Tháng 12-2011, giới khoa học Việt Nam vui mừng chào đón một sự kiện quan trọng: Khởi công xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại TP Quy Nhơn – Bình Định.
Tỏa sáng trên đất Pháp
GS Lê Kim Ngọc sinh ra ở Vĩnh Long, năm 1 tuổi theo mẹ lên Sài Gòn. Một năm sau, mẹ mất, Ngọc được các anh chị nuôi ăn học. Chiếc nôi ươm mầm tri thức đầu tiên cho Ngọc là trường nữ Trung học Gia Long, tiếp đến là Trường Marie Curie và sau đó được tặng suất học bổng du học Pháp.
Cuộc đời sang trang…
Đó là năm 1953, Lê Kim Ngọc bắt đầu vào học tại Đại học Sorbonne (Paris). Không họ hàng, không người quen, Ngọc dành toàn thời gian cho học tập và nghiên cứu. Ba năm sau, nữ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp hạng ưu ngành khoa học tự nhiên và ở lại Pháp làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS).
Trong thời gian ấy, bà gặp Trần Thanh Vân – một du học sinh quê Quảng Bình cũng sang Pháp du học vào năm 1953. Vân cũng mồ côi từ nhỏ, nhà nghèo nhưng học rất giỏi. Mến tài nhau, cùng đam mê khoa học, một thời gian sau họ nên nghĩa vợ chồng (năm 1961).
Nhờ dồn hết tâm lực cho chuyên môn, ông bà đều tỏa sáng. Bật lên giữa một “rừng” nhà khoa học châu Âu là điều không phải dễ, vậy mà Trần Thanh Vân với hàng trăm công trình khảo cứu vật lý và khoảng 120 đầu sách đã xuất bản luôn được giới khoa học phương Tây… nể trọng.
Bà cũng trứ danh khi trở thành người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “Lát mỏng tế bào” (Thin cell layer). Vào những năm 1970, tạp chí khoa học Nature danh tiếng đã dành nhiều số liên tiếp đăng bài của GS Lê Kim Ngọc về phương pháp “Lát mỏng tế bào” khiến giới khoa học phương Tây và Việt Nam thán phục.
Tôi hỏi GS Lê Kim Ngọc: “Lát mỏng tế bào” được ứng dụng trong thực nghiệm khoa học trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào?”, bà cho biết: “Lát mỏng tế bào được ứng dụng hiệu quả trong công nghệ sinh học như nhân giống nhanh chóng và thuần theo cây mẹ; trong công nghệ ghép gien để tạo giống mới vì phải trắc nghiệm xem các cây vừa tạo ra đã nhập thực sự gien đó hay không. Ưu điểm của phương pháp này là các mầm được tạo ra ngay trên các tế bào gốc chứ không qua thể chai (còn gọi là thể sần – callus) nên hạn chế tình trạng đột chứng biến đổi gien (genetic variation)…”.
Trong cuốn sách Lát mỏng tế bào do nhà xuất bản Kluwer Academic ấn hành, GS người Canada Gamborg (Đại học Calgary) viết lời giới thiệu, ca ngợi công trình của GS Lê Kim Ngọc: “Lát mỏng tế bào – đó là phương pháp mang ý nghĩa mở đường, tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật”.
Trọn đời vì khoa học
Hai cô con gái của ông bà đã có gia đình riêng. Dù đã nghỉ hưu 10 năm nay nhưng vợ chồng GS Lê Kim Ngọc – Trần Thanh Vân vẫn tiếp tục những công việc liên quan mật thiết đến khoa học.
Ấy là 6 hội nghị khoa học đã mở tại Việt Nam được GS Trần Thanh Vân từ Pháp chủ xướng, kết nối và tổ chức. Ngoài kinh phí do ông cùng nhóm các nhà khoa học ở nước ngoài vận động, quyên góp, bằng uy tín với hơn 40 năm chuyên tổ chức những hội nghị khoa học quốc tế của mình, ông đã mời được rất nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel sang dự các hội nghị ở nước ta.
