Xã Châu Sơn thời những năm 1947-1950 không có trường lớp quy củ, những học trò như Lại Ngọc Đường phải học trong khuôn viên của đình, chùa. Ông Yết là thầy giáo đầu tiên của Lại Ngọc Đường và những thế hệ học trò cùng lứa của xã Châu Sơn. Quãng thời gian đó, tuy gian khó nhưng tương đối êm ả đối với Lại Ngọc Đường, hàng ngày cậu cắp sách đến lớp dù đơn giản chỉ là cuốn vở ghi chép, chiếc bút và lọ mực nhưng chứa đựng trong đó là khát khao học tập, say mê với những chữ số của thuở ban đầu đến lớp. Từ nhỏ, cậu học trò Lại Ngọc Đường đã bộc lộ khả năng và thích học môn toán, trong lớp cậu thường đứng tốp đầu về thành tích học tập**.
Học hết lớp 2, tưởng chừng việc học của Lại Ngọc Đường và những cậu học trò xã Châu Sơn phải dừng lại vì thiếu thầy và thường xuyên thay đổi giáo viên. Trong bối cảnh đó thì ông Kỷ – một giáo sỹ ở nhà thờ Tràng Châu đã đứng ra tổ chức lớp học. Trường lớp, thầy cô như vậy, nhưng đi học rất vui, được gặp gỡ bạn bè và có những kỷ niệm không thể nào quên. Chẳng hạn, có lần Lại Ngọc Đường và Phạm Văn Doãn, một bạn học ở xóm nhà thờ vì trêu chọc nhau trên đường đi học dẫn đến đánh nhau, làm hai gia đình mâu thuẫn, sau rồi phải xin lỗi nhau.
Những tháng ngày học tập êm đẹp, thơ ngây đó không kéo dài. Năm 1951, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nam, càn quét khắp các thôn làng lùng bắt du kích và những người hoạt động cách mạng. Vùng quê yên bình với những con người hiền lành, chất phác bỗng chốc trở nên tiêu điều, xơ xác sau những trận càn. Chúng đốt phá nhà cửa, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết những người tham gia cách mạng, đau thương bao trùm khắp miền quê Châu Sơn. Cuộc sống của người dân hoàn toàn bị thay đổi, ban ngày một số người dân có tài sản như trâu, bò phải sơ tán vào rừng tránh giặc, chiều tối trở lại làng để duy trì công việc của nhà nông. Lớp học ban đầu cũng được chuyển vào rừng, học trong hang đá được một thời gian ngắn, sau đó giải tán vì tình hình chiến sự ác liệt và kéo dài.
Tuổi thơ cắp sách đến trường của tôi là những tháng ngày gian khó – PGS.TSKH Lại Ngọc Đường chia sẻ
Năm 1951, cậu bé Lại Ngọc Đường mới học hết lớp 3 phải dừng việc học theo người lớn sơ tán vào rừng. Hàng ngày, cậu được bố gọi dậy từ 4-5 giờ sáng để ăn cơm sau đó dắt trâu vào rừng để tránh giặc. Trong rừng bố đã dựng một túp lều tranh gần hang đá để tránh mưa gió, đôi khi bữa trưa chỉ là vài củ khoai, củ sắn. Trong khi trâu ăn cỏ, Lại Ngọc Đường và những mục đồng làng Tràng Châu (Châu Sơn) kiếm củi, hái sim hoặc nhặt rau để chiều về mẹ nấu canh. Cũng vì thường xuyên sống nơi non cao, sơn lâm chướng khí, biết bao gian nan thiếu thốn cậu bé Lại Ngọc Đường đã bị một trận ốm nặng. Bố không đưa Lại Ngọc Đường về nhà mà bỏ công việc vào rừng để tiện chăm sóc con và chăn trâu trong những ngày cậu đau ốm. Bố mua được chiếc chân giò lợn, lọc lấy thịt nấu cháo để tẩm bổ cho Lại Ngọc Đường, nhưng cậu vẫn sốt liên miên. May có người ở làng bên mách, bố tìm cây thuốc vắt lấy nước cho cậu uống mới hết sốt.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ Lại Ngọc Đường đều là những người sớm giác ngộ cách mạng. Bố của Lại Ngọc Đường là thành viên mặt trận Liên Việt xã Châu Sơn, mẹ tham gia nuôi giấu cán bộ, anh trai theo du kích nên thường xuyên bị giặc Pháp truy lùng. Gia đình Lại Ngọc Đường có hai căn hầm bí mật, một chiếc được đào ở ngay trong nhà nằm dưới cối giã gạo, một ở ngoài vườn. Có lần quân giặc bao vây bất ngờ, bố phải đưa Lại Ngọc Đường xuống hầm để trốn, căn hầm chật hẹp vốn chỉ được thiết kế cho một người ẩn nấp, lại có lỗ thông hơi nhỏ, nên chỉ vài phút sau cậu bị ngạt thở và bất tỉnh, bố đã bất chấp nguy hiểm xoay nhẹ nắp hầm lấy không khí để cứu con. May lần đó quân giặc rút đi nhanh nên không bị chúng phát hiện.
