Đề tài khoa học đầu tiên – dấu ấn khó quên

Trước những năm 70, chăn nuôi gà ở nước ta chủ yếu được tổ chức quy mô nhỏ trong các hộ gia đình theo phương thức quảng canh. Nhiều giống gà nội có chất lượng thịt, trứng thơm ngon như gà Ri, gà Tre, gà Ác… nhưng không được đầu tư, chọn lọc lai tạo nên năng suất còn thấp (khối lượng xuất chuồng bình quân của các giống gà nội chỉ đạt 1,2-1,5kg/con) với thời gian nuôi kéo dài 6-7 tháng, sản lượng trứng chỉ đạt 60-90 quả/mái/năm[1]..

Nhằm đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gà công nghiệp, từ đầu những năm 70, nước ta đã đầu tư củng cố và xây dựng các hệ thống chăn nuôi gà như các trung tâm giống dòng thuần, các nông trường và xí nghiệp chăn nuôi ở trung ương và địa phương. Cùng thời gian này, một số nước bạn cũng sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam phát triển chăn nuôi gà công nghiệp như Chính phủ Cu Ba đã viện trợ 3 bộ giống thuần chủng: bộ giống gà chuyên thịt (Plymuoth Rock TD3, TD8, TD9), bộ giống gà lông màu đỏ kiêm dụng (Rosislan, trứng màu), bộ giống gà chuyên trứng (Leghorm BVx, Bvy, L). Bên cạnh đó, Hungari giúp đỡ cho Hà Nội và Bungari giúp đỡ cho Hải Phòng xây dựng mô hình, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gà[2].

Các giống gà nhập cho năng suất cao, tiêu tốn lượng thức ăn thấp, kỹ thuật chăn nuôi được nâng cao… đã tạo đà cho công nghiệp chăn nuôi gà ở nước ta ngày một cải thiện. Tuy nhiên, nhược điểm của các giống gà nhập là chưa thích ứng với điều kiện khí hậu ở nước ta, thường dễ nhiễm bệnh và bùng phát thành dịch, gây thiệt hại kinh tế. Điển hình là bệnh đậu gà (hay còn gọi là bệnh trái gà). Loại bệnh này do virut thuộc họ Poxviridae và giống Avipoxvirus gây ra, thường phát bệnh vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5 âm lịch), lây lan nhanh, dễ bùng phát dịch, bệnh làm gà ăn uống kém (hoặc bỏ ăn), kiệt sức và là nguyên nhân kế phát các bệnh khác như E.coli, bạch lỵ… dẫn đến gà chết hàng loạt. Từ khi nước ta đẩy mạnh nhập nội một số giống gà, bệnh đậu đã có sự gia tăng về phạm vi và mức độ lây nhiễm. Theo thống kê hàng năm ở một số cơ sở nuôi gà công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam (1970-1976) có khoảng 50-70% gà mắc bệnh đậu và hơn 35% chết vì bệnh này[3].

Đứng trước thiệt hại do bệnh đậu gà gây ra, được sự giúp đỡ của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo cho Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương[4] nhập khẩu và nhân giống vacxin đậu gà chủng bồ câu, để tổ chức tiêm phòng ngay tại các cơ sở chăn nuôi. Đây là loại vacxin có giá thành cao, độc lực mạnh, nhưng không phù hợp với các giống gà nhập nội ở nước ta bấy giờ, vì thế không mang lại nhiều hiệu quả.

Từ năm 1964-1975, ông Nguyễn Như Thanh là cán bộ giảng dạy, kiêm Phó chủ nhiệm Bộ môn Vi trùng – truyền nhiễm – Ký sinh trùng – Kiểm nghiệm thú sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Trăn trở trước tình hình dịch bệnh đậu gà xảy ra đồng thời hưởng ứng phong trào đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học phục vụ cho thực tiễn sản xuất của Ban lãnh đạo trường và Bộ Nông nghiệp, ông không ngừng trau dồi và nâng cao trình độ nghiên cứu, tích cực tìm kiếm các đề tài, dự án sản xuất. Tinh thần nhiệt thành và nghiêm túc trong công việc của giảng viên Nguyễn Như Thanh được Chủ nhiệm bộ môn bấy giờ là ông Nguyễn Vĩnh Phước tin tưởng, và thường mời ông Thanh tham dự các buổi họp chỉ đạo nghiên cứu và ứng dụng sản xuất cấp Trường, Vụ, Viện và Bộ Nông nghiệp. Qua các buổi họp này, ông đã gặp gỡ và xây dựng được mối liên hệ với các cán bộ nghiên cứu và các cấp lãnh đạo. Đó là cơ sở để ông trao đổi, đẩy mạnh hợp tác khoa học giữa trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và các đơn vị nghiên cứu khác trong lĩnh vực vi sinh vật.

Nhận thấy tình hình lây lan của bệnh dịch đậu gà, và hiện trạng sử dụng vacxin chủng bồ câu không có nhiều hiệu quả, giảng viên Nguyễn Như Thanh đã tiến hành khảo sát thực tế để thu thập số liệu. Qua liên hệ điều tra tại Nông trường An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), ông nhận thấy trong vòng 10 năm (1964-1973), bệnh đậu gà đã xảy ra liên tục với tỷ lệ mắc bệnh từ 50-80% và tỷ lệ gà chết chiếm tới 30-40%[5]. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại một số cơ sở nuôi gà công nghiệp trên địa bàn Hà Nội như Xí nghiệp nuôi gà Phúc Thịnh (Đông Anh, Hà Nội), xí nghiệp nuôi gà Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), trại giống Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội)…

Song song với việc khảo sát thực tế, giảng viên Nguyễn Như Thanh đã kết hợp với bác sĩ thú y Trần Khâm, cán bộ nghiên cứu vacxin tại phòng Virut của Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương để thảo luận, tìm kiếm một loại chủng virut có thể sản xuất được một vacxin phòng bệnh vừa an toàn, vừa có hiệu lực cao phù hợp với các giống gà nhập nội ở nước ta. Cập nhật thông tin nghiên cứu về các chủng đậu, ông phát hiện thấy virut nhược độc đậu gà chủng C[6] đang được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu và cho hiệu quả khả quan. Vì vậy, ông đã nhờ đến sự giúp đỡ của các lưu học sinh trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tại Hungari để tìm kiếm loại giống virut này, gửi về nước để nghiên cứu. Sau khi có được giống virut này, ông cùng với cán bộ của Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương tiến hành kiểm tra các đặc tính sinh học, ông Nguyễn Như Thanh và các cán bộ của Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương nhận thấy virut nhược độc đậu gà chủng C an toàn, không gây trở lại độc tính qua nhiều lần cấy chuyển và thích ứng với điều kiện của nước ta.

Năm 1974, sau khi tập hợp đầy đủ tài liệu nghiên cứu, giảng viên Nguyễn Như Thanh đã đề xuất với lãnh đạo trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sản xuất vacxin đậu gà chế từ chủng C trên phôi trứng”. Nhận thấy đây là một đề tài gắn liền với thực tiễn sản xuất, Hội đồng khoa học trường đã nhất trí cho triển khai. Đề tài có sự phối hợp giữa khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương.

Được giao nhiệm vụ chủ trì đề tài, giảng viên Nguyễn Như Thanh đã đề nghị với lãnh đạo trường, khoa lựa chọn một số sinh viên đang học năm cuối các khóa thuộc chuyên ngành thú y tham gia đề tài này. Nhiều thế hệ sinh viên thú y ưu tú năm cuối của các khóa 14 đến khóa 19 được lựa chọn tham gia đề tài này đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu, giảng dạy sau này như PGS.TS Nguyễn Văn Thanh[7], PGS.TS Tô Long Thành[8], TS Trần Thị Lan Hương[9], PGS.TS Nguyễn Hữu Nam[10]

Nhóm thực hiện đề tài tiến hành chế tạo vacxin trong phòng thí nghiệm Vi sinh vật tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương. Trong điều kiện trang thiết bị còn hết sức thô sơ, thầy trò Nguyễn Như Thanh đã tiến hành nuôi cấy giống virut đậu gà chủng C trên phôi trứng gà ấp từ 10-13 ngày, sau đó lấy lớp màng thai có bệnh tích của phôi rồi nghiền, lọc với các dung môi, tiệt trùng để tạo vacxin tươi.

