Tôi sinh ngày mồng một tết năm Tân Mùi (17-2-1931) tại Vĩnh Long trong tiếng pháo nổ tưng bừng của mọi nhà nhân dịp đón Năm mới. Vì lẽ đó mà cuộc đời tôi gặp nhiều may mắn. Cái may thứ nhất là, tuy sinh ra trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn do giặc Pháp xâm lược, kinh tế khủng hoảng nhưng tôi không bị thất học, đó là nhờ ông nội làm thầy đồ quyết giữ truyền thống trọng đạo nghĩa: hiếu học, có chí vươn lên. Ông tôi thức thời cho cha tôi học tây học để mở mang kiến thức.
Tôi là con út trong gia đình 7 người con (4 trai, 3 gái), tên được ông nội và ba tôi đặt theo thứ tự Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Khi tôi ra đời, ba tôi làm tri huyện được đi nhiều tỉnh miền tây từ Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre đến Bạc Liêu, Hà Tiên… nên tôi quen với chuyện thuyên chuyển, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh. Hai anh lớn của tôi sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần ở Mỹ Tho và Sài Gòn đều ra Hà Nội học. Anh thứ ba tên là Trung thì học Đại học Y Dược tại Hà Nội từ 1940, còn anh thứ tư tên Nhân học ngành Lâm nghiệp.
Khi tôi ở tuổi thiếu niên, Pháp tái chiếm Nam Bộ (9-1945), khi đó anh Trung và anh Nhân đã quay về Nam bộ theo lời kêu gọi “Xếp bút nghiên lên đường đấu tranh” và thoát ly gia đình vào bưng biền tham gia kháng chiến. Cha biết chuyện tôi liên lạc với các anh vì có ý đồ ra chiến khu theo anh Nhân, ông đã bảo: Các anh con đã trưởng thành có nghề nghiệp mới làm được việc có ích cho kháng chiến, còn con bây giờ phải học cho có kiến thức vững chắc. Ba thấy tình hình trong nước lúc này không ổn định, ba muốn con sang Pháp học thành tài rồi trở về góp phần tái thiết đất nước khi độc lập thì ba mừng nhất.
Tôi cũng ham đi xa cho mở rộng tầm nhìn nhưng vẫn phân vân:
– Nhưng ba không có sản nghiệp, làm sao nhà ta có tiền cho con du học bên Pháp? (Hỏi vậy, vì biết lúc này tuy bố là tỉnh trưởng Vĩnh Long nhưng rất thanh liêm, lại vì con cái đông nên chỉ đủ cho các con ăn học trong nước).
– Đúng vậy, ba không có tài sản gì nhưng có thể cho con tấm vé tàu biển hạng tư rẻ nhất và ít tiền lộ phí. Qua đó ba tin là con có sức khỏe, tháo vát, con có thể xoay sở vừa học vừa làm…
Tôi ngẫm nghĩ ba tôi nói phải nên nghe theo.
Phó giáo sư Trương Công Tín trong buổi làm việc với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2014
Cuộc sống tự lập nơi xứ người
Năm 1949, khi ở tuổi 18, tôi sang Pháp vào học thi tú tài phần thứ nhất một năm tại Chartres, và ở nội trú trong trường Lycee Marcaux cách thủ đô Paris gần 100km.
Năm 1950, học tú tài phần thứ 2, tôi lên Paris để có thể vừa học vừa làm. Lúc đầu làm khuân vác hàng ban đêm ở chợ rất vất vả, nên sau đó tôi chọn việc rửa bát đĩa ở nhà hàng để có thể tự lo cho cuộc sống.
Sau khi đậu tú tài, tôi định học ngành Y theo gương anh Trương Công Trung (anh trai thứ ba) để chữa bệnh cứu người. Vì tôi nhớ rất rõ rằng: Anh Trương Công Trung đang là sinh viên Y5, trường Đại học Y Dược tại Hà Nội, khi Nhật đảo chính Pháp anh đã cùng anh em sinh viên Nam kỳ “cưỡi ngựa sắt” trở về quê hương. Thời gian đó, anh không để thời gian rảnh mà đi chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo và nhờ chị thứ hai mua dùm thuốc tây như quinin, ganidan, aspirin… để chữa bệnh sốt rét, các bệnh nhiễm trùng… Tôi cũng tham gia phụ giúp anh chèo thuyền tam bản đến với bệnh nhân, phân phát thuốc và gói thuốc. Bà con quanh vùng tín nhiệm anh Trung như bác sĩ thực thụ. Thời gian đó, đồng hành với anh Trung, tôi thấy cảm phục việc làm nhân nghĩa của anh đồng thời tôi thấy đau xót cho cảnh khốn khó của người nông dân vừa không được tiếp cận với cơ sở y tế, thậm chí có người mất đi mạng sống vì không có tiền mua thuốc.
Học xong năm PCB (Lý-Hóa-Sinh), năm thứ nhất khi khám sức khỏe tôi có mấy đốm chớm lao phổi nên phải chuyển ngành học. Tôi học chuyên ngành Khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Sorbonne, Pháp. Bên cạnh việc học ở trường, ông Trần Văn Khê, một trí thức Việt kiều, chuyên về âm nhạc dân tộc có cho tôi dịch và lồng tiếng cho một số bộ phim vì thế công việc cũng thú vị hơn. Ngoài việc học và làm thêm, tôi tham gia Đảng Cộng sản Pháp và các hoạt động của Hội Văn hóa liên hiệp do ông Phạm Huy Thông phụ trách. Từ 1950-1951, tôi đi biểu tình với anh em thanh niên cộng sản Pháp đòi thả anh thủy thủ Henri Martin bị tù giam từ 1950 đến 1953 vì rải truyền đơn chống cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam. Công việc này có lần bị cảnh sát truy đuổi và tịch thu băng-rôn. Thông qua hoạt động đoàn thể và dịch phim, tôi có quen thân và lấy con gái chí sĩ Nguyễn An Ninh ở Nam Bộ tên là Nguyễn Thị Bình làm vợ. Ông đã hy sinh tại Côn Đảo năm 1943. Vợ tôi là sinh viên trường Polytechnique feminine ở Paris dành riêng cho nữ. Thời gian đầu lấy nhau, vợ tôi vừa phải đi học vừa phải làm thêm công việc gia sư để có tiền chăm lo cho gia đình.
Nhiều lúc, tôi có ý định thi vào trường Sciences Politiques vì cũng ham học kinh tế chính trị, lịch sử nhưng được ông Phạm Huy Thông khuyên nhủ: Nước mình là nước nông nghiệp lạc hậu, cậu lại quê ở miền Tây Nam Bộ nơi ruộng đồng thẳng cánh cò bay có thể phát triển nông nghiệp tiên tiến nên học nông học sẽ có ích hơn.
Quả nhiên khi đã có những chứng chỉ về Lý –Hóa –Sinh, Thực vật học, Thổ nhưỡng học, Địa chất học, theo qui chế tôi chỉ cần học hai năm chuyên môn ở Đại học Nông nghiệp Nancy (miền Đông Bắc nước Pháp) là tốt nghiệp và lại được học bổng cao. Nhờ được học ông thầy dạy nổi tiếng về Thổ nhưỡng lại có uy tín quốc tế, như được truyền niềm đam mê với đất đai thổ nhưỡng, nên tôi càng say sưa đi chuyên sâu vào ngành này, từ việc lập bản đồ thổ nhưỡng nông nghiệp đến việc khám phá những điều lý thú trong đất để đưa ra áp dụng đem lại lợi ích cho đời sống. Tuy nhiên theo ý kiến của ông Phạm Huy Thông và một vài thầy giáo ở trường là, sau khi tốt nghiệp kỹ sư nông học, tôi cần phải nghiên cứu thêm các vùng nông nghiệp nhiệt đới tại một số nước châu Phi có khí hậu gần giống với nước ta mới có lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật sau này khi về nước..
Năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc cần nhiều cán bộ các ngành cho công cuộc xây dựng đất nước cho nên có nhiều anh chị em quê ở miền Nam phần lớn hoạt động trong Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp đã lần lượt về nước. Vợ tôi cũng về cuối năm 1957 để nhập vào khung cán bộ khoa học kỹ thuật cho Khu gang thép Thái Nguyên sau này. Năm 1958 nhờ các thầy ở Đại học Nông nghiệp Nancy giới thiệu với các chuyên gia nông học ở Cơ quan Nghiên cứu khoa học kỹ thuật hải ngoại (Office de recherches scientifique et technique d’Outre-mer), tôi lên tàu biển sang Cốt Đi-voa (Cote d’Ivoire)[1] thuộc Pháp ở châu Phi làm nghiên cứu viên về Nông nghiệp vùng nhiệt đới có hưởng lương tại cơ quan này ở thành phố Abidjan. May mắn thay trên chuyến tàu tôi được làm quen với Tổng thống Cốt Đi-voa và phu nhân. Đoàn cán bộ cấp cao tháp tùng Tổng thống có các Viện trưởng của các viện nghiên cứu trong đó có nông nghiệp, tôi đã làm quen và có quan hệ tốt với họ. Ít lâu sau, đến ngày quốc khánh, Tổng thống Cốt Đi-voa đã mời tôi đến dự tiệc khiến các nhà khoa học làm việc ở cơ quan Khoa học hải ngoại rất ngạc nhiên về sự ưu ái này.
Mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài.
Làm việc ở cơ quan Nghiên cứu hải ngoại này có các phòng thí nghiệm hiện đại, các trang trại rộng mênh mông trồng các loại cây nhiệt đới để nghiên cứu, tôi thấy rõ tầm quan trọng của cơ quan này như một “vương quốc nghiên cứu khoa học” dành cho các chuyên gia tầm cỡ quốc tế. Đây là nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành không riêng người Pháp, có đủ các bộ môn khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến rất nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Khi thấy tôi chịu khó học hỏi, tìm hiểu cặn kẽ, họ đã giới thiệu tôi đi đến các nước có thể mạnh về các loại cây trồng, như đi khảo sát ở Senegal – mạnh về gạo, ngô, lạc, ca cao, trong khi Cốt Đi-voa mạnh về gạo và cafe. Ngoài ra, tôi đã đi các nước thuộc vùng Địa Trung Hải có thế mạnh về cây lấy dầu và cây ăn quả như Maroc, Angieri, Tuynisi…
Chỉ sau hơn một năm được làm việc trong một môi trường khoa học nghiêm túc với các chuyên gia giỏi và đầy nhiệt tình, tôi thu hoạch được những tri thức rất phong phú, những kỹ năng thực nghiệm cùng cách tổ chức nghiên cứu liên ngành kết hợp chặt chẽ với nhau để phục vụ nông nghiệp một cách toàn diện. Một điều may mắn là tôi đi tới đâu cũng được tiếp đãi rất nhiệt tình và họ giải đáp mọi vấn đề cần tìm hiểu trên cơ sở là đồng nghiệp bình đẳng. Nhờ đó tôi kết nối được những mối quan hệ quốc tế rộng rãi và bền vững rất có lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm sau này khi ta mở cửa ra thế giới sau chiến tranh chống Mỹ thắng lơi. Ví dụ, từ năm 1976-1993, chuyên gia giỏi về cây công nghiệp người Bỉ Laudeloup đã sang Việt Nam làm cố vấn cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.
Năm 1960, từ châu Phi trở về Paris tôi đem theo các sách quí thuộc các lĩnh vực cần cho nông nghiệp và chuẩn bị xin về nước. Tuy nhiên, do một vài lý do mà tôi không được cấp phép về nước. Giữa lúc đang buồn thì tôi được một người bạn Angieri cùng thời đại học giới thiệu sang Angieri dạy học vì họ đang thiếu giảng viên. Tôi quyết định sang Angieri dạy học 1 năm với tư cách là chuyên gia tư vấn về lĩnh vực nông nghiệp. Tôi làm việc ở Algieri một thời gian, do quá sốt ruột về việc tôi chưa được về nước nên vợ tôi đã gặp ông Ung Văn Khiêm lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trước đây có quen thân với bố vợ tôi là Nguyễn An Ninh khi còn hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ để xin cho tôi về nước. Ông Ung Văn Khiêm xem xét đề nghị của gia đình tôi và viết thư gửi sang Paris với nội dung: Việt Nam đồng ý nhận anh Tín về làm việc trong nước.
Được lời như cởi tấm lòng –Trở về nước
Đầu năm 1962, tôi vui mừng trở về nước khi nhận được quyết định với một hành trang 13 năm du học là những kiến thức mà tôi đã tích lúy được cùng 4 hòm sách chuyên môn nông nghiệp mà bấy lâu tôi dày công thu thập.
