Đi dọc một triền núi – GS. Đinh Xuân Lâm với phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam

Tác phẩm đáng kể đầu tiên là cuốn Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897 – 1914 (viết chung) (Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1957). Cuốn tiếp theo đã bắt đầu lộ rõ một phong cách sử học của Đinh Xuân Lâm, đó là nghiên cứu nhân vật: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (viết chung) (Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1958). Cũng cần nói thêm rằng, ngoài việc chú tâm nghiên cứu nhân vật, lịch sử, nhà sử học trẻ tuổi Đinh Xuân Lâm là một trong những người học trò gần gũi và thân thiết nhất của GS. Trần Văn Giàu – tôi muốn nói thêm là “trực tiếp nhất”, vì ngay những năm đầu tiên tham gia xây dựng chuyên ngành này ở mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, “chú Lâm”, theo cách gọi thân mật của giáo sư Giàu, là người trực tiếp giúp Giáo sư trong việc xây dựng cơ sở giáo trình, giáo án cho bộ môn và tất nhiên là cho ra mắt những tác phẩm sử học đầu tiên của chuyên ngành.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm – chuyên gia đầu ngành về lịch sử cận hiện đại/Ảnh: Bùi Tuấn

Trong những tác phẩm đầu tiên ấy, Đinh Xuân Lâm còn bộc lộ một thế mạnh khác khá hiếm trong các nhà sử học lúc đó là kết hợp nghiên cứu sử học và văn chương, tác phẩm Thơ văn Nguyễn Quang Bích (viết chung) (Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1962) là một dấu chứng đầu tiên. Sau này, người viết bài giới thiệu, tự thú vị bởi số phận sắp đặt có gì đó giống với thầy mình trong quan hệ với Giáo sư Giàu: suốt bao nhiêu năm làm việc ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể cả những năm đầu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (từ năm 1995), tôi cũng được Giáo sư Lâm cho thụ hưởng biết bao kinh nghiệm quý báu của thầy và theo cách, như thầy hay nói với tôi, là phương pháp truyền nghề của Giáo sư Giàu…

Càng thú vị hơn là ở thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ XX, trong nhiều cuộc công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giới mình, đã hơn một lần giáo sư Lâm rất khuyến khích tôi “dù bỏ lỡ nghiệp văn chương, nhưng hãy truyền nó vào ngòi bút sử học”, và điều này là một động lực và ám ảnh với tôi gần như suốt cuộc đời cầm bút của mình…

Ông là một trong “tứ trụ” huyền thoại của Khoa Lịch sử (cùng với GS.NGND Phan Huy Lê,

GS.NGND Hà Văn Tấn, cố GS.NGƯT Trần Quốc Vượng)/Ảnh: Thành Long

Nhưng có lẽ những tác phẩm đầu tiên của giáo sư Lâm đã khẳng định vững chắc vị trí của ông trong giới chuyên môn là việc được tham gia, đồng tác giả với bộ giáo trình Lịch sử cận đại Việt Nam mà GS. Trần Văn Giàu khởi xướng và chủ biên với ý nghĩa đích thực của nó. Bộ giáo trình in khổ lớn, mỗi tập không quá dày nhưng từ cách phân kỳ đến nội dung, phong cách thể hiện của nó đều đạt chuẩn mực cho nhiều thế hệ thầy cô giáo và đương nhiên là cả sinh viên, nghiên cứu sinh. Xin được phép nhắc lại, trong bộ sách này, ở tập 1, Lịch sử cận đại Việt Nam (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1959) ngay dưới tác giả Trần Văn Giàu là Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự. Ở tập 2 (1961), vị trí tên tác giả của Đinh Xuân Lâm vẫn đứng như vậy, sau Nguyễn Văn Sự, có thêm Đặng Huy Vận. Ở tập 3 (1961) và tập 4 (1963), vị trí tên tác giả Đinh Xuân Lâm vẫn không thay đổi, chỉ có tác giả thứ ba của tập 4 là thay đổi, xuất hiện cây bút mới Kiều Xuân Bá…

Sau này, Đinh Xuân Lâm còn tham gia viết nhiều bộ sử Việt Nam cận hiện đại khác, chẳng hạn cuốn gần đây nhất: Lịch sử Việt Nam (tập 3, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2012) (Đinh Xuân Lâm chủ biên).

GS.NGND Đinh Xuân Lâm và GS.NGND Vũ Dương Ninh tại Hội trường Mễ Trì năm 2003 /Ảnh: Bùi Tuấn

Khi trả lời phỏng vấn về sự nghiệp giáo dục của GS. Trần Văn Giàu, mặc dù thế hệ chúng tôi là “học trò của học trò” của Giáo sư, tôi có nhận xét rằng: “Bộ Lịch sử cận đại Việt Nam do Thầy Giàu làm chủ biên với những cây bút chủ lực như Đinh Xuân Lâm vẫn là bộ sách mẫu mực, rất sư phạm, rất cơ bản. Điều quan trọng là hệ thống tư liệu, quan điểm của bộ sử này chi phối giới sử học về lịch sử cận hiện đại Việt Nam một thời gian rất dài”. Nhắc lại nhận xét này, chúng tôi chỉ muốn khẳng định thêm rằng, ngòi bút Đinh Xuân Lâm ngay từ buổi đầu vào nghề đã có được một “bệ phóng” thuận lợi. Sau này, những quan điểm lớn của thầy về lịch sử Việt Nam cận đại từ phân kỳ, đến những nội dung chủ yếu của từng giai đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ chúng tôi trong giảng dạy cũng như nghiên cứu, dù rằng thời thế, học thuật, lối tiếp cận những thập kỷ gần đây có những thay đổi đáng kể.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV, Hội Cựu giáo chức Trường, Khoa Lịch sử và nhiều thế hệ học trò đến mừng thọ GS.NGND Đinh Xuân Lâm tuổi 90 tại nhà riêng vào tháng 5 năm 2015

Ngay từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ XX, câu cửa miệng và niềm tự hào của “Khoa Sử Tổng hợp” “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” chắc chắn với trường hợp giáo sư Lâm liên quan đến những phân tích trên đây của chúng tôi. Kiến thức uyên bác, khả năng truyền giảng cuốn hút của thầy đương nhiên được in dấu sâu đậm qua nhiều thế hệ trên khắp các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chuyên ngành trong nước và có lẽ cả ở nước ngoài khi giáo sư Lâm là một trong những người đầu tiên được cử làm giáo sư thỉnh giảng ở các trường Đại học Paris (Pháp), Madagascar (châu Phi)…

Dường như những năm tháng hoạt động nghề nghiệp sôi nổi, liên tục ấy với tư cách một chuyên gia lịch sử cận hiện đại đầu ngành, với vốn hiểu biết tích lũy quá phong phú, giáo sư Đinh Xuân Lâm không có thời gian lắng lại cho mình trong những tác phẩm riêng. Bù lại, ông tiếp tục có hàng loạt những cuốn sách viết chung mà giới chuyên môn vẫn nhớ: Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh (Nxb. Thanh Hoá, 1985), Thành phố Thanh Hoá (Thanh Hoá, 1990), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hoá Việt Nam (Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998); Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh (Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005); Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX (Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010); Phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX: Nhân vật và sự kiện (Nxb. Lao động, Hà Nội, 2012)… Cho dù như thế nào, việc trở lại những trang sử mà thầy tôi dành cả đời nghiên cứu của mình cho nó, xét về nhiều mặt vẫn là rất cần thiết…

GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐINH XUÂN LÂM

Năm sinh: 1925.

Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1984.

Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Thời gian công tác tại trường: 1956 – 1990.

+ Đơn vị công tác: Khoa Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

+ Chức vụ quản lý: Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận-Hiện đại, Khoa Lịch sử.

Các hướng nghiên cứu chính: Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam; Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.

Các công trình khoa học tiêu biểu:

Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897 – 1914 (viết chung), Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1957.

Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (viết chung), Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1958.

Thơ văn Nguyễn Quang Bích (viết chung), Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1962.

Lịch sử cận đại Việt Nam (đồng tác giả), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1959.

Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh, Nxb. Thanh Hoá, 1985; Thành phố Thanh Hoá, Thanh Hoá, 1990.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hoá Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010.

Phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX: Nhân vật và sự kiện, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2012.

 

GS. TS. Đỗ Quang Hưng

Nguồn:www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Di-doc-mot-trien-nui-GS-Dinh-Xuan-Lam-voi-phong-trao-chong-chu-nghia-thuc-dan-o-Viet-Nam-1-12206.aspx