Điểm tựa tình yêu

Ngọt ngào như tình yêu tuổi trẻ

Năm 1959, khi vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, Bùi Anh Định được phân công về Đội Cầu 5, Cục Kiến thiết cơ bản, Bộ Giao thông, làm việc tại Công trường xây dựng cầu Kim Bôi – Hòa Bình, với vai trò thực tập kỹ thuật. Người trai Hà thành bảnh bao, lịch lãm và đầy “chất” công tử ấy đã có hai năm ăn, ngủ trong các lán trại tạm bợ cùng với 500 công nhân trên xứ Mường nơi cửa ngõ Tây Bắc. Trong những ngày tháng đó, sự hóm hỉnh, nhanh nhẹn và hay chuyện của Phạm Trinh Cát – anh bạn bên phòng Tài vụ – đã làm Bùi Anh Định khuây khỏa phần nào những khó khăn nơi rừng thiêng nước độc, ngổn ngang đất cát, mối hàn…

Do cả hai đều có gia đình ở Hà Nội nên mỗi lần về phép Bùi Anh Định lại tới thăm nhà bạn và đem chút sản vật từ Hòa Bình của bạn gửi về cho gia đình. Sau nhiều lần qua lại, Bùi Anh Định đã đem lòng cảm mến cô em gái anh Trinh Cát – Phạm Lê Thu. Tình cảm giữa hai người ngày càng thắm thiết sau những bức thư thăm hỏi, động viên, những buổi hẹn hò "chớp nhoáng"…

Cầu Kim Bôi khánh thành chưa lâu, Bùi Anh Định được Bộ Giao thông điều đi làm cán bộ kỹ thuật tại công trường cầu Phủ Lỗ (Đông Anh), năm 1961. Ngày đó, Bến Nứa, một bến xe dưới chân cầu Long Biên là nơi Phạm Lê Thu vẫn thường đứng chờ Bùi Anh Định vào mỗi dịp cuối tuần, khi ông được về phép. Có lần, Bùi Anh Định vội quá, trên mình vẫn còn mặc chiếc áo đại cán còn lấm lem bụi bẩn, nồng nặc mùi hôi hám của đất đèn ở công trường. Hai người đi bên nhau mà ngượng ngùng không nói được lời nào.

Trong những ngày tháng ấy, gia đình bà Phạm Lê Thu vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng nặng nề từ cuộc cải cách ruộng đất sau năm 1954, lại gặp phải sóng gió từ chính sách cải tạo kinh tế thời kỳ đó. Khó khăn lắm bà mới được một người chú họ xin cho làm ở nhà máy chè Phú Thọ. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, nỗi nhớ gia đình và người yêu cứ thường trực đến nao lòng. Những rặng ổi xanh đương mùa quả chín trên đường Quảng Bá, Nghi Tàm, nơi ghi dấu bao kỷ niệm với Bùi Anh Định cứ ẩn hiện trước mắt, để rồi thúc giục, dẫn dụ người con gái trẻ ấy đi đến một quyết định liều lĩnh: trốn về Hà Nội.

Một chiều muộn, nhân lúc chú không có nhà, Phạm Lê Thu xách theo một cái làn nhỏ và đi về hướng nhà ga. Bà vừa đi vừa chạy, băng qua con đường mòn trong rừng cọ, xung quanh là những mỏn đồi nhấp nhô, điệp trùng. Thỉnh thoảng vọng lên tiếng kêu khắc khoải của chim bìm bịp trong cái hoang sơ, heo hút rặt những lùm cây giữa khoảnh khắc nhá nhem tối… Cuối cùng ga Vũ Ẻn cũng hiện ra trước mắt, thấm mệt vì 5 cây số đi bộ và phần nhiều do sợ hãi… bà ngồi thẫn thờ trên sân ga tới 1h sáng đợi chuyến tàu về Hà Nội. Tới ga Đông Anh, bà liền hỏi thăm đường tới Công trường xây dựng cầu Phủ Lỗ để tìm gặp Bùi Anh Định. Khi đang rảo bước thật nhanh trên con đê vắng vẻ gần công trường, bà nhìn thấy Bùi Anh Định đi xe đạp tiến về phía mình. Hôm đó, trên đường về nhà, Bùi Anh Định đã khuyên bà không đi làm xa nữa…

                                                                     

Vợ chồng Bùi Anh Định, năm 1965

Tối ngày 15-4-1964, phòng cưới Phương Hiên trên phố Tràng Tiền rộn rã tiếng vỗ tay và những lời chúc tụng. Cầm bó hoa cưới trong tay, đi bên cạnh là người vợ trẻ Phạm Lê Thu, trong lòng Bùi Anh Định cứ ngây ngất, lâng lâng một niềm vui khó tả. Ông đã chờ đợi ngày này từ rất lâu, đến nỗi sốt ruột, nóng lòng. Chả trách, hôm xin giấy giới thiệu đăng ký kết hôn từ lãnh đạo trường Đại học Giao thông vận tải – nơi ông đang công tác, vì vội nên không để ý đến lời xác nhận ngắn ngủn “Chưa có vợ”. Lời xác nhận ấy đã không được Ủy ban quận Hai Bà Trưng chấp nhận, ông phải xin lại giấy khác, lần này thì ghi rõ: “Từ trước tới nay chưa có vợ”. Đám cưới diễn ra trọn vẹn, tràn đầy hạnh phúc, sau những tháng ngày yêu đương ngọt ngào, tha thiết mà cũng lắm ưu phiền…

Điểm tựa vững chắc trong cuộc sống

Bé gái Bùi Thu Hương cất tiếng khóc chào đời chưa tròn năm thì đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Năm 1966, Hà Nội hối hả những bước chân sơ tán, Bùi Anh Định cũng theo trường Đại học Giao thông vận tải sơ tán về Mai Siu (Bắc Giang), dựng lán tiếp tục công việc giảng dạy. Còn vợ ông bồng theo con gái đi cùng cơ quan (Đội đảm bảo giao thông đường sông, thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) lui về sơ tán tại làng Dịch Vọng – ngoại thành Hà Nội. Họ chỉ còn cách gặp nhau qua những bức thư nhắn nhủ, động viên cùng nhau cố gắng. Trong một bức thư gửi vợ, Bùi Anh Định viết:“Thu này! Lần trước anh đi Hà Tĩnh về, có nhận xét là dạo này Thu hơi già đi phải không? Thu có vất vả lắm không? Hay Thu lo nghĩ gì nhiều không? Anh cứ phải đi công tác luôn, lại ở xa hai mẹ con nên không giúp đỡ được gì. Nhiều lúc cũng buồn và chắc Thu cũng trách thầm anh chứ? Thôi cố gắng lên! Thu nuôi Hương ngoan, khỏe mạnh là Thu giúp anh trong công tác cho được tốt. Tốt nhiều thì Thu phải vất vả nhiều…”[1]. Cứ vài tuần, Bùi Anh Định lại đạp xe từ nơi sơ tán về Dịch Vọng thăm vợ con một lần. Có thời gian vài tháng, bà Thu không thấy ông về, thư từ cũng không, chỉ có tiền lương của ông là đều đặn được gửi về. Hỏi ra mới biết ông đang đi các tỉnh để tham gia đảm bảo giao thông cho các tuyến cầu, đường bị giặc Mỹ đánh phá. Chiến tranh thì ngày càng ác liệt. Bà thấp thỏm lo âu. Nhiều đêm trong giấc chiêm bao bà “thấy” ông đã nằm lại đâu đó vĩnh viễn không trở về…

Những năm tháng "bom rơi, đạn nổ", Bùi Anh Định đầu đội mũ lá rong ruổi trên chiếc xa đạp "cà tàng" đi khắp nơi sửa cầu và tổ chức lớp học cho các Ty Giao thông địa phương: Từ cầu Đuống (Gia Lâm, Hà Nội) xuống cầu Lai Vu, cầu Phú Lương (Hải Dương), ngược lên cầu Sông Sỏi (Thái Nguyên)… Có đợt cao điểm, Bùi Anh Định phải nhiều lần vào Thanh Hóa, Quảng Bình. Ông còn tham gia cùng với các giảng viên Nguyễn Quốc Thái, Phan Đình Thanh ở Tổ Cầu (Đại học Giao thông vận tải) thiết kế cầu phao gỗ, cầu phao thép,… để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường.

