Đây là tờ giấy khen tôi quý nhất

Tờ giấy khen không to như nay thường thấy, kích thước chỉ 20cm x 14,8cm, mỏng gần như giấy bản, đã ngả vàng, quăn góc… Thông tin ghi trên đó cho biết, Chỉ huy Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 tặng ông Nguyễn Duy Tuân ngày 1-11-1953 vì đã luôn luôn lo lắng đến nhiệm vụ tổ chức bảo đảm chính sách thương binh, khi mổ xong lại xuống theo dõi vết thương, khuyến khích và an ủi thương binh cũng như động viên anh em để làm tròn nhiệm vụ. Phải nghe ông kể mới biết, đây không phải là thành tích của một bác sĩ, mà là của một sinh viên, và đó cũng là câu chuyện về kiểu đào tạo rất đặc biệt của trường Y thời kháng chiến chống Pháp.

GS.TS Nguyễn Duy Tuân kể về tờ giấy khen, 20-9-2019

Tháng 9-1947, chàng trai Nguyễn Duy Tuân rời làng quê ở Bắc Ninh và lên Tuyên Quang xin vào học trường ĐH Y dược khoa đóng tại huyện Chiêm Hóa. Đang kháng chiến, không có sinh viên nào, không có khóa nào được đào tạo tập trung đủ 6 năm tại trường. Sinh viên phải vừa học tập vừa phục vụ tại các đơn vị chiến đấu, và họ được đào tạo qua thực tế khắc nghiệt đó. Nguyễn Duy Tuân cũng vậy, khoảng tháng 10-1948, ngay khi mới bắt đầu năm học thứ hai, anh được trường cử đi thực tập tại Trung đoàn 308 ở khu vực Phúc Trìu, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, anh đi phục vụ một số chiến dịch: chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn bên Trung Quốc năm 1949, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám và chiến dịch Quang Trung năm 1951. Tháng 6 năm 1951, khi chiến dịch Quang Trung kết thúc, anh được cử  làm Trưởng ban Quân y của Trung trạm vận tải liên khu 3-4, phụ trách công tác y tế phục vụ dân công trên tuyến từ thị xã Hoà Bình theo đường 12 xuống Nho Quan và kéo dài vào khu 4. Trung trạm đặt trụ sở ở cách núi Chùa Hang (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) khoảng 5-6 cây số, dựng các lán trại dựa vào hang, hẻm núi đá để tránh máy bay Pháp. Bệnh xá của Trung trạm chỉ thu dung được 15-20 bệnh nhân.

Giữa năm 1952, theo yêu cầu của Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh, sinh viên Nguyễn Duy Tuân được điều về làm Trưởng ban Quân y Trung đoàn 48, Đại đoàn 320. Hồi tưởng lại những ngày này, GS Nguyễn Duy Tuân nhớ ngay đến tâm trạng vừa mừng vừa lo: Phấn khởi vì được ra đơn vị trực tiếp phục vụ chiến đấu, nhưng lại lo vì chưa hề làm ngoại khoa. Lý thuyết về ngoại khoa chiến tranh đã được học, nhưng chưa được cầm dao kéo mổ[1].

Khi Nguyễn Duy Tuân nhận nhiệm vụ mới ở Trung đoàn 48, Trung đoàn còn đang đóng quân ở Thanh Hoá để huấn luyện trước khi chuyển về đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, anh có thời gian để tìm hiểu công việc. Là sinh viên quân y nhưng anh chưa từng được học về y học quân sự, nên không có cách nào khác, anh phải tìm hiểu kinh nghiệm của chính đơn vị quân y của Trung đoàn này. Qua các trận chiến đấu ở vùng địch hậu, Quân y Trung đoàn 48 có nhiều người có kinh nghiệm để anh học hỏi.

