Di sản để lại

Năm 2014 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề, nghiên cứu GS.TS Nguyễn Xuân Đặng. Hiền từ và nhân hậu là điều mà chúng tôi cảm nhận được trong suốt quá trình làm việc với ông. Ông say sưa kể về những dấu mốc cuộc đời, với những thăng trầm khó có thể quên, để rồi ông trở thành một nhà khoa học có nhiều đóng góp trong chuyên ngành Thủy lợi. Cuối đời, mặc dù sức khỏe yếu, lại bị nặng tai, nhưng khi biết sự phát triển của Trung tâm, mắt ông ánh lên niềm vui, sự yên tâm về một nơi ông đã trao gửi những tài sản khoa học của mình. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin điểm một vài đóng góp của GS.TS Nguyễn Xuân Đặng như một lời tri ân đến ông cùng gia đình.

GS.TS Nguyễn Xuân Đặng sinh ra tại vùng quê có truyền thống hiếu học ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Những năm học phổ thông, ông luôn đạt kết quả tốt. Năm 1953, sau khi học dự bị đại học tại trường Dự bị đại học- Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Đặng được cử đi học lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc để chuẩn bị đi học tại trường Đại học Thiên Tân ở Trung Quốc. Khi là sinh viên năm thứ hai, ông Đặng được nhận bằng khen sinh viên ưu tú, tặng phẩm là huy hiệu chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông và một quyển sách. Trong suốt 4 năm học (1953-1958), để luôn xếp loại khá-giỏi, sinh viên Đặng luôn tuân thủ phương pháp học: Ghi chép đầy đủ bài giảng trên lớp; đọc nhiều sách khác nhau; chăm chỉ học tập.

Sinh viên Nguyễn Xuân Đặng (bên trái) cùng bạn học trường Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, năm 1958

Tốt nghiệp đại học trở về nước năm 1958, Nguyễn Xuân Đặng công tác tại bộ môn Thủy lợi, khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm đầu, trường mới thành lập, trang thiết bị và tài liệu còn thiếu thốn, thầy Đặng đã tự chế tạo giáo cụ trực quan, làm mô hình đập bằng gỗ để phục vụ cho giảng dạy; đồng thời thầy tham khảo nhiều sách chuyên môn của nước ngoài để cùng đồng nghiệp biên soạn giáo trình như Bê tông cốt thép, Sổ tay thủy lợi…. Năm 1960, ông Nguyễn Xuân Đặng cùng sinh viên khóa 3, chuyên ngành Thủy lợi nghiên cứu đề tài do Bộ Thủy lợi giao cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội là thiết kế hồ Thành Xăng ở Đông Triều, Quảng Ninh. Ông vừa trực tiếp nghiên cứu, vừa hướng dẫn sinh viên thực hiện. Đây cũng là tiền đề giúp sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Năm 1961, thầy Nguyễn Xuân Đặng là giảng viên đầu tiên của trường vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Năm 1963 giảng viên Nguyễn Xuân Đặng được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Bách khoa Leningrat, Liên Xô. Về nước năm 1967, ông công tác tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sơ tán ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Những năm tháng sơ tán, không có trang thiết bị, tài liệu, các thầy giáo đều phải giảng “chay”. Để khắc phục tình trạng trên, năm 1969, ông Đặng và đồng nghiệp đã tham khảo những cuốn sách mang từ Liên Xô về, nhanh chóng soạn xong giáo trình Thủy công. Cùng trải qua thời kỳ khó khăn nên mối quan hệ thầy và trò rất thân thiết. Đến năm 1970, ông cùng trường sơ tán tại Hương Canh, Vĩnh Phúc. Ông lần lượt giữ các chức vụ như: Tổ trưởng bộ môn Thủy công, Phó Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm khoa Xây dựng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội. 

GS.TS Nguyễn Xuân Đặng phát biểu tại Viện Nghiên cứu Thiết kế đường sắt, năm 1993

Năm 1978, ông được cử làm Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng học hàm, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Năm 1987, GS.TS Nguyễn Xuân Đặng được cử sang Algieri làm Tùy viên sứ quán Việt Nam. Tại đây, ông phụ trách quản lý công việc của các chuyên gia Việt Nam tại nước bạn; Bí thư Chi bộ và Thường trực Đảng ủy khối Algieri. Sau 2 năm hết hạn hợp đồng ông Nguyễn Xuân Đặng xin ở lại làm chuyên gia giảng dạy tại trường Đại học Blidu, Cộng hòa Algieri. Ông được phân công giảng dạy môn cấp nước, là môn học ông chưa từng giảng dạy, cho sinh viên năm thứ 3, thứ 4. Ông đã tham khảo nhiều tài liệu và soạn giáo án chi tiết, có thể lường trước những vấn đề mà sinh viên sẽ hỏi. Với vốn tiếng Pháp thông thạo, ông đã giảng dạy tốt và được đồng nghiệp tín nhiệm, sinh viên kính trọng. Ông được giao hướng dẫn sinh viên làm luận văn Thạc sĩ về tính toán thủy lực tưới phun. 

Ông là tác giả của gần 20 bài báo được công bố trên các tập san, tạp chí, tuyển tập trong nước. Từ năm 1960, GS.TS Nguyễn Xuân Đặng đã tham gia, chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Trường, trong đó nổi bật là những nghiên cứu tham gia thiết kế Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ông chủ biên nhiều giáo trình, sách chuyên khảo như: Thủy công, Cơ sở tính toán các công trình thủy lợi bằng đất, Công trình tháo lũ trong đầu mối hệ thống thủy lợi, Sổ tay kỹ thuật thủy lợi… Ghi nhận những công lao, đóng góp của GS.TS Nguyễn Xuân Đặng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đảng, Nhà nước đã tặng các danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ.

Trút hơi thở cuối cùng ở tuổi xưa nay (thọ 90 tuổi), GS.TS Nguyễn Xuân Đặng để lại niềm tiếc thương và cảm phục của nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò trong chuyên ngành Thủy lợi. Những ký ức, những tư liệu hiện vật mà ông trao gửi cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là tài sản quý giá khi nghiên cứu lịch sử cuộc đời nhà khoa học, cũng như lịch sử ngành khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương Thúy