Sau hành trình dài đi một mình qua Moskva và Bắc Kinh về Hà Nội, tôi tham gia đợt chỉnh huấn do Mặt trận tổ quốc tổ chức và được ở cùng tổ với ông Lương Định Của[2]. Ông Của đã giúp tôi hiểu thêm những khó khăn thực tế mà tôi cần vượt qua. Theo ý kiến của ông Lương Định Của, tôi về dạy học ở Học viện Nông Lâm để kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo kỹ sư nông nghiệp. Tại đây, tôi dạy môn Thổ nhưỡng học cùng anh Phạm Tám (kỹ sư ở Pháp về từ 1956, chuyên phân tích về đất) xây dựng phòng thí nghiệm Nông hoá- Thổ nhưỡng ở Chèm. Cùng thời gian này, thấy tôi có nhiều sách tiếng Pháp hay nên anh Đường Hồng Dật[3] – Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật khuyên tôi để lại cho thư viện của Học viện vì lúc đó rất hiếm sách mới cần tham khảo.
Cũng vào năm 1962, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc đó phụ trách nông nghiệp, đề nghị chuyên gia đầu ngành nông nghiệp Lương Định Của thành lập một đoàn nghiên cứu đề án xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến theo hướng hiện đại hóa, làm thí điểm ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ông Lương Định Của đề nghị tôi tham gia đoàn này. Đúng tâm nguyện thích làm việc gắn với đồng ruộng, nên tôi đã tham gia đoàn nghiên cứu, “ba cùng với nông dân”. Tôi luôn tâm đắc lời chỉ dạy của ông Lương Định Của: là kỹ sư nông học cần phải học làm việc với nông dân ở tất cả các thao tác nông nghiệp như một người nông dân thực thụ, thì mới hiểu cách làm, suy nghĩ và tâm tư bà con, từ đó mới có thể nghiên cứu đúng hướng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Phó giáo sư Trương Công Tín
Đoàn chúng tôi đi khảo sát thực địa đã chọn hợp tác xã thí điểm mang tên Đông Phương Hồng ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân để xây dựng mô hình mới một cách khoa học. Cánh kỹ sư trẻ chúng tôi đã cùng ông Của xắn quần lội ruộng, miệng nói tay làm cùng bà con nông dân trong tất cả các khâu canh tác như làm bờ vùng bờ thửa, be bờ giữ nước, căng dây thẳng hàng cấy lúa đúng kỹ thuật v.v… Song song với việc chỉ đạo thâm canh tăng năng suất trên ruộng hợp tác xã, ông Của còn hướng dẫn chúng tôi làm đề tài nghiên cứu thí nghiệm lai tạo giống với thực tế sinh động ngay tại đồng ruộng. Chúng tôi còn quan tâm việc xây dựng, đào tạo những thanh niên xã viên tích cực nhất có trình độ học vấn phổ thông trung học, có khả năng tiếp thu nhanh để trở thành nhân viên kỹ thuật làm nòng cốt cho hợp tác xã mới thành lập. Chúng tôi dạy cho họ những công việc quan sát, theo dõi quá trình tăng trưởng của lúa rất cơ bản đã học được từ ông Của cho đến làm bản đồ đất của hợp tác xã, diện tích cây trồng, sổ sách quản lý nhân lực, quản lý cây trồng, có lịch công tác hàng ngày cụ thể để sau khi chúng tôi quay trở lại trường thì họ có thể đảm đương công việc mới mẻ này một cách vững vàng, tự tin.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Bái, một kiện tướng trồng khoai lang ở xã bên khi được chúng tôi thuyết phục đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật về lúa và thành công. Sau này ông được phong Anh hùng lao động năm 1967. Từ thành công của ông Bái đã giúp bà con nông dân phấn khởi, có thêm niềm tin áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng để cải thiện đời sống cho gia đình, cho quê hương.
Trong ba năm làm việc ở Thanh Hóa từ 1963 đến 1965, nhờ được sát cánh với GS Lương Định Của mà tôi học được rất nhiều điều bổ ích về chỉ đạo điểm sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện ở nước ta. Tôi nhận ra rằng ngoài việc giảng dạy chuyên môn trên giảng đường cho sinh viên, người kỹ sư nông nghiệp phải thuyết phục bà con nông dân thay đổi cách suy nghĩ cũ, mạnh dạn áp dụng biện pháp kỹ thuật đã được chứng minh cụ thể đưa đến năng suất cao. Và trước hết biết dựa vào lực lượng thanh niên tích cực làm nòng cốt cho tiến bộ kỹ thuật. Hiện đại hóa nông nghiệp là một quá trình gian khổ lâu dài, không phải chỉ hô khẩu hiệu suông là xong.
