Đạt chức danh GS không có nghĩa là ngừng học

Mới đây tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 59 Giáo sư và 585 Phó Giáo sư. Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Gây mê hồi sức, ĐH Y Hà Nội vinh dự nhận được quyết định trở thành Giáo sư năm 2014, anh cũng là Giáo sư trẻ nhất ngành Y đến thời điểm này.

Hơn 20 năm gắn bó với ngành Gây mê hồi sức, với hơn 100 công trình nghiên cứu cùng với cộng sự, các bài báo được đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước, với giải thưởng nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương về chuyên ngành Gây mê hồi sức, nhưng khi được hỏi về bản thân, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú điềm đạm trả lời: “Chỉ nên nói về ngành thôi chứ về thành tích của cá nhân tôi có đáng kể gì”.

Song sự khiêm nhường ấy lại trái ngược với sự quyết tâm, bền bỉ của anh trong nghiên cứu cũng như đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Nhắc đến các công trình nghiên cứu về cấp cứu chấn thương, đánh giá độ nặng và tiên lượng bệnh nhân chấn thương của anh không ít người trong ngành y còn lạ lẫm. Đây cũng là đề tài nghiên cứu Tiến sỹ mà anh đã dày công trong nhiều năm và đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước.

Giáo sư Nguyễn Hữu Tú-Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội

Theo chuyên ngành Gây mê hồi sức sau khi tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội, sau những năm lăn lộn học tập, nghiên cứu và làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú cho rằng chấn thương nói chung là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế và toàn xã hội và ở hầu hết các nước vì đa số nạn nhân ở tuổi lao động, tỷ lệ tử vong cao và nhiều di chứng nặng nề.

“Khi bệnh nhân chấn thương nhập viện hoặc các cơ sở y tế, việc đánh giá bệnh nhân nặng hay nhẹ dễ mang tính chủ quan của từng bác sĩ, nếu không có thang điểm hay tiêu chuẩn cụ thể và khách quan để đánh giá. Nếu đánh giá quá nặng thì sẽ can thiệp cho bệnh nhân một cách thái quá hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, góp phần gây nên tình trạng quả tải hoặc rủi ro trên đường vận chuyển. Ngược lại nếu đánh giá quá nhẹ thì can thiệp sẽ không đúng lúc, không kịp thời, không đủ mạnh bệnh nhân sẽ có nguy cơ nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Do đó, đánh giá đúng độ nặng và tiên lượng sớm bệnh nhân chấn thương sẽ cho phép đưa ra các quyết định xử lý đúng đắn, kịp thời có vai trò quan trọng trong cấp cứu chấn thương, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong sớm cho bệnh nhân chấn thương trong cấp cứu. Ngoài ra đánh giá đúng độ nặng chấn thương cũng là những công cụ để phân tích, đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân chấn thương một cách khách quan nhất”, Giáo sư Tú chia sẻ.

Trong nghiên cứu khoa học hay với cương vị là Phó Hiệu trưởng một trường Đại học có truyền thống đào tạo y khoa lớn nhất nước, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú quan niệm mọi thành công đều phải có nguồn gốc từ lòng đam mê, tâm huyết với nghề, làm việc có trách nhiệm, bền bỉ và liên tục.

Vẫn phải tiếp tục phấn đấu

Từ làng quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, năm 1984 Nguyễn Hữu Tú thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội. Lúc ấy việc một học sinh thi đỗ vào trường Đại học đơn giản chỉ là một cuộc thoát ly khỏi vùng quê nghèo. Bằng sự ham học, ham hiểu biết nên sau 6 năm miệt mài trên ghế nhà trường, Nguyễn Hữu Tú đã quyết tâm thi đỗ bác sỹ nội trú chuyên ngành Gây mê hồi sức, cơ hội tốt nhất để trưởng thành cho bất cứ sinh viên nào của trường y. Cũng từ đây nhờ những kết quả học tập và rèn luyện anh được giữ lại làm giảng viên của trường.

GS Nguyễn Hữu Tú tham gia điều khiển một hội nghị quốc tế tại Hongkong 2009

Với tâm niệm “Muốn làm giảng viên tốt thì trước hết phải trở thành một bác sĩ tốt”, Nguyễn Hữu Tú đã có gần 20 năm là bác sĩ Gây mê hồi sức ở Bệnh viện Việt Đức-một trong những trung tâm ngoại khoa lớn nhất cả nước. Anh tâm sự, gắn bó với ngành Gây mê hồi sức đối với anh như duyên trời định. Chứng kiến một bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng, gia đình xin đưa bệnh nhân về để chuẩn bị các thủ tục tiễn biệt. Song khi trở về nhà, gia đình thấy bệnh nhân có những dấu hiệu sống liền đưa trở lại bệnh viện. Tại đây, anh cùng các đồng nghiệp đã cứu được bệnh nhân, sau này bệnh nhân đã tỉnh lại và sống khỏe mạnh. Dù Gây mê hồi sức là công việc thầm lặng, căng thẳng, đối mặt thường xuyên với nhiều nguy cơ, nguy hiểm, giữa sự sống và chết nhưng những thành công trong công việc, những phát hiện trong nghiên cứu… đã trở thành niềm vui và là động lực để anh càng gắn bó và yêu nghề.

Trong tâm niệm của Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, việc gắn kết giữa đào tạo và thực hành, nghiên cứu và ứng dụng  kết quả nghiên cứu trong thực hành là yêu cầu cần thiết của người thầy thuốc. Hiện nay, ngoài công tác đào tạo, giảng dạy, anh còn tham gia khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, là Trưởng khoa Gây mê hồi sức và chống đau, đóng góp vào sự thành công của bệnh viện trong những năm qua.

Trăn trở về cách dạy và học hiện nay trong trường Y, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú bày tỏ: “Chúng tôi luôn suy nghĩ cần phải tiếp tục đổi mới trong đào tạo làm sao phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tế, và hội nhập quốc tế. Tôi cũng muốn nhắn nhủ sinh viên rằng: muốn trở thành một thầy thuốc tốt thì sinh viên phải toàn tâm toàn ý với việc học tập, rèn luyện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường; đặc biệt đối với các học viên sau đại học là học để ra làm nghề chứ không phải học để có bằng cấp”.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú mỉm cười: “Chức danh Giáo sư là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm cao hơn chứ hoàn toàn không phải là sự kết thúc học tập, nghiên cứu để nghỉ ngơi…đó là trách nhiệm đào tạo, định hướng nghiên cứu cho học trò, giúp các em có thể trở thành những thầy thuốc tốt, thầy giáo tốt trong tương lai”.


Kim Anh
/VOV.VN
Nguồn: www.vov.vn/xa-hoi