Di sản lớn về khoa học địa chất





Trở về từ núi Nưa (Thanh Hóa), GS Phan Trường Thị tặng chúng tôi mẫu đá mafic, loại đá có nhiều ở núi Nưa. Đây là loại đá được GS Nguyễn Văn Chiển nghiên cứu trong đề tài luận án phó tiến sĩ “Các đá mafic và siêu mafic miền Bắc Việt Nam và các khoáng sản liên quan”, vì vậy ông cùng đồng nghiệp có ý tưởng tạc tượng Thầy Nguyễn Văn Chiển bằng đá mafic, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy (4/11/1919 – 4/11/2019).

 GS.TSKH Phan Trường Thị chia sẻ về mẫu đá mafic sưu tầm ở núi Nưa (Thanh Hóa) cùng nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản CNKHVN, 8-10-2019.

Được biết tin Trung tâm đang lưu trữ cuốn luận án của Thầy Nguyễn Văn Chiển mà ông đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay, ông vô cùng vui mừng và lập tức cùng GS Tống Duy Thanh tới Trung tâm để được mục sở thị tài liệu quý giá này. Qua GS Phan Trường Thị, chúng tôi may mắn được nghe những thông tin, câu chuyện quý báu xoay quanh quá trình làm luận án của GS Nguyễn Văn Chiển, mà chúng tôi đang tìm lời giải.

GS.TSKH Phan Trường Thị chia sẻ về thông tin cuốn luận án của GS Nguyễn Văn Chiển cùng nghiên cứu viên Trung tâm Di sản CNKHVN, 8-10-2019

Theo GS Phan Trường Thị: “Luận án phó tiến sĩ của GS Nguyễn Văn Chiển là công trình được tích lũy, thu thập tư liệu trong quá trình Thầy tham gia lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỉ lệ 1:500000. Luận án được thầy viết và bảo vệ thành công bằng tiếng Pháp tại trường Đại học Mỏ Leningrad (Liên Xô). Đây là luận án đầu tiên của ngành Địa chất, mở ra con đường đào tạo cán bộ sau đại học ở Việt Nam. Trong bối cảnh bấy giờ, người ta tập trung nghiên cứu về đá axit để phục vụ tìm mỏ thiếc, chì, kẽm, còn đá mafic do thầy Chiển nghiên cứu liên quan đến khoáng sản nặng nên chưa được chú ý. Giáo sư Nguyễn Văn Chiển là người đã khai phá, tạo ra tiền đề nghiên cứu về đá mafic, phục vụ cho việc khai thác khoáng sản, kim loại nặng, góp phần phát triển nền kinh tế của đất nước. Hiện nay, loại đá này ngày càng có giá trị vì liên quan đến kim cương và các loại quặng quý như platin, crôm”.

GS.TSKH Tống Duy Thanh kể về GS Nguyễn Văn Chiển qua những bức ảnh, 8-10-2019

Trong khối tài liệu hiện vật của GS Nguyễn Văn Chiển, đặc biệt là cuốn luận án không những còn nguyên giá trị về mặt khoa học, mà còn là những di sản quan trọng để lại cho các thế hệ học trò, những nhà địa chất nói riêng và cho nền khoa học của đất nước nói chung.

Tạ Thị Anh