Năm 1967, khi Mỹ đánh phá đến ngoại vi Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiệm vụ mới là cùng GS Lương Định Của lên hợp tác xã Tam Phúc ở Vĩnh Phú nghiên cứu về các giống lúa lai để tạo ra giống lúa mới nhằm bảo toàn kho giống, đề phòng trường hợp rủi ro kho giống quốc gia ở Hà Nội bị địch đánh phá. Trong 2 năm 1967-1968, vẫn kết hợp chỉ đạo thâm canh tăng vụ cho hợp tác xã, GS Của và anh em kỹ sư chúng tôi còn tạo thêm nhiều giống lúa mới năng suất cao. Bà con nông dân thấy tận mắt cách làm khoa học và họ tin tưởng áp dụng vào ngay vụ mùa hay vụ chiêm trên diện rộng. Họ còn truyền tụng mãi giống lúa mới 813 của bác Của thay thế giống lúa mùa cũ nhờ đặc tính kháng bệnh vàng lụi mạnh mẽ hay giống mới 828 ngắn ngày cứng cây cho năng suất cao thay thế giống lúa chiêm cũ của địa phương.
Trong quá trình làm ở Tam Phúc, tôi phát hiện ra loại trùng nematode (tuyến trùng) nằm trong đất mà tôi đã thấy ở châu Phi. Tôi trực tiếp liên hệ với Cơ quan nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới hải ngoại của Pháp lúc này có phân viện ở Pháp bên bờ Địa Trung Hải để kiếm tài liệu xử lý loại trùng này và cử cán bộ đi học. Bộ Nông nghiệp cử chị Võ Mai[4] chuyên viên về sâu bệnh của Bộ sang phân viện ở Pháp học nhằm nâng cao nghiệp vụ về bảo vệ thực vật. Thời gian này, chúng tôi cũng đã đón nhận các sinh viên bên Pháp sang thực tập tốt nghiệp và hướng dẫn họ làm khóa luận tốt nghiệp.
Về với Nam bộ và những năm tháng đam mê, hết lòng vì nông nghiệp nước nhà
Năm 1972, Trung ương chỉ thị cho Ban Thống nhất cử ngay một đoàn cán bộ có chuyên môn đi B để làm bản đồ đất vùng giải phóng với mục đích đem sang Paris phục vụ cho cuộc đàm phán đang ở thế giằng co. Lúc đó, tôi tình nguyện lên đường.
Đoàn chúng tôi gồm 4 cán bộ: trưởng đoàn là ông Nguyễn Đăng – quyền Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp 1, anh Cao Liêm – Trưởng bộ môn Thổ nhưỡng, anh Phan Văn Khải chuyên viên kinh tế và tôi. Đoàn chúng tôi lên đường đi B với tư cách là cán bộ quân đội của Tổng cục Hậu cần. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ các đơn vị quân đội, đoàn chúng tôi bất chấp bom đạn của Mỹ, làm ngày làm đêm để hoàn thành bản đồ đất đai vùng giải phóng mà may mắn không ai bị dính bom đạn địch. Khi gửi được bản đồ cụ thể của vùng giải phóng sang Paris cho Trưởng đoàn đàm phán – ông Lê Đức Thọ, kết quả là cố vấn an ninh Mỹ Henry Alfred Kissinger không còn kiếm chuyện khó dễ với ta về quyền kiểm soát các vùng đất.
Năm 1973, sau khi hoàn thành công việc này, tôi được cử đi B lần thứ 2 với nhiệm vụ xây dựng một trường Nông nghiệp thuộc quân đội với mật danh H10, sát biên giới Campuchia có gần 100 học viên do Binh đoàn 600 của quân đội quản lý. Tôi đã hình dung những khó khăn trong vấn đề xây dựng trường học ở vùng giải phóng vì thiếu thốn nhiều bề. Lúc này được sự ủng hộ trực tiếp của ông Phạm Hùng đặc trách phía Nam, tôi đã chất lên xe tải quân sự tất cả những dụng cụ đồ nghề cần thiết nhất cho giảng dạy và thực hành thí nghiệm chuyên môn vượt đường Trường Sơn vào thẳng Bình Phước. Đến ngày giải phóng miền Nam 1975, chúng tôi đã có trong tay những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nòng cốt cho các địa phương miền Nam vừa có tay nghề vừa biết làm dân vận tốt đối với đồng bào miền núi.