GS.TS Nguyễn Như Thanh chia sẻ: Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi buộc phải sử dụng phương pháp truyền thống để kiểm tra khả năng miễn dịch của gà sau khi sử dụng vacxin này[11]. Bấy giờ, ông và các cộng sự đã lựa chọn giống virut đậu gà cường độc 102 (giống virut cường độc gây bệnh đậu gà ở Nông trường An Khánh, đã được Viện Thú y quốc gia phân lập và lưu giữ làm giống chuẩn của virut cường độc) tiêm cho gà đã sử dụng vacxin nhược độc chủng C, rồi theo dõi diễn biến của gà sau khi tiêm trong thời gian từ 1-2 tuần Sau đó, ông và các cộng sự tiến hành kiểm tra hàm lượng kháng thể trong máu để đánh giá tình trạng miễn dịch của gà.

Quy trình thử nghiệm này của Nhóm nghiên cứu đã được Ban Giám đốc Nông trường An Khánh ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ. Kết quả cho thấy vacxin đậu gà do ông Nguyễn Như Thanh và các cộng sự chế tạo đã hạn chế được sự lây lan của virut cường độc đậu gà, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông trường. Trong quá trình thử nghiệm, ông liên tục rút kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình sản xuất vacxin trong phòng thí nghiệm; nghiên cứu, bổ sung các chất bổ trợ để tăng thời gian bảo quản và hiệu lực sử dụng của vacxin đậu gà.

Từ vài chục con gà, vài đàn gà ban đầu đưa thử nghiệm đạt kết quả khả quan, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Như Thanh đã mạnh dạn đề nghị Ban Giám đốc Nông trường An Khánh tiến hành tiêm vacxin cho cả trại gà và đã được chấp thuận.

Thành công trong việc thử nghiệm vacxin đậu gà chủng C tại Nông trường An Khánh đã tạo cơ sở để ông và cùng cộng sự tiếp tục, từ năm 1975-1977, đẩy mạnh việc ứng dụng vacxin này tại các cơ sở chăn nuôi khác, như các xí nghiệp gà thuộc Công ty Gia cầm Trung ương ở Nam Định, Vĩnh Phú, Ba Vì (Hà Tây); các xí nghiệp gà thuộc Công ty gia cầm Hà Nội như xí nghiệp gà Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), xí nghiệp gà Đông Anh (Hà Nội), xí nghiệp gà Phúc Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội)… Kết quả thử nghiệm vacxin đậu gà chủng C tại các cơ sở chăn nuôi gà công nghiệp nói trên đã ngăn chặn được bệnh đậu tại nhiều cơ sở chăn nuôi gà ở miền Bắc Việt Nam. Các công ty gia cầm không phải nhập vacxin đậu gà từ nước ngoài, mà chuyển hẳn sang sử dụng vacxin nhược độc đậu gà chủng C do Nhóm nghiên cứu đề tài sản xuất, tiết kiệm được nhiều kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

GS.TS Nguyễn Như Thanh (giữa) cùng các sinh viên nghiên cứu, chế tạo vacxin đậu gà trong phòng thí nghiệm bộ môn, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Kết quả ứng dụng của Đề tài “Nghiên cứu, sản xuất vacxin đậu gà chế từ chủng C” do giảng viên Nguyễn Như Thanh làm chủ nhiệm đã được Hội đồng khoa học cấp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đánh giá cao trong buổi nghiệm thu đề tài ngày 14 và 15-3-1977: Đây là đề tài thiết thực phục vụ cho sản xuất và đã được thực tế sản xuất công nhận là một vacxin có hiệu lực cao, hiện nay được các cơ sở sản xuất yêu cầu phục vụ[12]. Hội đồng khoa học trường Đại học Nông nghiệp nhất trí báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài này lên Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và đề nghị Bộ xét duyệt chính thức cho sản xuất đại trà phục vụ trong chăn nuôi gà.

Để có thêm căn cứ, tính thuyết phục đề nghị Bộ Nông nghiệp phê duyệt cho phép bộ môn sản xuất thử nghiệm vacxin đậu gà chủng C trên phạm vi cả nước và để kiểm tra tính an toàn và hiệu lực trên các giống gà ở địa phương, ông Nguyễn Như Thanh đề xuất được tiếp tục thử nghiệm vacxin này tại các cơ sở chăn nuôi gà ở thành phố Hồ Chí Minh. Nguyện vọng này của ông đã được các cán bộ khoa Chăn nuôi thú y nhất trí ủng hộ. Ông Phạm Gia Ninh, lúc đó là Phó chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi thú y đã thảo tờ trình: Đề nghị Ban Giám hiệu xét duyệt bản dự thảo kế hoạch đưa vacxin đậu gà vào thực nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh để có thêm số liệu trước khi trình bày với Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp xét duyệt cho sản xuất[13].

Đề xuất của giảng viên Nguyễn Như Thanh và khoa Chăn nuôi thú y được TS Lê Duy Thước, lúc đó là Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội ủng hộ và đã gửi công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xét duyệt cho thực hiện: Ban Giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội trân trọng đề nghị ông xét duyệt và ra quyết định cho đồng chí Nguyễn Như Thanh, cán bộ giảng dạy Khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cán bộ chủ trì đề tài và anh Nguyễn Văn Thanh, sinh viên thú y khóa 17 đang thực tập tốt nghiệp về đề tài nghiên cứu vacxin đậu gà, được vào nghiên cứu thực nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi gà công nghiệp thuộc thành phố Hồ Chí Minh[14]. Ban Giám hiệu trường cũng đề xuất phương tiện di chuyển bằng máy bay, để đảm bảo hiệu lực của vacxin.

Bấy giờ, thành phố Hồ Chí Minh vừa mới được giải phóng, bước vào giai đoạn khôi phục và nhanh chóng ổn định sản xuất. Phương tiện di chuyển chủ yếu giữa hai miền đất nước là những chuyến xe khách cổ lỗ, chật chội. Phương tiện máy bay chỉ được sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt quan trọng, hoặc các chuyến công cán của các vị lãnh đạo cấp cao. Vì yêu cầu cấp thiết của đề tài, Bộ trưởng Võ Chí Công đã chỉ đạo cho các cán bộ của Bộ Nông nghiệp tạo điều kiện cho ông Nguyễn Như Thanh và cộng sự hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu vacxin.

Để chuẩn bị cho chuyến công tác, Nguyễn Như Thanh đã liên hệ trước với một số đồng nghiệp, học trò đang công tác tại Công ty Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh để sắp xếp công việc. Trong hoàn cảnh khó khăn, ông và học trò Nguyễn Văn Thanh đã gấp rút chuẩn bị vài chục nghìn liều vacxin sử dụng trong chuyến công tác.

Một ngày giữa tháng 5-1977, thầy trò Nguyễn Như Thanh mang theo phích đá bảo quản vacxin, đáp chuyến bay từ Gia Lâm, Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến công tác kéo dài 3 tháng tại thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò Nguyễn Như Thanh đã được các cán bộ tại Sở Nông nghiệp và Công ty chăn nuôi nhiệt tình tạo điều kiện để thử nghiệm vacxin tại các xí nghiệp, trại gà trên địa bàn thành phố. Ông trực tiếp xuống cơ sở, ăn uống, sinh hoạt và làm việc với cán bộ, công nhân chăn nuôi.

