Đó là bức ảnh đen trắng, in lại từ ảnh chân dung của ông Trịnh Xương dán vào hộ chiếu để đi công tác Trung Quốc năm 1963. Bức ảnh này được phóng to, đóng khung và treo trang trọng trong nhà ông. Ông hào hứng giới thiệu: Đây là bức ảnh mà tôi thích nhất, chụp khi tôi vừa bước sang tuổi 31 – độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời và cũng là khoảng thời gian tôi nhận một nhiệm vụ quan trọng[1].
Bức ảnh ông Trịnh Xương, 1963
Đã qua tuổi 85, nhưng ký ức của ông Trịnh Xương về đầu những năm 60 của thế kỷ trước hầu như vẫn vẹn nguyên. Nhấp ngụm trà chiều, ông nhớ lại cuộc họp bí mật năm 1961, khi ông đang là cán bộ phụ trách phòng Thiết kế tàu thủy – ô tô[2]thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải. Đó là cuộc họp đột xuất tại nhà riêng của Phó thủ tướng Phạm Hùng[3] tại phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cuộc họp chỉ có 5 người tham gia: Phó thủ tướng Phạm Hùng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trần Văn Trà, Bộ trưởng Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, Cục trưởng Cơ khí Ngô Văn Năm[4] và ông Trịnh Xương. Trong bối cảnh quân Mỹ đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định mở thêm “tuyến đường mòn trên biển”. Phó thủ tướng Phạm Hùng giao cho ông Trịnh Xương nhiệm vụ nghiên cứu – thiết kế những con tàu có khả năng cất giấu và vận chuyển được nhiều vũ khí đạn dược vào miền Nam. Những con tàu đó phải nhỏ gọn, dễ ngụy trang, nhưng đảm bảo trọng tải 100 tấn (100T), chịu được sóng gió cấp 8-9[5]. Đặc biệt, tàu cần có mớn nước[6] hạn chế để an toàn ra vào các cửa biển phía Nam, khi cấp thiết có thể chạy ra vùng biển quốc tế. Thêm nữa, ngoài 12 thuyền viên, tàu có khả năng chở thêm cán bộ tăng cường cho mặt trận phía Nam, chứa được lượng nhiên liệu và nước ngọt đủ để chạy trong 20-30 ngày đêm.
Trong điều kiện miền Bắc nước ta bấy giờ, nhiệm vụ trên dường như bất khả thi. Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam lúc đó còn non trẻ. Từ năm 1954, Pháp rút quân và mang toàn bộ phương tiện vận tải biển về nước, nhiều xưởng đóng tàu phải ngừng hoạt động. Việt Nam lại đang cấp thiết khôi phục kinh tế sau kháng chiến, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của nhân dân rất lớn. Tất cả các phương tiện thủy của ta, nhất là tàu chạy ven biển, phải mua hoặc xin viện trợ từ Liên Xô, Đức, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.Năm 1959, sau khi nhóm kỹ sư được đào tạo từ nước ngoài trở về, trong đó có ông Trịnh Xương, ta mới có đội ngũ thiết kế tàu thủy và bắt đầu xây dựng ngành thiết kế tàu thủy.
Nhận nhiệm vụ trong tình thế khó khăn và cấp bách, ông Trịnh Xương không khỏi lo lắng: Yêu cầu công việc gấp quá, tôi sẽ hết sức cố gắng. Nếu còn thiếu sót hay chưa đầy đủ, mong các thủ trưởng thông cảm![7]. Ông Phạm Hùng thẳng thắn trấn an: Chú Xương yên tâm, hãy khẩn trương bắt tay vào công việc! Những con tàu mà hôm nay chúng ta bàn phải được thiết kế, chế tạo hết sức khẩn trương, bí mật. Nếu việc này thành công, cả 5 người chúng ta đều là anh hùng. Tôi tin chắc chúng ta sẽ làm được và làm thành công! Tôi đề nghị sau 7-10 ngày, chú Xương sẽ trình bày để chúng ta duyệt thiết kế sơ bộ, lên kế hoạch cùng tiến độ đóng con tàu đầu tiên[8].
Trước khi nhận nhiệm vụ thiết kế tàu 100T, cũng trong năm 1961, phòng Thiết kế tàu thủy – ô tô đã thiết kế những con tàu vỏ gỗ 35T (35 tấn) theo đơn đặt hàng bí mật của Bộ Quốc phòng. Đó là loại tàu có hình dáng bên ngoài giống như tàu đánh cá vùng Cửa Đại ở tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Tuy được hợp thức là tàu đánh cá, nhưng thực chất dùng chở vũ khí và cán bộ tăng cường cho mặt trận phía Nam. Trong quá trình thiết kế, ông Trịnh Xương hết sức trăn trở làm sao giữ an toàn cho người và vũ khí nếu bị địch khám xét: Kể từ khi nhận nhiệm vụ, dù là lúc ăn cơm, lúc nằm trên giường chuẩn bị vào giấc ngủ, tôi vẫn nghĩ đến nó[9]. Cuối cùng, ông nghĩ đến phương án tạo ra hầm bí mật ngay dưới đáy tàu, rồi tàu vỏ gỗ 35T có hai đáy đã được thiết kế, chế tạo thành công và đóng hàng loạt. Những con tàu này được ngụy trang thành tàu đánh cá của ngư dân với giấy tờ hợp lệ giả, đến mỗi vùng lại thay đổi tên và số hiệu cho phù hợp. Vì không có số hiệu cố định nên mới gọi là “tàu không số”. Tàu 35T là loạt tàu không số đầu tiên, vận chuyển được một số lượng lớn vũ khí vào miền Nam, nhất là cho hai chiến trường Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Thiết kế tàu 35T đã khó, thiết kế tàu 100T còn khó gấp bội. Để đáp ứng những yêu cầu đặc biệt đối với tàu 100T như kể trên, việc thiết kế phải giải quyết hàng loạt vấn đề khoa học – công nghệ rất phức tạp. Phải hóa giải mâu thuẫn về trọng tải: vừa hạn chế tối đa kích thước của tàu, vừa muốn chở được nhiều, nghĩa là tàu cần dung tích lớn. Đồng thời, còn phải xử lý mâu thuẫn liên quan đến tuyến hoạt động của tàu: tuyến ven biển Bắc – Nam thời tiết hay diễn biến thất thường, mà tàu vừa đi gần bờ, vừa có thể chạy ra vùng biển quốc tế, chịu được sóng gió cấp 8-9. Muốn thế, tàu cần có tính năng hàng hải tốt: biên độ lắc ngang, lắc dọc vừa phải; tốc độ ổn định khi chạy trong điều kiện sóng gió lớn; phần thân tàu dưới nước cần thon dài, không được quá “béo”… Đáp ứng được các yêu cầu đó thì chiều dài con tàu phải lớn hơn tàu thông thường, điều này lại mâu thuẫn với đòi hỏi thu nhỏ kích thước của tàu…
Tham khảo tuyến hình tàu 35T, ông Trịnh Xương tính toán các số liệu từ hình dạng, kích thước, bố trí chung, tính ổn định, tính dao động, sức cản… của con tàu. Đúng 10 ngày sau, cũng tại nhà Phó thủ tướng Phạm Hùng và có đầy đủ các thành viên đã dự cuộc họp lần trước, ông Trịnh Xương trình bày thiết kế sơ bộ với kết luận thận trọng: Con tàu chúng ta cần mang nhiều nét đặc thù, có khi mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng với sự cố gắng về khoa học – công nghệ, chúng ta có thể thỏa mãn gần đầy đủ các nhiệm vụ mà nó sẽ phải đảm nhiệm. Con tàu đầu tiên sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Tam Bạc (Hải Phòng), với hy vọng trong 4-5 tháng sẽ xuất xưởng[10]. Bản thiết kế sơ bộ được thông qua và sau đó gấp rút khởi công để con tàu đầu tiên ra đời càng sớm càng tốt.
Dựa trên những tính toán sơ bộ đó, các kỹ sư Lương Văn Triết, Đinh Ngọc Liễn, Đào Vũ Hùng… cùng nhau rà soát, tính toán lại các số liệu tại căn phòng ở số nhà 120 – Hàng Trống, Hà Nội. Các nhà thiết kế tìm ra phương án tối ưu, đáp ứng tương đối đầy đủ các tính năng cần thiết cho tàu hoạt động an toàn trên vùng biển đã xác định. Ông Trịnh Xương là người duyệt cuối cùng bản thiết kế kỹ thuật, với những đòi hỏi khắt khe.
