Kính thưa đại diện gia đình GS Đặng Văn Chung, kính thưa quý vị và các bạn.
Hôm nay là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là ngày Trung tâm được tiếp nhận chính thức toàn bộ di cảo, di sản khoa học liên quan tới GS Đặng Văn Chung, một nhà Y học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX, người thầy kính mến của nhiều thế hệ bác sĩ mà sau này họ trở thành những nhà y học nổi tiếng của đất nước.
Ngày hôm nay cũng đặc biệt có ý nghĩa bởi đây là dịp gia đình, đồng nghiệp, trường Đại học Y Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng các thế hệ học trò của GS Đặng Văn Chung đang hướng về Giáo sư, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (8/3/1913-
8/3/2013). Chính vào thời điểm quan trọng này được sự tin cậy của gia đình GS Đặng Văn Chung, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận trách nhiệm vô cùng vinh dự và quan trọng trước gia đình và xã hội bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị toàn bộ tư liệu về lịch sử cuộc đời của giáo sư Đặng Văn Chung cho hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm sau.
Nhân đây cho phép tôi nói vài lời về Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là một tổ chức ngoài công lập, do Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học MEDLATEC thành lập nhờ sáng kiến của một số các nhà y học, bác sĩ. Trung tâm tự lĩnh trách nhiệm trước xã hội là cứu vớt những di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học và về các nhà khoa học Việt Nam như những bằng chứng quan trọng và sinh động của lịch sử đất nước.
Tại sao điều đó là quan trọng? Chúng ta đều biết một chân lý: Lịch sử là sự nghiệp của Nhân Dân. Mỗi một con người sống và hoạt động trong xã hội đều vừa là tác nhân vừa là nhân chứng của lịch sử. Các nhà khoa học từ người nổi tiếng, có nhiều thành tựu nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đến những nhà khoa học bình thường đều góp phần của mình, dù lớn hay nhỏ, vào ngành khoa học của mình, vào lịch sử đất nước. Điều đáng tiếc là những bằng chứng lịch sử ấy, những bằng chứng thông qua lịch sử cuộc đời của mỗi nhà khoa học, từ cuốn sổ ghi chép, từ bản thảo một bài viết, một bài giảng, một cuốn hồi ký, từ một tấm ảnh, băng hình video clip … thường không được xã hội coi trọng. Phần lớn những bằng chứng cá nhân ấy đều bị chính các nhà khoa học hay gia đình bỏ đi hay biết là giá trị đấy nhưng không làm sao giữ được. Khí hậu ẩm thấp, thời tiết khắc nghiệt, côn trùng hoành hành nên những lưu giữ ở gia đình phần lớn chỉ được một thời gian ngắn là hỏng. Nhà cửa chật chội, con cháu làm khác nghề không biết các giấy tờ của Ông Bà còn có giá trị gì, nên dần dần thất lạc hoặc biết giá trị đấy nhưng không biết gửi vào đâu, không đâu nhận cho hay gửi vào đâu là an toàn, là có thể giữ được lâu dài. Chính vì thế phần lớn tài liệu lịch sử cá nhân của các nhà khoa học trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã bị mất mát, không nơi nào lưu giữ.
Nhận thức rõ ràng những bằng chứng lịch sử đã và đang bị mất, những bằng chứng lịch sử của mỗi ngành khoa học đang bị lãng quên và mất dần theo thời gian, lịch sử cuộc đời của mỗi nhà khoa học càng bị mất đi nhanh chóng, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang từng ngày từng giờ chạy đua với thời gian để cứu vớt các di sản này. Nếu như các bệnh viện, các bác sĩ hoạt động để cứu chữa bệnh nhân, đem lại sự sống cho con người, kéo thêm tuổi thọ cho họ thì Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hoạt động để cứu các di sản vật thể và phi vật thể của từng nhà khoa học, kéo dài thêm tuổi thọ của các di sản đó. Nếu nền y học kéo tuổi thọ của con người đến trăm năm thì lĩnh vực bảo tàng và lưu trữ kéo tuổi thọ của di sản đến hàng trăm, hàng ngàn năm. Đáng tiếc là xã hội và nhiều nhà khoa học chưa nhận thức được đầy đủ điều này để cùng chúng tôi đồng hành trên con đường giữ gìn tài sản cho chính mình và cho xã hội. Vì thế cho đến nay sau 3-4 năm hoạt động chúng tôi mới được sự ủng hộ của gần 400 nhà khoa học, tiếp nhận và quản lý di sản của 400 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Con số đó rất nhỏ so với hàng vạn nhà khoa học của chúng ta. Nhưng chúng tôi rất vui và tự hào là đã cứu được hàng vạn trang tư liệu, hiện vật của các nhà khoa học, trong đó có nhiều tài liệu có giá trị lịch sử vô cùng lớn với đất nước, với lịch sử chuyên ngành khoa học.
Tôi trình bày dài dòng như vậy để muốn nói rằng Trung tâm vô cùng biết ơn gia đình GS Đặng Văn Chung đã giữ gìn cẩn thận những di sản liên quan đến cuộc đời hoạt động khoa học của GS Chung để đến nay có thể trao cho Trung tâm hơn 8000 đầu tư liệu. Đó là một con số khổng lồ đối với một hồ sơ cá nhân. Hồ sơ cá nhân này thực sự là khổng lồ không chỉ vì khối lượng lớn mà còn vì hồ sơ đó phản ảnh cả một cuộc đời của GS, bao gồm tất cả những gì liên quan tới một con người, từ gia đình, học hành, nghiên cứu khoa học, dạy học, chữa bệnh, từ các văn bản kế thừa tài sản, di chúc gia đình, từ những ghi chép các chuyến đi, từ hồi ký, từ những nét chữ rắn rỏi, rõ ràng đến nét chữ run run khi tuổi già. Những di sản của GS Đặng Văn Chung thật vô giá. Đó là những bằng chứng lịch sử sống mãi.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam vô cùng xúc động được gia đình tin cậy trao toàn bộ di sản của cha ông mình cho Trung tâm lưu giữ. Chúng tôi xin hứa với gia đình sẽ làm tốt nhất trong điều kiện có thể để bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị của khối tài sản khoa học vô cùng quý giá của GS Đặng Văn Chung.
Xin cảm ơn các anh các chị và toàn thể gia đình GS Đặng Văn Chung.
Chúc các Anh, các chị và toàn gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy