Dấu ấn Trần Văn Giàu ở Sài Gòn và Nam bộ

Dấn thân con đường cách mạng

Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc tỉnh Long An). Là con của một gia đình trung nông, ông học tiểu học ở Tầm Vu, năm 1925 lên Sài Gòn học Trường trung học Chasseloup Laubat (Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn sau này).  Năm 1928, Trần Văn Giàu sang du học Trường đại học Toulouse ở miền Nam nước Pháp. Tận mắt chứng kiến những người Tây chống lại Tây, đứng về phía An Nam, ông cảm thấy hết sức lạ lùng. Họ chính là những người cộng sản. Từ cảm tình, Trần Văn Giàu nhanh chóng gia nhập Đảng Cộng sản Pháp khi mới 19 tuổi, một cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Và ông đã tham gia tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình của sinh viên, học sinh chống chính quyền thực dân, bị bắt tạm giam rồi thả ra…

Tháng 2-1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo bùng nổ, gây chấn động dư luận trong nước lẫn thế giới. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man lực lượng khởi nghĩa, hàng chục người bị xử tử, hàng trăm người bị tống vào ngục. Trần Văn Giàu lại tham gia tổ chức hàng trăm sinh viên, học sinh biểu tình trước dinh Tổng thống Pháp ở thủ đô Paris để ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái. Ông cùng 19 người khác đã bị bắt giam 1 tháng, rồi bị tòa án xử trục xuất khỏi nước Pháp vào tháng 6-1930.

Trở về nước không phải với tấm bằng cử nhân hay tiến sĩ mà là một cái án chính trị, nhưng không vì lẽ đó mà Trần Văn Giàu gây phiền lòng cho gia đình. Thấu hiểu lòng yêu nước của con, người cha còn động viên: Tận trung cũng là chí hiếu. Từ ấy, Trần Văn Giàu cũng chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Ông lên Sài Gòn dạy học tại Trường tư thục Huỳnh Công Phát và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được Xứ ủy Nam Kỳ phân công phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế. Giữa năm 1931, sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Văn Giàu bí mật sang Pháp lần thứ hai, rồi được tổ chức đưa sang Liên Xô học Trường đại học Phương Đông ở Moskva. Năm 1933, ông tốt nghiệp thủ khoa sau khi bảo vệ thành công luận án Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương.

Do thực dân Pháp khủng bố gắt gao, nhiều tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản ở Nam Kỳ bị tan rã. Từ Moskva, Trần Văn Giàu trở về Sài Gòn – Chợ Lớn tham gia gầy dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ, xuất bản tờ báo Cờ Đỏ và bộ sách Cộng sản Tùng thư. Với kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú ở nước ngoài, kiến thức uyên bác, khả năng hùng biện, ông đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết nhằm đánh thức lòng yêu nước của quần chúng Nhân dân, thu hút đông đảo mọi tầng lớp người Sài Gòn đến nghe. Uy tín của Trần Văn Giàu cũng nhanh chóng tăng lên.

Vào tù ra khám

Những hoạt động yêu nước công khai của Trần Văn Giàu là mối đe dọa nguy hiểm cho chính quyền thuộc địa. Vì vậy, cuối năm 1933, ông bị tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù treo, rồi gần 2 năm sau ông lại bị địch bắt kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc tội hoạt động lật đổ chính quyền trong phiên tòa ngày 25-6-1935. Ông bị đưa vào giam giữ tại Khám Lớn Sài Gòn với số tù 6826 mpp.

Ở trong tù, Trần Văn Giàu được các bạn tù cử làm tổng đại diện, lãnh đạo đấu tranh với chúa ngục đòi cải thiện chế độ hà khắc của nhà tù. Ngày 26-6-1937, nhằm cách ly Trần Văn Giàu, bọn cai ngục đã đưa ông cùng một số nhà cách mạng như Hà Huy Tập vào biệt giam, rồi đày ông ra Côn Đảo. Cuối tháng 4-1940, mãn hạn tù, trở về đất liền mới được 9 ngày ông lại bị chính quyền thực dân bắt đưa đi “an trí” ở vùng rừng sâu Tà Lài trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 thất bại, bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Hàng ngàn người bị bắt giam, bị thủ tiêu. Hầu hết các nhà lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ cũng bị bắt và bị địch đưa ra pháp trường tử hình. Ở trong tù nghe hung tin, Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông vô cùng lo lắng cho phong trào. Đảng ủy căng Tà Lài do Trần Văn Giàu đứng đầu đã quyết định tổ chức một số đảng viên vượt ngục để gầy dựng lại cơ sở cách mạng. Đợt 1, có 3 người vượt ngục nhưng rồi bặt tin. Đợt 2 vào đầu tháng 3-1941, có 8 người vượt ngục gồm các ông: Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc, Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt, Trương Quang Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức và Tô Ký. Thoát khỏi căng Tà Lài, họ chia làm nhiều hướng đi khác nhau, nhưng cuối cùng 6 người đã lần lượt bị địch bắt trở lại. Ông Dương Văn Phúc, tức Dương Quang Đông trốn về Sài Gòn làm phu xe một thời gian rồi ẩn mình về quê hương Trà Vinh và đi khắp các tỉnh miền Tây bí mật gầy dựng cơ sở Đảng.  Ông Trần Văn Giàu thoát lên Đà Lạt, sau đó về quê hương Tân An, xuống U Minh ẩn náu, tránh sự truy lùng gắt gao của địch, rồi lên Sài Gòn tìm cách hoạt động trở lại, nhận trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, chuẩn bị lãnh đạo tổng khởi nghĩa…

