Dấu ấn Thuỵ Điển qua những trang nhật ký của GS Chu Văn Tường

Ngành Y nước ta là một trong những ngành có lịch sử ra đời và phát triển khá sớm. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe trẻ em khi đó chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Phải đến năm 1969, Khoa Nhi mới được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng rồi cũng lại do chiến tranh, cơ sở của Viện bị tàn phá nặng nề. Đến 1973, một đoàn quan khách Chính phủ Thụy Điển sau khi thăm Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có Khoa Nhi, đã đồng ý giúp ta xây dựng Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em tại Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Uông Bí (Quảng Ninh).

Năm 1975 Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em (gọi tắt là Viện Nhi) được bắt đầu khởi công xây dựng trên khu đất lấp hồ Giảng Võ. Sau 7 năm xây dựng, đến năm 1981 cơ sở mới của Viện Nhi chính thức đi vào hoạt động, Bác sĩ Chu Văn Tường được cử về làm Viện trưởng đầu tiên của Viện, lúc đó Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, còn thường được gọi là Viện nhi Thuỵ Điển. Trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động, Viện chỉ có 300 giường. Đến cuối năm 1983 đầu năm 1984 bệnh viện mới vận hành toàn bộ, phát huy hết công suất của Viện với 450 giường. Trong thời gian đầu, Viện cũng gặp khó khăn trong việc quản lý điều hành một bệnh viện hiện đại, nhưng dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của chuyên gia Thụy Điển các y, bác sĩ, cán bộ nhân viên của Viện đã từng bước tiếp cận sử dụng máy móc phương tiện, nắm vững quy trình vận hành Bệnh viện.

Sau này, với sự giúp đỡ đào tạo của Chính phủ Thụy Điển, cán bộ Viện Nhi còn được nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Y tế chuyên khoa Nhi.

                                                                            

Hội thảo Cấp cứu Nhi khoa toàn quốc, có sự tham gia của các đồng nghiệp Thụy Điển tại Hà Nội, 15- 8- 1988.

GS Chu Văn Tường (hàng trên thứ 9 từ trái qua phải)

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, Bộ Y tế đã tổ chức các chuyến công tác, tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các cơ sở y tế của nước bạn nhằm mục đích nghiên cứu, học hỏi về công tác đào tạo đội ngũ y bác sĩ Nhi khoa; Về những vấn đề chuyên môn, quản lý có thể áp dụng ở nước ta; Tìm hiểu phương hướng nghiên cứu khoa học hiện nay của bạn và khả năng hợp tác trước mắt và lâu dài.

Chuyến công tác của GS Chu Văn Tường tham quan Thụy Điển từ 22- 9- 1984 đến 13- 10- 1984 là một trong những chương trình của sự hợp tác đó. Thông qua tổ chức International Child Health thuộc trường Đại học Uppsala (viết tắt là ICH) do giáo sư Yngve Hofvander phụ trách, chuyến công tác tuy ngắn ngủi nhưng được sự giúp đỡ tận tình của phía Thụy Điển mà trực tiếp là giáo sư Hofvander và các đồng nghiệp của ông, đoàn công tác đã thu nhận được nhiều kiến thức, bài học bổ ích. Những trải nghiệm rất ấn tượng đã được GS Chu Văn Tường viết trong nhật ký.

Cảm nhận đầu tiên của bác sĩ Chu Văn Tường khi đặt chân đến đất nước Thụy Điển là sự phồn vinh, hiện đại của một đất nước phát triển:

“Đến Khoa Hồi sức gặp một bác sĩ có tuổi trông không khỏe mạnh tiếp đón, trang bị thật tốt… Bệnh viện Uppsala rất to hiện đại đang xây dựng thêm…” [1]

Điều này cũng dễ hiểu vì nước ta khi đó vừa ra khỏi chiến tranh, kinh tế đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Còn trẻ em Thuỵ Điển được quan tâm chăm sóc trong điều kiện rất đầy đủ và chu đáo từ nơi học tập cho đến chỗ vui chơi để các em có thể phát triển một cách tốt nhất. GS Chu Văn Tường ghi nhận:

“Đi thăm trường học, học sinh từ 7-13 tuổi, có Nurse School (Phòng Y tế của trường – Tg) làm việc ở dưới [hầm] nhưng rất sạch sẽ, có khoa học, dụng cụ ít nhưng đủ dùng… Thăm các lớp khác dụng cụ đầy đủ bàn ghế sạch sẽ bảng xanh (không đen)…. Chiều thăm vườn trẻ có 60 cháu ở ngay gần bệnh viện đầy đủ đồ chơi, học sinh từ 1-6 tuổi chia thành từng nhóm, có bếp chỗ vệ sinh, có nhóm tập vẽ, trẻ em ở đây được sống đầy đủ săn sóc chu đáo”. [2]