Ngày 30-4-1975, sau khi được đồng hành với đoàn quân vào giải phóng Sài Gòn, tôi là thành viên Ban Quân quản tiếp quản thành phố và may mắn tái ngộ với gia đình. Ba má tôi tuy già nhưng còn khỏe, bốn anh em trai gặp lại nhau sau ba mươi năm ròng rã nên vui mừng khôn siết. Tôi được ông Võ Văn Kiệt, lúc này là Bí thư Đảng của Ban Quân quản đặc trách khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, phân công tiếp quản khu vực các trường Đại học, Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nên tôi có điều kiện được gặp lại một số bạn bè đã từng du học ở Pháp. Năm 1976, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt muốn giữ tôi lại làm việc tại UBND thành phố, nhưng tôi muốn dành niềm đam mê với đồng ruộng nên đã xin về Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam lúc đó thuộc miền Đông Nam Bộ (sau này là Viện Kỹ thuật Nông nghiệp Đông Nam Bộ).
Trong thời gian công tác ở miền Nam từ 1976, tôi có điều kiện đi khảo sát điều tra cơ bản tất cả các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ Phan Rang, Phan Thiết, Sông Bé, Đồng Nai… đến Bà Rịa- Vũng Tàu để lập bản đồ đất miền Đông. Tiếp đến, tôi cộng tác với GS.TS Lê Duy Thước và các cán bộ chủ chốt của Viện Đất- Phân để thực hiện chương trình lập bản đồ Thổ nhưỡng toàn quốc hoàn thành trong hai năm 1977-1978. Từ năm 1978 đến 1987, khi đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, tôi đã làm chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu sử dụng đất miền Nam mang mã số 02-11; Lập bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1:100.000 cho Thành phố Hồ Chí Minh kèm bản đồ thứ 2 về diện tích cây trồng và bản đồ thứ 3 về sử dụng cây trồng, bản đồ thứ 4 về diện tích đất có vấn đề hậu quả chiến tranh hủy diệt, nhiễm chất độc da cam như ở huyện Cần Giờ …
Mở rộng quan hệ quốc tế.
Tôi có điều kiện tham gia nhiều dự án quốc tế: Giám đốc dự án ISA-VIR thu thập bảo quản nguồn gen với giống di truyền của Liên Xô (1981-1985); Giám đốc Dự án phát triển lúa cạn với Viện Nông nghiệp Pháp và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp nhiệt đới CIRAD (1985-1997); Chủ nhiệm chương trình Phát triển ngô Việt Nam với cơ quan UNDP của Liên hợp quốc (1987-1991). Thông qua các dự án, chương trình hợp tác với quốc tế, tôi đã có dịp trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ được sự giúp đỡ của họ để cử các cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ ở nhiều nước. Đặc biệt, như mối quan hệ tốt đẹp với GS Laudeloup – thầy hướng dẫn ở Pháp mà tôi đã mời được ông làm cố vấn cấp cao cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đồng thời ông cũng tạo điều kiện cho tôi đi tham quan thực tập tại Bỉ. Qua tiếp xúc, làm việc Tổ chức viện trợ phi chính phủ tại Bỉ đã viện trợ 2 phòng thí nghiệm hiện đại đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu ở Tiền Giang cùng 4 suất học bổng. Sau này, 4 cán bộ được cử đi học đề trở thành những cán bộ kỹ thuật cốt cán trong lĩnh vực của họ. Sự giúp đỡ của các tổ chức, đồng nghiệp quốc tế đã tạo điều kiện cho cán bộ nông nghiệp đi thực tập ở nhiều nước, xây dựng được mạng lưới cán bộ nông nghiệp gắn bó với cơ sở, hết lòng vì sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại hóa.
Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc ít người nơi biên cương.