Khởi nghĩa giành chính quyền

Vì không liên lạc được với Trung ương ở ngoài Bắc nên Xứ ủy Nam Kỳ mới tái lập không hề biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước vào đầu năm 1941. Trước tình hình cấp bách, không thể chờ đợi thông tin chỉ đạo từ Trung ương, Bí thư Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy Nam Kỳ đã tự vạch ra một đường lối cách mạng phù hợp với hoàn cảnh của mình trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 11-1939 – Hội nghị Trung ương cuối cùng họp trên đất Nam Kỳ. Xứ ủy đã tự đề ra khẩu hiệu mang tính chiến lược: “Đánh đổ đế quốc Nhật, bài trừ phản động Pháp, Đông Dương độc lập muôn năm”.

Vào cuối tháng 3-1945, Thống đốc Minoda của Nhật đã gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đề nghị đứng ra thành lập một tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ giống như Thanh niên Tiền tuyến ở Trung Kỳ của luật sư Phan Anh. Giới cầm quyền Nhật biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một người tài năng, uy tín, có vợ đầm và quốc tịch Pháp nhưng họ không biết rằng ông là đảng viên Đảng Cộng sản. Nhận thấy đây là cơ hội tốt cho cách mạng trong việc tập hợp quần chúng công khai, Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo Phạm Ngọc Thạch đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cơ quan Đảng đoàn thuộc Xứ ủy.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Trần Văn Giàu (phải).

Sau khởi nghĩa thành công ở Tân An ngày 23-8, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Trần Văn Giàu đã chỉ đạo Thanh niên Tiền phong và các lực lượng xung kích chiếm lĩnh các nơi xung yếu của Sài Gòn vào đêm 24 rạng sáng 25-8-1945. Khâm sai Nguyễn Văn Sâm của Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật đã bị bắt tại Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Cùng lúc với Sài Gòn, các tỉnh khác ở Nam Kỳ cũng khởi nghĩa giành chính quyền thành công…Vào lúc 13 giờ ngày 25-8, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra trước dinh Đốc lý Sài Gòn, với sự tham gia của hàng triệu đồng bào từ khắp nơi đổ về. Nhà cách mạng Trần Văn Giàu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

 Nhận định về truyền thống chống xâm lăng, Giáo sư Trần Văn Giàu nói: “Qua nghiên cứu lịch sử, tôi thấy không có dân tộc nào bị xâm lăng nhiều như dân tộc Việt Nam, mà lần nào cũng phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn gấp hàng chục, hàng trăm lần. Các dân tộc ở phương Đông không có truyền thống chống xâm lược nhiều và mạnh mẽ như Việt Nam. Đó cũng là cái đặc sắc, là yếu tố phân biệt giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác”.

Những năm tháng cuối đời trước khi vĩnh viễn ra đi vào cuối năm 2010, Giáo sư Trần Văn Giàu còn nặng lòng với lịch sử văn hóa vùng đất mới phương Nam, đã bán nhà hiến tặng 1.000 lượng vàng để thành lập giải thưởng sử học nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu thế hệ sau. Tài năng xuất chúng, nhân cách cao thượng, cuộc đời đầy thăng trầm của bậc đại trí thức lỗi lạc Trần Văn Giàu là một bộ tiểu thuyết đồ sộ, xứng đáng trở thành niềm tự hào của Sài Gòn và Nam bộ.

 

Phan Hoàng

Nguồn:www.saigondautu.com.vn/pages/20160830/dau-an-tran-van-giau-o-sai-gon-va-nam-bo.aspx