Thời kỳ ấy, Quân y trung đoàn thường tổ chức 2-3 đội phẫu thuật, trang bị gọn nhẹ, mỗi đội đi với một tiểu đoàn để kịp thời cứu chữa cho thương binh. Trước mỗi trận chiến đấu, cần chuẩn bị dụng cụ, bổ sung thuốc men và đóng gói sao cho tiện mang vác theo kịp bộ đội trong hoàn cảnh phải cơ động, hành quân đêm, vượt sông, lội ruộng… Dụng cụ mổ và đồ vải được các y tá cho vào ba lô của mình, còn bông băng và thuốc tiêm dễ vỡ thì đóng vào bồ để gánh. Loại bồ thích hợp là bồ nhỏ được phết nhựa cây sơn ta để tránh bị ngấm nước khi gặp mưa hoặc vượt sông. Đồ dùng cá nhân hết sức đơn giản, như Nguyễn Duy Tuân chỉ có hai bộ quần áo đựng trong chiếc túi dết và vài vật dụng cần thiết. Trung đoàn cử tiểu đội trưởng Minh gan dạ và đã kinh qua chiến trận về làm cần vụ cho Trưởng ban Quân y. Nguyễn Duy Tuân và anh Minh đắp chung một chiếc chăn chiên, mỗi khi hành quân anh Minh gấp và cuộn tròn chăn lại rồi quàng trên hai vai.

Năm 1952, Nguyễn Duy Tuân tham gia trận đánh Phát Diệm, trận thử lửa đầu tiên với anh ở Trung đoàn 48. Quân y được lệnh triển khai ở một ngôi đình cách Phát Diệm khoảng 15 cây số. Trưởng ban Nguyễn Duy Tuân tổ chức hai phòng mổ ở khu vực tam quan, còn trong đình dùng làm nơi thương binh nằm. Anh trực tiếp mổ ở một bàn, còn bàn kia do y tá Tâm đứng mổ. Y tá Tâm là một phẫu thuật viên có uy tín của trung đoàn, đã đứng mổ độc lập trong nhiều trận trước đó, và như GS Nguyễn Duy Tuân chia sẻ: Về lý thuyết thì có lẽ anh ấy không bằng tôi, nhưng chắc chắn là mổ chắc tay hơn tôi[2]. Ngoài các nhân viên quân y, còn có thêm một số phụ nữ tại địa phương được huy động tới chăm sóc thương binh và làm cấp dưỡng.

Kể về trận ấy, GS Nguyễn Duy Tuân nhớ rõ rằng: Khoảng nửa đêm bắt đầu có thương binh về trạm. Trong hai đêm một ngày trạm đã thu dung hơn 200 thương binh. Hai bàn mổ làm việc liên tục, chỉ thỉnh thoảng mới tạm dừng để tôi đi kiểm tra tình hình thương binh hoặc ăn uống. Không được ngủ đã đành, ngay cả việc ăn cũng vội vã; có lúc mệt quá, chúng tôi đứng tựa lưng vào tường sau một ca mổ, ngủ gà ngủ gật[3]. Có anh thương binh bị dập nát một bàn tay, không có cách nào khác là phải cắt cụt đoạn 1/3 dưới của cẳng tay. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Duy Tuân phẫu thuật như vậy, anh làm theo các bước như đã học trong sách. Ca mổ thành công, nhưng do anh chưa có kinh nghiệm nên người thương binh bị mất nhiều máu, huyết áp tụt, khiến cho anh mất ăn mất ngủ, chốc chốc lại đến kiểm tra. May là kết cục đã xử trí được và sau đó anh thương binh ấy được chuyển về đội điều trị của Đại đoàn đóng ở núi Sậu thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Trận thử lửa đầu tiên này giúp sinh viên Nguyễn Duy Tuân có được những kinh nghiệm thực tế, cả về kỹ thuật lẫn tổ chức làm việc. Lần đầu tiên anh trực tiếp mổ cho hàng chục thương binh và biết cách tổ chức một trạm quân y dã chiến. Một lần, giữa hai ca mổ, anh xuống thăm thương binh và thấy nhiều thương binh nặng đang nằm chờ, nhưng tổ điều trị lại đưa thương binh nhẹ lên mổ trước. Từ sự bất hợp lý đó mà anh thấm thía tầm quan trọng của việc phân loại thương binh trước khi xử trí. Anh cũng thực sự nhận ra vai trò không thể thiếu của dân công, hộ lý, họ làm tất cả mọi việc phục vụ thương binh, không nề hà gì cả.

