Ông sinh năm 1941 tại Quảng Ngãi. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đoàn Cảnh được giữ lại trường công tác. Năm 1980, ông chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh trong các cương vi công tác như: Nghiên cứu viên, phân viện Khoa học Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (1981-1985); Quyền Giám đốc Bảo tàng thực vật (1985-1987); Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh thái (1988-1993); Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (1993-2001). Dù giữ bất kỳ chức vụ nào thì ông vẫn giữ thói quen hàng ngày làm việc đến nửa đêm.
Sinh thời, PGS.TS Đoàn Cảnh luôn trăn trở với việc làm thế nào để bảo vệ tối đa môi trường thiên nhiên Việt Nam và thường đem những trăn trở của mình chia sẻ cùng phu nhân. Được sự hỗ trợ mọi mặt của vợ, ông đã lao vào nghiên cứu những đề tài có nội dung đề cập đến vấn đề này như: Lồng ghép những vấn đề sinh thái và xã hội vào quy hoạch phát triển kinh tế trong điều kiện chung sống với lũ Đồng Tháp Mười, Ứng dụng kỹ thuật sinh thái trong xây dựng đô thị xanh…. Ngoài ra, ông còn được giới khoa học biết đến bởi công trình nghiên cứu “Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra” từ năm 1997…
PGS.TS Đoàn Cảnh. Ảnh: internet
Bà quả phụ Trần Hoàng Châu Phố soạn tư liệu tặng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Khoảng năm 2010, khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư dạ dày và được đưa sang Singapore chữa trị, trong cơn nửa tỉnh nửa mê, ông vẫn mong muốn được một lần đến tham quan Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian để học hỏi kinh nghiệm gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên từ nước bạn. Nhưng ước nguyện của ông đã không thể thực hiện. Năm 2011, ông ra đi nhưng vẫn rất nặng lòng với thiên nhiên nước nhà. Ông để lại di nguyện cho vợ là trao toàn bộ tài sản khoa học của đời mình cho Viện Sinh học Nhiệt đới và mong muốn đồng nghiệp, học trò tại đây có thể tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu để bảo vệ thiên nhiên Việt Nam của mình.
Câu chuyện của PGS.TS Đoàn Cảnh cũng giống như nhiều câu chuyện về các nhà khoa học khác mà tôi từng được nghe, nhưng mỗi lần như vậy tôi đều có cảm giác khâm phục hơn sự hi sinh thầm lặng của những người vợ và trân trọng hơn sự dâng hiến cuộc đời của các nhà khoa học cho khoa học nước nhà.
Hoàng Thị Kim Phượng