Những hôm sau GS Chu Văn Tường cùng với ông Herring rời Stockhôm đông vui, tấp nập để đến thăm Trung tâm Hồi phục chức năng cho trẻ em tàn tật. Ông đã thực sự xúc động và cảm phục trước sự tận tình chăm sóc những trẻ em kém may mắn của các bác sĩ, y tá nơi đây, và ông quan sát tỉ mỉ:

“Đi thăm Trung tâm Hồi phục chức năng nhà 1 tầng, trang bị tốt có bể bơi 2 y tá luyện tập cho 1 trẻ em bị liệt. Có chỗ dạy học cho trẻ em bị đần độn, công việc thật nhân đạo. Thái độ đối xử với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đều ôn tồn, tử tế. Bác sĩ trưởng với nhân viên cũng có vẻ bình đẳng”.[3]

Trước đây người dân Thụy Điển cũng còn nghèo, sống trong nhà chật chội, dụng cụ bằng gỗ thô sơ, nhưng nay Thụy Điển là nước có nền kinh tế phát triển do vậy đời sống của nhân dân ở mức cao. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là phố xá sạch đẹp: nhà thường sơn đỏ và cửa thì sơn trắng là hai màu được ưa thích ở đây, đường phố nhiều ô tô, ngước lên chi chít cột ăngten TV. Điều đặc biệt là sự cách biệt về những nhu cầu cơ bản giữa nông thôn và thành thị hầu như không đáng kể. Các cơ sở y tế ở vùng nông thôn được quan tâm xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị:

“ Thăm một trạm y tế xã có 7 vạn dân, nhà cửa một tầng trong nhà sơn đẹp nền sạch sẽ có 3 bác sĩ một số y tá… có phòng cấp cứu. Đi thăm một bệnh viện của huyện 10 vạn dân dành cho người già, buồng ăn ngủ quần áo sạch sẽ được trông nom cẩn thận, lại nghĩ đến cụ già ở Việt Nam, nghĩ đến tương lai của mình mà lòng không vui. Nhân viên quần áo trắng toát, lịch sự có văn hóa và xinh đẹp nữa”.[4] Giáo sư Tường mơ ước sau này đất nước ta cũng sẽ làm được như vậy: “Ôi cảnh và người như tiên trong giấc mơ mong sao Việt Nam ta sẽ đạt được như vậy”. [5]

***

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đó là điều GS Chu Văn Tường không chỉ cảm nhận và lưu lại trong cuốn nhật ký viết về chuyến đi công tác Thụy Điển, mà còn được ông coi như bài học quý giá trong công việc ở Viện Nhi sau này, cả khi điều trị cho bệnh nhân cũng như trong quá trình quản lý bệnh viện; vừa cẩn trọng và tỉ mỉ, vừa linh hoạt và hiệu quả. Ông cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ y tá để có thể đảm nhiệm nhiều công việc, nhất là thông qua hình thức hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm tiến tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chính vì vậy, các chương trình Hội thảo quốc tế về các chuyên đề Nhi khoa được quan tâm tổ chức. Bên cạnh đó các lớp đào tạo y tá dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Thụy Điển được mở thường xuyên, đồng thời một số cán bộ được cử sang Thụy Điển học một số kỹ thuật cần thiết cho sự phát triển của Y tế nước ta. Công tác nghiên cứu khoa học được đặc biệt quan tâm và đưa vào ứng dụng trong thực tế. Viện cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sâu rộng về bảo vệ sức khỏe trẻ em trong cộng đồng, giúp người dân có ý thức hơn về việc quan tâm chăm sóc trẻ em không chỉ về mặt vật chất mà còn quan tâm chăm sóc cả về mặt tinh thần của trẻ em.

Chuyên gia Thụy Điển đang giảng về chuyên môn, tại Viện Nhi Thuỵ Điển

Đến nay, Viện Nhi Thuỵ Điển, nay là Bệnh viện Nhi Trung ương, đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước, của mỗi gia đình.Trong những trang sử hơn 40 năm hình thành và phát triển, với những thành tựu mà Bệnh viện Nhi Trung ương đạt được vẫn luôn mang dấu ấn sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dânThụy Điển, đồng thời không thể quên vai trò của vị Viện trưởng đầu tiên – Giáo sư Chu Văn Tường.

 

Giang Thị Nhung

_________________________

[1]. Trích nhật ký, ngày 24-9-1984

[2]. Trích nhật ký, ngày 26-9-1984

[3]. Trích nhật ký, ngày 4-10-1984

[4], [5]. Trích nhật ký, ngày 8-10-1984