Có thể kể ra những tên tuổi lẫy lừng như Jack Steinberger (tháng 12-1993), Georges Charpak và Norman Ramsey (tháng 10-1995), James Cronin (tháng 11-1999), Jerome Friedman và Norman Ramsey (tháng 7-2000), James Cronin và Klaus von Klitzing (tháng 7-2006), Jerome Friedman (tháng 8-2008)…
Trong đó, kỳ công nhất là Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần đầu tiên được ông tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-1993 với sự hỗ trợ của GS Nguyễn Văn Hiệu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam).
Sự kiện đó được giới khoa học quốc tế đánh giá cao, mở đường cho những cuộc gặp gỡ khoa học tầm cỡ hơn sau này. Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Nhà nước Pháp tặng cho GS Trần Thanh Vân chính là phần thưởng cao quý ghi nhận công trạng của ông đối với khoa học.
Hàng chục năm nay, GS Trần Thanh Vân đỡ đầu cho rất nhiều tài năng trẻ Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu và vào đời thành đạt. Trong ông luôn đau đáu sở nguyện là làm sao để sinh viên, các nhà khoa học trẻ Việt Nam có điều kiện học hỏi từ giới khoa học quốc tế thật nhiều. Những hội nghị khoa học chính là cầu nối tri thức hữu hiệu mà ông là người bắc nhịp.
Khi nào còn sống, khi đó tôi còn cống hiến cho khoa học.
(GS Trần Thanh Vân)
Ghi nhận công lao của GS Trần Thanh Vân, tháng 11-2011, Viện Vật lý Mỹ quyết định tặng ông Giải thưởng Huy chương Tate vì “đã thể hiện xuất sắc vai trò của một nhà lãnh đạo trong cộng đồng vật lý quốc tế, qua việc tổ chức hàng loạt cuộc hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn suốt hơn thập niên qua”.
Tấm lòng cao cả
Quả là thiếu sót nếu kể chuyện vợ chồng GS Lê Kim Ngọc – GS Trần Thanh Vân mà không nhắc đến các hoạt động từ thiện ông bà đã và đang làm. Từng trải qua tuổi thơ cơ cực, ông bà đặc biệt chia sẻ với những trẻ em đồng hương cơ nhỡ, bất hạnh.
Từ năm 1970, họ lập Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (Aide à l’ enfance du Vietnam) tại Pháp, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, kiều bào cùng chung tay tạo quỹ. Cứ vào mùa Noel, bất chấp tiết trời lạnh giá, ông bà mang thiệp đến nhà thờ Đức Bà Paris bán. Được bao nhiêu, họ góp cả vào quỹ của hội. Rồi những dịp lễ, Tết, ông bà cũng làm thế. Theo thời gian, quỹ lớn dần lên.
Sau suốt 3 năm bán thiệp Noel, Làng Trẻ em SOS Đà Lạt được xây dựng và khánh thành vào năm 1974 từ số tiền của hội. Sau đó, Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế) và Trường Dạy nghề “Bánh mì Pháp” (tại Thủy Xuân) ra đời vào năm 2000 và đến năm 2006, Làng Trẻ em SOS Đồng Hới (Quảng Bình) đi vào hoạt động.
Ông bà Trần Thanh Vân đã kêu gọi tổ chức SOS Pháp và gia đình GS Odon Vallet (Đại học Paris Sorbonne) cùng tham gia với Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam để xây cất Làng Trẻ em SOS Đồng Hới.
Hiện nay, ở mỗi trung tâm có từ 60 – 150 em đang được nuôi dạy bằng kinh phí của hội. Các em trưởng thành, vào đời và luôn gắn bó với gia đình SOS của mình. Giá trị nhân bản cứ thế được nhân lên gấp bội!
Thật khó kể hết những hoạt động xã hội, từ thiện mà vợ chồng GS Lê Kim Ngọc – GS Trần Thanh Vân đã làm. Những tấm huy chương, bằng khen… mà Chính phủ và chính quyền các địa phương nước ta cũng như các cơ quan quốc tế trao tặng cho ông bà đã phần nào nói lên điều ấy, như một sự tri ân chân thành. Còn đối với ông bà, tích cực làm công tác khoa học và xã hội – từ thiện là lẽ sống; để góp sức cho quê hương, trả ơn nơi chôn nhau cắt rốn.
Hương Ly
Nguồn: nld.com.vn/2012011010254918p0c1017/danh-het-cho-que-nha.htm