Mỗi khi đi càn giặc Pháp thường cho quân bao vây lùng sục từ đầu xã đến cuối xã để tìm du kích, những lần như vậy dân làng lại tập trung thành vòng tròn, người già ngồi ngoài, phụ nữ, trẻ nhỏ ngồi trong nghe chúng quát tháo. Sau nhiều lần trốn thoát, anh trai Lại Ngọc Đường bị chúng bắt, lần ấy chúng trói anh trai cậu cùng nhiều người trong xã thành hàng dài rồi giải đi, sau đó giam giữ tại nhà lao ở Nam Định.
Cuối năm 1952, bố Lại Ngọc Đường cũng bị giặc bắt, lần đó ông đang ốm và có người chỉ điểm nên không kịp xuống hầm khi giặc bao vây. Bố cậu cũng bị giam giữ ở Nam Định, cuối năm 1953, ông được thả trước ngày giặc Pháp rút khỏi Hà Nam. Chứng kiến cảnh làng mạc bị giặc Pháp tàn phá, gia đình ly tán, ý chí căm thù giặc sôi sục trong tim cậu bé Lại Ngọc Đường. Noi gương du kích, cậu và người bạn thân Lại Văn Nhũng học cách chế tạo bàn chông đánh giặc. Hai người dùng búa tán những chiếc đinh sắt thành ngạnh ở đầu và mài nhọn đóng vào miếng gỗ, mỗi bàn chông có 5 chiếc đinh nhọn. Sau đó bí mật đào những hố sâu khoảng 40 cm, đặt bàn chông xuống và ngụy trang khéo léo để che mắt địch. Tổng cộng có ba hầm chông được đào ở bờ sông Đáy, nơi quân Pháp thường qua mỗi khi đi càn quét. Thế nhưng, chẳng có tên giặc nào dẫm phải số chông của Lại Ngọc Đường và bạn của cậu đã đặt.
Mọi công việc đều dồn lên đôi vai gầy của mẹ sau khi anh cả và bố bị giặc bắt. Lại Ngọc Đường lúc đó trở thành con trai lớn nhất, nên cậu phải thay bố và anh làm những công việc nặng nhọc trong gia đình từ chăn trâu, kiếm củi cho đến cày bừa. Cuộc sống khó khăn và thất học kéo dài đến khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954. Lúc này, các lớp học được chính quyền xã mở lại, bố và anh trai đã thoát khỏi nhà tù thực dân, gia đình đoàn tụ, Lại Ngọc Đường tiếp tục chương trình học lớp 4. Năm sau cậu hoàn thành bậc tiểu học và thi đỗ vào trường cấp 2 công lập của thị xã Phủ Lý. Tiếp sau đó là học trường cấp 3 Biên Hòa (Hà Nam) và đó cũng là lúc kết thúc quãng đời đầy ắp kỷ niệm thời cắp sách của Lại Ngọc Đường để năm 1962, Lại Ngọc Đường tốt nghiệp cấp 3 và thi đỗ vào khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải, thỏa mãn ước mơ được trở thành kỹ sư ngành Cơ khí động lực.
Tuổi thơ đã đi qua sẽ không bao giờ trở lại, nhưng ký ức về những năm tháng gian khó đó luôn để lại ấn tượng không thể quên đối PGS.TSKH Lại Ngọc Đường và những thế hệ đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Lê Nhật Minh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
____________________________________
* PGS.TSKH Lại Ngọc Đường, chuyên ngành Cơ khí. Ông nguyên là Phó chủ nhiệm khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông vận tải.
** Nội dung trong bài theo nguồn: Hỏi thông tin PGS.TSKH Lại Ngọc Đường, ngày 9-1-2018 và 15-3-2018.