Đó là giai đoạn ông theo anh trai lên học phổ thông ở Tuyên Quang. Ngày gần Tết, ông và một người bạn cùng lớp lội bộ ba ngày liền để về quê, lúc đó đang kháng chiến chống Pháp, làm gì có xe cộ, đến xe đạp cọc cạch còn không có. Họ đã trèo dèo, lội suối từ Mỹ Lâm, Tuyên Quang qua Ấm Thượng, Hạ Hòa, thị xã Phú Thọ để xuôi về Lâm Thao, sang Thanh Thủy. Đầu trần chân đất đội gió mưa, phong phanh trong cái rét tê tái và đói lả, lê đôi chân mỏi rã về được ghềnh Bà Triệu thì đã gần giao thừa. Lúc đó, bến đò vắng tanh, hiu hắt, trời tối đen như mực. Chỉ còn trong hoang dã tiếng sóng sông Hồng ì oạp và những cơn gió lạnh thỉnh thoảng rít lên rợn người. Tiếng gọi đò vô vọng, bặt tín.
Chắc phải đón năm mới trên bến sông hoang lạnh này rồi. Đói, mệt, buồn nản, hai đưa ngồi tấp vào một bụi cây để tránh những cơn gió lạnh, chỉ muốn khóc lên trong tủi phận. Cậu bạn hỏi ông, nếu cho một điều ước, ông ước gì? Ông bảo: “Tớ ước có một cái bè hiện ra, hoặc một cái cầu treo…”. Cậu bạn: “Tớ ước có một cái bánh chưng nóng”. Nhắc đến bánh chưng, cơn đói lại quằn lên.
Bỗng có tiếng khua thuyền trên dòng sông tối đen. Có phải là ảo giác không? Nhưng không, có tiếng người gọi trong gió tạt: “Ai gọi đò đới…!”. Hai đưa trẻ mừng quýnh, chồm lên gào: “Ông ơi, cho chúng cháu qua sông với… Chúng cháu ở đây!”. Ông lái đò quấn khăn kín mít, run lập cập trong chiếc áo tơi: “Đêm ba mươi Tết, sao đi đâu mà đi khuya thế?”. Hai trò trèo vội lên thuyền, như sợ ông lão biến mất trong giây lát: “Chúng cháu là học trò về quê ăn Tết ông ạ”.
Họ theo chân ông lão lên một túp lều đỏ lửa trên dốc đê. Trong căn lều tềnh toàng ấy, có một người đàn bà mắt lòa đang ngóng ra phía cửa, chắc là vợ ông lái và ba bốn đứa trẻ con đang xúm xít quanh bếp. Ông và bạn học ngượng ngùng quá. Tiền không có lấy một xu. Cậu bạn định “hi sinh” đôi dép cao su thay tiền đò, nhưng ông lão vẫn chưa nói năng gì, chỉ ngồi hơ hơ đôi tay lạnh cóng vì sông nước trên ngọn lửa. Ông biết, cuộc đời của đôi vợ chồng và một đàn con lít nhít này trông cả vào con đò. Vậy mà ông lại không có gì trả cho nỗi vất vả, ngậm ngùi của ông lái đò nghèo trong đêm gió lạnh, tối tăm cuối năm này!
Người đàn bà, sau một hồi nghe khách trần tình cái sự nghèo của học trò quê đi học trọ hàng trăm cây số, bèn cất tiếng: “Thôi, làm phúc được phúc ông ạ. Chúng nó cũng như con mình. Ai chả có lúc cơ nhỡ”. Nghe bà nói thế, ông và bạn học òa khóc. Khóc vì tủi phận hay khóc vì có người chia sẻ cho cái hoàn cảnh oái oăm, cơ nhỡ? Lúc ấy, ông lái đò mới vỗ về: “Thôi được rồi. Ông cho chúng bay tiền đò”.
Từ căn lều của ông lái đò ghềnh Bà Triệu về Đào Xá, quê ông chừng hơn mười cây số cuốc bộ nữa. Đã có tiếng pháo đì đẹt từ đâu đó trong khuya, chen lẫn tiếng gà gáy, tiếng chó sủa… Dường như giao thừa đang đến gần. Bà chủ thở dài: “Khổ thân các cháu. Thôi, giao thừa đến nơi rồi, ở lại đón giao thừa với các bác”. Mâm cỗ Tết đạm bạc được chủ nhà bày ra. Bọn trẻ tíu tít bóc bánh chưng, lấy dưa hành… Tiếng pháo lúc ấy đã rộ lên cùng tiếng chó sủa khắp nơi của lũ chó ré, thành một âm điệu và tiết tấu chộn rộn, nghe tưng bừng và thật linh thiêng. Bọn trẻ con nhà ông lái đò hò nhau mang chậu đồng, nồi vỡ, mẹt, mủng ra gõ và bảo hai anh học trò cơ nhỡ cùng tham hgia. Ông lái đò như trẻ hẳn ra, hào hứng: “Pháo của con nhà nghèo đó, các con à”.
Một cái Tết lạ lùng, se sắt niềm nhung nhớ với cậu học trò Bùi Danh Lưu như thế. Năm đó ông vừa tròn mười lăm tuổi.
Mỗi lần Tết đến, lòng bồi hồi nhớ lại đêm giao thừa ở ghềnh Bà Triệu, ông vẫn thầm mơ ước học giỏi, trở thành kỹ sư cầu đường tài năng, một ngày nào đó được trở về xây dựng cây cầu quê hưởng, ngay tại ghềnh Bà Triệu, để không bao giờ người dân nơi đây còn nỗi cơ cực gọi đò, hoặc lỡ đón giao thừa trong ngày vui đoàn tụ gia đình, sau một năm làm lụng, bươn trải đó đây sinh kế nữa.
Giờ trở lại nơi đây xây cầu, ông không chỉ là một kỹ sư, ông là nhà khoa học, là Bộ trưởng chuyên trách. Có lần, nỗi nhớ xưa ập đến, ông hỏi tìm thăm lại ngôi nhà cũ của vợ chồng ông lái đò xưa. Tiếc thay, nơi căn nhà hoang phế, cỏ dại mọc um tùm trên nền sân đất năm nào, giờ không còn ai ở đây nữa…
Cầu Phong Châu tưng bừng ngày khai thông, nối lại đôi bờ sông Hồng ngàn đời chia cắt. Sẽ không còn ai “van” đò Lời phía hạ lưu như những ngày nhếch nhác, lận lụi hay những cơ cực mỗi khi qua ghềnh Bà Triệu. Mảnh đất nghèo tù túng, trì trệ trung du Phú Thọ, có cây cầu sẽ từng bước được cải thiện. Với người dân địa phương, người ta còn yêu mến gọi nôm na, thân thiết đây là Cầu Ông Lưu.
Bích Hạnh (trích*)
* Nguồn: Người của những con đường. Nguyễn Hiếu, Quang Quý, Phạm Thành. H- Hội Nhà văn, 2010.