sgtt.vn/Khoa-giao/100611/Dang-Vu-Khuc-soi-tim-hoa-thach-dai-trung-sinh.html Tôi dừng lại bên một mẫu hoá thạch mang dòng chữ Songdaella graciosa Vukhuc (cách dùng chữ nghiêng để chỉ tên giống, loài, rồi chữ đứng để ghi tên người phát hiện ra loài ấy cho khoa học, là theo quy ước quốc tế). Một khối đá rắn, nằng nặng, xam xám ánh bạc, dáng tựa con trai. Một loài động vật cổ xưa, thân mềm, thuộc lớp hai mảnh vỏ (Bivalvia) hay còn gọi là lớp trai sò. Giờ đây nó là một khối đá bất động trên giá đỡ bảo tàng. Nhưng 210 triệu năm về trước – đúng thế, 210 triệu năm – nó là một con vật sống động biết cách kiếm thức ăn và cả cách duy trì nòi giống! Khi con vật chết đi, phần thân mềm nhanh chóng thối rữa nhưng phần vỏ cứng vẫn trơ ra nơi đáy biển sâu, rồi bị phù sa hết lớp này đến lớp khác phủ lên. Sức nặng của các lớp trầm tích, nhiệt độ và áp lực nước, và có khi cả quá trình hoá lý, trăm triệu năm nén chặt và biến hoá những lớp bùn nhão nhoét kia thành tầng đá rắn đanh. Con Songdaella graciosa Vukhuc, sống ở kỷ Trias thượng đại trung sinh, cùng hoá đá với lớp bùn chứa nó.
Đóng ” tam bản” vượt thác hiểm
“Tại sao anh lại đặt cái tên Songdaella graciosa Vukhuc, cho “phiến đá” bé nhỏ kia?”, tôi hỏi. Đặng Vũ Khúc tươi cười trả lời: “Songdaella là một biến thể của địa danh sông Đà. Theo quy ước quốc tế, tên các loài sinh vật phải được viết bằng nguyên dạng tiếng Latin, chứ không được phiên âm ra tiếng Việt, hay chuyển ngữ” – “Chắc anh tìm thấy hoá thạch của giống mới này trong một lộ trình dọc con sông Đà?” – “Đúng thế! Nhiều vùng núi non bên sông Đà xưa kia vốn là đáy biển, theo cái lẽ của hoá công… “triệu năm… một cuộc bể dâu”! Dùng từ Songdaella để gọi con vật ấy vì tôi muốn mãi mãi ghi lại trong văn liệu cổ sinh – địa tầng thế giới tên dòng sông dũng mãnh lắm thác nhiều ghềnh mà cánh địa chất chúng tôi ngược xuôi không biết bao nhiêu lần bằng thuyền đuôi én hay thuyền tam bản. Loại thuyền này, như anh biết đấy, đóng bằng ba tấm ván, trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều gọi là sampan, phỏng theo âm “xan pẩn” trong tiếng Bắc Kinh. Đã có lần tôi cầm lái một chiếc tam bản “lạ hoắc” do bọn tôi tự đóng lấy, chở ba chàng kỹ sư địa chất xuôi sông Đà từ Lai Châu xuống Vạn Yên, mất hai ngày. Một chuyến đi mạo hiểm trong tuổi thanh xuân “bốc lửa”! Bà con người Thái hai bên bờ hết sức ngạc nhiên bởi vì loại tam bản do bà con ta thường đóng chưa bao giờ vượt qua nổi trùng trùng thác hiểm mà không vỡ tan tành thành ba mảnh!…” – “Thuộc giống mới Songdaella Vukhuc, anh đã phát hiện được mấy loài mới?” – “Tôi đã thông báo và được quốc tế thừa nhận ba loài mới, thuộc giống mới nói trên. Songdaella graciosa Vukhuc là một trong ba loài mới ấy. Nhà báo các anh quá quen dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, có chú ý đến chữ graciosa không nhỉ? Nó có nghĩa là duyên dáng, như chữ gracieux trong tiếng Pháp, hay graceful trong tiếng Anh!”.
Tôi liền ngắm kỹ hơn mẫu hoá thạch nọ. Trên mảnh vỏ loài trai sống cách chúng ta 210 triệu năm đó có những đường gờ đồng tâm ở phía ngoài, còn mép trong thì lượn hình răng khía đều tăm tắp. Răng ở đây không phải dùng để nhai, mà là để giữ cho hai mảnh vỏ khi khép lại, khít chặt vào nhau, dù sóng lớn đại dương cũng không thể kéo trệch chúng đi, làm đau đớn phần thân mềm của con vật bé nhỏ kia! Tạo hoá thật “kỹ tính” lạ lùng! Hình thể loài trai này mang những đường cong duyên dáng gợi cảm. Chính vì vậy mà anh Khúc mới đặt cho nó tên Latin graciosa.
