng để chiêu đãi khách trong ngày vui của con gái với các món bánh mặn chế biến từ bánh mì, ốc nhồi thịt, xôi gấc, bánh dẻo, bánh nướng, bánh bích quy, kẹo Hải Châu… Đôi nhẫn cưới của hai vợ chồng cũng được bà chuẩn bị kỹ lưỡng: Bố tôi có chiếc răng bằng vàng, sau bố tôi sửa lại bọc bằng thép nên mẹ mang chiếc răng vàng đó đi đánh thành 2 chiếc nhẫn cưới tặng hai vợ chồng.[6].
Trong ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời, cô dâu Nguyễn Kim Nữ Hiếu mặc áo dài gấm hoa nề phớt xanh da trời rất nhẹ, quần hoa trắng tóc búi cao, hoa hồng trắng hái trong vườn cài lên mái tóc, chân đi đôi dép xăng đan màu xanh lá cây. Cô dâu cũng được chị gái Nguyễn Kim Nữ Hạnh và chị Nguyễn Tề Chỉnh (chị gái GS Nguyễn Lân Dũng) trang điểm rất tươi. Khách mời tham dự buổi lễ đều vui vẻ, thân mật, chúc mừng hạnh phúc cho vợ chồng trẻ. Khi tiệc ngọt tan, gia đình nhà trai ở lại cùng nhà gái ăn cháo gà và bánh mì. Một bữa ăn thật đậm đà tình thân giữa hai gia đình.
Cô dâu Nguyễn Kim Nữ Hiếu và chú rể Nguyễn Lân Dũng, ngày 28-9-1971
Sau buổi lễ, khi mọi người đã ra về, cô dâu Nữ Hiếu được mẹ căn dặn: Hai đứa phải thương yêu nhau, phải quý trọng và giúp nhau tiến bộ mãi mãi”[7]. Rồi hai mẹ con ôm hôn nhau âu yếm. Chứng kiến hình ảnh đẹp đẽ ấy, chú rể Nguyễn Lân Dũng tự nhủ: Mình sẽ mãi mãi ghi nhớ và lấy đó làm hình ảnh để nhắc nhở trách nhiệm của mình trên suốt quãng đường dài chung sống[8]. Cuộc sống mới của hai vợ chồng trẻ bắt đầu với nguyện ước: Tình cảm của chúng ta sẽ được xây dựng bằng những tình cảm chân thật nhất, trong sáng nhất. Chúng ta không phải chỉ là hai vợ chồng mà còn mãi mãi là hai người đồng chí đáng tin cậy, hai người bạn với tất cả ý nghĩa đẹp đẽ của nó[9].
Sau lễ cưới trong phạm vi bà con hai họ, chú rể Nguyễn Lân Dũng lại tiếp tục đi chống lụt. Theo thông tin trên giấy Báo hỷ gửi bạn bè đồng nghiệp, đám cưới sẽ được tổ chức vào ngày 2-10-1971. Vậy là cả gia đình lại chuẩn bị trang trí nhà cửa, mua thêm hoa mới, chuẩn bị bánh kẹo… để đón khách. Từ tối hôm trước và cả ngày hôm sau bạn bè, đồng nghiệp của hai ông bà cùng đến chung vui và mang theo những món quà cưới như đĩa bát, chậu, âu để cơm… để chúc mừng. Nhớ về buổi tiệc mời bạn bè, bà PGS Nữ Hiếu kể một kỷ niệm vui: Năm 1969, chị gái tôi là Nguyễn Bích Hà đi làm nghiên cứu sinh tại khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, gửi con trai Trương Hoài Chi cho ông bà trông. Tôi cũng thường xuyên trông nên bé rất quấn tôi, thường gọi là mẹ Hiếu. Trong ngày cưới, Hoài Chi luôn đi theo tôi rồi gọi mẹ Hiếu khiến nhiều bạn bè lầm tưởng đó là con của chúng tôi[10].
Ngày vui này, hai gia đình cùng vợ chồng trẻ cũng nhận được nhiều thiệp chúc mừng của lãnh đạo, hiệu trưởng một số trường đại học, đồng nghiệp, bạn bè như: BS Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thao – Phó chủ nhiệm văn phòng kinh tế, GS Ngụy Như KonTum – Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp… Cũng nhân dịp tết năm đó, biết được tin con gái Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – BS Nữ Hiếu và giảng viên Lân Dũng đã về chung một nhà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cũng gửi lời chúc: Nhân dịp vui mừng của hai cháu và cùng dịp năm mới, Bác thân ái chúc hai cháu khỏe mạnh, hạnh phúc, tiến bộ[11].
Đón nhận tình cảm tin yêu của gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, đôi vợ chồng trẻ càng vững tâm vun đắp hạnh phúc gia đình. Bởi theo ông bà không gì hạnh phúc bằng giữ được tình cảm nồng ấm, chân thành mãi mãi. Cuối tháng 12-1971, tin vui với đôi vợ chồng trẻ: họ đã có thai chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Sắp được làm mẹ, nhưng hàng ngày bà vẫn tích cực rèn luyện sức khỏe, xung phong vào chiến trường miền
Trải qua 50 năm chung sống, những lời hẹn thề năm nào của ông bà như vẫn còn nguyên. Ông bà cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, có hai người con thành đạt là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và TS Nguyễn Kim Nữ Thảo. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, bí quyết ông bà giữ lửa hạnh phúc gia đình là: Thứ nhất là, một niềm vui chia sẻ với nhau thì nhân lên chín lần. Một điều buồn chia sẻ với nhau giảm 9 lần. Những mâu thuẫn nhỏ không biến thành to. Những mâu thuẫn to biến thành nhỏ. Thứ hai, là phải giàu lòng vị tha. Thứ ba, là không phải cái gì cũng tham về mình cả trong công việc và gia đình. Phải biết chia sẻ, hy sinh, không làm điều gì cho nhau căng thẳng, ảnh hưởng đến công việc. Việc cơ quan cố gắng giải quyết, không mang công việc căng thẳng về nhà. Không nên soi nhau bởi ai cũng có bạn bè. Và điều quan trọng là cả hai cùng biết phục thiện và cùng tạo cơ hội cho nhau phấn đấu[12].
Hoàng Thị Liêm
____________________________
[1]Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 27-1-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Bản scan Nhật ký của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.3.
[3]Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 27-1-2021, đã dẫn.
[4] Bản scan Nhật ký của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đã dẫn, tr.5.
[5] Bản scan Nhật ký của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đã dẫn, tr.9.
[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 27-1-2021, đã dẫn.
[7] Bản scan Nhật ký của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đã dẫn, tr.10.
[8] Bản scan Nhật ký của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đã dẫn, tr.10.
[10] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 27-1-2021, đã dẫn.
[11] Bản scan Danh thiếp của Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng gửi vợ chồng BS Nguyễn Kim Nữ Hiếu – Nguyễn Lân Dũng, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[12] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu ngày 27-1-2021, đã dẫn.