Sau trận Phát Diệm, Trung đoàn 48 được nghỉ một thời gian ngắn để củng cố lực lượng, rồi được lệnh vào chiến đấu trong vùng địch hậu để phối hợp với chiến trường Tây Bắc. Trong chiến dịch Đông Xuân 1952-1953, Trung đoàn vượt sông Đáy vào khu vực phía nam tỉnh Nam Định, chủ yếu chiến đấu ở hai huyện Trực Ninh, Nam Trực. Trận đầu tiên là trận đánh công kiên đồn Vô Tình ở gần chùa Cổ Lễ, một đồn của Pháp bảo vệ trục giao thông từ thị xã Nam Định theo đường 21 về hướng Nam. Phải mất hai đêm chiến đấu mới tiêu diệt được cứ điểm này. Sau đó là trận phục kích Cầu Gai tiêu diệt một tiểu đoàn Âu – Phi, rồi trận chống cuộc càn quét Bretagne ở phía nam tỉnh Nam Định.

Trong các trận chiến đấu ở Nam Định, Quân y trung đoàn cũng triển khai tập trung và tổ chức hai bàn mổ như trận đánh Phát Diệm. Các cơ sở quân y đều nhờ nhà dân. Trước mỗi trận, cán bộ tham mưu xác định địa điểm đặt trạm quân y và thông báo để Trưởng ban Nguyễn Duy Tuân cử người đi tiền trạm. Cán bộ tiền trạm đề nghị chính quyền địa phương giúp chuẩn bị nơi đặt phòng mổ, chỗ ở cho thương binh, chuẩn bị cả lương thực, thực phẩm, ván đóng quan tài, đào hầm và đào sẵn một số huyệt nữa. Tuy chỉ có khoảng hai chục người, nhưng Quân y trung đoàn có thể phục vụ những trận chiến đấu có hàng chục, thậm chí trên 100 thương binh. Những ngày yên tĩnh, rảnh rỗi, Trưởng ban Nguyễn Duy Tuân cùng các cán bộ nhân viên quân y còn tranh thủ đi gặt lúa giúp dân.

Bấy giờ, chưa có tổ chức hậu cần ở cấp trung đoàn và sư đoàn, mà chỉ có Ban Quân y và Ban Cung cấp chuyên lo cái ăn cho bộ đội. Ban Quân y trực thuộc Chỉ huy trung đoàn, có đại đội tải thương đảm nhiệm việc vận chuyển thương binh. Nhưng đại đội tải thương chỉ làm nòng cốt, còn lực lượng chủ yếu là dân công hỏa tuyến. Bộ phận quân y của Trung đoàn phải theo sát bộ đội tác chiến ở vùng địch hậu phía nam tỉnh Nam Định, còn đội điều trị của Đại đoàn lại đóng ở núi Sậu thuộc vùng tự do của Ninh Bình. Cho nên, phải đặt hai trạm tiếp chuyển ở hai bên bờ sông Đáy, tại mỗi trạm đều chuẩn bị chỗ ăn ở tạm thời cho thương binh và có dân công để vận chuyển. Thương binh từ trạm quân y được chuyển tới bờ tả sông Đáy, từ đây họ được đưa qua sông sang Ninh Bình, rồi được chuyển về trạm quân y của Đại đoàn ở khu vực núi Sậu. Phải mất 3 đêm mới hoàn thành được ba chặng vận chuyển như vậy.

GS Nguyễn Duy Tuân vẫn không quên, trong trận càn Bretagne hồi cuối tháng 11-1952, với mục đích đẩy lui các lực lượng của ta ra khỏi địa bàn phía nam Nam Định, quân Pháp tổ chức nhiều đợt tấn công, đồng thời thả bom napalm làm cho nhiều bộ đội bị thương vong. Trạm quân y tiếp nhận trên 30 thương binh, quá nửa là do bom napalm. Trạm chỉ làm được những việc đơn giản là băng bó, xử lý sơ bộ, không điều trị được vết thương do bom napalm. Khó khăn đến mức không có phương tiện và thuốc để chống sốc cho thương binh, chỉ có huyết thanh tự pha chế nhưng cũng không truyền được. Cảnh  tượng khi đó ám ảnh ông Nguyễn Duy Tuân cho đến mãi sau này: Thương binh về dồn dập, trạm quân y trung đoàn vừa phải cứu chữa thương binh, vừa phải tổ chức vận chuyển ngay ra vùng tự do. Khó khăn nhất là việc cứu chữa cho những thương binh bị bỏng bom napalm, không còn chỗ để tiêm hay truyền dịch. Nhìn đồng đội nằm đấy, tôi buồn tủi và xấu hổ vì sự bất lực của mình. Những thương binh nặng, quần áo, tóc, lông đã bị cháy hết, toàn thân sưng vù và đen, không thể nhận dạng được mặt người nữa[4].

Nhận định quân Pháp tiến công dồn dập, ác liệt như vậy là triệu chứng của việc chúng chuẩn bị bao vây để “cất vó” tiêu diệt quân ta, Trung đoàn chủ trương nhanh chóng vượt sang bờ nam sông Ninh Cơ, chủ động thoát khỏi vòng vây của địch. Chiều tối hôm ấy, quân y nhận lệnh hành quân, yêu cầu mỗi người mang theo một cây chuối để dùng khi bơi qua sông. Tối mùa đông rét căm căm, mọi người lặng lẽ di chuyển ra bờ sông Ninh Cơ. Phần lớn thương binh đã được chuyển ra vùng tự do ở Ninh Bình, nên lúc đó trạm chỉ còn một số ít thương binh nhẹ, có thể đi bộ được. Trên cương vị phụ trách, Nguyễn Duy Tuân lo lắng làm sao đưa được thương binh qua sông. Nhưng thật may, khi ra tới bờ sông anh đã  thấy có thuyền của dân đang chở bộ đội qua sông, cũng nhờ vậy mà không ai phải bơi cùng với cây chuối. Ngay trong đêm, Ban Quân y trung đoàn vượt sông an toàn và được chỉ định về đóng quân ở thôn Cát Hạ, một làng nhỏ thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Đầu năm 1953, Trung đoàn 48 được lệnh di chuyển sang Thái Bình, tiêu diệt cứ điểm Quỳnh Côi để hỗ trợ cho chiến tranh du kích phát triển. Sau chiến thắng Quỳnh Côi, Trung đoàn rút về Thanh Hóa để củng cố lực lượng. Cuối năm ấy, trong dịp tổng kết những đợt phục vụ chiến đấu ở Ninh Bình và Nam Định, sinh viên Nguyễn Duy Tuân – trong vai trò một chiến sĩ quân y, một Trưởng ban Quân y – đã được Ban chỉ huy Trung đoàn tặng giấy khen.

GS Nguyễn Duy Tuân cho biết thêm: Thủ tục cũng sơ sài, người khen thưởng chỉ ký mà không viết họ tên. Ở chiến trường địch hậu năm ấy mà làm được như vậy, tôi nghĩ cũng là quá giỏi! Đặc biệt, phần thưởng này có ý nghĩa rất lớn, như chính ông đã bộc bạch trước khi qua đời chỉ một năm: Trong tất cả các giấy tờ khen thưởng mà tôi còn lưu giữ được, đây là khen thưởng ở cấp thấp nhất, cấp Trung đoàn, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc và đây là tờ giấy khen tôi rất quý. Gần 50 năm đã trôi qua kể từ những ngày sóng gió phục vụ chiến đấu ở Ban Quân y Trung đoàn 48, Đại đoàn 320. Nay đã ở tuổi 90, nhìn lại quá khứ, tôi luôn tự hào vì những đóng góp nhỏ bé của mình cho Trung đoàn, cho thương bệnh binh và quân đội[5].

Lê Thị Hằng

 


* GS.TS Nguyễn Duy Tuân (1929-2020), chuyên ngành Y học, nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Quân y 1, Học viện Quân y. Nguyễn Duy Tuân, hồi ký "Trưởng thành trong thử thách" (bản in nội bộ), 1998, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[1] Nguyễn Duy Tuân, hồi ký "Trưởng thành trong thử thách" (bản in nội bộ), 1998, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nguyễn Duy Tuân, hồi ký "Trưởng thành trong thử thách" (bản in nội bộ), 1998, đã dẫn.

[3] Nguyễn Duy Tuân, "Ký ức về một tờ giấy khen", 9-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Nguyễn Duy Tuân, hồi ký "Trưởng thành trong thử thách" (bản in nội bộ), 1998, đã dẫn.

[5] Nguyễn Duy Tuân, "Ký ức về một tờ giấy khen", 9-2019, đã dẫn.