Tháng 6-1973, một tin vui đến với gia đình Bùi Anh Định, khi ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Đại học Bách khoa Warszawa, Ba Lan. Một năm theo học lớp chuyên tu tiếng Nga tại trường Đại học Ngoại ngữ trước khi đi Ba Lan, là ròng rã một năm Bùi Anh Định hàng ngày phải đạp xe đi và về tới 4 lượt, từ nhà riêng ở số 35 Nguyễn Khắc Hiếu đến địa điểm học ở Thanh Xuân. Buổi sáng, bà Thu thường rang cơm cho chồng ăn trước khi đến lớp, không có mỡ mà chỉ có xì dầu để rang cơm. Thỉnh thoảng, bà cũng cố gắng cải thiện chế độ dinh dưỡng cho chồng: Hôm nào dư dả một chút thì tôi mua 5 quả chuối chia cho cả gia đình, gồm bố mẹ chồng, 2 đứa con và ông ấy (GS.TSKH Bùi Anh Định – TG), mỗi người một quả. Đôi khi chỉ đủ tiền mua 2 quả chuối, tôi phải cho vào cái túi bằng vải bạt rồi treo ở một cái đinh cao nhất trên tường. Đến đêm, khi chồng học bài thì tôi mới mang xuống cho ông ấy ăn[2].

Để chồng yên tâm học tập, công tác, bà Phạm Lê Thu còn nhận len về đan áo vào buổi tối để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống cho gia đình gồm 6 thành viên: 2 vợ chồng, 2 người con và bố mẹ chồng. Hàng đêm, bà lục tục lôi trong hộc tủ gói trà Liên Hoa (thường được gọi là chè “3 hào”) cùng với gói đường đen đóng cục của Cu Ba pha trà cho ông uống mong ông có thể tỉnh táo thức khuya học bài. Ngày ấy, trà mua theo “tiêu chuẩn” cho nên mỗi ấm trà ông phải dùng rất “dè xẻn” – một ấm pha đến 3, 4 lượt nước sôi. Có lẽ do quá quen với loại đồ uống đặc biệt mà vợ thường pha cho mình trong những năm tháng khó khăn ấy, cho nên đến nay GS.TSKH Bùi Anh Định vẫn thích uống nước trà pha đường vào cốc to – mặc dù cuộc sống bây giờ đã tốt hơn, có nhiều đồ uống ngon và tiện dụng hơn.

                                                          

Vợ chồng GS.TSKH Bùi Anh Định, năm 2014

M. Gorki đã nói: “Tất cả vẻ đẹp và những điều diệu kỳ trong cuộc sống được tạo nên là nhờ vào sức mạnh tình yêu của người phụ nữ”. Vì thế, sau một chặng đường dài cống hiến hết mình trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học… trải qua nhiều vinh quang mà cũng gặp không ít gập ghềnh, gian khó…, đến khi nhìn lại, hơn ai hết GS.TSKH Bùi Anh Định – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải hiểu rằng những thành công ấy đều có bóng dáng của người vợ hiền hết mực yêu thương chồng con. Bà vẫn luôn là một điểm tựa vững chắc cho ông toàn tâm toàn ý với sự nghiệp, biết vậy nhưng chưa một lần ông dành cho bà những lời “có cánh”, bởi nhiều khi:

 Lòng bối rối cả hai cùng im lặng,

 Anh vụng về chẳng biết nói điều chi.

 Tay vuốt nhẹ lưng áo em chỉ thế

 Thay biết bao lời nói bởi vụng về…[3]

Bà Thu lý giải về những ý thơ: "Qua 50 năm chung sống vợ chồng, nếu như cô làm điều gì mà thầy cảm thấy hài lòng thì thầy chỉ vuốt lưng cô mà không nói một câu gì…[4]. Cử chỉ ấy cũng đủ để bà cảm nhận được tình cảm yêu thương sâu đậm, trân trọng của ông đối với bà.

Giờ đây, vào mỗi dịp cuối tuần ông bà lại cùng nhau về căn nhà yên tĩnh gần phủ Quốc Oai xưa để hưởng thụ bầu không khí trong lành, tĩnh tại; để vun trồng thêm những luống hoa trong khoảng vườn xanh ngợp bóng mát. Họ vẫn hướng về nhau bằng những ánh nhìn trìu mến, những cử chỉ ân cần của cái tuổi xưa nay hiếm. Tôi hiểu rằng hạnh phúc ấy vẫn luôn êm đềm, mãn ý qua 50 năm đời sống vợ chồng. 

Đỗ Minh Khôi

___________________

 [1] Trích trong bài thơ do bà Phạm Lê Thu (vợ GS.TSKH Bùi Anh Định) sáng tác.

[2] Phỏng vấn vợ chồng GS.TSKH Bùi Anh Định, ngày 10-1-2013.

[3] Trích thư của Bùi Anh Định gửi vợ Phạm Lê Thu, ngày 18-7-1967.

[4] Phỏng vấn vợ chồng GS.TSKH Bùi Anh Định, ngày 10-1-2014.