Chưa đầy hai tiếng đồng hồ được GS Đỗ Trung Tá tiếp chuyện tại Bộ Khoa học và công nghệ, nhưng hình ảnh một nhà khoa học thân thiện, lịch lãm, am tường hiếm có về chuyên môn đã để lại ấn tượng sâu đậm với chúng tôi.
GS.TSKH Đỗ Trung Tá được biết đến là nhà lãnh đạo có vai trò khai mở trong việc đưa cáp quang sử dụng trong ngành Viễn thông nước ta, phổ cập internet và phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã. Chia sẻ về con đường đến với ngành Bưu điện, ông cười và nhắc lại câu chuyện vui mà GS Trần Quốc Vượng nói với ông: “May mà ông không vào Khoa Khảo cổ học, chứ bây giờ người ta đi nước ngoài toàn mua nồi áp suất, thì hầm hết xương, còn đâu mà khảo cổ”.
Rồi ông kể về sự ra đời của trường Đại học Thông tin liên lạc mà ông là một trong những sinh viên khóa đầu; chuyện đi nghiên cứu sinh và quá trình làm luận án Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ ở CHDC Đức với vấn đề được coi là mới mẻ lúc bấy giờ – “Lý thuyết về tai biến trong các hệ thống động phi tuyến”. Và cũng chính luận án Tiến sĩ của Đỗ Trung Tá đã góp phần bổ sung, đổi mới cuốn giáo trình đã được tái bản tới lần thứ 9 của vị Giáo sư người Đức, người đã hướng dẫn ông thực hiện đề tài.
GS.TSKH Đỗ Trung Tá giới thiệu album ảnh kỉ niệm trong những năm làm nghiên cứu sinh tại CHDC Đức
Với GS.TSKH Đỗ Trung Tá, cả cuộc đời là quá trình tự đào tạo, kể cả khi đã trở thành Tiến sĩ khoa học, Giáo sư đầu ngành. Theo ông, mỗi người phải giỏi kiến thức cơ bản và có vốn ngoại ngữ để phục vụ nghiên cứu, giao tiếp và hội nhập.
Hiện nay với cương vị Chủ tịch Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, ông vẫn miệt mài làm việc và đang rất quan tâm đến nhiều lĩnh vực mà Công nghệ thông tin không thể thiếu vắng trong quá trình phát triển, như lĩnh vực Y-Tin học; Tin -Sinh học…, đặc biệt “nóng” là việc điều chế thuốc chống ung thư từ nguyên liệu của Việt Nam.
Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam