Đam mê và khát vọng cống hiến

GS.TS.NGƯT Vũ Anh Tuấn sinh năm 1950 tại xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Phát huy truyền thống gia đình và quê hương, ngay từ nhỏ ông đã rất năng động và đặc biệt là ham mê học tập. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đạt đủ điểm tiêu chuẩn để được xét gửi đi học đại học ở nước ngoài. Tưởng chừng niềm vui khi ấy đã mở toang cánh cửa để ông bước vào tương lai với bao ánh sáng và niềm hy vọng phía trước; nhưng cánh cửa ấy đã sớm khép lại với lý do như ông thường nói, đó là số phận. Chính vì vậy ông quyết định lên miền núi và học tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

GS.TS.NGƯT Vũ Anh Tuấn

Năm 1972, ông tốt nghiệp ra trường sau bốn năm miệt mài học tập. Ông đã có cơ hội được về làm việc tại Hưng Yên nhưng lại được tổ chức ra quyết định điều động lên công tác tại tỉnh Sơn La. Năm đầu tiên ông nhận công tác theo diện cán bộ từ miền xuôi vừa lên miền núi, cần phải đến với những địa bàn khó khăn nhất để thay cho những cán bộ đã kinh qua được luân chuyển. Ông lãnh nhiệm vụ giảng dạy tại trường cấp II – III huyện Sông Mã, thuộc khu vực biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Do năng lực chuyên môn nên chỉ sau một năm công tác vùng sâu, ông đã được tổ chức điều chuyển ra công tác tại trường cấp III Tô Hiệu thị xã Sơn La. Khi đó ông đã vừa đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy lại vừa kiêm nhiệm thư ký Hội đồng giáo dục và làm Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội.

Năm năm sau, ông lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định chuyển trở lại nơi ông đã từng được đào tạo, trở thành giảng viên tại Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Thời gian công tác tại Việt Bắc, được sống và làm việc bên những người thầy ruột vô cùng khả kính như nhà văn Vi Hồng, nhà giáo Phạm Luận đã giúp ông gắn kết được tình cảm yêu thương quý trọng cuộc sống và con người miền núi vào trách nhiệm của một người giảng viên gương mẫu, luôn nêu cao ý chí khát vọng và nghị lực sống giữa những ngày gian khó nhất của tuổi trẻ. Năm 1985, ông đã vinh dự được Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 1986, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã dành cho ông một vinh dự lớn: Được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu cấp cao đến thăm giờ giảng và động viên thầy trò. Ông vẫn còn lưu giữ được tấm ảnh ghi lại sự kiện này  như một kỷ vật quý báu nhất của người thầy giáo. Nhiệm vụ giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học để phục vụ con người và cuộc sống ở miền núi với ông tự nhiên đã trở thành cơ duyên, thành niềm đam mê, thành lẽ sống.

Nhớ lại những thời khắc ấy, ông kể: “Chính cuộc sống chậm chạp, thanh bình, phẳng lặng, cân đối, hiền hòa và giàu tình nghĩa của người Tày Việt Bắc mà tôi được tiếp xúc khi còn là sinh viên đã đem đến cho tôi ý tưởng tìm hiểu và so sánh với cuộc sống đặc biệt ấn tượng về bản sắc nhưng lại có phần khép kín đầy bí ẩn và thơ mộng của người Thái Tây Bắc”. Nghĩ là làm, ông đã giao lưu và liên hệ được với nhiều trí thức bản tộc người Thái như các nhà thơ Cầm Biêu và Vương Trung, các nhà văn hóa Thái như Hoàng Nó, Cầm Ngoan, Cầm Liên, Bạc Cầm Thiện, Lò Văn Sĩ… Qua đó ông đã dần dần tìm hiểu và đi sâu vào nghiên cứu những đặc điểm văn hóa, những giá trị văn học lâu đời ở miền núi. Lại vốn là người đã sớm ý thức được con đường mình sẽ đi, ông đã nhanh chóng kết nối và đưa ý tưởng về một chương trình nghiên cứu văn hóa Tày – Thái đến với nhà thơ người Tày Nông Quốc Chấn khi ấy đương chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Nhận được thông tin, nhà thơ Nông Quốc Chấn rất tâm đắc với cảm nhận về văn hóa Tày – Thái của ông và từ đó khích lệ động viên ông nên quyết tâm đầu tư cho chương trình nghiên cứu này vì nó có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn có tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống kinh tế – xã hội miền núi. Tuy nhiên, đây cũng là một trọng trách vô cùng khó khăn, thế nhưng ông bảo con người ông đã đặc biệt hấp dẫn với những thách thức như thế, càng khó khăn bao nhiêu thì lại càng giúp ông thêm bản lĩnh.

