“Cuộc ra đi thần tốc”
Nạn diệt chủng mà quân Khmer Đỏ đã thực hiện đối với người dân Campuchia vào năm 1978 là một dấu ấn kinh hoàng trong lịch sử nhân loại. Để cứu dân, cứu nước, lực lượng cách mạng Campuchia kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam. Trên tinh thần quốc tế cao cả, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đánh bại đội quân Khmer Đỏ vào ngày 7-1-1979. Sau ngày giải phóng, hậu quả nặng nề mà cuộc chiến để lại cùng với sự không ngừng chống phá của tàn quân Pôn Pốt đã đẩy người dân Campuchia vào cảnh đói nghèo, bệnh tật và chết chóc. Trong hoàn cảnh đó Việt Nam đã cử một số chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau tình nguyện sang giúp nước bạn khôi phục đất nước sau chiến tranh. Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch khi đó đang công tác tại Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế cử sang giúp đỡ nhân dân Campuchia. Đoàn của ông là đoàn thứ hai.
Quyết định cử Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch sang Campuchia đến thật bất ngờ. Vào một ngày cuối năm 1978 khi đang làm việc như thường ngày, ông được mời lên gặp GS Phạm Khuê – Chủ nhiệm Bộ môn Nội. Tại Bộ môn, một số cán bộ của Bộ Y tế và Phòng tổ chức cán bộ của trường Đại học Y Hà Nội đã có mặt. Khi đã đông đủ, GS Phạm Khuê đọc thông báo về việc Bộ Y tế cử Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch đi công tác đặc biệt dài hạn. Ông sẽ lên đường vào 12h trưa hôm sau. Nhận quyết định, nhưng Bác sĩ Trạch không biết cụ thể về chuyến đi, “Tuy không được biết là đi đâu, nhưng tôi đoán chắc là không phải đi đến một nơi dễ dàng, yên ổn sung sướng…”. Cuộc ra đi quá vội vàng mà như ông nói là “cuộc ra đi thần tốc”, gia đình ông cũng không khỏi bất ngờ. Dù gấp gáp, nhưng là người cẩn thận chu đáo, ông đã“ viết kê ra giấy những công việc đang làm dở dang, những điều cần dặn dò vợ con, trả những thứ mà tôi mượn của người này người kia, đòi những thứ người khác mượn chưa trả, dặn dò khi trẻ con ốm thì phải làm gì, nhờ ai… để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là cắt đứt liên lạc không có ngày về”. Ông lo cho mẹ đã 80 tuổi không đợi được ngày gặp lại, vợ ông khi đó đang mang thai đứa con thứ hai…, những băn khoăn day dứt trong lòng ông cứ trỗi dậy. Thậm chí ông đã nghĩ đến việc nói với vợ để cho bà đi bước nữa, nếu ông có mệnh hệ gì.
Buổi chia tay vợ con làm ông không thể kìm nén được cảm xúc: “Tôi cũng giả vờ cúi gầm mặt sát đứa con nằm gọn trong hai vòng tay của mẹ nó, lấy cớ để nhìn nó kỹ hơn, nhưng thực ra là để giấu đi nỗi xúc động của tôi, vô tình tôi để rơi mấy giọt nước mắt trên đôi má trắng hồng xinh xắn của nó”.
Bản thảo tự truyện «Thiên thần và ác quỷ»
Tấm lòng và trách nhiệm của người thầy thuốc Việt Nam
Sau khi học một lớp chính trị 2 tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch lên đường cùng đoàn chuyên viên Y tế sang Campuchia, bắt đầu những tháng ngày làm tình nguyện. Hành trang mang bên mình là chiếc ba lô và dụng cụ y tế: ống nghe, hộp đựng thuốc…, thêm một khẩu súng bên người phòng khi gặp tàn quân Pôn Pốt. Giờ đây, người bác sĩ chỉ quen cầm dụng cụ y tế còn phải biết cầm súng chiến đấu nếu cần.
Chân ướt chân ráo đến Takeo, ông và đoàn tìm chỗ đóng quân, nhưng “với hai bàn tay trắng, chẳng có một dụng cụ gì trong tay, chúng tôi phải dọn dẹp nhà cửa thành một chỗ ở sạch sẽ, có giường nằm, có chỗ mắc màn, có chỗ đun nấu, có chỗ để đồ đạc…Trong khó khăn sáng kiến cứ tự nhiên nảy sinh”. Bữa cơm thiếu thốn không có thức ăn gì, canh thì nhạt nhẽo vì không có muối. Trên mảnh đất khô cằn vào mùa nóng, không thấy một mảnh ruộng trồng rau, thứ mà mọi người trong đoàn ông ăn thay rau là hoa bèo Tây, hoa bèo Nhật bản.
Để khắc phục khó khăn, ông cùng đoàn phải tự sản xuất lấy thực phẩm. Sau những ngày chăm bón tích cực, nên dù vào mùa khô mấy tháng không mưa “rau muống mỗi ngày một xanh mơn mởn…bí đỏ cũng mỗi ngày bò lan ra kín cả mặt đất”. Vậy là bữa ăn của đoàn cũng đã có thêm rau xanh cải thiện.
Chiến tranh kết thúc đi liền sau là bệnh tật phát sinh, thuốc men không có, người già thì gầy guộc, da bọc xương, trẻ em quần áo bẩn thỉu, nhem nhuốc suy dinh dưỡng, có những người bệnh tật mà mấy năm chưa biết đến viên thuốc:“Thuốc chữa bệnh thiếu một cách ghê gớm, còn thiếu hơn cơm gạo, có nơi một chỉ vàng chỉ mua được ba bốn viên Tetraxycline. Bệnh tật lan tràn khắp mọi nơi”. Những cảnh tượng này đã thôi thúc ông, vượt qua gian khổ, lăn lộn chữa trị bệnh cho người dân. Ông đi đến từng xã như Barai, Leibor, ngoại thị Takeo, xã Coprếch, huyện Kirivông…để khám bệnh và phát thuốc. Ông không biết tiếng Campuchia, nhất là tiếng dân tộc, cán bộ Y tế ở các xã, huyện không có nên việc đưa thuốc đến đây rất khó. Ông cùng các cán bộ trong đoàn phải chia thuốc thành từng túi nhỏ ghi ở ngoài cách dùng và liều uống để khi cán bộ huyện lên Tỉnh họp là nhờ họ mang về cho dân. Loại thuốc được phát cho dân chủ yếu là 4 loại thuốc: sốt rét, thuốc hạ sốt cảm cúm, thuốc tiêu chảy và kháng sinh.
Là một bác sĩ Nội khoa nhưng khi sang Campuchia ông cần phải biết nhiều chuyên khoa khác, đó cũng là khó khăn đối với ông. Bởi vậy khi giúp người dân tìm ra căn bệnh Than, ông tâm sự: “Đối với tôi, một bác sĩ Nội khoa, tức là người ngoại đạo, việc phát hiện và chẩn đoán ra bệnh trên là một thử thách lớn mà tôi nhớ suốt đời”. Chứng kiến người dân và súc vật chết không rõ nguyên nhân, những cái chết đau lòng, ông trăn trở và tự thôi thúc bản thân nhanh chóng tìm ra bệnh, không thể chậm trễ. Nhưng “Sách vở không có, thầy không có, bạn đồng nghiệp cũng gần như không có ai cả, biết hỏi ai, dựa vào ai?”. Không hề sợ nguy hiểm cho bản thân ông xuống tận các xã ngoại thị Takeo như Barai, Rôca và các xã xa hơn… Ông ghi chép rất chi tiết về số người và súc vật chết: Ngày 20-4-1979, trong tuần đầu của tháng xã Xêrênol có 38 bò, 11 người chết, nhiều người bị phỏng. Xã Polpel ngày 20-4-1979 có 5 bò 10 người chết. Ngày 21-4-1979 xã Roca có 25 bò, 16 người chết trong tổng số 27 người bị bệnh. Và qua thống kê về tình trạng bệnh ở một số xã ông đã khẳng định đó là bệnh Than. Ngay lập tức ông đã thảo ngay một kế hoạch phòng bệnh và chữa bệnh gồm bảy điểm chủ yếu là phòng ngừa, trong đó có 3 điểm cấp bách là phát hiện sớm và cách ly trâu bò bệnh, trâu bò chết phải chôn sâu và tiệt trùng bằng nước vôi hoặc tro bếp. Nhờ vậy mà bệnh Than được đẩy lùi.
GS.TS Nguyễn Khánh Trạch (bên phải) nhớ về những năm tháng
làm việc hết mình bên nước bạn Campuchia
Thời gian làm việc trên đất nước bạn, phương tiện đi lại khi cần đến chữa bệnh gấp hoặc xuống các địa phương phòng dịch thường gặp nhiều khó khăn, không ít lần ông đã phải cuốc bộ xa trong đêm vắng, tính mạng có thể bị đe dọa nếu gặp phải tàn quân Pol Pốt đang ẩn náu.
Không chỉ có nhiệm vụ chữa trị bệnh cho người dân, ông còn được phân công về Ban Bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Campuchia vào cuối năm 1979. Nhiệm vụ của Ban là[1]:
1/ Giải quyết công tác trước mắt như khám chữa bệnh cho cán bộ cao cấp của bạn, hỗ trợ trong trường hợp khó cho cán bộ cao cấp của ta đang công tác tại Phnôm Pênh;
2/ Tiến tới xây dựng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Campuchia làm việc có nề nếp, có chức trách, chế độ rõ ràng, có khả năng chuyên môn kỹ thuật nhất định, đáp ứng được yêu cầu;
3/ Ổn định tinh thần vật chất cho cán bộ nhân viên;
4/ Xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết Quốc tế;
5/ Tham gia ý kiến giúp đỡ xây dựng hai bên Bệnh viện quân dân y và lấy đó làm chỗ dựa cho bậc thang điều trị;
6/ Bồi dưỡng cán bộ bảo vệ sức khỏe cho bạn.
Khi về Ban, nhiệm vụ cụ thể của ông là xây dựng một Khoa khám chữa bệnh cho cán bộ trung cao cấp, giúp nước bạn tại Bệnh viện Cách mạng. Vạn sự khởi đầu nan, ông cùng một số cán bộ tự tay cải tạo “căn nhà hai tầng trống rỗng bụi bặm bẩn thỉu, cửa rả hư hỏng gần hết, không một cửa sổ nào còn nguyên vẹn…” thành một Khoa khám bệnh. Ông và đồng nghiệp làm cả công việc cọ rửa sàn nhà, quét bụi mạng nhện… chỉ những việc đòi hỏi kỹ thuật cao ông mới nhờ thợ làm. Các nguyên vật liệu cũng phải tự tìm kiếm lấy từ cái đinh, cái chổi, bàn, ghế…. Và được sự giúp sức của Chánh văn phòng Trung ương Campuchia, Khoa khám bệnh đã được xây dựng và hoàn thiện. Khoa không chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ trong nước mà còn khám bệnh và chăm sóc về y tế cho nhiều khách nước ngoài. “Có thể nói trong việc xây dựng Khoa này, chúng tôi những người bạn Việt Nam đã tự coi mình như người Campuchia thực sự”- ông bộc bạch thật giản dị.
Tháng 5-1981, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia họp Đại hội đầu tiên sau giải phóng. Trung ương Đảng của nước bạn đề nghị Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Campuchia chịu trách nhiệm về mặt Y tế cho Đại hội, khi đó Nguyễn Khánh Trạch được cử làm Trưởng đoàn phụ trách công tác Y tế. Mọi việc được sắp xếp, phân công tỉ mỉ và suôn sẻ thì đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng Campuchia bị ốm, nhiệm vụ càng trở nên nặng nề và được đặt lên vai vị “ Chỉ huy trưởng”. Biết bao lo lắng, phân tâm để tìm phương cách chữa bệnh cho vị cán bộ Đảng đặc biệt này: để bệnh nhân ở lại Phnôm Pênh hay chuyển sang Việt Nam? Nếu chuyển sang Việt Nam chữa trị ông sẽ không phải chịu trách nhiệm, nhưng có thể ảnh hưởng lớn tới tiến trình Đại hội Đảng của Campuchia. Diễn biến chính trị có thể phức tạp, do bọn Pôl Pốt lợi dụng phao tin đồn nhảm, phá hoại Đại hội. Trước tình hình đó ông quyết định để đồng chí cán bộ Đảng lại Phnôm Pênh điều trị: “Tôi suy nghĩ cân nhắc khá nhiều về quyết định này, một quyết định có thể nói là táo bạo, dám chịu trách nhiệm nếu kết quả xấu chắc chắn tôi sẽ mang tai tiếng, sẽ bị phê bình, trách cứ”. Ông cùng cán bộ trong đoàn triển khai kế hoạch theo dõi, chữa bệnh hết sức sát sao, có những lúc ông cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng: “Thành thật mà nói, trong đời tôi gần hai chục năm trong nghề chưa bao giờ tôi phải chỉ huy một trận đánh gay go như vậy, chưa bao giờ tôi đơn thân độc mã độc lập tác chiến và chịu trách nhiệm một mình như vậy”. Nhưng cuối cùng, sau bảy ngày bảy đêm mất ăn mất ngủ, tận tình chữa trị ca bệnh đặc biệt này, ông và đồng nghiệp đã được đền đáp, đồng chí cán bộ cao nhất của Đảng bạn đã bình phục.
Ba năm công tác tình nguyện giúp nước bạn Campuchia là khoảng thời gian Bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch trải qua nhiều khó khăn nhưng đồng thời chuyên môn, tay nghề của ông được rèn luyện, thêm vững vàng. Cuối năm 1981, ông trở về Việt Nam nhưng tình cảm và những kỉ niệm về đất nước Chùa tháp với điệu múa Apsara, được ông ghi lại trong cuốn tự truyện đầy cảm xúc. Cuốn sổ ghi chép khổ giấy 18.5x26cm, gồm 196 trang, trải qua thời gian đã ngả màu vàng, đôi chỗ nhòe mực, nhưng chứa đựng tình cảm, sự tận tâm của ông dành cho đất nước và con người Campuchia. Đó cũng là suy nghĩ, tinh thần trách nhiệm của hàng vạn chuyên gia Việt Nam đã tạm biệt gia đình, tạm biệt cuộc sống ấm êm lên đường giúp nước bạn, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Lê Thị Hoài Thu
_______________________
[1] Trích theo Sổ ghi chép trong thời gian ông làm chuyên gia Y tế tại Campuchia, từ tháng 4-1980 đến tháng 8-1980