Việc trồng giống ngô lai cao sản ở nước ta lâu nay gặp khó khăn vì thiếu giống lai thuần chủng. Rất may, một lần Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt sang thăm hữu nghị Thái Lan được Chủ tịch Tổng công ty Nông nghiệp Charoen Porhan Thái Lan (gọi tắt CP Group) tặng 10 tấn hạt giống ngô cao sản. Đang loay hoay tìm giống ngô lai cao sản, tôi được báo làm thủ tục tiếp nhận và triển khai việc sử dụng 10 tấn giống ngô này. Tôi lập phương án sử dụng và báo cáo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn sẽ chia đôi số lượng hạt giống ngô cao sản đó cho cả hai miền Nam và Bắc và được đồng ý. Ngay sau đó, tôi làm một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về giống ngô lai này và triển khai thực hiện trong 2 năm (1992-1993). Tôi quyết định chọn nơi đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng sinh sống, ở Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước gần biên giới Campuchia để tiến hành thực hiện mô hình sản xuất mới làm thí điểm gọi là điểm sáng nhằm rút kinh nghiệm và có cơ sở tỏa ra diện rộng sau này.
Ngay trong vụ đầu chúng tôi tiến hành trồng để so sánh trên hai thửa ruộng ngô liền kề, một bên trồng giống ngô sẵn có trong bà con, một bên trồng giống ngô lai cao sản của Thái Lan có áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Hàng ngày bà con nông dân thấy rõ quá trình sinh trưởng của cây ngô ngô lai cao sản vượt trội hơn như thế nào, kết quả cuối cùng sau 3 tháng đã thu hoạch ngô lai với năng suất tăng gấp 3 lần giống ngô cũ tức là từ 1,5 tấn/ha lên 4,5 tấn/ha. Đặc biệt, tại Đồng Nai còn thu hoạch được 6 tấn, khiến cán bộ tỉnh mời Công ty giống Thái Lan vào đầu tư xây dựng nhà máy tại chỗ. Và ngay sau vụ đầu tiên, bà con nông dân đua nhau đăng ký làm hợp đồng nhận giống mới, tích cực dự lớp tập huấn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Họ đã thành công và trở thành "điểm sáng" được nhiều địa phương khác đến học tập kinh nghiệm.
Ở Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tôi đã thành lập câu lạc bộ Nông dân nắm chắc kỹ thuật tiên tiến, mà thành viên là những thanh niên giỏi, tích cực. Nhiều thanh niên ở câu lạc bộ sau này trở thành "trợ giáo khuyến nông" hướng dẫn cho những người đến tìm hiểu, học tập cách làm ăn mới. Đồng thời, chúng tôi mời các phóng viên về địa phương tận mắt chứng kiến thành quả của bà con để truyền thông, quảng bá điển hình. Việc trồng ngô lai cao sản cũng được Đại học Nông Lâm Huế đưa về áp dụng thành công ở huyện A Lưới ven dãy Trường Sơn giáp Lào, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số rất nghèo do chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tránh tàn phá hủy diệt môi trường sống. Tôi thường nói với các sinh viên và kỹ sư thực tập rằng: “Tại những nơi đồng bào thiếu số sinh sống khi làm công tác khoa học phải chịu “nằm vùng” ba cùng với bà con, chỉ dẫn bằng việc làm cụ thể đến khi họ thu hoạch tốt thì mình cũng có được niềm vui mà quên hết mệt nhọc”.
Hai điển hình tiên tiến người S'tieng nhận giải thưởng trong Hội nghị sơ kết Xây dựng mô hình áp dụng tiên tiến trong nông nghiệp tại sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, năm 1996 (Ảnh do PGS.TS Trương Công Tín chụp)
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là giống ngô này được đưa ra miền Bắc lại không được coi trọng vì không làm hợp đồng chặt chẽ, vẫn phân phối theo cơ chế cũ "xin-cho", để mặc địa phương làm tùy tiện nên kết quả là năng suất không cao, nông dân không tin tưởng và họ cũng không nâng được trình độ canh tác. Phải mấy năm sau, qua nhiều đợt tham quan và hội thảo việc trồng ngô lai cao sản này mới được nhân rộng ra cả nước từ miền xuôi đến miền ngược.
