Lớp Y50 chúng tôi vào Trường Đại học Y ở Lang Quán (Tuyên Quang) tháng 10/ 1950. Đang học phần Giải phẫu học thì cả lớp được động viên nhập ngũ, rồi được đưa đi phục vụ các chiến dịch do khi đó đang rất thiếu nhân viên quân y. Sau các Chiến dịch Trung Du và Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951, chúng tôi lại được gọi về trường tiếp tục học, trường lúc này đã trở về Chiêm Hóa (Tuyên Quang).Tại đây, chúng tôi được học đúng 1 năm. Trong năm này, chúng tôi được học khá nhiều về ngoại khoa để có thể tham gia xử trí phẫu thuật tại các đội điều trị. Cuối năm 1952, tôi được giao nhiệm vụ là Quân y điều trị, Trưởng ban Trọng thương của Đội điều trị Đại đoàn. Tôi cùng đơn vị được tham dự các chiến dịch Nghĩa Lộ, Nà Sản rồi sang Thượng Lào giải phóng Sầm Nưa, tại đây chúng tôi được phân công vào Trạm thu dung mặt trận đóng tại Hứa Mường. Hết chiến dịch chúng tôi được triệu tập về Cục Quân y tham dự đợt chỉnh quân chính trị. Sau đợt sinh hoạt chính trị này, tôi nhận quyết định của Cục về đơn vị mới, Đội điều trị 2 (ĐT2) một đội điều trị của Cục chuyên thu dung các thương binh của chiến dịch phía Bắc.
ĐT2 khi đó đóng tại làng Phương Nhuế, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đội có 2 ban chuyên môn: Ban trọng thương và Ban trung và khinh thương. Anh Vũ Trọng Kính, đội trưởng và anh Hoàng Văn Nhu, chính trị viên phân công anh Phú làm Trưởng Ban trọng thương, tôi làm Trưởng Ban trung và khinh thương. Toàn đội lúc này đang khẩn trương chuẩn bị tham gia chiến dịch Đông Xuân. ĐT2 được thành lập từ năm 1950 nên đã có những kinh nghiệm hoạt động nhất định. Tại Ban tôi khi đó đã có anh Đỗ Thiện Trạch quân y sĩ được phân công phụ trách khu Khinh thương, tôi phụ trách chung nhưng đặc trách khu Trung thương. Ở khu này còn có 2 quân sĩ khá là anh Chất và chị Lê Bích Hoàn, vào chiến dịch được bổ sung thêm chị Nguyễn Thị Ngọc Toản sinh viên Y52, ngoài ra còn nhiều anh chị em hộ sĩ, hộ lý mà đa số là nữ. Đội đã tranh thủ thời gian chưa hành quân để làm công tác tổ chức, kiện toàn biên chế cho các bộ phận, bổ sung các trang bị cần thiết để làm nhiệm vụ, huấn luyện, tập dượt cho toàn Đội thành thạo trong việc đào hầm và lắp đặt phòng mổ, làm lán điều trị thương binh, tổ chức vận chuyển thương binh. Tất cả chúng tôi khi đó đều khá trẻ, một số ít còn rất trẻ vì chưa đủ 18 tuổi, vừa mới nhập ngũ nên thời gian này cũng cần thiết để mọi người làm quen với đời sống trong quân ngũ thời chiến, hiểu được hoàn cảnh riêng để giúp đỡ nhau khi làm nhiệm vụ. Không khí thật sự phấn khởi, hào hứng bao trùm toàn đơn vị, ai cũng mong chóng được lên đường đi chiến dịch.
Sau một thời gian chuẩn bị, vào một buổi tối đẹp trời trong tháng 10/ 1953, đúng ngày cấp trên quy định, ĐT2 chúng tôi bắt đầu hành quân, đi đâu khi đó còn bí mật chưa được phổ biến. Đêm đầu tiên rời Phương Nhuế (Đoan Hùng), chia tay với bà con nơi đóng quân thật là cảm động. Bà con đưa tiễn và chúc chúng tôi thắng trận trở về, bà con còn cho chúng tôi khá nhiều bưởi (bưởi Đoan Hùng nổi tiếng), bưởi đã gọt vỏ sẵn cho đỡ nặng, mỗi người chúng tôi tuy đã nặng về ba lô tư trang và gạo tiêu chuẩn nhưng vẫn cố mang theo để ăn dọc đường và để nhớ Phương Nhuế. Đường lên Tây Bắc với rừng núi chập chùng, đèo cao, vực sâu càng ngày càng hiện lên rõ. Hành quân đêm, trời mùa đông khá lạnh, có lúc có mưa, rút kinh nghiệm của chiến dịch Thượng Lào năm 1952, chúng tôi đã chuẩn bị nylon đủ để che mưa cho cả người và ba lô lẫn gạo, nên khi gặp mưa không lúng túng . Ban trung và khinh thương chúng tôi mặc dù có nhiều nữ vẫn tỏ ra đủ sức để hành quân vì ai cũng lo phải quay về hậu phương không được dự chiến dịch. Khi đó với chúng tôi vẫn hết sức mơ hồ, chúng tôi thực sự cũng không băn khoăn nhiều vì lúc này ai cũng thấy tin tưởng ở trên. Dọc đường các đoàn dân công hỏa tuyến cũng nườm nượp, người gánh, người đi xe thồ … gặp nhau câu hò, tiếng hát vang lên, tất cả đều động viên nhau nhanh ra mặt trận.
Đêm qua đêm, cùng với nhiều gánh gồng dụng cụ thuốc men, lều mổ, nồi niêu, gạo, muối và thực phẩm, toàn Đội đã lên tới Sơn La, tiếp tục lên đường đi theo hướng Lai Châu, qua ngã ba Tuần Giáo thì rẽ vào hướng Điện Biên Phủ. Từ đây, ĐT2 được lệnh đi theo bộ đội để sẵn sàng nhận thương binh khi xảy ra tác chiến, lúc đầu đi theo một Trung đoàn của Đại đoàn Quân Tiên Phong – Đại đoàn mới đây của tôi – sau đó đi theo số đơn vị khác và cứ như vậy đi một vòng bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ. Tôi còn nhớ có một địa điểm rất gần một đồn tiền tiêu phía Tây của địch, toàn Đội được lệnh hành quân tuyệt đối im lặng không được phát ra tiếng nói, không được phát ra ánh lửa, người đi sau cứ bám người đi trước, chặng hành quân này bảo đảm được an toàn, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Rất gần mặt trận nhưng lại nằm trong rừng núi nên khá khuất, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến cảnh kéo pháo rất gian khổ của bộ đội. Từng khẩu pháo được dùng tời, rất đông bộ đội phía trước, phía sau đẩy dần từng mét, lên dốc, xuống dốc, mồ hôi ướt đầm mặc dù đang là mùa lạnh, chúng tôi liên tưởng thấy những cố gắng của mình so với bộ đội chưa thấm vào đâu cả.
Chiến dịch bắt đầu thì ĐT2 nhộn nhịp thực sự vì các thương binh của hướng chính đổ về, Ban tôi nhanh chóng đầy ắp thương binh. Khu Khinh thương do anh Trạch phụ trách ở cách chỗ tôi vài trăm mét. Các thương binh thường được chuyển về ban đêm, qua sổ chọn lọc được phân phối về các khu bệnh rồi về các lán, các anh chị quân y sĩ khám xét ngay để phân loại đưa đi xử trí gấp trong đêm và buổi sáng cho những trường hợp cần thiết. Mỗi khu có một phòng mổ làm dưới mặt đất. Phòng mổ ban tôi hoạt động liên tục từ tối đến gần sáng thì ngừng để nhân viên chợp mắt lấy lại sức một lúc. Phẫu thuật ở khu Trung thương là phẫu thuật loại vừa, đa số ở tứ chi, cần được xử trí kỳ đầu tốt như cắt lọc các mô hoại tử, cầm máu, cố định gãy xương, nặng nhất là cắt bỏ chi, tất cả các phẫu thuật này vừa khả năng của chúng tôi, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm với nhau sao cho không có sai sót, cố gắng làm thật tốt, tỉ mỉ, chu đáo để tuyến sau không phải xử lí tiếp. Buổi sáng ăn xong là chúng tôi lại chia nhau khám bệnh, thay băng lại cho những trường hợp không phải mổ trong đêm, bó bột rồi phân loại những thương binh phải để lại tiếp tục xử lí trong đêm, những thương binh được chuyển về tuyến sau, xác định số cần phải cáng để chập tối bàn giao cho Đội vận chuyển đưa về tuyến sau. Ngay sau khi đại bộ phận thương binh rời khỏi Đội, các chị hộ sĩ, hộ lý vệ sinh lại các lán để đến đêm tiếp nhận các đồng chí thương binh mới. Suốt mấy chục ngày đêm của chiến dịch, công việc của Ban chúng tôi cứ diễn ra liên tục theo một nhịp điệu như vậy . Những tấm gương hy sinh dũng cảm của ( thu ) ngoài mặt trận đã động viên chúng tôi rất nhiều. Mặc dầu rất bận rộn và căng thẳng vì công việc phải hoàn thành nhưng không một ai tỏ ra mềm yếu, chán nản. Chiến dịch vẫn đang khẩn trương thì chị Ngọc Toản được lệnh điều động tăng cường cho trạm chuyển thương 59 của mặt trận.
Sau chiến thắng, khi đã chuyển hết thương binh về tuyến sau, cấp trên cho một số đồng chí trong Đội của chúng tôi được đi thăm Mường Thanh, căn cứ trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biện Phủ trước khi cùng đơn vị về xuôi. Một truyện bất ngờ khi đến Mường Thanh là được gặp lại chị Ngọc Toản, và ngay trong đêm đó chúng tôi trở thành đại diện cho đơn vị nhà gái dự lễ thành hôn của chị với anh Cao Văn Khánh – một cán bộ chỉ huy mặt trận. Khi xuống căn hầm tướng Đờ Cát và toàn bộ khu vực chỉ huy của địch được xây dựng rất kiên cố, chúng rôi càng thấy được Chiến thắng Điện Biên Phủ của ta thật vĩ đại.
Sau chiến dịch, việc vận chuyển thương binh về hậu phương là một việc rất lớn của ngành quân y. Tôi được cử phụ trách một đoàn vận chuyển thương binh bằng cáng bộ, các thương binh đều đã được xử trí phẫu thuật, song dọc đường vẫn phải băng bó và tiếp tục điều trị vết thương. Sau nhiều ngày đêm vất vả trên đường, đoàn chúng tôi đã đưa toàn bộ số thương binh an toàn về tới Phú Thọ bàn giao cho Phân viện 4. Lúc này bộ phận chính của ĐT2 đã về đóng quân ở Thanh Hóa, lập tức chúng tôi lại rời Phú Thọ đi về địa điểm mới của đơn vị.
Tại Thanh Hóa, chỉ sau một thời gian ngắn, Đội lại nhận nhiệm vụ điều trị cho các tù binh Pháp bị ốm trước khi trao trả họ cho phía Pháp. Ban tôi được phân công một khu bệnh. Các tù binh Pháp bị bệnh rất ốm yếu, phần lớn bị viêm đại tràng, phù do suy dinh dưỡng … Họ rất lo lắng về sức khỏe không biết có qua khỏi để được trao trả, mặt khác cũng bị mặc cảm là tù binh dễ bị bỏ mặc, đối xử không tốt. Ban chỉ huy Đội đã đả thông tư tưởng cho toàn thể nhân viên, yêu cầu làm tốt nhiệm vụ mới, lúc này họ đã là tù binh, phải thực hiện tốt chính sách nhân đạo của Bác, Đảng và Nhà nước để cảm hóa họ, cho họ thấy được lỗi lầm của họ khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi đã bám sát các bệnh nhân tù binh, làm tốt việc chẩn đoán, hội chẩn những trường hợp khó, sử dụng tất cả các thuốc men, dịch truyền cần thiết cho việc điều trị, tăng cường chế độ dinh dưỡng. Khẩu phần ăn của họ còn cao hơn của nhân viên lúc đó, các chị nuôi quân tìm mọi cách để cải thiện bữa ăn cho họ. Đợt điều trị có kết quả tốt, nhiều trường hợp hiểm nghèo cũng qua khỏi, công tác chính trị được coi trọng, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ chiến sĩ ta dần dần đã cảm hóa họ. Trước khi trao trả, nhiều tù binh đã bộc lộ những cảm tưởng rất tốt, nhiều người đã thấy được cuộc chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, thấy được thái độ thiện chí của Nhà nước ta, có tù binh đã nói hẳn khi về nước sẽ tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh đó, nhiều tù binh đã xin quạt nan, quạt giấy, quạt mo, xin chữ ký để làm kỷ niệm, một số gửi lại địa chỉ của họ ở Pháp hay một số nước Châu Phi hy vọng có ngày gặp lại. Khi trao trả họ tại Cá Lập (gần Sầm Sơn), nhiều tù binh đã ứa nước mắt hoặc đã khóc thực sự. Không một tù binh nào có thái độ chống đối ta, nhiều hình ảnh chia tay thật sự xúc động.
Bốn mươi mốt năm sau, năm 1995, nhân chuyến đi tham quan khoa học tại Pháp theo hợp tác giữa Quân y 2 nước Việt Nam và Pháp, trong một buổi gặp mặt bạn chiến đấu (Frères d’Amrmes), do phía Pháp tổ chức với các sĩ quan các nước đang học ở Pháp, tôi có gặp một sĩ quan Pháp đã về hưu. Khi biết tôi là sĩ quan Việt
Sau chiến dịch trao trả tù binh, ĐT2 được lệnh về tiếp quản Thủ đô, riêng tôi phải chia tay với Đội ở Sầm Sơn để làm nhiệm vụ phối hợp với Bộ Y tế đón tiếp đồng bào miền Nam ra tập kết. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này cho đến đầu tháng 11 năm đó (1954) thì được lệnh trở về trường Đại Học Y Dược Hà Nội tiếp tục học tập theo kế hoạch của Cục Quân y và Nhà trường.
GS.TS Phạm Tử Dương