Đất sống của bằng giả

Bằng cấp và thực tài

Người ta đi kiếm bằng giả trước hết vì nó có tác dụng.

Nó cần để trình ra khi muốn được tuyển dụng vào bộ máy. Nó cần để tạo ra lợi thế trong cuộc cạnh tranh lên nấc thang quyền lực. Nó cần để tô điểm thêm chân dung cán bộ, giúp họ che dấu đi phần nào con người thực của mình. Đôi khi nó cũng cần để biện hộ cho những sai trái trong đánh giá và sử dụng cán bộ.

 

 

Mô tả ảnh.
Bằng cấp là cái dễ nhận biết nhất mà còn lúng túng và sai lầm trong đánh giá, liệu các tiêu chuẩn khác mơ hồ hơn, khó kiểm chứng hơn có đánh giá đúng được không? Ảnh: Glossynews

Nếu không có những tác dụng đó thì có lẽ chỉ cán bộ bị bệnh tâm thần mới đi tìm bằng giả.

Để cho văn bằng giả có tác dụng như vậy, trước hết là do khuyết điểm trong công tác cán bộ.

Trước hết, đó là khuyết điểm trong việc cụ thể hóa và thực hiện tiêu chuẩn cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ chung xem ra có vẻ đầy đủ, nhưng đa số là những yêu cầu định tính, dễ bị “vận dụng” rất co giãn, theo ý chủ quan của người có trách nhiệm. Các cố gắng định lượng rút cục gần như chỉ quy về hai điểm, năng lực = bằng cấp, sức khỏe = tuổi tác.

Vô hình trung, bằng cấp trở thành điều kiện có tính chất tiêu chuẩn đầu tiên để được chấp nhận làm công chức, để được đề bạt lên cương vị cao, là cái thẻ vào cửa để tham gia cuộc chơi. Cần trình ra bằng cấp khi dự thi công chức, khi được đề bạt, nào là bằng tốt nghiệp đại học, bằng ngoại ngữ, lý luận chính trị… Nếu có bằng tiến sĩ, thạc sĩ càng hay.

Dường như không ai quan tâm đến chất lượng thực của bằng cấp được trình ra, lại càng không quan tâm tìm hiểu xem ứng cử viên có thực tài tương ứng với bằng cấp, tài đó có cần cho công việc thế nào.

Trong điều kiện đó, ắt có không ít người cho rằng cách dễ dàng nhất là đi kiếm bằng giả. Cách kiếm bằng giả an toàn nhất là kiểu tham gia các lớp học, các kiểu học giả dối để có bằng. Vừa an toàn, vừa chính thống, lại còn được trợ cấp.

Phải thay đổi công tác cán bộ

 

 

Công tác cán bộ của ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên sự đánh giá, lựa chọn quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc tranh cử, thi tuyển… rất hiếm, nhiều khi chỉ là hình thức.

Trong điều kiện đó, yêu cầu đánh giá đúng cán bộ trở thành tiền đề của toàn bộ công tác cán bộ. Trong các tiêu chuẩn, bằng cấp là cái dễ nhận biết nhất mà còn lúng túng và sai lầm trong đánh giá thì liệu các tiêu chuẩn khác mơ hồ hơn, khó kiểm chứng hơn có đánh giá đúng được không? Kiếm tìm bằng giả được, thì càng dễ làm giả về phẩm chất chính trị, đạo đức tư cách.

Sự kiện bằng giả là một minh chứng rõ rệt rằng chất lượng quản lý và đánh giá cán bộ không đảm bảo tin cậy. Chắc chắn rằng, những việc tương tự như ở tỉnh Y (phó bí thư đi học cái gì, học ở đâu, bằng cấp ra sao, thậm chí có đi học hay ở nhà… cũng không ai biết) không phải là hiếm thấy ở các ngành, các cấp.

Vì sao không nắm được thực chất bằng cấp. Chỉ có thể vì:

– Không đủ năng lực để nắm. Do thiếu kiến thức về bằng cấp, do thiếu thông tin, nhất là đối với các loại văn bằng nước ngòai.

– Do cách làm việc vô trách nhiệm, qua loa, đại khái, cẩu thả, quan liêu.

– Do bị tác động của nạn hối lộ, mua bán chức quyền, mờ mắt đi trước những mối lợi, sẵn sàng bỏ qua việc phân rõ thật giả, thậm chí lơ đi những trường hợp hiển nhiên là giả.

– Do sức ép cấp trên, khi chính cấp trên là người có bằng giả hoặc muốn tuyển dụng, đề bạt những người có bằng giả.

Dù nguyên nhân nào cũng đều không thể chấp nhận được.

Tất cả đều chứng minh rằng phải thay đổi cơ bản công tác cán bộ.

Cách làm cũ, dựa trên kết quả theo dõi, nhận xét, quyết định của một số người, theo lối úp úp, mở mở, không công khai minh bạch, né tránh tranh cử, né tránh chất vấn, né tránh giám sát công khai, né tránh thi tuyển.., đã không còn sức sống nữa. Nó bất lực ngay trong việc đơn giản nhất có thể làm được là kiểm tra bằng cấp của một số không nhiều cán bộ thuộc diện mình quản lý, thì làm sao nó có thể giải quyết những nhiệm vụ phức tạp, cơ bản với tầm cao và diện rộng hơn nhiều.

Đó chính là việc mở rộng và thực thi dân chủ trong công tác cán bộ, điều đã từ lâu đề ra, nhưng chưa được thực hiện.

 

Cần điều tra, khảo sát để nhận diện đúng, đầy đủ tình hình học giả, dạy giả, cấp bằng giả… ở nước ta, dưới mọi biểu hiện của nó.

Trên cơ sở đó, đề ra và thực hiện các giải pháp đấu tranh, khắc phục, tương thích với tính phức tạp của vấn đề. Trước hết, kiểm tra, soát xét việc đào tạo, cấp bằng trong hệ thống đào tạo công của nhà nước (các trường đại học, cao đẳng, các trường đào tạo cán bộ…), các hình thức liên kết đào tạo, đào tạo theo hợp đồng, các lớp học mở tại địa phương… Kiên quyết loại bỏ những hình thức, những lớp học dối, học giả. 

Làm tốt hơn việc chọn trường, chọn lớp gửi người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Thực hiện việc tự kiểm tra và kiểm tra văn bằng của cán bộ, công chức, trước hết là công chức lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên. Không gắn việc kiểm tra này với xử lý hành chính, mà chỉ nhằm loại ra các kiểu bằng giả.

Các việc nói trên nên được tiến hành bởi một tổ chức độc lập được chỉ định, gồm những trí thức có uy tín, trong và ngoài biên chế. Nếu cần, có thể đề nghị sự giúp đỡ của tư vấn quốc tế. Bộ Giáo dục – Đào tạo và đại diện một số cơ sở đào tạo lớn cần tham gia, nhưng không ở vị trí chủ trì.

Bùi Đức Lại

Nguồn: vietnamnet.vn/chinhtri/201008/Dat-song-cua-bang-gia-931212/