Chuyển sang làm tư vấn và hoạt động xã hội sau khi hưu trí
Trong cuộc đời, tôi không màng đến công danh sự nghiệp. Công việc nghiên cứu chỉ đạo sản xuất, đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên nông nghiệp, rồi tổng kết làm báo cáo khoa học, tham dự các hội nghị trong nước và ngoài nước đã cuốn hút tôi quên cả ngày tháng, đến nỗi tôi cũng quên làm tiến sĩ khi hết tuổi theo quy định. Tuy nhiên, năm 1980, ông Cao Liêm – Trưởng bộ môn Thổ nhưỡng ở trường Đại học Nông nghiệp I đã thay tôi viết báo cáo khoa học đệ trình lên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nhằm xét duyệt chức danh Phó Giáo sư và tôi đã được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư.
Năm 1995, tôi ở tuổi 65 đang giữ cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, tôi làm đơn xin nghỉ hưu nhưng không được chấp nhận. Lúc đó, tôi vẫn được tín nhiệm để làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi ở lại làm việc thêm hai năm cho đến năm 1997 hoàn thành dự án với Pháp mới nghỉ hưu.
Đã quá tuổi hưu trí, nhưng tôi vẫn tham gia tư vấn cho các công ty, nhà máy. Mọi người vẫn nhớ tôi là một chuyên gia dự án nông nghiệp nông thôn, có tâm nguyện làm khoa học hướng thiện nên họ vẫn tìm đến, đón tiếp tôi như người thân đi xa về. Khi thấy tận mắt những đồng lúa xanh tươi hay những nương ngô mượt mà, tôi quên hết mệt mỏi. Có lẽ bởi vậy mà tôi quên đi tuổi tác cùng vui buồn với bà con nông dân. Ngoài ra, với tư cách người sáng lập Công ty Chuyển giao kỹ thuật và công nghệ Sài Gòn (Sai Gòn Transtech) từ năm 1997 và cho đến nay, tôi vẫn làm cố vấn cho các công trình đầu tư chuyển giao công nghệ nông nghiệp. Bên cạnh đó, tôi đề xuất với công ty và Mặt trận Tổ quốc địa phương vùng sâu vùng xa, xây tặng nhà tình nghĩa, cấp học bổng cho các gia đình chính sách… Qua những chuyến sang Pháp gặp lại bạn bè cũ, tôi vận động tổ chức Hội những người hưu trí ở Pháp (Hội AREBCO) và các cá nhân kiều bào giúp đỡ cho hoạt động khuyến nông ở quê hương và tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó.…
Năm nay, tuy đã bước sang tuổi 87, khi bà con yêu cầu về với đồng ruộng tôi vẫn sẵn sàng nhận làm cố vấn chuyên môn góp phần nào vào việc xây dựng nên nông nghiệp hiện đại, bền vững ít bị những biến động xấu của môi trường nhiệt đới khắc nghiệt mà phần lớn do chính con người tạo ra. Đối với tôi, khởi đầu là một kỹ sư giảng dạy về Đất và rồi sau này trở thành chuyên gia nông nghiệp đi nhiều nơi trong nước, ngoài nước. Mảnh đất hình chữ S này đã thấm máu bao anh hùng liệt sĩ, chí sĩ, nghĩa sĩ hy sinh bảo vệ cho đất nước được trường tồn là động lực mạnh mẽ khiến tôi vượt mọi gian nan thử thách trong suốt cuộc đời. Đất luôn luôn mách bảo tôi "Đất không phụ người lẽ nào người không xứng đáng làm vinh danh Đất". Bên cạnh đó, tôi vẫn còn một điều trăn trở từ nhiều năm nay là với điều kiện như ở nước ta có thể xây dựng được nhà máy sản xuất ngô lai cao sản nhưng ta chưa thực hiện mà lại để các công ty Thái Lan vào đầu tư rồi Anh, Mỹ vào cạnh tranh. Âu cũng là đã mang cái nghiệp vào thân, duyên nợ ấy không dứt ra được.
Nguyễn Hạc Đạm Thư (Ghi)
___________________
* Phó giáo sư Trương Công Tín, chuyên ngành Nông học. Là nhà khoa học Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề nghiên cứu năm 2014.
1] Cote d’Ivoire còn được gọi là Bờ biển Ngà.
[2] Giáo sư Lương Định Của – nhà nông học nổi tiếng, nhà tạo giống cây trồng của Việt Nam.