GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển là một trong những cán bộ đầu đàn của ngành Địa chất Việt Nam và là người đầu tiên xây dựng chuyên ngành địa chất và đào tạo cán bộ địa chất bậc Đại học ở Việt Nam, Đại học Bách Khoa và Đại học Tổng hợp. Ông là một cán bộ quản lý khoa học cấp cao của Việt Nam. Ông nguyên là Viện phó Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Khối lượng các bản thảo, bài viết về khoa học địa chất, về quản lý khoa học, về giáo dục và đào tạo chuyên ngành địa chất ở bậc Đại học, tư liệu sách, báo, tạp chí chuyên về địa chất….của ông để lại khá nhiều. Xin giới thiệu tóm tắt những di sản này của GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển dưới đây.
Khối bản thảo là khối tài liệu chủ yếu với số lượng lớn hơn cả của GS Nguyễn Văn Chiển về các hoạt động trong sự nghiệp của ông như: Nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, công tác đào tạo ở bậc Đại học và sau Đại học về chuyên ngành địa chất.
Năm 1963, GS Nguyễn Văn Chiển bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Địa chất tại Liên Xô. Trong di sản của Giáo sư còn lưu giữ được bản chính luận án Phó Tiến sĩ viết bằng tiếng Nga. Sau khi về nước công tác, Giáo sư đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học quan trọng về địa chất hoặc đồng tác giả với những nhà khoa học địa chất khác thể hiện trên một số tác phẩm như: Những xâm nhập đá bazo và siêu bazo ở miền Bắc Việt Nam, 1969; Địa chất đại cương, do Đại học Tổng hợp xuất bản, 1971; Địa chất miền Bắc Việt Nam (Bản thuyết minh cho bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam, tỉ lệ 1:500.000 (Đồng tác giả), NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1971; Thạch học (Đồng tác giả), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1973. NXB Giao thông vận tải, 1999; Những vấn đề địa chất Tây Bắc Việt Nam (Đồng tác giả), NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1977.
Bản thảo những tác phẩm này chưa thấy trong di sản của GS.TS Nguyễn Văn Chiển hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Chiển còn có nhiều bài viết hiện có trong Di sản của Giáo sư được trình bày trong Hội thảo Khoa học trong nước hay Quốc tế và những bài viết khác, thí dụ như: “Vấn đề chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài” là báo cáo mở đầu tại Hội nghị khoa học về chính tả và phiên âm tiếng nước ngoài, ngày 21-4-1995. Hay “Một số suy nghĩ về phương pháp sử dụng bauxit miền Nam Việt Nam”….
Công tác quản lý khoa học được phản ánh trong di sản của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển chủ yếu tập trung ở các chương trình khoa học cấp Nhà nước mà Giáo sư được giao làm chủ nhiệm chương trình như: Átlát Quốc gia Việt Nam (Địa chất), Từ điển Địa chất và Chương trình Tây Nguyên. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của GS Nguyễn Văn Chiển, nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau đã được huy động tập hợp lại để thực hiện những chương trình khoa học to lớn và quan trọng này. Trong nhóm bản thảo thuộc di sản của Giáo sư có: Chương trình kế hoạch công tác và đề cương thực hiện đề án nghiên cứu khoa học, báo cáo công tác đã thực hiện, biên bản họp Hội đồng của chương trình khoa học Nhà nước, báo cáo của Nhà xuất bản, danh sách các tác giả và công tác viên của mỗi chương trình khoa học Nhà nước, các báo cáo chuyên đề thuộc từng lĩnh vực chuyên môn, hợp tác Xô – Việt về Átlát quốc gia, hồ sơ chính Át lát quốc gia (có dấu đỏ) là bút tích ghi lại của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển……
Một trong những khó khăn nhất của các tác giả dưới sự chủ nhiệm của GS Nguyễn Văn Chiển là vấn đề chính tả và phiên âm chuyển tiếng nước ngoài. Khi làm Từ điển Bách khoa Việt Nam và Átlát quốc gia Việt Nam. Những vấn đề này không mới mẻ gì và đã được nhiều nhà khoa học và ngôn ngữ đề cập đến nhiều lần, đặc biệt là trong xây dựng từ điển thuật ngữ chung và từng chuyên ngành khác nhau. Tập thể các tác giả của những chương trình khoa học Nhà nước đã xây dựng “Quy tắc (biên soạn) chính tả tiếng Việt và phiên âm chuyển tiếng nước ngoài làm cơ sở cho biên tập “Từ điển Bách Khoa Việt Nam” và “Átlát quốc gia Việt Nam”. GS Nguyễn Văn Chiển không phải là nhà ngôn ngữ học và chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Việt nhưng do thực tế khi thực hiện những chương trình khoa học nhà nước đã buộc Giáo sư phải đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực này để vận dụng vào thực tiễn công tác. Ngoài đề xuất của Giáo sư về “Nước ta cũng cần có luật về ngôn ngữ và chữ viết”, Giáo sư còn có nhiều bài viết về lĩnh vực này như: Vài điểm về phiên âm tiếng nước ngoài, 2004 (Điều làm tôi hết sức băn khoăn); Nhận xét cuốn sách về la tinh hóa một số ngôn ngữ trên thế giới (2007); Vấn đề chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài; Báo cáo cách viết thuật ngữ khoa học tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa; Phiên âm và chính tả vấn đề vẫn cần phải bàn (Mục Trao đổi trên báo Nhân dân, ngày 2-7-1995). Trong khối tài liệu di sản của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển còn nhiều văn bản đề nghị phong hàm cho nhiều nhà khoa học.