Thông thường, bản thiết kế kỹ thuật được hoàn thiện từ sơ bộ đến chi tiết rồi mới đưa xuống xưởng thi công. Nhưng trong tình huống gấp rút lúc này, ông Trịnh Xương quyết định “cải tiến”, vừa thiết kế vừa thi công. Một tổ công tác hỗn hợp gồm kỹ sư thiết kế và kỹ sư công nghệ của nhà máy cùng làm việc dưới sự chỉ đạo của ông Trịnh Xương và ông Đào Kim Quang – Giám đốc nhà máy đóng tàu Tam Bạc. KS Lương Văn Triết đảm nhiệm việc điều chỉnh tỉ lệ phóng to của con tàu, còn KS Đào Vũ Hùng phụ trách về kết cấu tàu… Bị cuốn theo công việc, họ không còn phân biệt đêm hay ngày: Trong quá trình thiết kế tàu không số 100T, nhiều ngày đêm liên tục chúng tôi không ra khỏi phòng làm việc. Đến cơm cũng nhờ người khác đi mua hộ. Thế hệ chúng tôi là thế, luôn nghĩ phải làm việc để đền ơn đáp nghĩa cho đất nước[11]. Kết quả, năm 1962, con tàu 100T vỏ thép đã ra đời như một kỳ tích[12], đúng như dự tính của Phó thủ tướng Phạm Hùng. Ông Trịnh Xương tự hào nhận xét: Tất cả những người tạo nên kỳ tích đó, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học – công nghệ cho đến công nhân sản xuất đều đã tích cực đóng góp sức lực và trí tuệ như đang tham gia một trận chiến đấu và họ đã giành chiến thắng; đặc biệt phải kể tới công đóng góp của đồng chí Đào Kim Quang[13].
Chiếc tàu 100T đầu tiên sau khi bàn giao cho Đoàn 759[14] đã khẩn trương thực hiện chuyến hành trình từ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) vào đến mũi Cà Mau. Theo phản ánh của thủy thủ đoàn, tàu có tính năng hàng hải tốt, thiết bị điện máy vận hành tin cậy, an toàn. Tin vui truyền đến nhà máy, thêm nhiều dây chuyền đóng tàu được mở ra, chu kỳ sản xuất được rút ngắn, chất lượng ngày càng tốt hơn. Đây chính là loạt tàu không số thứ hai đã tạo nên huyền thoại trên biển trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Việt Nam.
Do nhu cầu vũ khí cho chiến trường miền Nam tăng cao và cũng do hạn chế về cơ sở vật chất, nên sau khi đóng xong con tàu không số 100T thứ 13, Việt Nam phải nhờ Trung Quốc đóng tàu giúp. Theo chỉ đạo, ông Trịnh Xương trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyển giao thiết kế cho phía Trung Quốc, đơn vị tiếp nhận là Viện Nghiên cứu thiết kế tàu thủy Thượng Hải – nơi ông Xương từng là thực tập sinh từ năm 1958 đến 1959. Việc bàn giao thiết kế cần hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, nên ông Xương phải sang Trung Quốc nhiều lần. Mỗi chuyến ông đều đi máy bay – thời ấy, đây là một đặc cách khi thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng. Bức ảnh chân dung của ông chụp năm 1963 tại một hiệu ảnh trên phố Hàng Khay ở Hà Nội chính là để làm hộ chiếu dùng trong các chuyến sang Trung Quốc.
Người đồng hành cùng ông Trịnh Xương đi Trung Quốc thường là ông Năm Đạo – Phó tư lệnh Đoàn 759, riêng chuyến đầu tiên có thêm ông Ngô Văn Năm. Từ khi còn học tại Viện Nghiên cứu thiết kế tàu thủy Thượng Hải, ông Trịnh Xương đã hòa đồng và tạo được thiện cảm với mọi người, nên bây giờ được họ chào đón và giúp đỡ rất nhiệt tình: Tôi về Viện cũ, mọi người vui lắm vì tôi được chính họ đào tạo. Nhờ thế mà việc bàn giao rất thuận lợi[15]. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tuyệt mật cho những con tàu không số, ông chỉ trình bày bối cảnh và mục đích việc bàn giao thiết kế tàu một cách khái quát.
Trong chuyến đi đầu tiên sang Thượng Hải, nhiệm vụ của nhóm công tác là nhờ bạn thử mô hình tàu 100T với hai nội dung: thứ nhất, thử tại bể thử trong nhà có máy tạo sóng để xác định sức cản và tốc độ tàu; thứ hai, thử trong bể thử ngoài trời để xác định tính hành hải của tàu[16]. Các bạn đồng nghiệp Trung Quốc đánh giá cao bản thiết kế tuyến hình của loại tàu này[17]. Việc đóng tàu được chuyển giao cho nhà máy đóng tàu ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Những con tàu đầu tiên, ông Trịnh Xương và ông Năm Đạo phải sang đó kiểm tra trực tiếp, khi biết chắc chắn tàu không có gì sai sót các ông mới yên tâm về nước.
Ông Trịnh Xương giới thiệu bức ảnh tàu không số chụp từ vệ tinh của Mỹ
Từ năm 1961 đến 1975, những chuyến tàu không số của Đoàn 759 đã vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam[18]. Khi được mời tham gia một số buổi gặp mặt cán bộ miền Nam tại nhà ông Tô Ký[19], nghe anh em kể lại thành tích của tàu không số, ông Trịnh Xương rất mừng. Chưa bao giờ nhận mình là “cha đẻ” của tàu không số, ông luôn cho rằng đây là “đứa con” chung của ông và các đồng nghiệp. Và nếu có ai hỏi vì sao ông có thể thiết kế ra những con tàu huyền thoại ấy, thì câu trả lời của ông rất đơn giản: lòng yêu nước và trí tuệ – thứ vũ khí giúp con người Việt Nam có những thời khắc làm nên lịch sử.
Qua thời chiến tranh và sau những lần chuyển nhà, đến nay bản thiết kế vẽ tay tàu không số cũng như cuốn hộ chiếu đi Trung Quốc của ông Trịnh Xương thời kỳ đó đều không còn. Bởi vậy, bức ảnh chân dung chụp năm 1963 được ông coi như một kỷ vật vô cùng quý giá, gắn liền với những kỷ niệm không thể lãng quên về tàu không số. Rời nhà ông khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi vẫn nhớ như in ánh mắt rạng rỡ và giọng nói trầm ấm của ông Trịnh Xương: Đây là bức ảnh mà tôi thích nhất!
Nguyễn Thị Điệp
___________________________
* Ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế tàu thủy, nay là Viện Khoa học công nghệ tàu thủy.
[1] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 13-12-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Nay là Viện Khoa học công nghệ tàu thủy.
[3] Khi đó ông Phạm Hùng còn là Trưởng ban Thống nhất Trung ương.
[4] Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông Ngô Văn Năm là Trưởng phòng Quân giới Nam bộ. Ông Năm cũng là thủ trưởng đầu tiên của ông Trịnh Xương.
[5] Sóng gió càng lớn, địch càng khó tiếp cận và kiểm tra tàu thuyền của quân ta, bởi vậy đây là lúc di chuyển an toàn nhất.
[6] Mớn nước là khoảng cách thẳng đứng đo từ mép dưới của đáy tàu đến mặt nước.
[7] Tài liệu ghi âm phỏng vấn ông Trịnh Xương, 20-10-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Tài liệu ghi âm phỏng vấn ông Trịnh Xương, 20-10-2017, đã dẫn.
[9] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 15-9-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 18-1-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 13-12-2017, đã dẫn.
[12] Năm 1963, phòng Thiết kế tàu thủy – ôtô cho ra đời loại tàu không số có sức chở 50 tấn; tuy nhiên, tính năng hàng hải của tàu 50T không bằng tàu 100T nên chỉ đóng vài chiếc.
[13] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 18-1-2018, đã dẫn.
[14] Đoàn 759 – nay là Lữ đoàn 125 Hải quân – được thành lập ngày 23-10-1961 với nhiệm vụ chính là bí mật vận tải vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển.
[15] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin ông Trịnh Xương, 13-12-2017, đã dẫn.
[16] Trước đó, do hạn chế về cơ sở vật chất trong nước, nhóm thiết kế và thi công chưa có điều kiện chạy thử mô hình tàu 100T.
[17] Về sau, khi Trung Quốc đóng tàu Giải phóng cho Việt Nam cũng tham khảo tuyến hình của tàu 100T.
[18] “Tàu không số – Những câu chuyện huyền thoại”, https://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2049:tau-khong-s-nhng-cau-chuyn-huyn-thoi&catid=169:bin-o-que-hng&Itemid=641).
[19] Thiếu tướng Tô Ký (1919-1999) – nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh đội trưởng Sài Gòn – Gia Định, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3.