Sau 3 tháng làm việc nghiêm túc và khẩn trương, quá trình thử nghiệm vacxin đậu gà chủng C đã đạt kết quả khả quan, thích hợp với các giống gà mới nhập nội, được nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh và tạo ra được kháng thể miễn dịch sau tiêm. Thầy trò Nguyễn Như Thanh đã tập hợp số liệu, kết quả thực tế thử nghiệm để bổ sung vào báo cáo đề tài “Nghiên cứu, sản xuất vacxin đậu gà chế từ chủng C”. Qua kết quả báo cáo của Nguyễn Như Thanh và thực tiễn sản xuất ứng dụng, Bộ Nông nghiệp đã có quyết định chính thức, yêu cầu Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương kiểm tra, áp dụng quy trình chế tạo vacxin đậu gà chủng C của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Từ năm 1978-1981, được sự gợi ý của các đồng nghiệp tại Viện Vệ sinh dịch tễ, Nguyễn Như Thanh đã tìm hiểu về phương pháp nuôi cấy tế bào tổ chức trong nghiên cứu virut học. Ông nhận thấy đây là phương pháp đang được ứng dụng rộng rãi trong y học và thú y học để nghiên cứu các virut động vật, như nuôi cấy phân lập, xác định tính chất huyết thanh học, quan sát hình thái siêu cấu trúc, và chế tạo vacxin.

Nhờ sự giúp đỡ của TS Hoàng Thủy Nguyên, lúc đó là Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ và ông Nguyễn Văn Mẫn[15], Trưởng phòng thí nghiệm kính hiển vi điện tử của Viện, Nguyễn Như Thanh đã tiến hành nghiên cứu khảo sát một số tính chất của virut đậu chủng C trên tế bào nuôi của một số động vật như tế bào phôi trứng gà, vịt, ngỗng, bồ câu; tế bào thận lợn, thận khỉ, thận chuột đất, thận gà… Kết quả quan sát dưới kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào nuôi phôi gà là tế bào thích nghi nhất đối với virut đậu gà.

GS.TS Nguyễn Như Thanh chia sẻ: Trong điều kiện khó khăn, khi tiếp cận với phương pháp mới, tôi phải vừa giảng dạy, vừa liên tục di chuyển giữa phòng thí nghiệm của trường và phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ để hỏi hỏi thêm[16]. Trong quá trình khảo sát, ông đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công việc sử dụng môi trường LH3[17] (dễ nuôi cấy, giá thành hạ) để nuôi dưỡng tế bào sau khi gây nhiễm virut, thay thế cho môi trường Parker[18] (giàu chất dinh dưỡng nhưng hiếm và giá thành cao).

Kết quả khảo sát một số tính chất của virut đậu chủng C trên tế bào nuôi của một số động vật cũng chính là đề tài luận án phó tiến sĩ theo diện đặc cách của Nguyễn Như Thanh, bảo vệ thành công tại Hội đồng khoa học cấp Nhà nước (gồm 11 người).

Hỗn dịch tế bào nuôi phôi gà, gây nhiễm bởi virut đậu gà làm vacxin phòng bệnh được giảng viên Nguyễn Như Thanh và các cộng sự kiểm tra vô trùng, trước khi đem sử dụng. Để kiểm tra an toàn trong thực tế sản xuất, ông đã dùng vacxin, chủng cho các đàn gà của xí nghiệm và trại gà công nghiệp thuộc các cơ sở sản xuất ở Trung ương và địa phương. Mỗi cơ sở sau khi tiêm thử nghiệm đều có theo dõi chi tiết về diễn biến và các phản ứng của gà. Kết quả thực nghiệm vacxin trong sản xuất đều tương đương với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, với 318.500 gà được chủng vacxin, theo dõi 5325 gà ở các cơ sở chăn nuôi gà khác nhau, cho thấy gà được chủng vacxin đều an toàn, tỷ lệ mọc đậu đạt 94,1 % và tỷ lệ hiệu lực đạt 89%[19].

Phương pháp nghiên cứu, sản xuất vacxin trên môi trường nuôi cấy tế bào tổ chức động vật có nhiều ưu việt hơn so với phương pháp nghiên cứu, sản xuất vacxin trên màng thai phôi gà như độ tinh khiết cao hơn, vô trùng tuyệt đối, tiết kiệm được nhân lực và nguyên vật liệu (không cần dùng đến máy ấp trứng), sản xuất nhanh trong thời gian ngắn (trong khoảng 20-30 ngày có thể sản xuất được 5-10 lít vacxin, trong khi sản xuất theo phương pháp cũ phải mất vài tháng), giá thành một liều vacxin giảm đi 10 lần so với giá thành cũ, chủ động trong phòng chống bệnh đậu gà, hạn sử dụng tăng (đối với vacxin tươi có thời hạn từ 30-45 ngày và vacxin đông khôi có thời hạn 6 tháng sử dụng; trong khi sản xuất theo phương pháp cũ chỉ đạt thời hạn sử dụng 15 ngày với vacxin tươi và 4 tháng với vacxin đông khô).

Những cải tiến của Nguyễn Như Thanh trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu vacxin phòng bệnh đậu gà đã được nhiều cơ sở chăn nuôi tiếp nhận và đưa vào ứng dụng như xí nghiệp gà Phúc Thịnh (Đông Anh, Hà Nội); nông trường An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội); xí nghiệp gà Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội); trại gà Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội); các trại gà công nghiệp của quân đội đóng ở Hà Nội như Tổng cục Hàng không, Tổng cục Hậu cần…

Đề tài “Nghiên cứu, sản xuất vacxin đậu gà chế từ chủng C” được bổ sung những cải tiến trong phương pháp chế tạo vacxin của thầy trò Nguyễn Như Thanh đã được nghiệm thu theo văn bản của Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp, ký ngày 26-8-1981. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trên các tạp chí khoa học của Bộ Nông nghiệp số 6 (1979), số 7 (1979), số 12 (1980); các báo cáo và kỷ yếu nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội các năm 1979, 1980, 1981, 1982, 1983.

 

Với thành công của đề tài này, Nguyễn Như Thanh đã nhận được nhiều tặng thưởng như Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp, Bằng khen của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bằng khen của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam… Đó là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của ông.

Phạm Ngọc Hải

(*) GS.TS Nguyễn Như Thanh, chuyên ngành Thú y, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vì trùng – Truyền nhiễm, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

[1] Số liệu trích từ bài viết Vacxin dùng chủng đậu cho gà, Kim Anh, Văn Minh, Nguyễn Công, Phước Sanh, báo Quân đội nhân dân, 13-11-1976.

[2] Tư liệu tham khảo bài viết Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Trần Công Xuân, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

[3] Số liệu trích từ bài viết Vacxin dùng chủng đậu cho gà, Kim Anh, Văn Minh, Nguyễn Công, Phước Sanh, báo Quân đội nhân dân, 13-11-1976.

[4] Tên gọi của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương trong giai đoạn 1956-1993.

[5] Số liệu tham khảo Báo cáo nghiên cứu đề tài Sản xuất vacxin gà của GS.TS Nguyễn Như Thanh, trình bày tại Hội đồng khoa học và giáo dục, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, 18-5-1981.

[6] Một chủng virus đã được giảm độc tự nhiên, tìm thấy ở Canada năm 1970.

[7] Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngoại – Sản, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

[8] Cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương.

[9] Nguyên giảng viên khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

[10] Nguyên Chủ nhiệm khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

[11] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Như Thanh, 22-6-2016, tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] Trích Công văn số 103/ĐHNN của Hội đồng khoa học trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội gửi Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp, ngày 2-5-1977.

[13] Trích nội dung tờ trình, do ông Phạm Gia Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi thú y, gửi Ban Giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, 12-4-1977.

[14] Trích công văn số 96/ĐHNN của Ban giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, 20-4-1977.

[15] Sau này là GS.TSKH Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất vacxin Sabin.

[16] Phỏng vấn ghi hình GS.TS Nguyễn Như Thanh, ngày 22-6-2016, tài liệu đã dẫn.

[17] Một loại môi trường sử dụng để nuôi cấy tế bào động vật.

[18] Một loại môi trường sử dụng để nuôi cấy tế bào động vật.

[19] Số liệu tham khảo Bản tóm tắt luận án Phó tiến sĩ “Một số tính chất của virut đậu gà trên tế bào phôi gà và khả năng ứng dụng chế vacxin phòng” của GS.TS Nguyễn Như Thanh, 1980.