Giáo sư Nguyễn Văn Chiển có hơn 10 năm làm công tác giảng dạy chuyên ngành địa chất ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội và hơn 10 năm giảng dạy ở khoa Địa lý thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà nội. Giáo sư Chiển còn giữ lại được kế hoạch giảng dạy của thầy trong một số năm học. Giáo sư còn nhiều bài viết mang tính giáo trình như: Phương pháp Fedorop; Phương pháp xác định Plagiocla; Nhiệt động học của sự nóng chảy của Granit và bazan; Các thành tạo mac ma xâm nhập; Xơ sở nhiệt động học dùng cho các nhà khoáng vật, thạch học và địa chất; Ý kiến về việc giảng dạy môn địa lý tại trường phổ thông. Đặc biệt GS Nguyễn Văn Chiển có bài viết mang tầm nhìn xa trông rộng về “Xây dựng Đại học hàng đầu của Việt Nam tạo điều kiện hội nhập trên tư thế bình đẳng và phát triển bền vững”.
Trong di sản của GS Nguyễn Văn Chiển còn có nhiều báo cáo tóm tắt luận án Tiến sĩ về lĩnh vực địa chất của nhiều người. Từ đây, tôi chủ quan suy đoán Giáo sư Chiển đã tham gia nhiều Hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ của nhiều nghiên cứu sinh. Giáo sư còn có nhiều báo cáo khoa học của nhiều người gửi cho mình. Ngược lại GS Nguyễn Văn Chiển cũng có nhiều bài viết và sưu tầm về nhiều nhà khoa học và những người khác về nhiều vấn đề khác nhau.
Khối sách, báo, tạp chí, tư liệu của GS Nguyễn Văn Chiển khá lớn gồm trên 1000 cuốn tạp chí và có những tư liệu về chuyên môn mà Giáo sư sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Những sách, báo, tạp chí, tư liệu này rất có giá trị cho nghiên cứu tham khảo về nhiều lĩnh vực của ngành địa chất.
Những tài liệu cá nhân của GS Nguyễn Văn Chiển gồm các loại: Thư từ của bạn bè, đồng nghiệp gửi cho Giáo sư; Bưu thiếp; Thư từ của con cái gửi cho Giáo sư; Luận văn của Tiến sĩ Hoa Cương-con trai Giáo sư ( tại Bacu 1984); Ấn phẩm hồ sơ về khu học xá (tại Nam Ninh, Trung Quốc-chú thích của tác giả bài viết này); trường Chu Văn An thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Danh sách học sinh trường Bưởu 1938-1945 và nhiều khóa sau; Một số ít tài liệu về Hội địa chất Việt Nam. Số phim ảnh của GS Nguyễn Văn Chiển hiện bảo quản tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam không nhiều.
GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển vừa là nhà khoa học vừa là nhà giáo có uy tín cao. Di sản của Giáo sư để lại khá lớn và có nhiều giá trị về khoa học đã được gia đình Giáo sư chuyển vào lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Từ những di sản cá nhân khi còn lưu giữ tại gia đình thì nay đã mang thuộc di sản của Quốc gia, phục vụ rộng rãi cho khai thác nghiên cứu của nhiều người của hôm nay và mai sau, phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Xin trân trọng cảm ơn các thành viên gia đình của GS Nguyễn Văn Chiển đã giữ gìn và tin tưởng bàn giao di sản quý giá này của GS Nguyễn Văn Chiển vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Nhất định Trung tâm sẽ bảo quản an toàn và phục vụ tốt các yêu cầu khai thác nghiên cứu di sản này của xã hội.
Hà Nội, ngày 2-11-2013
Ngô Thiếu Hiệu