Đam mê với chuyên ngành Xương khớp

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp khoá I (khóa đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại 1954) trường Đại học Y Hà Nội, Trần Ngọc Ân và một số sinh viên vừa tốt nghiệp được giữ lại trường công tác. Ông may mắn được làm việc dưới sự hướng dẫn của các thầy là những người được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm trong ngành Y, trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đặng Vũ Hỷ, Đặng Văn Ngữ…

Năm 1968 dưới sự chỉ đạo của GS Đặng Văn Chung, mỗi người sẽ đi theo một chuyên ngành riêng chứ không cùng đi theo môn Nội chung. Trong khi các bạn đồng khóa đã định hướng cho mình những bước đi riêng thì Trần Ngọc Ân vẫn đang loay hoay, lúng túng khi lựa chọn một chuyên khoa cho mình. Sau một thời gian học định hướng qua các Khoa Tiêu hóa, Huyết học, Cấp cứu hồi sức, bác sĩ trẻ Trần Ngọc Ân nhận thấy ngành Xương khớp chưa có ai theo học nên ông đã xin với GS Chung học ngành này. Mặc dù GS Chung đã nói “Học cái đó làm gì, cái đó khó lắm, và tôi cũng không dạy được”, nhưng chính điều đó lại càng thôi thúc ông quyết tâm lựa chọn. Lường trước được những khó khăn nên ông đã tự mày mò, nghiên cứu, đọc các tài liệu để có thể phát triển chuyên ngành này. Năm 1968 khi mới thành lập Khoa Cơ xương khớp ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ có 2 giường bệnh, sau đó bệnh nhân nhiều dần lên 4, rồi 8 giường. Việc mở rộng hoạt động của Khoa để tiếp nhận bệnh nhân là điều cần thiết lúc này, nhưng một khó khăn đặt ra là việc thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất. Mạnh dạn và tin vào khả năng của bản thân nên ông đứng ra chịu trách nhiệm cùng với 2 nhân viên của nhà trường quản lý một phòng. GS Chung đã giao phòng C4 của Bệnh viên Bạch Mai cho hai khoa: Khoa Cơ xương khớp do ông quản lý, còn một nửa là của Khoa Nội tiết. Có thể khẳng định GS Trần Ngọc Ân là người đầu tiên xây dựng nên chuyên ngành Xương khớp một cách bài bản, từ việc viết giáo trình, sách liên quan đến bệnh, rồi từ thực tế nghiên cứu, khám chữa bệnh ông đã cùng đồng nghiệp tiến hành phân loại, thống nhất cách gọi tên các loại bệnh về cơ xương khớp.

Những năm 1970-1980 để được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài không dễ dàng, phải qua nhiều vòng xét duyệt. Trần Ngọc Ân được cử đi tham quan học tập một khóa 6 tháng ở Hungary. Việc không được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài không làm cản trở nhiệt huyết ham học hỏi ở ông mà ngược lại càng khiến ông quyết tâm hơn. Và ông là một trong 3 người đầu tiên làm luận án Phó tiến sĩ trong nước về Y học lâm sàng. Ông đã chọn đề tài “Bệnh viêm cột sống dính khớp ở miền Bắc Việt Nam”  làm luận án Phó tiến sĩ và bắt đầu nghiên cứu từ năm 1970. Sách vở tra cứu thời đó rất hiếm, những sách báo mới ở nước ngoài không nhập vào được, mà chỉ có mua lại sách báo của Trung Quốc dịch từ tài liệu nước ngoài. Ông tham khảo các tài liệu này chủ yếu tại thư viện Đại học Y Hà Nội.

Trong quá trình nghiên cứu làm luận án, ông đã kiên trì theo dõi và tổng hợp diễn biến bệnh từ những bệnh nhân trong suốt 10 năm, từ năm 1969-1979. Ngay từ những ngày đầu gắn bó với Khoa Cơ xương khớp, ông nhận thấy bệnh này thường xuất hiện ở những bệnh nhân nam giới còn rất trẻ. Bệnh khiến con người vận động khó khăn, nhiều trường hợp dẫn đến tàn phế. Đó là lý do để ông chọn đề tài cho luận án Phó tiến sĩ. Vào thời điểm đó, xương khớp là một ngành tương đối mới nên ông đều phải tự làm mà không có ai hướng dẫn về mặt chuyên môn. GS Đặng Văn Chung là người đã giúp nhiều cho ông về mặt phương pháp và cách thức làm luận án.         

Trong quá trình nghiên cứu khá dài với những số liệu, dữ liệu trong thực tiễn điều trị lâm sàng đã tập hợp được, ông bắt tay viết luận án và sau 3 tháng bản luận án được hoàn thành. Lúc đó (thời bao cấp) ông viết luận án trong hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Cả gia đình 2 vợ chồng và 3 đứa con sống trong ngôi nhà tập thể 16m2. Chỉ còn cách viết khi mọi người đang ngủ, nghĩa là hoặc phải thức khuya, hoặc phải dậy sớm. Và phải dùng ánh sáng từ đèn dầu. Để chống lại những cơn buồn ngủ khi viết luận án, ông cậy nhờ vào điếu cày hút thuốc lào và chè 3 hào (chè loại 3 – chè cám). Một người bạn tên Bản (làm ở phòng văn thư của trường) đã giúp ông đánh máy  bản luận án. Đánh máy xong rồi thì phải làm thế nào để nhân lên thành 10 bản mà giấy than thì không thể in được quá 3 bản. Ở Hà Nội lúc đó chỉ có vài nơi có máy photo mà điện thì lúc có, lúc không. Ông đã đến nhà xuất bản Y học để nhờ một người bạn in hộ. Ban ngày máy phải làm việc của nhà in, tối đến ông và người này hút thuốc lào và “rình” khi nào có điện thì bắt đầu photo. Cuối cùng ông cũng đã hoàn thành được 10 bản.


Những nghiên cứu đầu tiên về bệnh Viêm cột sống dính khớp của GS.TS Trần Ngọc Ân

Ông bảo vệ luận án cấp cơ sở do GS Đặng Văn Chung làm Chủ tịch, GS Phạm Khuê – thành viên Hội đồng, là người phản biện.  Khi bảo vệ chính thức, Hội đồng được tổ chức ở trụ sở của trường Y trên đường Tôn Thất Tùng ngày nay. Hôm đó ông đã mượn áo sơ mi trắng của bố để bảo vệ. Luận án bảo vệ thành công năm 1980.

Đề tài về bệnh Viêm cột sống dính khớp là vấn đề nghiên cứu mà ông tâm đắc và quan tâm không chỉ trong quá trình hoàn thành luận án mà nó theo đuổi ông trong suốt quá trình nghiên cứu và điều trị sau này. Giai đoạn đầu, nghiên cứu của ông mới chỉ dừng lại ở việc tổng kết bệnh, còn nhiều vấn đề chưa có điều kiện nghiên cứu, kể cả ở nước ngoài. Về sau trên thế giới tìm ra hệ thống kháng nguyên bạch cầu HLA. Họ đã công bố rằng những người có kháng nguyên bạch cầu HLAB27 thì dễ bị bệnh viêm cột sống dính khớp. Họ đã điều tra trên toàn thế giới và thấy rằng những người da đen ở Châu Phi không mắc bệnh này vì không có yếu tố HLAB27, còn một bộ lạc người ở châu Mỹ thì tỷ lệ nhiễm bệnh lại rất cao. Để nghiên cứu tỷ lệ người mắc bệnh ở Việt Nam, lúc đó ông có liên hệ với PGS Bạch Thị Khánh Hòa ở Viện huyết học truyền máu Trung ương để cùng nghiên cứu nhờ hóa chất xin được của nước ngoài. Những nghiên cứu cho thấy, người bình thường có yếu tố HLAB27 chiếm 4% còn người bị bệnh Viêm Cột sống dính khớp thì chiếm 78%. Nghiên cứu của ông đã kết luận được yếu tố HLAB27 và bệnh Viêm cột sống dính khớp có quan hệ với nhau.

Đồng thời nghiên cứu đó còn phát hiện rằng, không phải những người có yếu tố HLAB27 đều có thể bị mắc bệnh Viêm cột sống dính khớp. Theo tài liệu của các nước có nói đến một số vi khuẩn có mối liên quan đến bệnh này. Liên hệ thực tế Việt Nam, ông thấy có một loại vi khuẩn hay xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam là vi khuẩn mắt hột (tên khoa học là Chlamydia trachomatis). Con vi khuẩn này thường đi vào niêm mạc mắt gây đau mắt hột, đi vào niêm mạc của đường tiết niệu sinh dục nam (gây bệnh Viêm niệu đạo), nữ (gây vô sinh). Viêm niệu đạo khi kết hợp với yếu tố HLAB27 thì dẫn đến bệnh Viêm cột sống dính khớp. Vấn đề nghiên cứu này vì nhiều điều kiện khách quan nên ông không thể tiếp tục được, nhưng đến nay điều này cũng đã được chứng minh và kết luận.

Ở nước ta trước kia có nhiều người bị bệnh này nhưng hiện nay do điều kiện vệ sinh tốt, có sử dụng kháng sinh, và ít bị bệnh đau mắt hột nên tỷ lệ mắc bệnh cũng giảm đi nhiều.

Ngoài ra ông còn hợp tác nghiên cứu về cách chữa trị bệnh Viêm cột sống dính khớp với Bộ môn Đông Y trường Đại học Y. Được biết lương y Nguyễn Tham Tán chuyên sử dụng phương pháp bấm huyệt để chữa bệnh, GS Đặng Văn Chung đã mời ông Tán về Bộ môn cùng nghiên cứu để chữa trị bệnh. Sau một thời gian nghiên cứu, bác sĩ Trần Ngọc Ân và GS Đặng Văn Chung đã đánh giá kết quả của bấm huyệt trong việc chữa bệnh Viêm cột sống có tác dụng rất tốt. Sau đó ông đã đề nghị ông Nguyễn Tham Tán tổng kết và viết thành Chương trình giới thiệu, đào tạo về phương pháp ấn huyệt. Phương pháp này được gọi là Phương pháp Nguyễn Tham Tán-là một trong những phương pháp kinh điển vẫn được sử dụng cho đến nay.

Không chỉ dừng lại trong việc nghiên cứu, chữa trị bệnh, GS Trần Ngọc Ân còn đào tạo, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về vấn đề này.

Suốt cuộc đời say mê, kiên trì nghiên cứu bệnh Cơ xương khớp, đặc biệt là Bệnh viêm cột sống dính khớp, những thành công mà GS Trần Ngọc Ân gặt hái được trong lĩnh vực này thật đáng trân trọng. Ông đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, đem lại cho họ một cuộc sống, lao động có ý nghĩa.  
 

 

Nguyễn Thị Phương Thúy 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam