Giáo sư Đoàn Trọng Truyến tham gia cách mạng từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở nhiều cơ quan, trên nhiều cương vị và ở nhiều địa phương và cơ quan Trung ương khác nhau. Hai lĩnh vực mà Giáo sư tham gia hoạt động chủ yếu là giáo dục (công tác quản lý và giảng dạy đào tạo tại trường Đại học) và là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến VII và giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước mà quan trọng nhất là Chủ nhiệm Ủy ban vật giá Nhà nước và Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Đặc điểm của những hoạt động trên đây đã được phản ánh sâu đậm trong Di sản của Giáo sư để lại cho đời, mà nay gia đình Giáo sư đã chuyển giao những Di sản này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Di sản của GS Đoàn Trọng Truyến để lại với khối lượng khá lớn, phong phú, đa dạng, rất có giá trị để nghiên cứu, tìm hiểu nhiều vấn đề được đề cập trong đó. Di sản này chủ yếu gồm những khối tư liệu như sau:
1. Khối bản thảo.
2. Khối tư liệu ảnh.
3. Khối sách báo tư liệu.
4. Khối vật dụng cá nhân.
Dưới đây xin giới thiệu tóm tắt những khối này.
1. Khối bản thảo.
Khối bản thảo khá lớn gồm có 52 hộp thể hiện trong các nhóm tài liệu:
a/ Những bài viết.
GS Đoàn Trọng Truyến có rất nhiều bài viết đã được công bố trên báo, tạp chí, tham luận tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học… xin nêu một số bài:
– Góp ý về Dự thảo Hội nghị Trung ương IV.
– Nhìn lại Quốc hội đầu tiên, Hiến pháp đầu tiên.
– Đồng chí Phạm Văn Đồng nhà lãnh đạo kinh tế giàu kinh nghiệm.
– Tổ chức Nhà nước, Nhà nước và pháp quyền.
– Đảng lãnh đạo.
– Cải cách hành chính Nhà nước.
– Tư tưởng Hồ Chí Minh.
– Bảo đảm quyền tự chủ sản cuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở.
b/ Giáo dục đào tạo ở bậc Đại học
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, GS Đoàn Trọng Truyến làm công tác quản lý trường (Trường Đại học nhân dân, trường Đại học Kinh tế- tài chính, trường Hành chính Quốc gia nay là Học viện Hành chính Quốc gia) và làm công tác giảng dạy. Trong Di sản còn lại của Giáo sư còn lưu lại những giáo trình do Giáo sư biên soạn:
– Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (Giáo trình) .
– Vấn đề phi tập trung hóa.
– Khái niệm công vụ và công chức
Ngoài ra GS Đoàn Trọng Truyến còn lưu giữ được nhiều bài giảng của chuyên gia nước ngoài tại trường Hành chính Quốc gia
c/ Công tác nghiên cứu khoa học
Trong Di sản của mình, GS Đoàn Trọng Truyến để lại nhiều tài liệu về các công trình nghiên cứu khoa học và những công trình Giáo sư làm Chủ biên hay tham gia:
– Biên soạn Lexique (Từ điển), 1991 (Từ điển về quản lý hành chính Nhà nước).
– Đề tài “Cải cách hành chính ở Việt Nam” mang mã số VIE 92-002, 1993.
– Công trình khoa học “Hành chính phát triển và cải cách hành chính”, mang mã số 96-98-152.
– Từ điển Pháp- Việt về Hành chính luật công.
– Lịch sử Chính phủ, 2001.
d/ Sổ sách.
Những số sách ghi chép trong quá trình công tác của GS Đoàn Trọng Truyến rất nhiều.
e/ Tài liệu về cá nhân, gia đình và dòng họ
Tài liệu về cá nhân như: Hồ sơ lý lịch bản thân; các bản khai thành tích; Bản sao các bằng Huân; Huy chương mà giáo sư được tặng thưởng; thẻ Nhà giáo Nhân dân.
Tài liệu của gia đình có: Tài liệu, bệnh án, sổ khám sức khỏe của bà Nguyễn Thị Kim Sa (vợ Giáo sư); Học bạ của các con cái; Sổ mua lương thực và mua hàng của gia đình.
Tài liệu về dòng học Đoàn trong cả nước gồm các tập gia phả, tài liệu hoạt động của dòng học Đoàn trong cả nước.
2. Khối tài liệu ảnh.
Số lượng tài liệu bằng hình ảnh của GS Đoàn Trọng Truyến rất lớn, với hơn 2000 ảnh. Trong này có nhiều ảnh chụp từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), có nhiều ảnh đã bị mờ, hỏng. Còn lại phần lớn là ảnh chụp liên quan đến các sự kiện, sự việc, các hoạt động trong quá trình công tác của Giáo sư. Khối tài liệu ảnh này rất có giá trị giúp cho khai thác, nghiên cứu về nhiều lĩnh vực. Khó khăn lớn nhất, lâu dài và không dễ giải quyết và đòi hỏi rất nhiều sức lực, thời gian và sự tỉ mỉ đó là việc xác minh, biên tập hơn 2000 ảnh này về thời gian hình thành, địa điểm xảy ra, sự kiện hay sự việc, con người (chủ yếu là Giáo sư và các nhân vật quan trọng có liên quan) có trong ảnh.
3. Khối sách, báo, tạp chí, tư liệu.
Số sách, báo, tạp chí, tư liệu này rất lớn gồm hơn 1200 đều do GS Đoàn Trọng Truyến sưu tầm trong suốt quá trình hoạt động và công tác của ông.
4. Khối vật dụng đồ dùng riêng của GS Đoàn Trọng Truyến.
Đây là một số khá nhiều vật dụng hàng ngày của GS Đoàn Trọng Truyến như: Mũ phớt, quần áo, va li, cặp công tác, máy vi tính thế hệ đầu có ở Việt Nam những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, các vật lưu niệm và nhiều vật dụng khác.
Trong gần 90 năm của cuộc đời, đặc biệt những năm tháng tham gia Cách mạng, GS Đoàn Trọng Truyến đã để lại cho đời một Di sản khá lớn nêu trên. Qua đây có thể nhận biết GS Đoàn Trọng Truyến đã rất chú ý đến lưu trữ lại những tài liệu hình thành trong quá trình công tác và hoạt động của mình và sưu tầm được những tư liệu quý đã sắp xếp trật tự và bảo quản khá tốt khối những Di sản này. Rất cảm ơn gia đình của cố Giáo sư đã bảo vệ tốt và chuyển giao Di sản quý giá của GS Đoàn Trọng Truyến vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Từ Di sản mang tính cá nhân, nay đã trở thành Di sản phục vụ cho khai thác nghiên cứu của xã hội hôm nay của chúng ta và mai sau. Mặc dù GS Đoàn Trọng Truyến đã đi xa về với Tổ tiên nhưng Giáo sư vẫn luôn hiện hữu thông qua khối Di sản to lớn và giá trị của ông và phục vụ lại cho nhân dân và đất nước. Nhất định Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ bảo vệ, bảo quản an toàn và đặc biệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác nghiên cứu khối Di sản này trong xã hội.
Ngô Thiếu Hiệu
Hà Nội, tháng 12-2013