Hai loài mới khác, cũng thuộc giống này, do anh mô tả đầu tiên trong khoa học là: Songdaella elliptica Vukhuc, và Songdaella choboensis Vukhuc. Chữ elliptica gợi lên hình êlip của con vật. Chữ choboensis là để ghi nhớ vùng đất Chợ Bờ thân quen đối với các anh. Còn chữ Vukhuc trong tên ba loài mới nói trên chính là rút gọn tên người có công khám phá: Đặng Vũ Khúc.
Tính đến năm 2006, Đặng Vũ Khúc đã tự mình xác lập hoặc tham gia xác lập 8 giống mới, 2 giống phụ mới, và 86 loài mới đối với khoa học thuộc đại trung sinh. Không nên quên rằng, trong thời kỳ thuộc Pháp, chưa có một người Việt Nam nào được làm việc tại Sở Địa chất Đông Dương. Và, suốt hơn 60 năm cai trị thuộc địa, người Pháp chỉ phát hiện được ở nước ta 35 loài cổ sinh vật mới đối với khoa học.
Đâu phải là… “trò chơi trí tuệ”!
Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, ta dễ dàng nhận thấy một số công trình đạt giá trị khoa học khá cao nhưng chưa mang lại lợi ích thiết thực. Một số công trình khác có góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước nhưng lại không có giá trị sáng chế, phát minh, nghĩa là chưa đạt tới mức khoa học.
Các công trình của Đặng Vũ Khúc có thể nói đã kết hợp được hai mặt rất khó kết hợp nói trên, nghĩa là: vừa đạt trình độ khoa học cao, vừa thiết thực phục vụ đất nước, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ngành công nghiệp khoáng sản ở Việt Nam.
Những khám phá của TS Đặng Vũ Khúc hoàn toàn không phải là “trò chơi trí tuệ”, rất thông minh nhưng biết đâu chẳng phải là… phù phiếm! Hoá thạch cổ sinh chính là chứng tích đặc trưng cho địa tầng, là phương tiện để đoán định chắc chắn rằng tầng nào trẻ, tầng nào già. Trật tự địa tầng có rành mạch, cấu trúc địa chất có rõ ràng, thì mới xác định được quặng nằm ở tầng nào. Tiền đề khoa học chưa sáng rõ thì chỉ có thể tìm khoáng sản một cách mò mẫm, ăn may.
Về mặt địa tầng học, Đặng Vũ Khúc đã mô tả và công bố 11 phân vị địa tầng mới, được sử dụng để viết sách thuyết minh cho tờ Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 – công trình tập thể đồ sộ, do Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao chủ biên, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Đĩnh đạc bước vào lâu đài khoa học
Tháng 10.1978, tại Đại học Mỏ Leningrad (Liên Xô cũ), Đặng Vũ Khúc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ: Hoá thạch động vật và địa tầng các trầm tích chứa than Trias thượng ở miền Tây Bắc, Bắc bộ, Việt Nam.
Năm 1990, tiến sĩ Tống Duy Thanh sang Pháp, theo lời mời của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris. Giám đốc bảo tàng này nhờ ông Thanh xác định một bộ sưu tập mẫu do các nhà địa chất Pháp ở Đông Dương thời 1920-1930 mang về nhưng chưa nghiên cứu, cho nên thiếu nhiều tư liệu cơ bản: tên của hoá thạch, vị trí địa tầng, địa điểm thu thập mẫu. Tiến sĩ Thanh nhận lời. Nhưng ông chỉ là chuyên gia về Đại cổ sinh (Paleozoi), thế mà ở bộ sưu tập lại có nhiều mẫu thuộc Đại trung sinh. Nhớ đến người bạn đang ở Leningrad, ông Thanh liền gửi thư mời bạn sang ngay Paris.
Sau khi dịch xong và đưa đi đánh máy bản luận án, Đặng Vũ Khúc xin phép nhà trường cho đi Paris một tháng. Công việc bảo tàng nhờ không có gì khó, ông và ông Thanh từ lâu đã “nhẵn mặt” các loài cổ sinh đó. Chỉ trong hai tuần, ông làm xong việc. Còn lại nửa tháng, ông tranh thủ đi Lyon, thăm một đồng nghiệp Pháp chuyên về hoá thạch “cúc đá” – một động vật ở kỷ Jura.
Tháng 6.1990, tại Đại học Mỏ Leningrad, Đặng Vũ Khúc bảo vệ thành công luận án Hệ Trias ở Việt Nam – cổ sinh, địa tầng và cổ địa lý. Luận án tiến sĩ khoa học lần này có tầm bao quát và nội dung phong phú hơn nhiều so với luận án tiến sĩ của ông năm 1978.
Ông được Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 1991.
Một số công trình ông viết bằng tiếng Anh đã được Liên hiệp quốc in tại New York như: Stratigraphy and Sedimentary basins of Vietnam (Địa tầng và các bể trầm tích ở Việt Nam), The Triassic in Vietnam and Adjacent Areas (Hệ Trias ở Việt Nam và các vùng lân cận), Paleogeography of Vietnam during the Triassic (Cổ địa lý Việt Nam trong kỷ Trias). Nhiều công trình khác của ông được in ở Nga, Anh, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, v.v…
Ông nhiều lần được mời làm giáo sư thỉnh giảng, dự hội nghị địa chất ở nước ngoài. Tháng 11.1995, tại Hà Nội, cùng với nhà địa chất Pháp Henri Fontaine, ông chủ trì Hội thảo quốc tế về Địa chất Đông Nam Á và các vùng phụ cận thu hút 256 nhà địa chất đến dự.
Năm 2005, bộ sách Các phân vị địa tầng Việt Nam, do Tống Duy Thanh và Đặng Vũ Khúc chủ biên, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in. Rồi cuốn Từ điển địa chất Anh-Việt, do Đặng Vũ Khúc soạn, được nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật ấn hành.
Sức làm việc của ông chưa suy giảm mặc dù tuổi đã vượt ngưỡng “cổ lai hy”…
Hàm Châu
Ảnh: Lê Quang Nhật
Lời khích lệ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Tháng 10.1961, tốt nghiệp kỹ sư địa chất, Đặng Vũ Khúc tham gia vào việc lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, do nhà địa chất Xô-viết Dovzhikov chủ biên. Tháng 2.1962, anh được cử sang Viện Địa chất Liên Xô ở Leningrad nghiên cứu trong ba tháng về hoá thạch thân mềm Trias và trở thành nhà cổ sinh vật học đại trung sinh (Mesozoi). Tháng 6.1963, anh lại được cử sang để tham gia tổng kết việc lập bản đồ, với trách nhiệm tổng kết về hoá thạch thân mềm và địa tầng Trias. Anh tổng hợp tài liệu và cùng 5 tác giả khác (3 Liên Xô, 2 Việt Nam) biên soạn cuốn Hoá thạch chỉ đạo địa tầng Trias miền Bắc Việt Nam. Ngoài việc biên soạn phần địa tầng chung, anh còn chịu trách nhiệm nhóm hoá thạch chân rìu với 61 loài (nhiều nhất) trong đó có 19 loài mới được mô tả lần đầu tiên trong khoa học.
Cuốn sách được Tổng cục Địa chất in năm 1965. Đó là sách chuyên khảo đầu tiên của ngành địa chất nước ta. Vì thế, một vị lãnh đạo tổng cục gợi ý anh nên gửi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chỉ một tuần sau, anh nhận được thư trả lời do Thủ tướng viết tay:
“Đồng chí Đặng Vũ Khúc thân mến,
Tôi đã nhận được bức thư và cuốn sách của đồng chí. Xin cảm ơn và mong đồng chí cùng các đồng chí khác trong nghề cố gắng, từng bước góp phần cống hiến của mình vào một sự nghiệp rất phức tạp đồng thời rất quan trọng của việc hiểu biết đất nước giàu đẹp của chúng ta.
Thân ái, Phạm Văn Đồng
11.10.1965”
Năm ấy, anh Khúc 34 tuổi. Lời khích lệ của Thủ tướng làm cho nhà địa chất trẻ rất phấn chấn.
Đến năm 2006, Đặng Vũ Khúc đã công bố 12 cuốn sách chuyên khảo và 113 bài báo khoa học (trong đó có 22 bài in ở Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch…); tự mình biên soạn hoặc tham gia biên soạn 4 bộ từ điển; tự mình xác lập hoặc tham gia xác lập 8 giống mới, 2 giống phụ mới và 86 loài mới đối với khoa học thuộc đại trung sinh. Nay tuy đã 75 tuổi, giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Khúc vẫn được tín nhiệm mời làm uỷ viên thường trực ban biên tập Tạp chí Địa chất (tiếng Anh và tiếng Việt) của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam. Không phải chỉ đứng tên, mà là làm việc thực sự, căng thẳng.