Ông tìm về nguồn văn hóa Tày cổ với các trí thức Tày nổi tiếng: Vi Hồng, Hoàng Triều Ân, Hoàng Hoa Toàn, Nông Viết Toại, Bế Sĩ Uông… Ông không quản ngại ngày đêm cố gắng đi thực tế, sưu tập ghi chép lại các tư liệu trên sách cổ Tày, Thái, Dao. Cùng với thời gian, những trải nghiệm về cuộc sống cùng đồng bào Tày, Nùng, Thái cũng như của các tộc ít người khác: Mường, Dao, Mông, Khơ mú, Xinh mun… đã ngày càng giúp ông thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu. Ông tham gia vào việc thành lập Hội Văn Nghệ Sơn La, cùng các đồng nghiệp khởi xướng Tập san Giáo Dục Sơn La và Văn Nghệ Sơn La. Trong các ấn phẩm này, ông là một trong số các tác giả viết những bài báo khoa học đầu tiên của người Kinh công bố ở địa phương về văn học dân gian Thái và các tộc người thiểu số ở Tây Bắc, về thơ ca cách mạng ở Nhà ngục Sơn La và về văn chương viết với đề tài miền núi… trong đời sống văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc. Càng đi vào tìm hiểu, nghiên cứu, ông càng như bị cuốn hút vào nó một cách khó cưỡng. Năm 1975, sau ngày đất nước được thống nhất, hòa cùng không khí vui mừng và phấn khởi của người dân Tây Bắc cùng với cả nước bước vào vận hội mới, trên các trang viết địa phương từ Sơn La, ông đã có những bài tiểu luận, những tùy bút khoa học dự báo về một Nhà máy thủy điện Tạ Bú (Thủy điện Sơn La), về một Thành phố Hoa Đào… Năm 1976, ông đã có bài đầu tiên đăng trên Tạp chí trung ương, viết về những vấn đề dạy và học ngữ văn trong các trường miền núi và dân tộc.

Từ trải nghiệm bản thân, GS.TS Vũ Anh Tuấn  hiểu rất rõ rằng không phải bất cứ sinh viên nào cũng có đủ đam mê và nghị lực để theo đuổi ngành học và công việc này. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, ông luôn tìm tòi sáng tạo theo cách dạy học văn học dân gian giữa đời sống để tạo hứng thú trong từng tiết học, giúp sinh viên thấu hiểu và cùng chia sẻ để họ tự định hướng dễ dàng hơn. Ông cho biết, ông dạy học trò không chỉ trên giảng đường mà còn qua rất nhiều những chuyến đi điền dã bằng chính cách sống, cách hóa giải những va đập cuộc sống cũng như những thành bại của bản thân để từ đó giúp các em có cái nhìn tỉnh táo sâu sắc hơn với thực tế cuộc sống. Ông khẳng định: Lòng yêu nghề dạy học chỉ trở thành bền vững sau khi đã được trui rèn bằng ý chí phải sống chết với nghề, để bên cạnh kiến thức nghề từng được chép trong sách vở thì còn là sự chủ động thường xuyên tích hợp được những tình cảm đẹp để nuôi dưỡng lòng yêu nghề bằng cả tình yêu và sự hiểu biết, hiểu thấu giữa những con người vốn đầy lòng yêu thương và đòi hỏi phải được yêu thương.

Có lẽ người làm chứng xác thực nhất cho những nỗi niềm sâu thẳm này trong tâm can một nhà giáo đam mê với nghề như ông không ai khác chính là bà Phùng Thị Thơm, cũng là một nhà giáo  đã từng có mười năm giảng dạy ở trường cấp II – III thị trấn huyện Sông Mã Sơn La rồi sau này dần dà mới cùng ông xuôi về Thái Nguyên, Hà Nội. Bên núi Mường Hung và dòng Sông Mã, bà đã trở thành người bạn đời của ông ngay từ giữa những năm tháng cả đất nước này còn hết sức gian khổ cam go. Từ đó, hãy cố gắng kiên trì và tận tụy hết mình thì thành công sẽ đến. Năm 1991, ông ghi dấu ấn đầu tiên với đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số tife truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam” và đây cũng chính là đề tài ông bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sĩ khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với những thành công nhất định trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Văn học dân gian và trung đại Việt Nam (1990). Đến năm 1995, ông giữ chức Phó trưởng phòng Đào tạo – Khoa học – Quan hệ Quốc tế, phụ trách nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế, trường ĐHĐC – ĐHTN, Thành viên HĐKH Đại học Thái Nguyên.

Năm 2001 là thời điểm sau 30 năm phục vụ sự nghiệp giáo dục miền núi, ông được chuyển vùng về công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho đến nay. Về với trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính là về với một môi trường lớn với một tập thể lớn giữa những người thầy lớn, ông cần phải chuyên sâu hơn về công tác giảng dạy và đào tạo trên bình diện cả nước. Nhiệm vụ mới đòi hỏi ông cần phải đi sâu nghiên cứu những vấn đề chung về Văn hóa dân gian (folklore) và Văn học dân gian Việt Nam; Văn học dân gian trong nhà trường; Quan hệ Văn học dân gian – Văn học viết; Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh Văn hóa Đông Nam Á. Tuy vậy, mặt khác ông vẫn tiếp tục các hoạt động nghiên cứu có tính chiến lược của mình về Văn học dân gian miền núi và dân tộc. Ông đã có hàng chục những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu được nghiệm thu: Văn hóa dân gian Tày dưới góc độ lịch sử; Truyện thơ Tày – nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại; Văn hóa truyền thống dân tộc H’Mông ở Việt Bắc; Khảo luận chỉnh thể tự sự dân gian Tày,… Bên cạnh đó, ông còn tham gia một Dự án cấp Nhà nước: Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản Kho tàng Sử thi Tây Nguyên với những công trình như Sử thi Akha Juka Udai Ujac (2004), Sử thi Akha Juka Sa Ea (2007), Tổng tập Sử thi Ra Glai (2014). Ngoài ra ông còn là chủ biên hoặc tham gia biên soạn nhiều công trình, đầu sách: Giáo trình văn học dân gian; Giảng văn Văn học dân gian Việt Nam; Phân tích tác phẩm Văn học dân gian từ góc nhìn thể loại; Những lời răn dạy của người xưa; Bắc Thái Văn học (1995); Truyện cổ Bắc Kạn (2000); Địa chí Tỉnh Thái Nguyên (2009), Địa chí Thành phố Thái Bình (2013); Địa chí Tỉnh Hà Giang (2015); Địa chí Tỉnh Sơn La (2016),… Nhiều bài báo khoa học của ông đã được công bố trên các tạp chí, kỷ yếu: Nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Nghiên cứu văn học, Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Văn nghệ Sơn La, Văn nghệ Bắc Thái… Với trách nhiệm là một chuyên gia về lĩnh vực văn học, ông vừa tham gia đào tạo sinh viên đại học sư phạm trên bình diện cả nước, vừa chú trọng đào tạo các chuyên gia nghiên cứu về văn học miền núi và dân tộc trong văn hóa Việt Nam. Với sự nỗ lực không ngừng trong giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học, ông đã được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư từ năm 1996 và được công nhận chức danh Giáo sư năm 2013. Năm 2014, ông lại vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đây là những phần thưởng xứng đáng cho quá trình cống hiến trí tuệ, công sức của ông cho ngành giáo dục nước nhà nói chung và lĩnh vực văn học dân gian nói riêng. Cho đến nay, thời gian càng lùi xa vào quá khứ, nhiều tư liệu nghiên cứu bước đầu của ông về miền núi và dân tộc nay đã trở thành các đối tượng nghiên cứu trong các luận văn, luận án thời kỳ đổi mới. Trên cương vị là một nhà giáo, ông xứng đáng được mệnh danh là người thầy đã truyền dạy không mệt mỏi về Văn học dân gian các dân tộc thiểu số cho rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Hiện nay là một trong các chuyên gia đầu ngành, một nhà giáo tâm huyết gắn bó sâu nặng với sự nghiệp giáo dục miền núi, từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Tây Nguyên… ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số trở thành những công dân ưu tú, đã và đang tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước. Trong số các Tiến sĩ chuyên ngành văn học dân gian và Thạc sĩ văn học do ông trực tiếp hướng dẫn, một số đã trở thành Phó giáo sư, các nhà quản lý. Trong công việc, ông luôn lấy sự tự học làm nhiệm vụ suốt đời để không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người”. Trong giáo dục ông luôn đề cao chữ “Tâm”, chữ “ Đức” để nêu gương và cảm hóa người học. Trong hoạt động thực tiễn ông luôn tự tin vào chính mình, tự tin vào lớp trẻ là tương lai của đất nước và dân tộc. Thế nên trong mọi hoàn cảnh ông đều giữ được bản lĩnh nhân cách mô phạm của một người thầy có khả năng truyền cảm hứng tích cực đến người học ở mọi cấp học.

Để có được thành quả như hôm nay ông đã phải đánh đổi bằng cả một quá trình dài cống hiến sức lực, trí tuệ và thời gian sống của mình. Thời gian chứng nghiệm, ông đã không chỉ hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ của một người thầy mà còn làm tốt vai trò của một nhà nghiên cứu khoa học đã có nhiều cống hiến, đồng thời dẫn dắt và truyền thêm ngọn lửa, bầu nhiệt huyết đam mê nghiên cứu cho biết bao thế hệ học trò. Tôi xin được mượn câu nói của Nhà giáo dục nổi tiếng người Nga – Usinxki làm lời kết cho bài viết: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt khác”.

Ngọc Giáp
Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/